Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Công trình Đại thủy nông Bắc Hưng Hải là công trình trị thủy đầu tiên của miền Bắc nước ta, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Trong quá trình chuẩn bị và xây dựng hệ thống thủy lợi này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 4 lần trực tiếp đến kiểm tra, thăm hỏi, động viên cán bộ và dân công làm việc trên công trường.

Ngày 20-9-1958, lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm khu vực chuẩn bị thi công cống Xuân Quan, Người đã xuống sát chân đê Xuân Quan thăm hỏi và nói chuyện với cán bộ, công nhân và dân công đang gấp rút công tác chuẩn bị thi công công trình. Xuất phát từ việc lo cho dân bớt khổ cực: “…ba tỉnh Bắc - Hưng - Hải mười nǎm chín hạn. Nǎm nào cũng đói kém. Nhân dân cực khổ nghèo nàn” và bởi “Công trình thủy lợi Bắc - Hưng - Hải là một chiến dịch chống giặc hạn” nên Bác đặc biệt sát sao cho việc xây dựng thành công của công trình thủy lợi này. Nhưng trong quá trình làm cũng không vì thế mà ép quân, Bác cũng hiểu tác hại của việc dục tốc bất đạt nên Người dặn dò, động viên: “Cán bộ và đồng bào quyết tâm vượt mọi khó khăn, làm cho nhanh, cho tốt... Bây giờ chịu khó phấn đấu trong mấy tháng. Sau này sẽ hưởng hạnh phúc lâu dài hàng trăm năm. Cán bộ cần phải biến quyết tâm của Đảng và Chính phủ thành quyết tâm của toàn thể nhân dân”. (Sách Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11 – NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, tr 529-531)

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm công trường đại thủy nông Bắc – Hưng – Hải (25-12-1958). Ảnh: hochiminh.vn 

Người đề nghị phải tổ chức thật tốt, phải lãnh đạo thật tốt, dân công cũng như quân đội phải có kỷ luật chặt chẽ và dụng cụ phải sẵn sàng đầy đủ. Riêng đối với cán bộ, Người yêu cầu: “Phải đồng cam cộng khổ với nhân dân, phải khuyến khích và giúp đỡ nhân dân phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất”.

Mặc dù bộn bề trăm công nghìn việc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công trình Bắc - Hưng - Hải. Khi biết công nhân ở công trường gánh đất quá tiêu chuẩn, Bác lập tức cho triệu Trưởng ban chỉ huy công trường Hà Kế Tấn và nghiêm khắc phê bình: “Chú cầm quân đánh giặc lâu năm mà không biết dưỡng quân! Gắng quá sức dễ ốm, không bền”.

Lần thứ ba Bác đến thăm công trường trong tiết trời mưa phùn và giá rét, ngại Bác vất vả nên khi Bác đề nghị ra thăm công trường, đồng chí Hà Kế Tấn xin khất Bác lần khác vì hôm nay trời mưa rét và đường quá trơn. Nghe đến đó Bác bảo: “Dân công, bộ đội làm việc ngoài mưa rét được! Bác chỉ ra tận nơi thăm hỏi sao lại không được?”. Chính sự quan tâm sâu sát và chỉ bảo ân tình, động viên cổ vũ kịp thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo ra sức mạnh to lớn cho tập thể Ban chỉ huy, cùng hàng vạn công nhân, dân công, học sinh, sinh viên, cán bộ Trung ương và địa phương quyết tâm vượt qua mọi trở ngại trước mắt, giữ vững ý chí thi đua lao động để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên công trường. Giữ đúng lời hứa với Bác, ngày 1-5-1959, công việc hoàn thành trước khi mùa lũ đến, cửa cống Xuân Quan mở toang cho nước sông Hồng tuôn về đồng ruộng.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ thủy lợi Hà Kế Tấn đến thăm công trình Bắc-Hưng- Hải, năm 1958. Ảnh: baotanglichsu.vn 

Năm 1969, trận lũ lịch sử diễn ra trên diện rộng toàn miền Bắc, nước sông Hồng lên cao gần 14m đe dọa sẽ vỡ đê. Nằm trên giường bệnh, trong khi bệnh tình đang rất nặng, Người vẫn lo cho nhân dân, Người dặn dò không được để vỡ đê, phải tìm mọi cách cứu dân. Sau khi đồng chí Phạm Văn Đồng đích thân đi kiểm tra đê và cùng với đồng chí Hà Kế Tấn vào báo cáo Người mới yên lòng. Đến nay đê Xuân Quan vẫn giữ được lời đã hứa với Bác. Cùng với thời gian, Bắc Hưng Hải ngày càng khẳng định vai trò, nhiệm vụ của một “Đại thuỷ nông” đã, đang và sẽ giúp cho hàng triệu nhân dân được hưởng hạnh phúc hàng trăm năm qua nhiều thế hệ như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên đoán khi về thăm công trường trước lúc khởi công.

Theo dấu chân Người

- Ngày 20-9-1930, Nguyễn Ái Quốc viết tài liệu “Phong trào Cách mạng ở Đông Dương” biên khảo chi tiết các hình thức đấu tranh trong bối cảnh “cuộc đấu tranh của công nhân và nông dân Đông Dương chống đế quốc Pháp ngày càng trở nên quyết liệt hơn”. Cuối cùng trong bài viết, Người kêu gọi: “Hỡi những người công nhân và nông dân toàn thế giới! Những người anh em! Hãy giúp đỡ công nhân và nông dân Đông Dương, những người đang đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc Pháp!” .

- Ngày 20-9-1945, tại Bắc bộ phủ, dự họp với các sĩ quan trong đơn vị Bảo an binh của chế độ cũ ủng hộ Chính phủ, Bác nói: “Có thể nói tấm lòng nhiệt thành ái quốc của các bạn ai cũng rõ, nhưng vì hoàn cảnh khác nhau, các bạn phải gắng giúp Chính phủ những cái có thể được... Chính phủ lúc nào cũng chăm lo đến nhân tài của Tổ quốc”.

- Ngày 20-9-1945, trong đêm Trung thu có cuộc vui phá cỗ của thiếu nhi Thủ đô, Bác Hồ lại viết thư: “Đây là Hồ Chí Minh nói chuyện với các em... Hôm nay Tết Trung thu là của các em. Mà cũng là một cuộc biểu tình của các em để tỏ lòng yêu nước và để ủng hộ nền độc lập. Các em phải ngoan, ở nhà phải nghe lời bố mẹ, đi học phải siêng năng; đối với bầu bạn phải yêu kính. Các em phải thương yêu nước ta. Mong các em mai sau lớn lên thành những người dân xứng đáng với nước độc lập tự do...”.

Cùng ngày, lấy tư cách “một người bạn già” Bác viết “Thư gửi các vị phụ lão”: “Tục ngữ có câu: “Lão lai tài tận”, nghĩa là tuổi già thì tài hết, không làm gì được nữa. Mà thường các cụ phụ lão ta cũng tin như vậy. Gặp việc gì, các cụ đều nói: “Lão giả an chi” (người già nên ở yên)... Tôi không tán thành ý kiến đó. Xưa nay, những người yêu nước không vì tuổi già mà chịu ngồi không. Nước ta có những người như Lý Thường Kiệt, càng già càng quắc thước, càng già càng anh hùng... Con cháu ta, thanh niên sức khỏe thì gánh việc nặng, chúng ta già cả, không làm được công việc nặng nề, thì khua gậy đi trước, để khuyến khích bọn thanh niên và san sẻ những kinh nghiệm của chúng ta cho họ. Chúng ta là bậc phụ lão, cần phải tinh thành đoàn kết trước để làm gương cho con cháu ta...”.

leftcenterrightdel
Nhân dân Pác Bó - Hà Quảng đón chào Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm (20-02-1961). Ảnh: hochiminh.vn

Trong bài viết “Hình thức chiến tranh ngày nay” đăng trên Báo “Cứu Quốc” ngày 20-9-1945, Bác phổ biến những kiến thức quân sự phổ thông với nhận định: “Chiến tranh ngày nay phức tạp và hết sức khó khăn. Không dùng toàn lực của nhân dân về đủ mọi mặt để ứng phó, không thể nào thắng lợi được”.

Cũng trong ngày 20-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Ủy ban Dự thảo Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gồm 7 thành viên: Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy, Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng và Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) do Chủ tịch Hồ Chí Minh là trưởng ban. Nhiệm vụ của Ủy ban là nghiên cứu xác định mô hình, xây dựng cấu trúc của một bản Hiến pháp dân chủ hoàn toàn mới, vừa đảm bảo tính lâu dài vừa phù hợp với điều kiện thực tế ở nước ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhất trí với đề nghị của Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất là thành lập Tiểu ban dự thảo Hiến pháp của Quốc hội với 11 thành viên. Với cương vị là người đứng đầu Quốc hội và Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh giữ vị trí quan trọng trong việc lãnh đạo và chỉ đạo Tiểu ban dự thảo Hiến pháp của Quốc hội. Tiểu ban đã tiếp thu những kết quả nghiên cứu và dự thảo của Ban dự thảo Hiến pháp của Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban, tiếp tục nghiên cứu bổ sung cụ thể một số chương, điều và nội dung cụ thể của từng điều. Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc gồm 41 thành viên (hầu hết là các trí thức, các nhà nghiên cứu, các doanh nhân) làm đầu mối tập hợp ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong cả nước. Với sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự cố gắng của Tiểu ban dự thảo Hiến pháp của Quốc hội, sự nỗ lực của các cơ quan đoàn thể từ Trung ương đến địa phương cùng quyết tâm của các vị đại biểu Quốc hội và nhân dân cả nước, tháng 10-1946, bản dự thảo Hiến pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã hoàn thành. Tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa I diễn ra tại Nhà hát lớn ở Thủ đô Hà Nội, một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp là thảo luận và thông qua bản Hiến pháp.

- Ngày 20-9-1947: Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 88/SL, ấn định các hình thức thưởng cho những gia đình có 3 con trở lên tham gia quân đội.

- Ngày 20-9-1950: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi các chiến sĩ bị thương trong trận Đông Khê. Lời thư có đoạn: “Đảng, Chính phủ, đồng bào đều biết ơn các chú. Tôi gửi lời khen ngợi các chú và chúc các chú mau lành mạnh để trở lại hàng ngũ tiếp tục chiến đấu giết giặc”.

- Ngày 20-9-1967, Bác gửi thư khen quân và dân Vĩnh Linh đã lập công trong ngày 17-9-1967 đã bắn rơi hai chiếc máy bay chiến lược B52 của Mỹ và chúc “hãy phát huy truyền thống đoàn kết, anh dũng, kiên cường trong chiến đấu và sản xuất, giành nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

- Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 20-9-1966 có đăng toàn văn bức thư Bác Hồ gửi quân và dân thành phố Vinh:

Hồ Chủ tịch khen quân và dân thành phố Vinh bắn rơi 100 máy bay Mỹ

16-9-1966

Thân ái gửi đồng bào bộ đội và cán bộ thành phố Vinh (Nghệ an)

Ngày 14-9-1966 Vinh là thành phố đầu tiên đã bắn rơi 100 máy bay Mỹ. Đó là một thắng lợi quang vinh.

Quân và dân thành phố Vinh còn làm tốt công tác phòng không nhân dân, ra sức khắc phục khó khăn, thi đua sản xuất.

Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi đồng bào, bộ đội và cán bộ thành phố Vinh.

Quân và dân thành phố Vinh cần luôn luôn phát huy truyền thống xô viết Nghệ Tĩnh anh hùng, nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, hăng hái thi đua chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi, lập nhiều thành tích to lớn hơn nữa.

Chào thân ái và quyết thắng.

BÁC HỒ”.

leftcenterrightdel
 

- Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 20-9-1969 có trích lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên, phải xem đội viên ăn uống như thế nào, phải hiểu nguyện vọng và thắc mắc của đội viên. Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt".

leftcenterrightdel
 

- Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 20-9-1970 có trích lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phải ra sức huấn luyện quân sự, học tập chính trị, nghiêm túc chấp hành mệnh lệnh, triệt để thi hành chính sách, làm tròn nhiệm vụ của Đảng và Chính phủ đã giao cho”.

leftcenterrightdel
 

Sự kiện trong nước và quốc tế ngày 20-9

Sự kiện trong nước

- 20-9-1961: Lần đầu tiên ở Việt Nam đã thực hiện tốt thủ thuật mổ gan khô (lúc cắt gan không chảy máu) tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội). Phương pháp mổ gan khô của Giáo sư Tôn Thất Tùng thành công là một cống hiến quan trọng cho sự nghiệp phát triển của nền y học Việt Nam và thế giới.

- 20-9-1971: Từ ngày 20-9 đến 23-9-1971 diễn ra Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng Đông Nam Bộ và Sài Gòn. Tham dự Đại hội có hàng trăm đại biểu của các đơn vị chủ lực, bộ đội địa phương. Đại hội đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong giai đoạn đánh thắng chiến lược “Việt Nam hóa” chiến tranh của đế quốc Mỹ, đón nhận quyết định của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên dương 21 Đơn vị Anh hùng và 16 Anh hùng các Lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.

- 20-9-1972: Thành lập Sư đoàn Bộ binh 10 thuộc Mặt trận Tây Nguyên.

- 20-9-1980: Thành lập Binh đoàn Kinh tế Tây Nguyên (Đoàn 773) thuộc Bộ tư lệnh Quân khu 5 (Quyết định số 571/QĐ-QP).

- 20-9-2013: Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập Trường Đại học Ngô Quyền trên cơ sở Trường Sĩ quan Công binh (Quyết định số 1359/2013/QĐ-TTg); Trường Đại học Thông tin liên lạc trên cơ sở Trường Sĩ quan Chỉ huy Kỹ thuật Thông tin (Quyết định số 1386/2013/QĐ-TTg).

Sự kiện quốc tế

- 20-9-1946: Liên hoan phim Cannes đầu tiên khai mạc. Trong mùa giải này có 11 tác phẩm điện ảnh đoạt Cành cọ vàng-đương thời được gọi Giải thưởng lớn.

- 20-9-1977: Tại phiên họp lần thứ 32 của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Việt Nam chính thức được công nhận là thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc.

- 20-9-1891: Xe hơi đầu tiên chạy bằng xăng được trưng bày tại Springfield, Massachusetts, Hoa Kỳ.

leftcenterrightdel
 

THANH HƯƠNG