Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Ngày 19-9-1954, trong buổi gặp mặt, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong (Sư đoàn 308, Quân đoàn 1) trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội tại Đền Giếng trong khu di tích Đền Hùng (thuộc núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ), Bác Hồ căn dặn: “Bác cháu ta gặp nhau ở đây trong tình cờ nhưng lại rất có ý nghĩa. Ngày xưa các vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước... Trải qua bao thời đại đấu tranh, ông cha ta mới giữ được Thủ đô, tám chín năm nay, do quân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Vì thế các chú được Trung ương và Chính phủ giao cho nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô là được nhận một vinh dự lớn”. (Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb CTQG, H.2007, tập 5, tr. 502)

Lời dạy của Bác tuy dung dị nhưng vô cùng sâu sắc, là sự khái quát cao nội dung cơ bản, xuyên suốt toàn bộ tiến trình lịch sử Việt Nam. Câu nói của Người không chỉ khẳng định công lao to lớn dựng nước và giữ nước của các Vua Hùng, của các thế hệ cha ông, mà còn là lời nhắc nhở toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta về sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc. Đó là lời di huấn thiêng liêng, ngắn gọn, giản đơn nhưng đã trở thành quy luật của dân tộc ta: “Dựng nước phải đi đôi với giữ nước”.

leftcenterrightdel
Bác Hồ nói chuyện với các chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong tại đền Giếng, Đền Hùng, Phú Thọ, ngày 19-9-1954. Ảnh: hochiminh.vn

Khắc ghi lời Bác dạy năm xưa, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kiên quyết giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân; giữ vững khối đại đoàn kết, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thách thức; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay, chúng ta lại càng thấm thía hơn lời căn dặn của Người. “Cùng nhau giữ lấy nước” không chỉ có nghĩa là ra trận chống giặc ngoại xâm mà còn là sự chia sẻ, đoàn kết, tương thân tương ái, cùng vượt qua khó khăn, thiên tai, dịch bệnh để xây dựng đất nước phồn vinh và phát triển vững mạnh hơn. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đoàn kết một lòng, cùng chung tay quyết chiến thắng đại dịch Covid-19, mang lại sự bình yên cho Tổ quốc và nhân dân.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với một đơn vị bộ đội tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh: TTXVN  
leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm một đơn vị bộ đội ở Nam Định (1957). Ảnh: TTXVN 

Hơn 60 năm đã qua, nhưng lời căn dặn của Bác Hồ đối với cán bộ Đại đoàn 308 ở Đền Hùng vẫn còn nguyên giá trị. Lời dạy đó của Người, được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam luôn khắc ghi trong tâm khảm và coi đó là Mệnh lệnh thiêng liêng, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt đối với Quân đội và dân tộc. Cán bộ, chiến sĩ toàn quân làm theo lời Bác dạy với quyết tâm và trách nhiệm chính trị cao, với tinh thần “quyết chiến, quyết thắng”, ý chí tự lực tự cường, chủ động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa như lời Bác căn dặn năm xưa.

Theo dấu chân Người

Ngày 19-9-1920, báo cáo của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc đến Bảo tàng văn hào Honore de Balzac dự buổi nói chuyện có chừng 30 người dự.

Ngày 19-9-1945, báo “Cứu Quốc” đăng bài “Chính phủ là công bộc của dân”, với bút danh Chiến Thắng, Bác viết: “Chính phủ đối với ta như người “anh cả” trong gia đình, một đồng chí phụ trách trong một địa phương, một người đứng mũi chịu sào ta có thể vững lòng trông cậy và gửi số mệnh vào. Người xưa nói: quan là công bộc của dân, ta cũng có thể nói: Chính phủ là công bộc của dân vậy. Các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh... Nói tóm lại,... Uỷ ban nhân dân là Uỷ ban có nhiệm vụ thực hiện tự do dân chủ cho dân chúng. Nó phải hành động đúng tinh thần tự do dân chủ đó”.

leftcenterrightdel
Bác Hồ và Chính phủ cách mạng đầu tiên của Việt Nam ra mắt quốc dân. Ảnh: bqllang.gov.vn 

Ngày 19-9-1949, Bác gửi thư tới Hội nghị Trung du biểu dương: “Đồng bào ta, gái cũng như trai, trẻ cũng như già, cho đến các cháu nhi đồng cỏn con ai cũng nồng nàn yêu nước, ai cũng hăng hái kháng chiến, ai cũng cố gắng giết giặc…” . Và đưa ra mục tiêu phấn đấu: “Phải làm sao cho cho các tỉnh trung du thành một phòng tuyến kiên cố của ta, một nghĩa địa mênh mông của giặc. Thế là ta nhất định thắng lợi”.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Ngày 19-9-1969, trang nhất Báo Quân đội nhân dân đã trích đăng lời trong điếu văn của Ban chấp hành trung ương Đảng tại lễ truy điệu Hồ Chủ tịch: “Vĩnh biệt Người, chúng ta thề: “Đem hết sức mình tiếp tục phấn đấu thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa cao đẹp mà Người đã vạch ra cho giai cấp công nhân và nhân dân ta, đem  lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho đồng bào”.

Ngày 19-9-1970, trang nhất Báo Quân đội nhân dân đã trích đăng Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nam Bắc một lòng, nhân dân cả nước ta kiên quyết kháng chiến, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà.”

leftcenterrightdel
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 19-9-1969 và 19-9-1970.

Sự kiện trong nước

19-9-1995: Việt Nam trở thành thành viên của AIPO (nay là AIPA). Tại Singapore, trong phiên khai mạc Đại hội đồng, Tổ chức liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPO), nay là Hội đồng liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA), đã kết nạp Việt Nam là thành viên chính thức. Ngay sau khi gia nhập, nước ta đã chủ động tham gia các hoạt động của tổ chức, tích cực triển khai thực hiện các chương trình hành động và nghị quyết của AIPA, đồng thời đưa ra nhiều sáng kiến có giá trị nhằm chia sẻ và hỗ trợ chính phủ các nước ASEAN giải quyết những vấn đề ưu tiên của khu vực.

leftcenterrightdel
Lễ kết nạp Quốc hội Việt Nam vào AIPO, Singapore, ngày 19-9-1995. Ảnh: TTXVN 

19-9-1981: Xí nghiệp liên doanh Dầu khí Việt - Xô bắt đầu thăm dò, khai thác dầu và khí ở thềm lục địa phía Nam nước ta.

19-9-1945: Chi đội Thiện Thuật (sau đổi tên thành Trung đoàn Thiện Thuật - Trung đoàn 95) , chi đội Giải phóng quân đầu tiên của Quảng Trị được thành lập tại thị xã Quảng Trị. Quân số chi đội gồm 1.500 người.

19-9-1900: Ngày sinh của vua Duy Tân tức Nguyễn Phúc Vĩnh San, vua thứ 11 nhà Nguyễn. Ông là vị vua yêu nước, có tinh thần dân tộc. Vua Duy Tân mất năm 1945.

19-9-1442: Ngày mất anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi sinh năm 1380, tên hiệu là Ức Trai, quê ở Nhị Khê, Thường Tín, Hà Tây (nay là Hà Nội). Ông có công lớn giúp Lê Lợi chiến thắng quân Minh xâm lược, đồng thời là bậc khai quốc công thần, xây đắp vương triều Lê trong buổi ban đầu. Ông là một nhà văn hóa xuất sắc của Việt Nam. Năm 1980, tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) đã ghi nhận ông là danh nhân văn hóa và được kỷ niệm trên toàn thế giới.

Sự kiện quốc tế

19-9-1991: Người băng Ötzi được hai du khách người Đức phát hiện, là một xác ướp tự nhiên được bảo quản rất tốt của một người đàn ông từ khoảng năm 3300 TCN.

19-9-1944: Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Phần Lan và Liên Xô ký thỏa thuận đình chiến, kết thúc Chiến tranh Tiếp diễn.

19-9-1935: Ngày mất Konstantin Eduardovich Tsiolkovsky, ông sinh năm 1857 tại Liên Xô, được các nhà khoa học thế giới công nhận là ông tổ ngành du hành vũ trụ.

leftcenterrightdel
 

KIM GIANG