Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 7-6-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 7-6

Sự kiện trong nước

* Ngày 7-6-1957: Viện nghiên cứu Đông y (nay là Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương) thuộc Bộ Y tế được thành lập. Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương là một địa chỉ tin cậy, uy tín trong khám, điều trị bệnh, là đầu mối trong hợp tác quốc tế về y học cổ truyền với các nước trong khu vực và trên thế giới, là cánh chim đầu đàn của ngành y học cổ truyền Việt Nam.

Lữ đoàn tên lửa bờ 679 tăng cường huấn luyện, làm chủ vũ khí, khí tài.

* Ngày 7-6-1979: Thành lập Lữ đoàn tên lửa bờ 679, Vùng 1 Hải quân. Đây là đơn vị tên lửa đất đối hải, Vùng 1 Hải quân - là 1 trong 5 lực lượng nòng cốt của Hải quân nhân dân Việt Nam. Mệnh danh là “quả đấm thép”, lữ đoàn có nhiệm vụ quan trọng trong bảo vệ chủ quyền biển đảo Đông Bắc của Tổ quốc. Lữ đoàn được trang bị nhiều tổ hợp tên lửa, khí tài hiện đại. Lữ đoàn luôn đẩy mạnh phong trào tự học, làm chủ vũ khí, khí tài, nâng cao trình độ quản lý, khả năng khai thác để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Sự kiện quốc tế

* Ngày 7-6-1929: Hiệp ước Lateran (ký ngày 11-2-1929) được Quốc hội Italy phê chuẩn và chính thức có hiệu lực. Hiệp ước công nhận Thành Vatican là một quốc gia có chủ quyền.

* Ngày 7-6-1982: Dinh thự Graceland của cố vua nhạc Rock&Roll Elvis Presley ở Memphis, bang Tennessee, bắt đầu mở cửa đón du khách. Elvis Presley đã có 20 năm gắn bó với Graceland và qua đời tại đây ngày 16-8-1977. Nơi đây đã trở thành một trong những điểm đến hàng đầu ở Mỹ.

Tiffany Greenoak đến từ London là du khách thứ 20 triệu tại Graceland. Trong ảnh, cô và chồng mới cưới Rober Greenoak. Ảnh: VisitGraceland

* Ngày 7-6-2006: Abu Musab al-Zarqawi, thủ lĩnh tổ chức khủng bố al-Qaeda ở Iraq, bị tiêu diệt trong một cuộc không kích của Mỹ tại khu vực phía bắc Baghdad. Đây được coi là một chiến tích của chính quyền Baghdad và quân đội Mỹ trong việc chống khủng bố tại Iraq.

Theo dấu chân Người

* Ngày 7-6-1931, sau khi bị bắt, Nguyễn Ái Quốc bị tạm giam tại Sở Cảnh sát Hồng Kông và luật sư người Anh Henri Loseby đã đến gặp thân chủ của mình. Hồi ức của Loseby kể lại khi sang thăm Việt Nam (1960) viết: “Một hôm, có một người Việt Nam đến gặp tôi và báo cho tôi biết nhà cầm quyền Hương Cảng (tức Hồng Kông) mới bắt được một người Việt Nam và yêu cầu tôi bào chữa giúp cho người Việt Nam này. Được tin này, tôi đến nhà lao và gặp Tống Văn Sơ tức Hồ chủ tịch lúc đó. Tống Văn Sơ kể cho tôi nghe ông bị Pháp ở Đông Dương kết án tử hình và có nhận mặt được một số sĩ quan Pháp ở Hương Cảng. Lúc đó tôi mới biết bọn Pháp ở Đông Dương đã nhờ nhà cầm quyền Hương Cảng bắt Tống Văn Sơ... Sau đó, tôi đến gặp Hội đồng luật sư để xem cần phải làm gì và về chuẩn bị giấy tờ để đến gặp chánh án...”.

* Ngày 7-6-1946, “Nhật ký hành trình” chép về chuyến đi thăm Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Từ Habagna bay đến Le Caire (thủ đô Ai Cập) 1.386 cây số. Khi qua Jerusalem, máy bay có bay một vòng tròn kinh thành để mọi người được xem lăng chúa Jesus... Lúc đến Le Caire có đại biểu sứ thần Pháp ra đón... Nghỉ lại đây 3 hôm”.

Cùng ngày, ở trong nước, Báo Cứu quốc đăng bài “Đặt kế hoạch tác chiến” (ký tên Q.Th.) của Bác giới thiệu binh pháp Tôn Tử nhưng trên một tinh thần thực tiễn: “Biết người, biết mình rồi lại phải so sánh mình với địch xem ai hơn, ai kém để định kế hoạch tác chiến... Chiến tranh ngày nay, đánh ở mặt sau, đánh về kinh tế, về chính trị, về tinh thần cũng không kém phần quan trọng như đánh ngoài mặt trận. Phải biết phối hợp mọi phương pháp ấy mới có thể đi tới thắng lợi hoàn toàn...”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình luật sư Loseby (người đã giúp bào chữa cho Bác trong vụ án Hồng Kông, 1931-1933), tại nhà sàn khu Phủ Chủ tịch, tháng 2-1960. Ảnh: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch 

* Ngày 7-6-1948, phản ứng trước việc thực dân Pháp dựng lên “chính phủ bù nhìn toàn quốc” tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Ngày nay thực dân Pháp đã đưa ra một chính phủ bù nhìn toàn quốc, để mưu bán Tổ quốc Việt Nam cho chúng. Chính phủ và nhân dân Việt Nam sẽ theo pháp luật nước nhà trừng trị bọn phản quốc ấy”.

* Ngày 7-6-1968, Bác mời một số cán bộ đến bàn về loại sách “Người tốt, việc tốt”. Bác nói: “Những chiến công và thành tích nổi bật, vang dội thì ai cũng có thể thấy được. Còn những việc nhỏ, bình thường thôi, nhưng ích nước lợi dân, thì hay bị xem thường... Các chú có biết biển cả do cái gì tạo nên không? Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông. Biết bao nhiêu giọt nước nhỏ hợp lại mới thành biển cả. Một pho tượng hay một lâu đài cũng phải có cái nền rất vững chắc mới đứng vững được. Nhưng người ta dễ nhìn thấy pho tượng và lâu đài mà không chú ý đến cái nền. Như thế là chỉ thấy cái ngọn mà quên mất cái gốc!... Nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình có nghĩa... Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin được... Coi chừng, có nhiều người Việt Nam lại không hiểu rõ lịch sử, đất nước, con người và những cái vốn rất quý báu của mình”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh – Ngày này năm xưa, Tập 1 – NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2010 và Hồ Chí Minh toàn tập - NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011).

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Đảng ta là một đảng cách mạng, ngoài lợi ích của công nhân và nông dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác”. Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài nói tại Đại hội sản xuất tỉnh Hà Đông (nay thuộc thành phố Hà Nội), ngày 7-6-1960.

Đây là thời kỳ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đã đạt được những thành tựu quan trọng; cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam gặp nhiều khó khăn, thử thách và rất khốc liệt. Trước tình hình đó, đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc tập hợp được đông đảo lực lượng cách mạng phục vụ cho sự nghiệp kiến thiết nước nhà và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Đại hội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước (12-1-1967). Ảnh: Hochiminh.vn

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ công khai lợi ích của Đảng ta trước quốc dân đồng bào, thể hiện sâu sắc giá trị lý luận và thực tiễn về công tác xây dựng Đảng; vừa thể hiện một cách đúng đắn và nhuần nhuyễn tính giai cấp, tính tiền phong, trí tuệ, đạo đức và tính quần chúng trong công tác xây dựng Đảng. Đây cũng là tư tưởng chỉ đạo để Đảng ta và mỗi cán bộ, đảng viên hành động đúng tôn chỉ, mục đích của Đảng, làm cho Đảng ta thực sự là đội tiên phong, đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, lớp lớp cán bộ, đảng viên đã không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc, của nhân dân lên trên, lên trước lợi ích cá nhân, xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu ngày càng cao, lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này, đến thắng lợi khác.

Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tập trung đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Lời khẳng định trên của Bác đã trở thành một trong những nội dung cơ bản về công tác xây dựng Đảng, là tư tưởng chỉ đạo, phương châm hành động để Đảng ta tự đổi mới, tự chỉnh đốn làm trong sạch chính mình, có đủ năng lực đảm đương vai trò, sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp gặp mặt các cán bộ cao cấp toàn quân (11-5-1969). Ảnh: Hochiminh.vn

Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng; học tập và làm theo lời Bác dạy, Đảng bộ Quân đội và toàn quân luôn mẫu mực trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chấp hành tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, nội bộ đoàn kết thống nhất cao, có chuyển biến quan trọng về năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu; giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội. Bên cạnh đó, chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của toàn quân không ngừng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân, xứng đáng với danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 7-6-1990 đưa tin “Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội thảo “Chủ tịch Hồ Chí Minh với báo chí cách mạng”. Tin cho biết, hơn 20 bản tham luận trình bày tại hội thảo đã nhấn mạnh: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam và là một nhà báo lớn. Người đã sáng lập ra tờ báo Thanh Niên – tờ báo cách mạng đầu tiên ở nước ta khi Người mới 35 tuổi”.

“Các tác phẩm báo chí của Bác Hồ dù là một thiên điều tra nghiên cứu công phu, một bài chính luận, một truyện ký, một mẩu chuyện giản dị, một dòng tin ngắn,... đều thể hiện trình độ nghiệp vụ điêu luyện của một cây bút bậc thầy và trí tuệ của một nhà văn hóa kiệt xuất. Sự nghiệp báo chí của Bác Hồ không thể tách rời sự nghiệp hoạt động chính trị phong phú và đa dạng của Bác”.

Trang Nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 7-6-1990.
 

MAI HƯƠNG (tổng hợp)