Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 1-6-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử  thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm. 

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 1-6

Sự kiện trong nước

Ngày 1-6-1947, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ký Sắc lệnh số 51-SL, tạm thời định giá tiền đồng bạc Việt Nam so với đồng tiền mang niên hiệu Minh Mệnh, Thiệu Trị đang lưu hành.

Ngày 1-6-1947, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ký Sắc lệnh số 52-SL ấn định lại mức thuế nhập khẩu, xuất khẩu hàng hóa. 

leftcenterrightdel
Viettel nỗ lực đóng góp hiệu quả vào công cuộc chuyển đổi số. Ảnh: VGP

Ngày 1-6-1981 là ngày thành lập Trường Trung cấp Biên phòng 1. Trường có nhiệm vụ đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ biên phòng trình độ sơ cấp, trung cấp, đào tạo ngoại ngữ (tiếng Trung Quốc, tiếng Lào) và bồi dưỡng văn hóa nguồn dạy tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng.

Ngày 1-6-1989, Công ty Điện tử thiết bị thông tin Sigelco (tiền thân của Tập đoàn Công nghiệp- Viễn thông quân đội (Viettel) được thành lập. Từ một doanh nghiệp nhỏ với 9 nhân sự và số vốn chỉ 2 tỷ VND, Viettel đã tạo ra nhiều kỳ tích, trở thành tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam và có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tính đến năm 2022, Viettel là tập đoàn có thương hiệu được định giá ở mức 8,758 USD, xếp thứ 227 trong số những thương hiệu giá trị nhất thế giới, xếp thứ 18 thế giới, thứ 2 châu Á và thứ nhất Đông Nam Á ở lĩnh vực thương hiệu viễn thông giá trị nhất.

Sự kiện quốc tế

Ngày 1-6-1848, tờ báo cách mạng Neue Rheinische Zeitung (Báo Rhein Mới) được Karl Marx và Friedrich Engels cùng Liên đoàn Cộng sản sáng lập tại Cologne (Đức).

Ngày 1-6-1949: Ngày Quốc tế Thiếu nhi ra đời, nhằm tưởng niệm các nạn nhân của Đức Quốc xã là trẻ em trong sự kiện bi thảm xảy ra tại Tiệp Khắc và Pháp vào những năm 1942 và 1944.

leftcenterrightdel
Ngày 1-6-1973, 8 nước OPEC tăng giá dầu thêm 11,9%. Ảnh: Getty Images

Ngày 1-6-1964: Jomo Kenyatta trở thành Tổng thống đầu tiên của nước Cộng hòa Kenya sau khi quốc gia này giành độc lập từ Anh vào cuối năm 1963.

Ngày 1-6-1973 đánh dấu sự manh nha của cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973. Cuộc khủng hoảng chính thức bắt đầu từ tháng 10-1973 với việc các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ dừng xuất khẩu dầu sang các nước ủng hộ Israel. Tuy nhiên, hàng loạt hành động leo thang đã diễn ra từ trước đó, đặc biệt là sự kiện ngày 1-6-1973 khi 8 nước thuộc Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ OPEC tăng giá dầu thêm 11,9%. Cuộc khủng hoảng đã khiến giá dầu tăng gấp 4 lần do gián đoạn nguồn cung, đẩy các nền kinh tế phương Tây và kinh tế toàn cầu lâm vào suy thoái nghiêm trọng.

Theo dấu chân Người

Ngày 1-6-1922, Báo L’ Humanité (Nhân Đạo) đăng bài “Bình đẳng” của tác giả Nguyễn Ái Quốc, mở đầu bằng câu: “Để che đậy sự xấu xa của chế độ bóc lột giết người, chủ nghĩa tư bản thực dân luôn luôn điểm trang cho cái huy chương mục nát của nó bằng những châm ngôn lý tưởng: Bác ái, Bình đẳng”.

Ngày 1-6-1946, Báo Cứu quốc số 255 đăng thư gửi đồng bào Nam Bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó Người khẳng định:

“Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam.

Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”.

Đầu năm 1946, đất nước ta đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách, nhất là nguy cơ thực dân Pháp quay trở lại xâm lược. Trước khi lên đường sang Paris đàm phán chính thức với Chính phủ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư bày tỏ sự đồng cảm với nguyện vọng thiết tha độc lập, thống nhất đất nước và khơi dậy niềm tin của đồng bào miền Nam. Lời khẳng định của Bác đã trở thành là chân lý thiêng liêng, cao cả của dân tộc Việt Nam và được trả lời qua thực tiễn 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

leftcenterrightdel
Cần, Kiệm, Liêm, Chính là nền tảng của đời sống mới, nền tảng của thi đua ái quốc. Ảnh: Tạp chí Tài chính

Ngày 1-6-1949, Báo Cứu Quốc đăng bài “Thế nào là Liêm?” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh Lê Quyết Thắng. Đây là một trong những bài báo về “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” của Người sau này được tổng hợp lại thành cuốn sách cùng tên. Trong sách, Người giải thích nội hàm những khái niệm: Cần, Kiệm, Liêm và Chính như sau:

- Cần là “siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai”.

- Kiệm là “tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”.

- Liêm là “trong sạch, không tham lam”.

- Chính là “thẳng thắn, đứng đắn”.

Ngày 1-6-1950, Bác Hồ viết “Thư gửi thiếu nhi toàn quốc”. Trong thư, Người hứa: “Đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, thì Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể cũng cố gắng làm cho các cháu đều được no ấm, đều được vui chơi, đều được học hành, đều được sung sướng”.

Hằng năm, vào Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, Bác đều gửi thư cho các cháu thiếu nhi Việt Nam và thế giới.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2010 và Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2010).

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Ngày 1-6-1947, chuyên mục “Công tác thiết thực” của Báo Sự Thật số 77 đăng bài “Cán bộ tốt và cán bộ xoàng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh A.G. Trong bài viết về công tác cán bộ này, Bác nhấn mạnh: “Kháng chiến là một lò đúc cán bộ. Nơi nào mà các cán bộ cấp trên biết lựa chọn và dìu dắt, thì có nhiều cán bộ mới nảy nở và công việc rất phát triển... Kháng chiến lại là một viên đá thử vàng đối với cán bộ”.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ, nhân viên Văn phòng Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ. Ảnh: Hochiminh.vn

Trong bài viết, Người đưa ra hình ảnh so sánh hết sức sinh động về những địa phương nơi có cán bộ tốt và những nơi có cán bộ xoàng. Người ví đi đến nơi nào có cán bộ tốt, thì cảnh tượng tốt đẹp bày ngay ra trước mắt, còn nơi nào cán bộ xoàng thì vùng đó như đang ngủ say. Trên giấy thì cái gì cũng có nhưng sự thật, thì việc gì cũng uể oải, úi xùi.

Cuối bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận: “Cán bộ mà lên mặt quan cách mạng thì mọi việc đều lủng củng. Cán bộ mà biết làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, thì việc gì cũng mỹ mãn. Những đồng chí cán bộ, phải gắng tiến lên mãi. Những ông cán bộ xoàng, xin mau mau sửa đổi”.

Trên thực tế, với tư cách người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Nếu coi cán bộ là then chốt trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhà nước thì công tác cán bộ là then chốt của then chốt. Trong hệ thống trước tác của Người, chúng ta bắt gặp rất nhiều bài báo phân tích sâu sắc về cán bộ và công tác cán bộ. Tư tưởng của Người về công tác cán bộ là sự kết hợp giữa lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin với thực tiễn cách mạng Việt Nam, có tính thời sự, cấp thiết ở mọi thời điểm, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cho đến cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Qua những tác phẩm của mình, Người đưa ra những phẩm chất nổi bật của cán bộ và yêu cầu trong công tác cán bộ, bao gồm những nét chính như: Cán bộ phải có đạo đức cách mạng, phải tích cực học tập và tự trau dồi kiến thức, phải được rèn luyện để trưởng thành; Công tác cán bộ phải đánh giá đúng cán bộ, phải huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ một cách toàn diện, phải sử dụng và bố trí đúng cán bộ và phải kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

leftcenterrightdel
Hình ảnh các cháu thiếu nhi vây quanh Bác Hồ đăng trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 898. 

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 898 ra ngày 1-6-1961 đăng bài kỷ niệm Ngày Quốc tế Thiếu nhi với hình ảnh các cháu thiếu nhi đang vui cười vây quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tựa đề “Chúng cháu yêu Bác Hồ” của bức tranh là một điểm nhấn, nhắc nhở cán bộ các cấp phải luôn quan tâm chăm lo cho trẻ em, đúng như lời Bác nhắn nhủ và hằng mong muốn, thể hiện và gửi gắm trong Thư Bác Hồ gửi thiếu nhi cũng vào ngày này năm 1955: “Các em nhi đồng vui vẻ đón mừng Ngày quốc tế của các em, cũng như nhân dân lao động vui vẻ chúc mừng Ngày Quốc tế Lao động 1-5. Đồng thời, ngày 1-6 nhắc nhủ người lớn (trước hết là bố mẹ, cô giáo, thầy giáo, Đoàn Thanh niên) nhiệm vụ của mình đối với nhi đồng”.

Nhiều thập kỷ đã đi qua nhưng lời nhắn nhủ của Người về thiếu nhi vẫn giữ nguyên giá trị to lớn. Có thể nói, vun trồng, chăm lo cho trẻ em là trách nhiệm của tất cả mọi công dân trong xã hội, bởi “trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai”.

leftcenterrightdel
 

HỮU DƯƠNG