Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Bức thư có tựa đề “Thư gửi bộ đội, cán bộ và gia đình cán bộ miền Nam ra Bắc” được đăng trên Báo Nhân dân số 229, từ ngày 21 đến ngày 22-9-1954.

Tuy “đồng bào đã phải tạm xa quê hương, nhưng lại được gần Trung ương Đảng, Chính phủ, gần quân đội và đồng bào miền Bắc. Nam Bắc vẫn là một nhà”. Lời động viên của Bác đã kịp thời cổ vũ tinh thần cho đồng bào miền Nam và thổi bùng “ngọn lửa đoàn kết dân tộc”. Bác mong đồng bào được mạnh khỏe để góp sức vào công cuộc xây dựng nước nhà: “Mỗi người sẽ tuỳ theo sức mình tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà”.

leftcenterrightdel

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đoàn đại biểu Nam Bộ từ chiến trường miền Nam ra chiến khu Việt Bắc báo cáo với Trung ương Đảng, Bác Hồ và Chính phủ về quyết định kháng chiến của đồng bào và chiến sĩ miền Nam (10-1949). Ảnh: hochiminh.vn.

Đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc trong bối cảnh địch phá hoại Hiệp định Giơnevơ, đàn áp, trả thù những người kháng chiến. Thấy trước âm mưu đó, với tầm nhìn xa, trông rộng, Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo khẩn trương bố trí một bộ phận cán bộ, đảng viên ở lại miền Nam để lãnh đạo cuộc chiến đấu và chuyển hàng vạn đồng bào và con em các gia đình cách mạng đi cùng với bộ đội và cán bộ tập kết ra Bắc để đào tạo đội ngũ cán bộ vừa góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau những chiến thắng của quân và dân ta trên các mặt trận quân sự, ngoại giao, Hiệp định Giơnevơ về lập lại hòa bình ở Đông Dương đã được ký kết. Đây là một thắng lợi to lớn, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cách mạng nước ta.

leftcenterrightdel

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các anh hùng, dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc ngày 28-2-1969. Ảnh: baotanghochiminh.vn.

Học tập và làm theo lời Bác dạy, những cán bộ, chiến sĩ, học sinh, các gia đình miền Nam tập kết ra Bắc đã nỗ lực vượt mọi khó khăn, sớm ổn định cuộc sống và có nhiều đóng góp cho công cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong đó, nhiều người đã trở thành cán bộ, lãnh đạo các cấp, các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, các nhà khoa học đầu ngành ở nhiều lĩnh vực, các văn nghệ sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà báo nổi tiếng, nhiều doanh nhân tài ba, nhiều người đã trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động… góp phần làm rạng danh quê hương, đất nước.

leftcenterrightdel

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp, nói chuyện với đoàn đại biểu thanh niên Nam Bộ ra thăm. Ảnh: hochiminh.vn.

Quân đội nhân dân Việt Nam được Đảng, Bác Hồ trực tiếp tổ chức, giáo dục và rèn luyện, được nhân dân tin yêu, đùm bọc và nuôi dưỡng. Thấu triệt lời Bác dạy, Quân đội ta không ngừng phát huy bản chất cách mạng tốt đẹp, xây đắp nên truyền thống vẻ vang “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng đã kết tinh thành giá trị và biểu tượng “Bộ đội Cụ Hồ”.

leftcenterrightdel

Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân. Ảnh: qdnd.vn.

Không chỉ trong chiến đấu, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà trong thời kỳ mới, cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn thi đua huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao, kỷ luật nghiêm, đoàn kết, hiệp đồng, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đồng thời, làm tốt công tác dân vận, tích cực tham gia xóa đói, giảm nghèo, chung sức xây dựng nông thôn mới, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, đóng góp to lớn cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cán bộ, chiến sĩ quân đội luôn xung kích ở những nơi xảy ra thiên tai, bão lũ…, giúp đỡ, cứu chữa nhân dân vượt qua khó khăn, hoạn nạn…; nhiều cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu hy sinh vì sự bình yên của đất nước, vì cuộc sống của nhân dân, xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, Bác, Nhà nước và nhân dân.     

(Sách Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, t.9, tr.60).

Theo dấu chân Người

Ngày 21-9-1945, Bác dự họp Hội đồng Chính phủ bàn nhiều việc hệ trọng như chính sách đối với lao động, tài chính, lương bổng, ngoại giao với Pháp, Trung Hoa, Mỹ và cả yêu sách của quân Nhật đã bị giải giáp. Riêng với việc lực lượng vũ trang của Đại Việt ở Vĩnh Yên xin hàng, Bác chỉ thị nên thu xếp nhanh chóng và lấy lượng khoan hồng để đối xử.

Ngày 21-9-1959, tham dự cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về Cách mạng miền Nam, Bác nhắc nhở: “Phải giáo dục cho toàn dân hiểu rõ cuộc kháng chiến của ta là trường kỳ, tránh chủ quan nóng vội. Ở các vùng rừng núi phải đề cao cảnh giác, phải phát triển mạnh chiến tranh du kích, xây dựng căn cứ địa cách mạng. Ở thành thị phải tiến hành đánh địch trên mọi mặt (kinh tế, chính trị, quân sự...), phát triển công tác dân vận, địch vận, có như vậy mới bảo vệ được miền Bắc. Phải củng cố tổ chức cơ sở đảng, công tác mặt trận phải làm cho tốt...”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, tập II, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân ra ngày 21-9-1953 đăng bài thơ Trung thu của Bác:

9 tết Trung thu,

8 năm kháng chiến,

Các cháu khôn lớn,

Bác rất vui lòng.

Thu này Bác gửi thơ chung,

Bác hôn các cháu khắp vùng gần xa.

Thu này hơn những thu qua,

Kháng chiến thắng lợi gấp ba, bốn lần.

Phát động nông dân

Cải cách ruộng đất,

Dân đỡ chật vật,

Hăng hái tăng gia.

Xóm gần cho đến làng xa,

No cơm ấm áo, theo đà tiến lên,

Chỉnh huấn chỉnh quân

Bộ đội cố gắng,

Quyết chiến quyết thắng,

Diệt giặc lập công,

Khắp nơi Nam Bắc Tây Đông

Đưa tin thắng trận cờ hồng tung bay,

Các cháu vui thay!

Bác cũng vui thay!

Thu sau so với thu này vui hơn.

Hồ Chí Minh

leftcenterrightdel

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 21-9-1953 và 21-9-1967. 

Ngày 21-9-1967, trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số cũng đăng thư khen của Hồ Chủ tịch:

Ngày 20 tháng 9 năm 1967

Thân ái gửi đồng bào, chiến sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân và cán bộ Vĩnh-linh,

Bác rất vui lòng được tin ngày 17-9-1967 Vĩnh-linh đã lập công xuất sắc lần đầu bắn rơi hai máy bay B-52 của giặc Mỹ.

Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Bác đặc biệt gửi lời khen ngợi đồng bào, chiến sĩ và cán bộ Vĩnh-linh đã đánh giỏi, bắn trúng, chiến thắng vẻ vang.

Vĩnh-linh thật xứng đáng là tiền tuyến anh hùng của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Đồng bào, chiến sĩ và cán bộ Vĩnh-linh hãy phát huy truyền thống đoàn kết, anh dũng, kiên cường trong chiến đấu và sản xuất, giành nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa.

Chào thân ái và quyết thắng,

BÁC HỒ

Một số sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra ngày 21-9:

Sự kiện trong nước:

21-9-1954: Thành lập Đại đoàn Pháo phòng không 367 thuộc Bộ chỉ huy Pháo binh và Đại đoàn Bộ binh 350 thuộc Bộ Tổng Tư lệnh.

21-9-1998: Chính phủ quyết định giao nhiệm vụ đào tạo bậc đại học cho 8 trường sĩ quan quân đội (Lục quân 1, Lục quân 2, Phòng hóa, Đặc công, Công binh, Pháo binh, Tăng thiết giáp và Chỉ huy kỹ thuật Thông tin).

21-9-1976: Thành lập Trường Sĩ quan Hóa học (nay là Trường Sĩ quan Phòng hóa).

Để đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới, ngày 21-9-1976, Thượng tướng Hoàng Văn Thái - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, ký Quyết định số 213/QĐ - TM thành lập Trường Sĩ quan Hoá học (nay là Trường Sĩ quan Phòng hoá). Nhà trường có nhiệm vụ: Đào tạo cán bộ sơ cấp hoá học; đào tạo hạ sĩ quan và nhân viên chuyên môn kỹ thuật Hoá học; tập huấn bổ túc cán bộ trung, sơ cấp hoá học; đào tạo cán bộ hoá học cho Quân đội nhân dân Lào...

leftcenterrightdel

Trường Sĩ quan Phòng hóa đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì. Ảnh: binhchunghoahoc.vn.

Ngày 21-9-1998, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 180/QĐ-TT giao Trường Sĩ quan Phòng hoá nhiệm vụ đào tạo sĩ quan chỉ huy kỹ thuật Phòng hoá bậc đại học.

Với truyền thống “Trung thành, kiên định, chủ động, sáng tạo, đoàn kết, quyết thắng” mà các thế hệ cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên, hạ sĩ quan chiến sĩ nhà trường đã dày công vun đắp, Trường Sĩ quan Phòng hoá trong quá trình chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của mình đã tổ chức nhiều khoá huấn luyện, nhiều lớp tập huấn cán bộ, nhân viên kỹ thuật hóa học, đào tạo nhiều cán bộ hoá học cho Quân đội nhân dân Lào và Quân đội Hoàng gia Campuchia. Nhà trường luôn chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; tập trung làm chuyển biến mạnh mẽ và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng; đẩy mạnh đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; khắc phục khó khăn, xây dựng nhà trường chính quy mẫu mực.

Sự kiện quốc tế:

21-9-1981: Ngày quốc tế hòa bình được tổ chức lần đầu tiên. Từ đó ngày quốc tế hòa bình hay Ngày Hòa bình thế giới, diễn ra hằng năm vào ngày 21-9. Ngày này được cống hiến cho hòa bình, và đặc biệt là sự không có chiến tranh.

21-9-1991: Ngày Quốc khánh Armenia.

leftcenterrightdel
 

 

TƯỜNG VY