Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), Trung đoàn 165, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1 (nay là Quân đoàn 12) được lệnh ở lại tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ tiếp quản tại tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương). Những ngày này, qua quan sát và trong quá trình làm việc, đồng chí Nguyễn Đức Sơn, khi ấy là Phó chính ủy Trung đoàn 165, rất ấn tượng với việc Ủy ban Hành chính tỉnh Thủ Dầu Một, dù mới thành lập và chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn (từ tháng 5 đến cuối năm 1975) đã nhanh chóng làm nhiệm vụ quản lý, điều hành các hoạt động trên địa bàn một cách trơn tru, giải quyết được một khối lượng công việc rất lớn, trên nhiều phương diện, từ bảo đảm trật tự trị an đến ổn định đời sống nhân dân.
 |
Trung tướng Nguyễn Đức Sơn giới thiệu một số cuốn sách viết về cuộc đời binh nghiệp của mình. |
Hơn chục ngày sau Đại thắng mùa Xuân 1975, Ủy ban Hành chính tỉnh Thủ Dầu Một tổ chức chiêu đãi mừng chiến thắng. Thành phần được mời dự tiệc là cán bộ cấp sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn trực thuộc cùng đại diện các lực lượng, ban, ngành địa phương. Trong không khí phấn khởi, tự hào là những người chiến thắng được thay mặt đơn vị tham gia sự kiện ý nghĩa này, các đại biểu đều mang mặc chỉnh tề, đi đầy đủ, đúng giờ. “Không gian rộng rãi, bài trí long trọng. Các bàn tiệc là bàn tròn 10 chỗ ngồi đã bày sẵn toàn bát đĩa sáng choang. Thật thà mà nói, đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy kiểu bàn này hay những thứ bắt mắt như vậy”, Trung tướng Nguyễn Đức Sơn nhớ lại.
Được hướng dẫn vị trí, ông Sơn cùng anh em cán bộ cấp trung đoàn ngồi một bàn. Người làm công tác tổ chức tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, rồi đại diện lãnh đạo địa phương phát biểu khai tiệc, trong đó bày tỏ niềm vui mừng, sự trân trọng đối với các lực lượng đã không quản vất vả, gian khổ, hy sinh, chiến đấu giải phóng tỉnh nhà. Những đơn vị, tập thể, cá nhân có công lao đều được nhắc đến. “Lần đầu tiên tôi được nghe cụm từ "Kính thưa các quý ông, quý bà, quý đồng chí". Cảm giác rất trân quý”, ông Sơn kể.
 |
Đồng chí Nguyễn Đức Sơn (ngoài cùng, bên trái) cùng chỉ huy Sư đoàn 312 và Ban chỉ huy Trung đoàn 165 trong buổi hội ý chiều 30-4-1975. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Trên bàn tiệc không đặt thực đơn nên anh em khá tò mò. Trong câu chuyện tán gẫu, mọi người cùng “đoán già đoán non” xem chủ nhà thết đãi gì. Thế rồi nhân viên bắt đầu phục vụ món ăn, trong đó ông Sơn nhớ món đầu tiên sánh sệt, thơm lừng, nóng hổi đựng trong một chiếc bát nhỏ, mà sau này quen thuộc thì ông biết đấy là súp khai vị. Sau đó lần lượt là các món chính làm từ thịt bò, chim và tôm với cách chế biến mới lạ. Một chi tiết thú vị nữa là phong cách phục vụ theo định suất của bữa tiệc mà anh em bộ đội lần đầu tiên trải nghiệm. “Vì thế mới có chuyện rằng, nhìn món ăn hấp dẫn nhưng ban đầu tôi cùng anh Trần Văn Măng, Trung đoàn trưởng; anh Nguyễn Thế Thao, Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 165 và một số anh em ở ban chỉ huy Trung đoàn 141, Trung đoàn 209 của sư đoàn đều nháy nhau phải ăn từ tốn. Nhưng chẳng ngờ, mới ăn được nửa đĩa thì người phục vụ đã thay bằng món mới. Vậy là chúng tôi lại ra hiệu với nhau ăn nhanh hơn và tính toán sao cho đến lúc họ đến mang đi thì món ăn trên đĩa cũng vừa hết, tránh để dư thừa, lãng phí”, ông lý giải.
Đang hào hứng kể về rất nhiều “lần đầu tiên” trong bữa tiệc đáng nhớ, giọng Trung tướng Nguyễn Đức Sơn bỗng trầm xuống. Ông nhìn vào khoảng không vô định với ánh mắt rưng rưng, như thể quá khứ nửa thế kỷ trước đang được sống lại theo từng nhịp thở. “Không có thắng lợi nào là dễ dàng cả. Để cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, để có những phút giây trong hòa bình như bữa tiệc đó thì quân và dân ta phải hy sinh biết bao máu xương. Thậm chí, ngay trước ngưỡng cửa non sông liền một dải, vẫn có đồng đội của tôi ngã xuống”, Trung tướng Nguyễn Đức Sơn xúc động bộc bạch.
Bài và ảnh: THÁI BÌNH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục 50 năm đại thắng mùa Xuân 1975 xem các tin, bài liên quan.