Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 13-5-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 13-5

Sự kiện trong nước

13-5-1954: Lễ mừng Chiến thắng Điện Biên Phủ được tổ chức trọng thể tại cánh đồng Mường Thanh - Trung tâm tập đoàn cứ điểm của địch vừa bị tiêu diệt.

13-5-1959: Bác đến thăm Nhà máy in Tiến Bộ ở Hà Nội. Sau khi thăm nơi sản xuất, đến thăm nhà giữ trẻ cho cán bộ và công nhân, Bác căn dặn: “Cần trông nom đến nhà giữ trẻ, chăm sóc chu đáo các cháu, vì các cháu có ngoan, khỏe mạnh thì bố mẹ các cháu mới yên tâm sản xuất tốt”. 

leftcenterrightdel

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm cán bộ, công nhân Nhà máy in Tiến Bộ, Hà Nội (13-5-1959). Ảnh tư liệu 

13-5-1968: Khai mạc phiên họp đầu tiên của cuộc hội đàm giữa đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ tại Paris, Pháp (Hội nghị Paris).

Hội nghị bàn về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, có sự tham gia của đại diện các chính phủ: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mỹ, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (từ tháng 6-1969 là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam), Việt Nam Cộng hòa (chính quyền Sài Gòn). Đại diện của Việt Nam là Bộ trưởng Xuân Thủy.

Sau khi chiến lược “chiến tranh đặc biệt” thất bại, từ giữa 1965 cùng với việc chuyển sang thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”, Mỹ tăng cường các hoạt động tuyên truyền và sử dụng các thủ đoạn ngoại giao nhằm lừa bịp dư luận trong nước và thế giới, tìm cách gây sức ép, buộc Chính phủ và nhân dân Việt Nam phải thỏa hiệp, chấp nhận đàm phán và giải quyết chiến tranh theo những điều kiện có lợi cho Mỹ.

leftcenterrightdel
Quang cảnh ngày khai mạc Hội nghị Quốc tế về Việt Nam tại thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Hội nghị kéo dài 4 năm 8 tháng 14 ngày (từ 13-5-1968 đến 27-1-1973), gồm 2 giai đoạn, với 202 phiên họp công khai, 24 cuộc tiếp xúc riêng ở cấp cao dưới nhiều hình thức ngoại giao, trong đó hai đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tổ chức gần 500 cuộc họp báo, gần 1.000 lần trả lời phỏng vấn của các nhà báo.

Hội nghị Paris thắng lợi là kết quả của cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của quân dân hai miền Nam, Bắc. Đấu tranh ngoại giao phối hợp chặt chẽ với đấu tranh quân sự và chính trị trong nước, gây tiếng vang mạnh mẽ, rộng lớn trên thế giới. Thắng lợi của Việt Nam tại Hội nghị Paris thông qua việc ký kết Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam góp phần làm thay đổi so sánh lực lượng có lợi cho cách mạng trên chiến trường miền Nam. Mỹ phải rút quân và chấm dứt chiến tranh xâm lược phi nghĩa ở Việt Nam, tạo điều kiện cho nhân dân Việt Nam hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc. (Bách khoa toàn thư Quân sự Việt Nam)

13-5-1978: Kho Khí tài 62, Binh chủng Hóa học được thành lập.

Sự kiện quốc tế

13-5-1995: Người phụ nữ Anh 33 tuổi Alison Hargreaves trở thành phụ nữ đầu tiên chinh phục đỉnh Everest mà không cần hỗ trợ oxy hoặc sự giúp đỡ của người dân bản địa.

13-5-1999: Tại Moscow, cuộc luận tội tổng thống đầu tiên của nước Nga bắt đầu.

Theo dấu chân Người

Ngày 13-5-1920, tại Paris, Nguyễn Ái Quốc đưa bản thảo sách “Những người bị áp bức” (Les Opprimos) cho Marcel Cachin, người sau này trở thành lãnh tụ của Đảng Cộng sản Pháp, để viết lời tựa và cho biết Báo L’ Humanité (Nhân đạo) của Đảng Xã hội sẽ giúp việc in ấn tác phẩm này.

Ngày 13-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo về tình hình quân Pháp đang khủng bố ở miền Nam Trung Bộ và chính sách đối với một số doanh nghiệp (như Hãng SIFA ở Vinh và hãng Xi măng ở Huế), đồng thời, nhắc nhở Bộ Canh nông chú ý đến vấn đề nhân lực nông thôn để gặt lúa.

Bác cũng dành buổi trưa để tiếp Đoàn đàm phán của Chính phủ vừa từ Đà Lạt trở về. Bác đánh giá: “…Tuy kết quả chưa đủ, nhưng phái bộ đã làm cho nước Pháp và ngoại quốc biết rõ rằng người nước ta biết tranh đấu, biết công tác và biết đoàn kết... Phải tiếp tục tranh đấu tại Hội nghị Paris!”.

Ngày 13-5-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc mít tinh của nhân dân Hà Nội chào mừng chuyến sang thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai.

Ngày 13-5-1968, đã thành lệ, vào những ngày trước dịp sinh nhật mỗi năm (kể từ 1965), Bác lại bổ sung và sửa bản thảo Di chúc. Lần này, Bác viết thêm phần chăm lo đời sống con người: “Trong bao năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đó luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ. Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp… để cho đồng bào hỉ hả, một dạ, một lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất” ...

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật, 2010)

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2502, ngày 13-5-1968 đăng lời của Hồ Chủ tịch: “Đồng bào và chiến sĩ ta phải đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, luôn luôn nâng cao cảnh giác và tinh thần quyết chiến quyết thắng, ra sức phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, đánh liên tục, đánh đều khắp, giành những thắng lợi mới to lớn hơn nữa.”

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 3225, ngày 13-5-1970 đăng ảnh Hồ Chủ tịch ân cần thăm hỏi một gia đình bộ đội ở xã Nam Chính, thuộc huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương ngày 15-2-1965 cùng lời dạy của Bác ngày 20-7-1969: “Quân và dân cả nước ta, triệu người như một, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, không sợ hy sinh, không sợ gian khổ, quyết kiên trì và đẩy mạnh cuộc kháng chiến, quyết chiến quyết thắng, đánh cho quân Mỹ phải rút hết sạch, đánh cho ngụy quân và ngụy quyền sụp đổ hết, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà!.”

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 3587, ngày 13-5-1971 trích đăng lời trong Di chúc của Hồ Chủ tịch: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân.”

leftcenterrightdel
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân ngày 13-5 các năm 1968, 1970, 1971, 1980, 1999 và 2000.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 6794, ngày 13-5-1980 đăng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1961: “Cán bộ và chiến sĩ phải luôn luôn nâng cao trình độ chính trị, văn hóa và mức hiểu biết về khoa học kỹ thuật: Phải giữ gìn kỷ luật một cách nghiêm túc, nâng cao cảnh giác, giữ gìn bí mật, luôn luôn sẵn sàng đập tan mọi âm mưu nham hiểm của địch.”

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 13651, ngày 13-5-1999 trích đăng bài nói chuyện tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra của Đảng năm 1964: “Cuộc chỉnh huấn lần này là một cơ hội tốt để tất cả chúng ta thật thà phê bình và tự phê bình, xem xét lại mình một cách nghiêm chỉnh, thấy rõ những sai lầm để sửa chữa, thấy rõ ưu điểm để phát huy thêm. Muốn vậy, mỗi người phải thật sự tự giác, tự nguyện. Nhất là các đồng chí lãnh đạo ở các cấp, các ngành cần phải gương mẫu trong việc tự phê bình và phê bình. Tất cả các đồng chí đều phải đem hết lòng đoàn kết, thương yêu đồng chí mà giúp nhau tiến bộ. Những đảng viên nào có khuyết điểm, nếu thật thà tự phê bình, có quyết tâm sửa chữa, vứt bỏ cái ba-lô cá nhân chủ nghĩa đi thì sẽ trở nên đảng viên xứng đáng. Đảng ta là một bà mẹ rất nghiêm ngặt mà cũng rất hiền từ.”

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 14013, ngày 13-5-2000 đăng ảnh Bác Hồ về thăm lại Pác Bó, Cao Bằng năm 1961 và lời dạy của Bác: “Muốn trở thành cán bộ tốt, phải có tinh thần tự chỉ trích.”

leftcenterrightdel
 

TƯỜNG VY (tổng hợp)