Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 14-1-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 14-1

Sự kiện trong nước

14 đến 18-1-1949: Hội nghị cán bộ Trung ương Đảng lần thứ VI, chủ trương về Quân sự “mạnh bạo đẩy vận động chiến đi tới”, “trọng tâm lúc này là tiếp tục xây dựng bộ đội chủ lực.”

14-1-1950: Được coi là ngày đánh dấu sự thắng lợi của đường lối ngoại giao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà.

14-1-1976: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định 18/QĐ-QP về việc thành lập Trường Sĩ quan Chính trị trực thuộc Bộ Quốc phòng.

Trường là cơ sở đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn; cung cấp đội ngũ cán bộ chính trị, giáo viên khoa học xã hội và nhân văn, góp phần xây dựng quân đội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hợp tác quốc tế.

leftcenterrightdel
Một tiết mục văn nghệ tại buổi gặp mặt nhân kỷ niệm 45 năm Ngày truyền thống Trường Sĩ quan Chính trị. Ảnh: Daihocchinhtri.edu.vn 

Gần nửa thế kỷ xây dựng, chiến đấu, cống hiến và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ nhà trường đã phát huy bản chất tốt đẹp và truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, bền bỉ phấn đấu, vượt qua khó khăn gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trung tâm, xây dựng nhà trường ngày càng vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”.

Nhà trường đã triển khai toàn diện, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Quan tâm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên.

Ghi nhận những thành tích trong sự nghiệp giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, Trường Sĩ quan Chính trị vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ nhà trường luôn phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ và kỷ cương; chủ động, sáng tạo, vượt khó, vươn lên; góp phần tô thắm thêm truyền thống “Trung thành, sáng tạo, đoàn kết, vượt khó, dạy tốt, học tốt”.

14-1-1993: Quyết định của Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và Nghệ sĩ Ưu tú cho 37 nghệ sĩ Quân đội.

14-1-2011: Quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đổi tên Bộ chỉ huy Quân sự TP Hồ Chí Minh thành Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh, thuộc Quân khu 7.

Sự kiện quốc tế

14-1-1973: Buổi hòa nhạc Aloha from Hawaii của Elvis Presley được truyền hình trực tiếp qua vệ tinh, và lập kỷ lục chương trình phát sóng của riêng một nghệ sĩ được nhiều người xem nhất trong lịch sử truyền hình.

leftcenterrightdel
Elvis Presley. Ảnh: Nld.com.vn 

14-1-1960: Ngân hàng Dự trữ Úc, là ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý tiền tệ của nước Úc, được thành lập.

14-1-2004: Quốc kỳ nước Cộng hoà Gruzia, hay còn được gọi là cờ năm thập tự, được khôi phục và sử dụng chính thức lại sau một thời gian gián đoạn khoảng 500 năm.

Theo dấu chân Người

Ngày 14-1-1920, Nguyễn Ái Quốc lúc này là Thư ký “Nhóm người cách mạng An Nam” tại Pháp có một cuộc diễn thuyết vào 20 giờ 30 phút tại số 3 đường “Chateau”, Paris với đề tài: “Sự tiến triển trong xã hội của những dân tộc vùng châu Á và những lời yêu cầu của xứ An Nam”. Theo báo cáo của mật thám Pháp, vài ngày hôm sau (19-1), trả lời câu hỏi của một người đồng bào tên là Lâm e ngại việc làm của Nguyễn Ái Quốc là quá mạnh, nhà cách mạng trẻ thẳng thắn trả lời: Nếu ai hỏi tôi là “Nhóm người cách mạng An Nam” ở đâu, tôi sẽ trả lời là 20 triệu người ở trong nước, họ đã phản đối hằng ngày, nhưng bị đàn áp, bị dìm đi. Nói cho cùng, ai làm gì tôi? Lưu đầy tôi ư? Hoặc cắt đầu tôi? Điều ấy có xẩy đến tôi cũng bất cần!

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp phóng viên Mađơlen Riphô, Pháp trong Khu Phủ Chủ tịch, tháng 8-1966. Ảnh: Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Ngày 14-1-1921, Nguyễn Ái Quốc vào Bệnh viện Côsanh ở Paris để mổ áp xe vai. Ca mổ thực hiện vào ngày 19-1 và phải điều trị tại đó cho đến 25-3-1921. Trong thời gian này mật thám Pháp luôn theo dõi sát sao những tiếp xúc của nhân vật trong Đại hội Tua (Tours) cuối năm trước đã bỏ phiếu theo Quốc tế III. Dưới đây là đoạn trích trong đối thoại của Nguyễn Ái Quốc với viên mật thám giả là khách đến thăm:

"...Tại sao ông lại thích làm chính trị? Ông không sợ bị theo dõi, ông không sợ người ta làm hại ông?

Nguyễn Ái Quốc: Chẳng hề chi, tôi thích làm chính trị thì tôi chẳng sợ chết cũng chẳng sợ tù đầy. Trong đời này, chúng ta chỉ chết có một lần, tại sao lại sợ? ...Tôi vẫn luôn luôn có ý thành lập một tổ chức dưới hình thức một hội thân hữu để tất cả những người Đông Dương tại Pháp gặp gỡ nhau, học hỏi về chính trị. Không cần đông lắm. Để thành một lực lượng mạnh mẽ, điều cần thiết là phải đồng ý với nhau về quan điểm và có tinh thần yêu nước..."

14-1-1926, Nguyễn Ái Quốc đã ở Trung Quốc với bí danh là Vương Văn Đạt được mời đến phát biểu tại Đại hội lần thứ II của Quốc dân Đảng Trung Hoa. Kết thúc bài phát biểu, đại biểu Vương kêu gọi: “Tất cả các dân tộc bị áp bức nào, hễ cùng bị chủ nghĩa đế quốc áp bức, thì phải cùng nhau liên hiệp lại. Đả đảo đế quốc Pháp! Đả đảo chủ nghĩa đế quốc trên thế giới!... Không phân biệt nước nào, dân tộc nào, tất cả hãy đứng lên chống kẻ thù chung của chúng ta!”

Ngày 14-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 4 về việc cử người vào Uỷ ban nghiên cứu kế hoạch và kiến thiết, một cơ quan tư vấn được thành lập từ cuối năm 1945. Sức thu hút nhân tài của Bác Hồ không chỉ mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân mà thực sự đã quy tụ được trí tuệ của dân tộc.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Đồng bào miền Nam thắng vì đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu anh dũng và có chính nghĩa, cho nên được nhân dân tiến bộ các nước kể cả nhân dân Mỹ đồng tình và ủng hộ. Vậy anh em binh sĩ nên làm sao đây?”

Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chi Minh trong thư gửi binh sĩ ngụy quân, ngụy quyền ở miền Nam Việt Nam, được đăng trên Báo Nhân dân ngày 14-1-1964; trong bối cảnh đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đang tăng cường thực thi kế hoạch “chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam Việt Nam, thực thi gom dân, lập ấp, chia rẽ cộng đồng, đàn áp dã man, giết hại đồng bào vô tội...

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện tại Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước lần thứ 4 (30-12-1966). Ảnh tư liệu 
leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đoàn đại biểu Anh hùng, chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc (11-11-1965). Ảnh tư liệu 

Lời của Người đã khẳng định thành quả của cách mạng miền Nam, khơi dậy tinh thần đoàn kết, yêu nước, chiến đấu anh dũng, chống giặc ngoại xâm của đồng bào; đồng thời, là bản cáo trạng vạch trần tội ác của đế quốc Mỹ đã lôi kéo anh em miền Nam có “chung dòng máu” trở thành những binh sĩ - lính đánh thuê, bắt bớ, tra tấn, giết hại dã man đồng bào, người thân trong gia đình của mình. Qua đó, Bác kêu gọi anh em binh sĩ trong quân đội của chính quyền Sài Gòn do Mỹ dựng lên, hãy tỉnh táo sáng suốt, nhận rõ âm mưu thâm độc của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đang dùng người miền Nam đánh người miền Nam; đẩy binh lính tỉnh này đi giết hại nhân dân tỉnh khác, trong cuộc chiến tranh “nồi da nấu thịt”.

Lời của Bác đã tiếp tục khẳng định niềm tin chiến thắng, khích lệ, động viên tinh thần đoàn kết đấu tranh của đồng bào; chia sẻ với nỗi đau thương của nhân dân miền Nam; đồng thời, chỉ ra phương hướng, hình thức, phương pháp đấu tranh binh vận, vận động binh lính ngụy quân, ngụy quyền nhận rõ sai lầm của mình, giác ngộ cách mạng, mau chóng trở về với chính nghĩa, với nhân dân.

Nắm vững tinh thần nội dung lời thư của Bác, cán bộ trong các ban dân vận đã kề vai, sát cánh cùng nhân dân trong các ấp chiến lược, làng xã, vừa đấu tranh trực diện, vừa tích cực kêu gọi binh lính, người thân của mình trong lực lượng ngụy quân, ngụy quyền quay về, chống lại việc gom dân, lập ấp... và chỉ sau hơn một năm, tổng số binh sĩ địch rã ngũ lên đến hơn 99.000 người, số súng ta thu được 634 khẩu... Công tác binh vận vừa tạo thêm sức mạnh cho đấu tranh quân sự, vừa phát triển, phát huy thắng lợi của đấu tranh quân sự và chính trị; đồng thời, là một trong ba mũi giáp công được sử dụng hiệu quả, mang lại những thắng lợi quan trọng, góp phần hoàn thành cách mạng miền Nam, thống nhất đất nước.

leftcenterrightdel
Giờ học tập của Lớp hoàn chỉnh cao cấp lý luận chính trị khóa 9 tại Học viện Chính trị. Ảnh: TRUNG HÀ 

Ngày nay, lời của Bác Hồ dạy năm xưa vẫn là một tài liệu quý, được cán bộ, chiến sĩ Quân đội nghiên cứu học tập, vận dụng nâng cao chất lượng hoạt động công tác đảng, công tác chính trị; nhất là trong công tác tuyên truyền đặc biệt đấu tranh với các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.

(Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, tr.238)

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 413, từ ngày 14 đến ngày 16-1-1958 đăng bài và ảnh “Hồ Chủ tịch về thăm Bộ đội Hồng Hà chống hạn”. Bác và các đại biểu trong phái đoàn Chính phủ đã cùng tát nước với bộ đội và nhân dân.

Bác đã thân mật hỏi han các cán bộ địa phương và các vị lão nông về tình hình chống hạn. Sau đó, Bác đi thăm và khuyến khích mọi người dẻo tay gầu và vui vẻ phê bình, sửa chữa từng động tác của các đồng chí bộ đội và anh chị em thanh niên tát nước khỏe nhưng còn ít kinh nghiệm.

leftcenterrightdel
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 413, từ ngày 14 đến ngày 16-1-1958.
leftcenterrightdel
 

TƯỜNG VY (tổng hợp)