* Indonesia tiếp nhận tàu chiến đa năng đầu tiên từ Italy

Theo thông tin do Fincantieri công bố mới đây, nhà đóng tàu của Italy đã chính thức bàn giao tàu KRI Brawijaya-320 cho Hải quân Indonesia tại xưởng đóng tàu Muggiano của Fincantieri.

KRI Brawijaya-320 là chiếc đầu tiên trong số hai tàu chiến đa năng đang được Fincantieri đóng mới cho Hải quân Indonesia theo hợp đồng trị giá 1,18 tỷ euro, được ký kết vào ngày 28-3 năm ngoái. Thỏa thuận này do Bộ Quốc phòng Italy làm trung gian, không chỉ bao gồm việc bàn giao tàu đóng mới mà còn đi kèm huấn luyện cho thủy thủ đoàn và hỗ trợ hậu cần.

Lễ bàn giao chính thức tàu KRI Brawijaya-320 cho Hải quân Indonesia tại xưởng đóng tàu Fincantieri ở La Spezia đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Italy và Indonesia. Ảnh: X.com

Ban đầu, con tàu được đặt tên là Marcantonio Colonna (P433) cho Hải quân Italy, nhưng sau đó đã được chuyển giao cho Indonesia để đáp ứng yêu cầu vận hành cấp bách.

Về mặt kỹ thuật, KRI Brawijaya-320 có chiều dài 143m, chiều rộng 16,5m và lượng giãn nước toàn tải khoảng 6.270 tấn. Tàu sử dụng hệ thống đẩy kết hợp diesel và tua-bin khí (CODAG), cho phép đạt tốc độ 57,4km/giờ và tầm hoạt động là 9.260km. Về vũ khí, tàu được trang bị pháo chính 127mm, pháo phụ 76mm, 2 trạm vũ khí điều khiển từ xa 25mm, cùng khả năng lắp đặt 16 ống phóng thẳng đứng (VLS) có thể chứa tên lửa đất đối không Aster 15 hoặc Aster 30. Ngoài ra, tàu còn có thể mang theo 8 tên lửa chống hạm Teseo Mk-2E và 2 cụm phóng ngư lôi ba ống 324mm.

KRI Brawijaya-320 có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, bao gồm tác chiến tuyến đầu, tuần tra hàng hải, tìm kiếm cứu nạn và hỗ trợ dân sự. Thiết kế theo mô-đun giúp tàu có thể được tái cấu hình nhanh chóng để phù hợp với các yêu cầu hoạt động khác nhau, biến nó trở thành một vũ khí chiến lược quan trọng của Indonesia.

* Đức đàm phán với Mỹ về việc cung cấp hệ thống Patriot cho Ukraine

Bloomberg đưa tin, Đức đã bước vào các cuộc đàm phán cấp cao nhằm đảm bảo bổ sung các hệ thống tên lửa phòng không Patriot cho Ukraine sau khi Mỹ quyết định tạm dừng việc chuyển giao một số vũ khí trọng yếu cho Kiev gần đây. 

Hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Mỹ. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ 

Nỗ lực tăng cường hỗ trợ phòng không của Đức trở nên đặc biệt quan trọng sau khi Lầu Năm Góc mới đây tuyên bố tạm hoãn việc chuyển giao 30 tên lửa Patriot cho Ukraine, với lý do kho dự trữ của Mỹ đang cạn kiệt. Động thái này đã gây áp lực lên các đồng minh NATO trong việc bù đắp sự thiếu hụt. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius dự kiến sẽ đến Washington trong vài tuần tới để gặp gỡ các quan chức Mỹ và các nhà sản xuất quốc phòng, nhằm thúc đẩy sản xuất và đảm bảo nguồn cung tên lửa.

Đức hiện đã trở thành nhà tài trợ quân sự lớn thứ hai của Ukraine, với cam kết viện trợ tổng cộng 38 tỷ euro, đồng thời đóng vai trò tiên phong trong việc củng cố hệ thống phòng không của Ukraine. 

* Nga chào bán máy bay Su-57E cho Ấn Độ

Mới đây, Nga vừa đưa ra đề xuất kép với Ấn Độ, chào bán tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm Su-57E và tiêm kích chiếm ưu thế trên không Su-35M tiên tiến.

Máy bay chiến đấu Su-57 của Nga. Ảnh: Telegram 

Theo các nguồn tin, đề xuất này do Tập đoàn nhà nước Rostec và hãng Sukhoi đưa ra, bao gồm chuyển giao công nghệ toàn diện để sản xuất Su-57E ngay tại nhà máy của Hindustan Aeronautics Limited (HAL) ở Nashik – nơi từng lắp ráp hơn 220 tiêm kích Su-30MKI. Ngoài ra, Nga cũng đề nghị chuyển giao trực tiếp tiêm kích Su-35M trong khuôn khổ gói thầu MRFA (Máy bay chiến đấu đa nhiệm) của Ấn Độ.

Su-57E - phiên bản xuất khẩu của dòng tiêm kích tàng hình chủ lực của Nga - sẽ cho phép Ấn Độ tiếp cận mã nguồn và đạt tỷ lệ nội địa hóa 40-60%, qua đó có thể tích hợp các hệ thống nội địa như tên lửa ngoài tầm nhìn Astra, tên lửa chống bức xạ Rudram và radar AESA Virupaksha. Rostec cho biết đề xuất này phù hợp với các sáng kiến "Make in India" đồng thời hỗ trợ chương trình phát triển tiêm kích tàng hình nội địa (AMCA) thông qua chuyển giao công nghệ động cơ, hệ thống tàng hình và điện tử hàng không.

Nga cũng đề xuất bàn giao ban đầu 20-30 chiếc Su-57E trong vòng 3-4 năm nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của Không quân Ấn Độ, sau đó mở rộng lên 70-100 chiếc đến đầu những năm 2030.

Với Su-35M, Nga đặt kỳ vọng đây sẽ là giải pháp mua sắm nhanh chóng để củng cố lực lượng của Không quân Ấn Độ. Rostec nhấn mạnh Su-35M có 70-80% linh kiện tương đồng với Su-30MKI, giúp đơn giản hóa khâu bảo trì và huấn luyện phi công. Rostec cho biết sản lượng Su-35 đã "tăng gấp đôi" nhằm đáp ứng nhu cầu trong cuộc xung đột với Ukraine, do đó cho phép giao hàng hằng năm ở mức hai con số. Ấn Độ có thể tiếp nhận 36-40 chiếc trong vòng 2 đến 3 năm.

QUỲNH OANH (tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.