Phát biểu trong cuộc họp nội các tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump thông báo mức thuế 50% với đồng song không nêu thời điểm áp dụng cụ thể. Ngay sau thông báo của ông Trump, giá đồng Comex tương lai tại Mỹ đã tăng vọt hơn 12%, đạt mức cao kỷ lục. Thông báo này được đưa ra sớm hơn dự kiến của ngành và với mức thuế cao hơn nhiều so với dự đoán.
Trả lời phỏng vấn kênh CNBC sau tuyên bố của ông Trump, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết mức thuế đối với mặt hàng đồng nhiều khả năng sẽ được áp dụng vào cuối tháng 7 hoặc ngày 1-8.
3 quốc gia có thể chịu tác động lớn nhất từ mức thuế này là Chile, Canada và Mexico, vốn là các nhà cung cấp hàng đầu đồng tinh luyện, hợp kim đồng và sản phẩm đồng cho Mỹ trong năm 2024 theo dữ liệu của Cục Thống kê Mỹ. 3 quốc gia này đã đề nghị Washington không áp thuế với lý do xuất khẩu của họ không đe dọa lợi ích an ninh quốc gia Mỹ và cả 3 nước đều có hiệp định thương mại tự do với Mỹ.
Bộ Kinh tế Mexico và Bộ Tài chính Canada hiện chưa đưa ra phản hồi, trong khi Bộ Ngoại giao Chile cho biết chưa nhận được thông báo chính thức nào liên quan đến mức thuế này.
 |
Cảng hàng hóa Long Beach, California, Mỹ. |
Tổng thống Trump cũng thông báo kế hoạch áp thuế lên tới 200% đối với mặt hàng dược phẩm sản xuất ở nước ngoài. Tuy nhiên, ông cho biết sẽ dành từ 1 năm đến 18 tháng để các doanh nghiệp dược điều chỉnh chuỗi cung ứng và chuyển dịch sản xuất về Mỹ trước khi chính thức áp thuế.
Phản ứng của thị trường đối với tuyên bố của Tổng thống Trump khá dè dặt. Cổ phiếu của các hãng dược lớn tại Mỹ như Pfizer, Merck, Eli Lilly, Bristol Myers và Johnson & Johnson đều giảm nhẹ trong thời gian diễn ra cuộc họp nội các, nhưng đã phục hồi phần lớn sau đó.
Không chỉ vậy, Tổng thống Trump cũng tuyên bố sẽ bảo vệ vị thế đồng USD, đồng thời tái khẳng định việc không gia hạn sau ngày 1-8 đối với loạt mức thuế cao hơn nhằm vào hàng hóa nhập khẩu từ hàng chục quốc gia, vốn từng bị trì hoãn hồi tháng 4. Theo ông, những mức thuế này có thể lên tới 60–70% đối với một số nước, trong khi các nước thuộc nhóm BRICS sẽ phải chịu thêm 10% thuế..
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết Mỹ đã thu về khoảng 100 tỷ USD từ thuế quan kể từ đầu năm và dự kiến có thể đạt 300 tỷ USD vào cuối năm nếu các chính sách mới được thực thi như kế hoạch.
*Trong bối cảnh Mỹ gia tăng áp thuế với hàng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia, một số nền kinh tế châu Á và châu Phi đang tích cực điều chỉnh chính sách thương mại nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế và giảm thiểu tác động từ các biện pháp thuế quan nghiêm ngặt của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong số các nước mới đây có động thái điều chỉnh chính sách thương mại, Indonesia đã cam kết đẩy mạnh nhập khẩu các mặt hàng nông sản, năng lượng và hàng hóa nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại với Washington, theo đó đã ký hợp đồng trị giá 1,25 tỷ USD để mua thêm lúa mì của Mỹ.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết Pertamina đã ký một biên bản ghi nhớ (MoU) cam kết tăng mua năng lượng từ Mỹ song không nêu chi tiết cụ thể. Hai công ty nông nghiệp Sorini Agro Asia Corporindo và FKS Group cũng đã ký các MoU nhằm tăng khối lượng nhập khẩu từ Mỹ.
Theo thông báo từ Đại sứ quán Indonesia tại Mỹ, các thỏa thuận trên được ký trong các cuộc họp diễn ra tại Washington hôm 8-7. Thông báo nêu rõ các cuộc gặp đã mang lại một số thỏa thuận thương mại, thể hiện qua việc ký kết nhiều MoU, mở đường cho cơ hội hợp tác mới và tăng cường quan hệ kinh tế song phương.
Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Indonesia đạt 17,9 tỷ USD trong năm 2024, tăng 5,4% so với năm trước đó. Tổng thống Trump đã cảnh báo sẽ áp mức thuế bổ sung 32% đối với hàng hóa Indonesia, bên cạnh mức cơ bản 10%, nếu hai nước không đạt được thỏa thuận thương mại mới trước ngày 1-8.
*Cùng ngày, tại Phnom Penh, Phó thủ tướng Campuchia Sun Chanthol tiếp tục kêu gọi Mỹ giảm thuế đối với hàng hóa Campuchia, sau khi Washington hạ mức thuế từ 49% xuống 36%, có hiệu lực từ 1-8. Phó thủ tướng Chanthol nhấn mạnh Campuchia vẫn thuộc nhóm nước kém phát triển (LDC) của Liên hợp quốc và cần được tạo điều kiện thuận lợi để tiến tới mục tiêu ra khỏi nhóm LDC vào năm 2029. Trong khi đó, ông cũng kêu gọi các nhà sản xuất trong nước giữ bình tĩnh, khẳng định Chính phủ Campuchia đủ năng lực để bảo vệ lợi ích của quốc gia, người sử dụng lao động và người lao động.
*Trong diễn biến liên quan, tại Tokyo, Chính phủ Nhật Bản ngày 8-7 đã bày tỏ lấy làm tiếc sau khi Mỹ công bố sẽ áp thuế 25% đối với hàng hóa Nhật Bản từ ngày 1-8. Trưởng đoàn đàm phán thuế quan Nhật Bản Ryosei Akazawa đã điện đàm với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick và cam kết tiếp tục đàm phán để đạt được một thỏa thuận tổng thể cùng có lợi trước thời hạn ngày 1-8, đặc biệt liên quan đến ngành ô tô.
*Tại châu Phi, cũng trong tuần này, 5 nhà lãnh đạo Tây Phi gồm Liberia, Senegal, Gabon, Mauritania và Guinea-Bissau sẽ tới Washington để tham dự cuộc họp kéo dài 3 ngày do Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trì. Đây được xem là sự kiện ngoại giao quan trọng đầu tiên của chính quyền Tổng thống Trump với châu Phi kể từ khi ông tái đắc cử, sau cuộc gặp căng thẳng giữa ông và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tại Nhà Trắng hồi tháng 5.
Mục tiêu của hội nghị lần này là khai thác cơ hội thương mại giữa hai bên. 5 quốc gia được mời đều sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá như dầu mỏ, khí đốt, vàng và khoáng sản đất hiếm, song cũng đang đối mặt với những thách thức lớn về bất ổn chính trị.
*Ngày 9-7, Bộ trưởng Thương mại, Đầu tư và Công nghiệp Malaysia, ông Tengku Datuk Seri Zafrul Aziz, cho biết nước này sẽ tiếp tục đối thoại mang tính xây dựng về thương mại với Mỹ sau khi cường quốc số 1 thế giới đơn phương công bố mức thuế đối ứng mới.
Theo kế hoạch, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cũng sẽ có cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio trong ngày 10-7. Hiện ông Marco Rubio đang có mặt tại Kuala Lumpur tham dự các hội nghị của ASEAN.
Trước đó, ngày 8-7, Mỹ thông báo sẽ áp mức thuế 25% đối với tất cả các sản phẩm của Malaysia nhập khẩu vào Mỹ, tách biệt với các mức thuế theo ngành, và có hiệu lực từ ngày 1-8. Mức thuế mới này cao hơn so với mức thuế 24% được Tổng thống Trump công bố lần đầu hôm 2-4. Malaysia đã nhiều lần đàm phán thuế quan với Mỹ kể từ tháng 4, với lần gần đây nhất vào ngày 18-6.
*Liên minh châu Âu (EU) đang đẩy mạnh nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận thương mại khung với Mỹ trước ngày 1-8, trong đó tập trung vào yêu cầu giảm thuế ngay lập tức và cam kết không áp dụng thêm biện pháp hạn chế mới. Tuy nhiên, các đề xuất này đến nay chưa nhận được phản hồi từ Washington.
Cũng liên quan đến thuế quan mới của Mỹ, tại Bangkok dẫn thông báo của Liên đoàn các nhà tuyển dụng của Thái Lan (EconThai) bày tỏ lo ngại về mức thuế mới 36% mà chính quyền Tổng thống Trump sẽ áp với hàng hóa nhập khẩu từ Thái Lan kể từ ngày 1-8 tới.
Liên đoàn trên cho rằng mức thuế mới, vốn cao hơn mức thuế mà Mỹ sẽ áp với các đối thủ của Thái Lan trong khu vực, sẽ gây áp lực lên ngành sản xuất của Thái Lan, khiến người lao động nước này sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Các nhà xuất khẩu sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên với việc tổng giá trị xuất khẩu dự kiến giảm hơn 50% ngay trong tháng này.
*Ngày 9-7, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim kêu gọi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đưa ra phản ứng chung đối với thách thức về thuế quan trong bối cảnh các biện pháp thương mại đơn phương của Mỹ đang tạo ra bất ổn kinh tế trong khu vực.
Theo mức thuế “Ngày giải phóng” được Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố ngày 2-4, các quốc gia ASEAN bị đánh thuế từ 10% - 49% và theo thông báo mới nhất của nhà lãnh đạo Mỹ hôm 7-7, có 6 thành viên ASEAN sẽ chịu mức thuế mới từ ngày 1-8 tới, trừ khi đạt được thỏa thuận với Mỹ. Trong số này, có có 3 nước ASEAN được giảm mức thuế xuất hàng sang Mỹ, gồm Campuchia (từ 49% xuống 36%), Lào (48% xuống 40%) và Myanmar (44% xuống 40%). Trong khi đó, Thái Lan và Indonesia vẫn chịu mức thuế lần lượt là 36% và 32%, còn Malaysia bị tăng từ 24% lên 25%. Việt Nam không có tên trong đợt thông báo thuế hôm 7-7 của Tổng thống Trump do hai bên đã đạt được thỏa thuận trước đó.
Dự kiến, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio sẽ tham dự các cuộc họp của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các quốc gia đối tác vào cuối tuần này.
*Trong bối cảnh Nhật Bản và Mỹ vẫn chưa đạt được thỏa thuận về vấn đề thuế quan của Mỹ đánh vào ô tô nhập khẩu, các tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản đang phải tính toán biện pháp tăng giá để bù đắp chi phí cao hơn, cũng như vạch sẵn phương án ứng phó trong trường hợp nhu cầu thị trường giảm.
Trong thư thông báo hôm 7-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Nhật Bản kể từ ngày 1-8, cao hơn mức cũ là 24%. Thuế đối ứng này không ảnh hưởng đến các mức thuế cụ thể theo từng ngành đã có hiệu lực như thuế đối với ô tô, phụ tùng ô tô, thép và nhôm.
CHUNG CÚC
Tổng hợp
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.