Theo Reuters, Tổng thống Donald Trump đã gửi thư cho lãnh đạo của 14 quốc gia để thông báo về mức thuế quan mới. Nội dung các bức thư mà Tổng thống Mỹ đăng tải nêu rõ, hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Kazakhstan và Tunisia sẽ phải chịu mức thuế 25%. Hàng hóa nhập khẩu từ Nam Phi, Bosnia và Herzegovina sẽ bị đánh thuế 30%, trong khi hàng hóa từ Indonesia sẽ chịu thuế 32%. Bangladesh và Serbia đều sẽ bị áp mức thuế 35%, còn Campuchia và Thái Lan là 36%. Hàng nhập khẩu từ Lào và Myanmar sẽ phải đối mặt với mức thuế 40%. Tuy nhiên, các bức thư đều nhấn mạnh việc áp thuế mới có thể sẽ được tiếp tục gia hạn nếu như các đối tác đưa ra được đề xuất phù hợp.
 |
Một tàu chở hàng cập cảng ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 2-7. Ảnh: Reuters |
Đây là những bức thư đầu tiên được gửi đi trước ngày 9-7, thời điểm các mức thuế quan đối ứng mà nhà lãnh đạo Mỹ từng công bố hồi đầu tháng 4 dự kiến sẽ quay trở lại mức cao hơn. Tất cả các bức thư đều nhấn mạnh những mức thuế chung này tách biệt với các mức thuế bổ sung theo ngành đối với những mặt hàng chiến lược. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết sẽ có thêm nhiều bức thư được gửi đi trong những ngày tới.
Chiều 7-7 (giờ địa phương), Tổng thống Donald Trump cũng đã ký sắc lệnh hành pháp hoãn thời hạn áp thuế từ ngày 9-7 sang 1-8. Theo sắc lệnh này, quyết định được đưa ra “dựa trên thông tin bổ sung và khuyến nghị từ nhiều quan chức cấp cao khác nhau”.
Sau khi thông tin về mức thuế mới được công bố, nhiều quốc gia đã có phản ứng. Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru ngày 8-7 cho biết, nước này sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán với Mỹ nhằm tìm kiếm một thỏa thuận thương mại song phương đem lại lợi ích cho cả hai bên.
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản. Bên cạnh mức thuế 25%, Nhật Bản còn phải chịu thuế 25% riêng đối với ô tô xuất khẩu sang Mỹ. Trong tháng 5, xuất khẩu của Nhật Bản lần đầu tiên giảm sau 8 tháng, do các hãng xe lớn như Toyota bị ảnh hưởng bởi loạt thuế mới. Riêng xuất khẩu ô tô và linh kiện ô tô của Nhật Bản sang Mỹ lần lượt giảm 24,7% và 19%.
Trong khi đó, Hàn Quốc cho biết nước này sẽ tăng cường các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ trước thời hạn 1-8. Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho biết, nước này đã đề nghị chính quyền Tổng thống Donald Trump xem xét giảm thuế đối với ô tô, thép và các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của doanh nghiệp nước này. Thông báo của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc nêu rõ: "Chúng tôi sẽ đẩy mạnh đàm phán trong thời gian còn lại để đạt được kết quả cùng có lợi, qua đó nhanh chóng tháo gỡ những bất ổn do các biện pháp thuế quan gây ra”. Ngoài ra, thông báo cũng nhấn mạnh Hàn Quốc sẽ tận dụng khoảng thời gian này để cải thiện hệ thống và quy định ở trong nước nhằm giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại vốn là mối quan tâm lớn của Mỹ, đồng thời thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ chốt thông qua quan hệ đối tác giữa hai nước.
Trong khi đó, cùng ngày, Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia cho rằng, việc Washington áp mức thuế quan 25% đối với hàng hóa xuất khẩu của Malaysia sang Mỹ có thể gây gián đoạn hoạt động của doanh nghiệp, chuỗi cung ứng và dòng đầu tư đối với cả hai nước. Tuy nhiên, Malaysia vẫn cam kết đàm phán để mang lại kết quả bền vững và công bằng cho cả hai bên.
Những động thái mới nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump được giới chuyên gia đánh giá là một tín hiệu cho thấy nhà lãnh đạo Mỹ vẫn để ngỏ cơ hội để các đối tác tiến tới một thỏa thuận thương mại cân bằng với Washington. Dù vậy, tính chất không rõ ràng này cũng kéo dài tình trạng bất ổn và khó lường cho các quốc gia trên thế giới. Bà Pamela Coke-Hamilton, Giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) của Liên hợp quốc, cảnh báo động thái này của Mỹ có thể kéo dài thời kỳ bất ổn, làm suy yếu các hợp đồng đầu tư và kinh doanh dài hạn, đồng thời tạo thêm bất ổn. Bà nhấn mạnh: "Nếu một doanh nghiệp không rõ ràng về chi phí mà họ sẽ phải trả, họ không thể lập kế hoạch, họ không thể quyết định ai sẽ đầu tư". Bà cũng cho biết thêm, sự không chắc chắn này kết hợp với việc cắt giảm sâu viện trợ phát triển đã tạo ra “cú sốc kép” cho các nước đang phát triển.
GIA HUY
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.