Khi tôi chuyển công tác từ Học viện Chính trị lên Ban Chỉ đạo 35 Quân ủy Trung ương để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương và phụ trách Nhóm chuyên gia 35 Quân ủy Trung ương, tôi mối quan hệ thầy trò - đồng chí ngày càng bền chặt. Trong tâm khảm của mình, tôi thầm biết ơn Quân đội ta đã cho tôi những niềm vui, hạnh phúc, có được những học trò làm "mát mặt thầy".

Thiếu tướng, PGS, TS, NGND Nguyễn Bá Dương phát biểu Tọa đàm 80 năm “linh hồn, mạch sống của Quân đội cách mạng” tại Báo Quân đội nhân dân, ngày 5-11-2024. Ảnh: THÁI KIÊN 

1. Nghiên cứu sinh đầu tiên tôi được giao nhiệm vụ hướng dẫn là Nguyễn Minh Thắng - Giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự. Anh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ năm 2006, lúc tròn 36 tuổi với quân hàm Đại úy, còn tôi - cán bộ hướng dẫn luận án là PGS, TS, NGƯT trẻ nhất Học viện Chính trị Quân sự (nay là Học viện Chính trị), mang quân hàm Trung tá, Phó chủ nhiệm Khoa Triết học. Với tư cách là cán bộ hướng dẫn luận án thứ hai nhưng tôi đóng vai trò là cán bộ hướng dẫn chính vì Đại tá, TS Mẫn Văn Mai - cán bộ hướng dẫn thứ nhất đã đi thực tế đảm nhiệm chức vụ Phó sư đoàn trưởng về Chính trị ở một đơn vị trên địa bàn Tây Nguyên... 

So với một số NCS lớn tuổi đời lẫn tuổi quân, NCS Nguyễn Minh Thắng là học viên trẻ nhất khóa NCS 2003-2006. Điều đó có cái thuận và cũng là cái khó của NCS và cán bộ hướng dẫn. Đối với tôi, cái khó thuộc về tầm nhìn, nội dung tri thức và phương pháp xử lý tình huống. Để hoàn thành nhiệm vụ, điều quan trọng nhất là phải vượt lên chính mình, nhanh chóng lấp "khoảng trống", sự thiếu hụt của bản thân bằng cách tham khảo ý kiến chuyên gia và phát huy vai trò sáng tạo của NCS, kinh nghiệm nghiên cứu và tích lũy kiến thức trong gần chục năm giảng dạy ở Học viện Kỹ thuật Quân sự của học viên, bởi NCS Nguyễn Minh Thắng là kỹ sư, đã tốt nghiệp ở Học viện này, sau đó học văn bằng hai đại học ở Học viện Chính trị, là Cử nhân Triết học... 

Hồi ấy, cái khó nhất của tôi là ít am hiểu về khoa học kỹ thuật quân sự, còn NCS thì ngược lại, chưa bao quát mọi vấn đề của khoa học Triết học. Vì vậy, lựa chọn một đề tài kết nối được cả 2 mảng kiến thức khoa học xã hội và nhân văn và khoa học kỹ thuật quân sự để phát huy thế mạnh của thầy và trò là rất cần thiết. Tôi đã đem ý tưởng này bàn với hội đồng tư vấn đầu vào luận án thuộc chuyên ngành Triết học và được hội đồng chấp nhận.

Thiếu tướng, PGS, TS, NGND Nguyễn Bá Dương và Thiếu tướng Nguyễn Minh Thắng, Chính ủy Bộ tư lệnh 86. Ảnh: DƯƠNG NGUYỄN 

Tên luận án được xác định là "Phát huy vai trò nguồn lực cán bộ khoa học kỹ thuật quân sự trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay". Đây là một đề tài luận án mới, hay nhưng khó vì chưa có ai viết về đề tài này; nguồn tài liệu ít, nếu có thì toàn đóng dấu mật. Biết là rất khó nhưng thầy trò quyết tâm thực hiện; qua 3 năm miệt mài nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo; trò viết, thầy sửa, tròn 7 lần thì bản thảo luận án gần 200 trang hoàn chỉnh, được đặt lên bàn.

Thế rồi chuyên gia góp ý, thầy trò lại sửa, qua nhiều vòng; cuối cùng, Hội đồng bảo vệ luận án cấp cơ sở đã nhất trí thông qua với sự góp ý nhiều nội dung cần chỉnh sửa. Qua gần 2 tháng mải miết chỉnh sửa, đến ngày cuốn luận án hoàn thành. Tôi dành thời gian gần tháng sửa đi sửa lại, trên bản giấy nhiều lần và bản mềm trên máy tính lần cuối, dòng thì bôi màu đỏ, đoạn thì bôi màu xanh để NCS dễ theo dõi. Hai thầy trò đã thống nhất từng vấn đề và ngày bảo vệ luận án cấp Học viện đã đến. NCS đã bảo vệ xuất sắc luận án của mình.

Nhớ lại ngày ấy, ở tuổi 35-36 với quân hàm Đại úy nhưng NCS Nguyễn Minh Thắng thật chững chạc, chỉn chu, tự tin và có “tinh thần gang thép”. Với việc bảo vệ thành công luận án tiến sĩ của mình, NCS đã góp phần giúp tôi trở thành PGS, TS, NGƯT, Trưởng phòng Khoa học, Công nghệ và Môi trường trẻ nhất của Học viện.

Ấn tượng sâu sắc trong cuộc đời giảng viên của tôi về NCS Nguyễn Minh Thắng bởi anh là học trò đầu tiên tôi hướng dẫn luận án tiến sĩ thành công và cũng là một trong những NCS phát triển nhanh, trưởng thành sớm, sau 15 năm bảo vệ luận án, đã là Thiếu tướng, Phó Chính ủy Học viện Kỹ thuật Quân sự và hiện nay là Chính ủy Bộ tư lệnh 86.

2. Nghiên cứu sinh thứ hai vượt qua “ngàn chông gai", đã chiến thắng chính mình là Thiếu tướng, PGS, TS Lê Thành Long, Phó chính ủy Học viện Hậu cần. Con đường Lê Thành Long theo học sau đại học đầy quyết tâm với một nghị lực phi thường. Anh là giảng viên Triết học của Học viện Hậu cần đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ theo hình thức không tập trung tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội theo hình thức vừa học vừa làm. Công việc nặng nhọc gấp đôi, ba lần so với NCS khác. Hầu như anh không có ngày nghỉ và không được phép ốm, vì vắng giờ học là không đủ điều kiện để dự thi, lấy chứng chỉ các môn học.

Lần đầu tôi gặp Lê Thành Long vào năm 2008 trong Hội đồng bảo vệ Luận văn Thạc sĩ Triết học ở Trung tâm đào tạo Mác - Lênin thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội với tư cách là Phản biện một. Điều làm tôi bất ngờ là Lê Thành Long đã trình bày rất tự tin; thuyết trình hấp dẫn, có hồn, đúng phong cách nhà giáo, rất thuyết phục người nghe. Do tò mò về hiện tượng "lạ" này, tôi đã nêu 2 câu hỏi thật khó để kiểm tra kiến thức lý luận và thực tiễn. Lê Thành Long đã trả lời xuất sắc và giành được điểm loại xuất sắc.

Sau đó, tôi khuyên Lê Thành Long nên học tiếp NCS theo hình thức vừa học vừa làm. Nhưng vì nhiều lý do, đến năm 2012, Lê Thành Long mới đi thi NCS và tiếp tục làm luận án tiến sĩ. Thật vui khi Lê Thành Long đã gặp tôi với mong muốn nhờ tôi làm cán bộ hướng dẫn luận án. Tôi vui vì học trò tin tưởng thầy nhưng vui hơn là trò đã thu xếp được công việc, vượt qua mọi khó khăn để đi học NCS. Đối với tôi, được hướng dẫn một NCS như thế là niềm hạnh phúc.

Thiếu tướng, TS Lê Thành Long (bên trái), Phó chính ủy Học viện Hậu cần chúc thầy Nguyễn Bá Dương nhân ngày 20-11-2022. Ảnh: DƯƠNG NGUYỄN 

Hồi ấy tôi là Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội nhân văn quân sự Bộ Quốc phòng, đang nghiên cứu chuyên sâu về phòng, chống “diễn biến hòa bình” với nhiều điều thú vị. Có lẽ NCS đã đọc được những bài tôi công bố trên sách, báo và tham khảo ý kiến đồng nghiệp nên khi bàn định hướng nghiên cứu, xác định chủ đề luận án, NCS đã đề xuất tên luận án và rất nhanh, thầy trò đã tìm được tiếng nói chung. Tên luận án "Vai trò của giảng viên lý luận chính trị ở các Nhà trường quân đội trong đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” hiện nay". Đây là chủ đề mới, đề cập đến một trong bốn nguy cơ đe dọa cách mạng Việt Nam mà Đảng ta đã chỉ ra.

Vào thời điểm đó, chưa có ai nghiên cứu chuyên sâu về “diễn biến hòa bình” ở tầm một luận án tiến sĩ. Với ý chí và nghị lực sẵn có, sau gần 3 năm miệt mài nghiên cứu, NCS đã có bản thảo luận án trình thầy. Đó là một luận án tiến sĩ được nghiên cứu công phu, nghiêm túc; điểm mới nổi trội là NCS đã đề xuất được hệ thống giải pháp đầy tính khả thi để ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ “diễn biến hòa bình” ở nước ta.

Có tình huống mới nảy sinh làm thầy trò tôi gặp khó tại Hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ cấp trường. Đã có một ủy viên Hội đồng “không có thiện cảm với luận án”, vì cho rằng "phòng, chống “diễn biến hòa bình” ở Việt Nam" là “không cần thiết vì ảnh hưởng đến công tác đối ngoại”. Các thành viên Hội đồng đã thảo luận sôi nổi về vấn đề này. Với tư cách là cán bộ hướng dẫn, tôi đã phát biểu, làm "mềm hóa" quan điểm của vị ủy viên hội đồng ấy; đánh giá đúng mực những cố gắng của NCS và tiếp nhận một số vấn đề cần tiếp thu, hoàn chỉnh luận án. Phiên họp hội đồng diễn ra khá lâu. Cuối cùng Nghị quyết của Hội đồng về bảo vệ luận án tiến sĩ đã được thông qua với số phiếu 100% nhất trí công nhận kết quả nghiên cứu của NCS và đề nghị Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cấp bằng Tiến sĩ Triết học cho NCS Lê Thành Long.

Điều gay cấn ấy đã trở thành động lực thôi thúc NCS ngày ấy, Thiếu tướng, PGS, TS Lê Thành Long ngày nay, có thêm ý chí, nghị lực đứng vững trên trận địa đấu tranh tư tưởng, lý luận của Đảng; tích cực phản bác các quan điểm, sai trái thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội. Đó cũng là lời giải thích tại sao lực lượng tác chiến không gian mạng của Học viện Hậu cần lại là một trong những điểm sáng về đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”.

Còn Thiếu tướng, TS Nguyễn Minh Thắng, Chính ủy Bộ tư lệnh 86, người đang dành tâm huyết xây dựng lực lượng tác chiến không gian mạng toàn quân; kiên quyết đấu tranh chống quan điểm sai trái trên không gian mạng với nhiều cách làm hay và hiệu quả.

 Thiếu tướng, PGS, TS, NGND Nguyễn Bá Dương chúc mừng Thiếu tướng, TS Lê Thành Long đạt chuẩn Phó giáo sư năm 2023. Ảnh do nhân chứng cung cấp

Niềm vui là các NCS mà tôi hướng dẫn đều bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và đã trưởng thành. Họ đã và đang giúp tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ trên giao. Nghĩ về sự phát triển, tiến bộ của các học trò và truyền thống 80 năm của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, tôi thấy mình thật hạnh phúc.

Thiếu tướng, PGS, TS, NGND NGUYỄN BÁ DƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Tướng lĩnh Việt Nam xem các tin, bài liên quan.