* Anh triển khai hệ thống dò thủy lôi tự động SWEEP

Ngày 4-7, Hải quân Hoàng gia Anh chính thức đưa vào hoạt động hệ thống dò thủy lôi tự động SWEEP, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc khôi phục năng lực rà phá thủy lôi sau 20 năm gián đoạn. Đây là cột mốc chiến lược trong nỗ lực bảo vệ an toàn cho thủy thủ đoàn trước mối đe dọa thủy lôi hiện đại.

SWEEP là tàu mặt nước không người lái (USV) tích hợp các thiết bị hiện đại, có khả năng phát hiện, đánh lừa và vô hiệu hóa các loại thủy lôi kỹ thuật số. Ảnh: Royal Navy 

Hệ thống SWEEP là tàu mặt nước không người lái (USV) tích hợp các thiết bị hiện đại, có khả năng phát hiện, đánh lừa và vô hiệu hóa các loại thủy lôi kỹ thuật số, bao gồm cả thủy lôi chống tàu mặt nước lẫn tàu ngầm. Khác với các tàu rà phá thủy lôi truyền thống cần người vận hành trực tiếp, SWEEP hoạt động từ xa, có thể được điều khiển từ trên bờ hoặc từ tàu chỉ huy, giúp giảm thiểu rủi ro cho nhân lực.

SWEEP được phát triển bởi công ty TKMS Atlas (Anh) trong khuôn khổ hợp đồng trị giá 25 triệu bảng Anh. Hệ thống nổi bật với khả năng mô phỏng tín hiệu đặc trưng của tàu chiến như từ tính và âm thanh, khiến thủy lôi nổ ở khoảng cách an toàn thay vì tiếp cận tàu thật. Ngoài ra, SWEEP còn tích hợp tính năng “phát hiện và tránh” giúp tránh va chạm, và có thể phối hợp tác chiến cùng các nền tảng tự động khác như hệ thống chống thủy lôi trên biển (MMCM) và tàu ngầm không người lái SeaCat.

Việc triển khai SWEEP thể hiện cam kết hiện đại hóa lực lượng của Hải quân Anh trong bối cảnh các tuyến hàng hải quốc tế ngày càng bị đe dọa. Với khả năng linh hoạt, nhanh chóng triển khai và tương thích với nhiều loại thiết bị, hệ thống này không chỉ nâng cao năng lực phòng thủ mà còn giúp Anh giữ vai trò chủ động trong các hoạt động bảo đảm an ninh hàng hải của NATO. Theo trang Royal Navy, 3 hệ thống SWEEP đầu tiên đã được bàn giao.

* Tàu ngầm tấn công Tourville chính thức gia nhập Hải quân Pháp     

Ngày 5-7, Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp Sébastien Lecornu công bố chính thức đưa tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân Tourville vào biên chế, đánh dấu bước tiến mới trong chương trình hiện đại hóa lực lượng tàu ngầm của Pháp. Đây là tàu ngầm thứ ba thuộc lớp Suffren (hay lớp Barracuda) trong tổng số 6 tàu thuộc chương trình Barracuda trị giá 9,1 tỷ euro. Hai tàu đã trong biên chế là Suffren và Duguay-Trouin.

Buổi lễ công bố biên chế tàu Tourville cho Hải quân Pháp. Ảnh: Bộ Quân đội Pháp 
Tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân Tourville. Ảnh: zona-militar 

Tourville được đóng tại xưởng đóng tàu Naval Group ở Cherbourg từ ngày 28-6-2011. Tàu thực hiện chuyến thử nghiệm trên biển đầu tiên ngày 12-7-2024 tại Eo biển Manche, lặn thử lần đầu ngày 17-7-2024 và sau đó quay lại Cherbourg để hiệu chỉnh kỹ thuật.

Tourville được bàn giao cho Hải quân Pháp ngày 16-11-2024 và chuyển đến cảng Toulon để hoàn thiện. Đến nay, tàu đã sẵn sàng tác chiến.

Với chiều dài xấp xỉ 99m, lượng giãn nước khi lặn hơn 5.200 tấn, tàu ngầm Tourville được trang bị lò phản ứng hạt nhân K15, đạt vận tốc hơn 46km/giờ, hoạt động ở độ sâu hơn 350m. Ngoài thủy thủ đoàn gồm 65 người, tàu còn có không gian dành cho lực lượng đặc nhiệm.

Vũ khí của Tourville gồm ngư lôi hạng nặng F21 Artemis, tên lửa chống hạm Exocet SM39 và tên lửa hành trình MdCN, có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách hơn 1.000km. Tàu được trang bị 4 ống phóng ngư lôi 533mm. Hệ thống điều khiển hỏa lực kỹ thuật số, thiết bị thủy âm hiện đại và thiết kế giảm tiếng ồn giúp tăng khả năng tàng hình của tàu.

Tourville cũng có khả năng triển khai các thiết bị không người lái và hỗ trợ tác chiến đặc biệt, cho phép hoạt động linh hoạt từ vùng ven biển đến biển sâu. So với các tàu lớp Rubis cũ, lớp Suffren thể hiện bước nhảy vọt về công nghệ, khả năng sinh tồn và uy lực chiến đấu.

Thổ Nhĩ Kỳ thử nghiệm thành công vũ khí laser YILDIRIM-100

Theo trang Militarnyi, tập đoàn quốc phòng ASELSAN (Thổ Nhĩ Kỳ) vừa tiến hành thử nghiệm thành công hệ thống vũ khí laser chống tên lửa tiên tiến YILDIRIM-100, đánh dấu bước tiến quan trọng trong công nghệ phòng thủ hàng không hiện đại.

YILDIRIM-100 là hệ thống phòng vệ hồng ngoại chủ động (DIRCM) sử dụng tia laser công suất cao để vô hiệu hóa đầu dò của tên lửa dẫn đường bằng hồng ngoại, bao gồm cả tên lửa không đối không và tên lửa đất đối không.

YILDIRIM-100 là hệ thống phòng vệ hồng ngoại chủ động sử dụng tia laser công suất cao để vô hiệu hóa đầu dò của tên lửa dẫn đường bằng hồng ngoại, bao gồm cả tên lửa không đối không và tên lửa đất đối không. Ảnh: ASELSAN/militarnyi.com 

Trong các cuộc thử nghiệm, hệ thống đã thể hiện khả năng phát hiện nhanh tên lửa, sau đó tự động điều khiển tia laser để phá hủy đầu dò, khiến tên lửa mất mục tiêu và đổi hướng.

Trang Defence Industry Europe cho biết, YILDIRIM-100 có thể đồng thời phát hiện, theo dõi và vô hiệu hóa nhiều mối đe dọa tên lửa. Hệ thống sử dụng cấu trúc tháp pháo kép, cảm biến tiên tiến và một hệ thống điều khiển tích hợp để bảo đảm phản ứng nhanh, đồng bộ và phối hợp liền mạch với các hệ thống cảnh báo tên lửa trên máy bay.

Điểm nổi bật của YILDIRIM-100 là khả năng hoạt động hoàn toàn tự động, cung cấp phạm vi bảo vệ 360 độ xung quanh máy bay, trực thăng hoặc UAV. Với việc các loại tên lửa giá rẻ, dễ triển khai nhưng rất nguy hiểm đang ngày càng phổ biến trong các vùng chiến sự, YILDIRIM-100 được kỳ vọng sẽ nâng cao đáng kể khả năng sống sót của các phương tiện bay trong tác chiến thực địa.

Việc phát triển YILDIRIM-100 không chỉ giúp Không quân Thổ Nhĩ Kỳ có thêm lá chắn hiệu quả, mà còn đưa quốc gia này vào hàng ngũ những nước dẫn đầu về công nghệ vũ khí năng lượng định hướng.

MAI HƯƠNG (tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.