Anh Trình quê Nghệ An, là Tiểu đội trưởng thông tin, Sư đoàn 2, Quân khu 5, cùng đi trong tốp thu dung với tôi, thấy vậy, anh hỏi: “Đồng hương đang sốt rét à? “ “Vâng ạ”. Anh Trình: “Nếu sốt thì ở lại trạm để điều trị đã.” “ Mai em vẫn đi. Có người sốt 38 độ vẫn hành quân. Em muốn đuổi kịp đơn vị”. Anh Trình: “Sốt cao mà đi, sợ cuối ngày không tới được trạm mới, phải ngủ rừng thì nguy. Có thể gặp biệt kích, thám báo địch hoặc gặp thú dữ. Rừng Quảng Nam nhiều cọp (hổ) lắm. Ở dốc Cọp, đã có trường hợp đoàn người cùng đi mà cọp vẫn bắt mất 1 người, có người tắm suối bị cọp bắt.” “Em sẽ cố, cùng anh đi tới trạm“. Tôi hứa xong, lại run lập cập.
 |
Bộ đội hành quân vào chiến trường miền Nam. Ảnh: Tư liệu |
Anh Trình: “Đồng hương đừng chủ quan,... Nào, đi với tớ đến quân y trạm“. Anh kéo tôi ra khỏi võng... Nữ quân y đo thân nhiệt tôi rồi bảo: “Đồng chí đang sốt cao phải vào bệnh xá điều trị ngay”. Anh Trình: ”Hy vọng cùng chiến trường B1 (Khu 5) anh em mình sẽ gặp lại nhau“. Chia tay anh, tôi khoác ba lô, chống gậy ”Trường Sơn“ lần từng bước vào Bệnh xá. Khoảng 5 giờ chiều thì đến nơi: Mấy mái nhà lá cọ núp bóng những cây to, xung quanh có hầm, hào trú ẩn... Thấy tôi, một đồng chí nam từ trên mái nhà tụt xuống, nhận giấy giới thiệu và bảo: “Đồng chí mắc võng nghỉ, đơn vị lợp nhà xong sẽ làm thủ tục nhập viện”.
Tôi gieo mình vào võng rồi thiếp đi lúc nào không biết. Những hình ảnh đã khắc sâu trong trí nhớ cứ hiện ra: Chiều 17-8-1972, tại ga Phổ Yên, Thái Nguyên nhiều tốp người: Gia đình, quê hương, người yêu, bạn học và thầy cô các trường đại học, trường trung cấp ở Việt Bắc đứng trải dài trên sân, chờ tiễn đưa Tiểu đoàn lính tân binh - sinh viên – Đoàn 1040 đi B (đi chiến trường miền Nam). Trời nắng nhưng má nhiều người vẫn ướt bởi nước mắt. Mẹ của Quyết (tiểu đội tôi) cố lên được tàu, đưa cho Quyết gói xôi, ôm lấy Quyết như con trai còn bé bỏng lắm và dặn: “Con cùng các anh em đi mạnh khỏe, hoàn thành nhiệm vụ trở về nhé”. Mắt mẹ nhòa lệ ...
Chị gái tôi vừa đến bậc lên xuống của tòa thì một hồi còi tàu vang lên báo hiệu chuyển động, chị chỉ kịp dúi vào tay tôi tập giấy Pôluya và dặn: “Em đi mạnh khỏe, nhớ viết thư về nhé…”, rồi vừa chạy theo tàu vẫy tay, vừa khóc. Một em gái quần lụa áo gụ, vẫy nón và cố gào hết cỡ: “Anh Việt ơi …” Tiếng anh trai: “Phương… anh đi đây. Em nhớ chăm sóc sức khỏe bố mẹ nhé”. Toa tàu của anh Việt cứ chạy qua chỗ Phương. Cô bé chạy theo tàu một đoạn rồi ngã xuống sân ga vừa vẫy nón vừa gào khóc gọi anh trai mình… Từ các cửa sổ trên tàu nhiều phong bì thư bay ra, những người lính lên đường đi xa, mong người trên sân ga cầm thư gửi hộ qua bưu điện… Tôi mơ cả về gia đình và quê hương…
Tôi không rõ mình mơ và thiếp đi mấy lần. Tôi cựa mình khi cảm nhận ấm áp ở bàn tay, rồi nghe tiếng nói: “ A! Tỉnh lại rồi, tỉnh thiệt rồi!”. Tôi mở mắt ra, một bàn tay nhỏ nhắn nắm bàn tay tôi, 2 ngón đặt ở cổ tay. Tiếng con gái giọng miền Trung Trung Bộ: “Mạch anh ấy khá rồi chị Năm ơi“. Miệng tôi bật ra một câu trống không: “Tôi đang ở đâu đây “. Giọng một người phụ nữ : “Em đang nằm trên bàn cấp cứu“. “ Sao thế ạ?”. "Em bị sốt rét ác tính, Bệnh xá đã cấp cứu em từ 6 giờ chiều đến lúc này là 2 giờ sáng“. Tôi không ngờ mình bị sốt rét ác tính. Dưới ánh đèn dầu, thấy hai nữ và một nam đều mặc blouse. Tôi xúc động: “Cảm ơn các anh chị đã cứu em“. “Trách nhiệm của quân y mà, em tỉnh lại, mọi người mừng lắm. Cứ sợ em không qua khỏi. Chị là Năm, y sĩ, Bệnh xá trưởng, đây là anh Hạnh y sĩ, kia là Huấn y tá và là em út trong đơn vị“. Chị Năm và anh Hạnh lần lượt đặt tay lên trán tôi, cử chỉ thật gần gũi. Chị Năm: “Bây giờ em phải ăn để có sức chống chọi với bệnh tật, em muốn ăn gì nào?”. “Dạ, em xin cốc sữa ạ.“ Chị Năm: ”Huấn lấy lon sữa luộc nước sôi rồi pha cho anh Kim uống nhé “ (thời ấy, hầu như sữa lon ở các đơn vị trên đường giao liên đều bị phồng, phải luộc sôi trước khi dùng). Tôi uống sữa xong, chị Năm bảo: ”Huấn trực theo dõi sức khỏe bệnh nhân, có gì đột xuất báo cáo ngay.”.
Tôi tỉnh táo hơn, biết mình vừa được cấp cứu, tôi thầm cảm ơn cả anh Trình. Huấn hỏi tôi: “Anh thấy người khỏe hơn chưa ạ?“. Tôi trả lời xong, Huấn lại hỏi: “Quê anh Nghi Lộc, Nghệ An à?.” Sao em biết?“ “Bí mật. Chị Năm và em đều quê Quảng Ngãi, chúng mình là đồng hương kết nghĩa đó nghen anh“ (Hồi ấy tỉnh Nghệ An kết nghĩa với tỉnh Quảng Ngãi). Biết Huấn thức gần hết đêm rồi nên tôi bảo: “Em ngủ đi, nếu cần anh sẽ gọi.” Huấn đo nhiệt độ, bắt mạch, ghi sổ rồi ngồi ngoảnh vào tôi. Tôi ngủ thiếp đến sáng… Buổi chiều, chị Năm đến kiểm tra, tôi xin nằm võng. Huấn mắc võng hộ rồi dìu tôi sang. Chị Năm: ”Thế em đã có vợ con rồi à?” “Dạ, đâu có chị, lứa tuổi 20 đang đi chiến đấu thì sao dám cưới vợ“. Chị Năm: “Lúc mê sảng, em bảo: Quê Nghi Lộc, Nghệ An, học Đại học Sư phạm năm thứ 3, có vợ và 2 con, mẹ mất sớm, thương cha và em trai nhỏ ở quê…”. Tôi xấu hổ : “Em nói thế hả chị, vừa thật vừa không thật. Em chưa dám cầm nắm một bàn tay khác lạ, nói gì đến chuyện yêu…“. Huấn: “Ba chị em nghe anh nói rất nhiều, có lúc hét to, có lúc anh khóc“. Tôi lo lắng: “Em có nói gì sai với chị, anh Hạnh và Huấn không? nếu có thì cho em xin lỗi nhé“. Chị Năm: “Không có gì sai đâu, nếu chưa có người yêu, không có em gái thì nhận út Huấn làm em gái đi, nó kém em một tuổi, trông dễ thương không?“. Chị Năm chỉ vào Huấn và cười, Huấn cười bẽn lẽn, tôi vui, bởi tình cảm chị Năm và Huấn dành cho mình như đã quen thân từ lâu vậy.
Điều trị được ba hôm thì tôi đỡ sốt, tự ra suối tắm giặt. Đang giặt thì Huấn đến: “Anh đừng dầm nước nhiều, để em giặt cho“. Tôi đành “chấp hành mệnh lệnh“ và ngồi ngắm em làm... Huấn có dáng người thon thả, tóc dài, khuôn mặt tròn, da trắng xanh, nụ cười tươi... Chúng tôi mải chuyện về gia đình quê hương, đơn vị … quên cả thời gian. Có hôm, Huấn đi công tác ở đồng bằng, em mua quà cho tôi, tuýp kem đánh răng, bánh xà bông thơm, bịch kẹo đậu phộng (kẹo lạc). Huấn quan tâm đến tôi như em gái với anh trai vậy.
Bệnh xá Trạm 9 chiến trường B1 cũng từng trải qua những giai đoạn ác liệt bởi bom pháo địch. Luôn sẵn sàng chiến đấu và đối phó với biệt kích thám báo địch để bảo vệ thương bệnh binh, bảo vệ đơn vị. Là lính quân y song hầu như tất cả mọi người trong đơn vị đều trải qua thử thách của bệnh sốt rét. Điều đó thể hiện rõ ở đôi môi và nước da trên khuôn mặt từng người. Bệnh xá cũng gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn như các đơn vị ở chiến trường, thiếu thuốc men, phương tiện điều trị vv…
Về lương thực thì tiêu chuẩn mỗi người mỗi ngày chỉ được 4 lạng gạo. Thực phẩm thì phụ thuộc vào việc cấp trên khai thác địa bàn nên rất thất thường, lúc có ít thực phẩm thì dành ưu tiên cho thương, bệnh binh. Hằng năm phải tổ chức trồng sắn, khoai, rau để thêm vào bữa ăn cho thương, bệnh binh và đơn vị. Trong điều kiện thiếu thốn song được sự chăm sóc tận tình của quân y nên khoảng một tuần tôi khỏe dần và cắt sốt. Tôi lên gặp chị Năm xin ra viện để đuổi theo đơn vị. Chị Năm cho kiểm tra, giữ tôi ở lại điều trị tiếp một ngày mới đồng ý. Chiều tối, Huấn đến đưa cho tôi giấy giới thiệu về đơn vị và gói thuốc để điều trị tiếp trên đường. Buổi gặp trước ngày chia tay thật xúc động.
Sáng ra anh Hạnh đến bắt tay tôi: ”Chúc em lên đường mạnh khỏe nhé”. Tôi cảm ơn anh rồi tạm biệt các anh thương, bệnh binh trong cùng mái nhà. Chị Năm và Huấn tiễn tôi ra khỏi bệnh xá. Từ tấm lòng mình tôi bộc bạch: “Em không bao giờ quên ơn chị và anh chị em đã cứu sống em, em cảm thấy chị như chị gái của mình. Kính chúc chị và anh chị em đơn vị luôn mạnh khỏe, an toàn, mong chị em mình sẽ có dịp gặp lại“. Chị Năm nắm tay tôi: “Chúc em luôn luôn mạnh giỏi, hoàn thành tốt nhiệm vụ, đừng quên chị và Huấn nhé, mong sẽ lại gặp nhau ”. Tôi nắm tay Huấn: “Anh đi em gái nhé, chúc em luôn khỏe trẻ và công tác tốt. Mong sẽ được gặp lại em“. Huấn: “Chúc anh đi mạnh giỏi nghen, đừng quên em nghe anh“. Tất cả chúng tôi đều không giấu được nước mắt, tôi lại chống gậy “Trường Sơn” bước trên con đường ra trận. Chị Năm và Huấn đứng rất lâu, vẫy tay tiễn tôi đầy lưu luyến.
Ai ở chiến trường thời ấy đều được nghe kể: Có đồng chí bị sốt rét ác tính trong đêm ở bãi trú quân, đã phải nằm lại mãi mãi. Riêng tôi, rất may mắn được những ”bàn tay vàng” của chị Năm, Huấn, anh Hạnh và các cán bộ, chiến sĩ quân y Bệnh xá Trạm 9 đường dây Giải phóng chiến trường B1, đã cứu tôi khỏi “bàn tay tử thần” của sốt rét ác tính. Những bàn tay đồng đội đưa tôi trở về với sự sống. Những ”bàn tay vàng” ấy đã cứu chữa chăm sóc hàng trăm thương, bệnh binh phục hồi sức khỏe, bổ sung quân số cho các đơn vị ở chiến trường. Những tình cảm ấm áp của đồng đội tiếp thêm sức mạnh cho tôi tiến nhanh ra mặt trận, chiến đấu và trưởng thành.
Bệnh xá Trạm 9 đường dây Giải phóng Quảng Nam- chiến trường B1 luôn mãi trong ký ức tôi.
Cựu chiến binh, Đại tá ĐẶNG TỐ KIM