Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 2-6-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm. 

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 2-6

Sự kiện trong nước

Ngày 2-6-1784 là Ngày mất nhà bác học Việt Nam Lê Quý Đôn. Ông nguyên là Lê Danh Phương, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường, sinh ngày 2-8-1726, trong một gia đình khoa bảng tại làng Diên Hà, trấn Sơn Nam Hạ (nay là thôn Phú Hiếu, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà) tỉnh Thái Bình. Lê Quý Đôn sống và làm quan dưới thời hậu Lê, thế kỷ thứ 18, thời kỳ xã hội Việt Nam có nhiều biến động lớn, nảy sinh nhiều mâu thuẫn cũng như những mầm mống mới chuyển sang thời kỳ kinh tế hàng hóa...

leftcenterrightdel
Tranh vẽ nhà bác học Lê Quý Đôn trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Ảnh: VnExpress. 

Những biến động đó đã có những tác động mạnh mẽ tới đời sống văn hóa, tư tưởng, khoa học và sản sinh ra những con người kiệt xuất như Đoàn Thị Điểm, Đặng Trần Côn, Lê Hữu Trác, Lê Quý Đôn... Với đầu óc thông tuệ đặc biệt và một sức sáng tạo cũng như năng lực làm việc phi thường, nhà bác học Lê Quý Đôn đã có những đóng góp to lớn vào hệ thống tri thức Việt Nam, để lại những tác phẩm nổi tiếng và có giá trị như “Đại Việt thông sử”, “Phủ biên tạp luc”, “Vân đài loại ngữ”...

Với những đóng góp nổi bật cho khoa học nước nhà và kho tàng văn hóa dân tộc, Lê Quý Đôn đã được vinh danh là học giả kiệt xuất, một trong những nhà khoa học lớn nhất của Việt Nam. Khu lưu niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn cũng được công nhận là Khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia theo Quyết định số 235 VH/QĐ ngày 12-12-1986 của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Ngày 2-6-1897, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ra nghị định về chính sách thuế thân đối với người dân Bắc Kỳ. Thuế thân, còn có tên gọi là “sưu” hay “thuế đinh”, là loại thuế đánh vào đàn ông tuổi từ 18 đến 60 trong chính quyền phong kiến và thực dân. Theo quy định của Paul Doumer, mỗi người đàn ông tuổi từ 18 đến 60 hằng năm phải nộp một khoản tiền cho Nhà nước thực dân. Nếu không nộp sẽ bị cưỡng bức lao động để lấy tiền nhận thẻ thuế thân.

Tác phẩm “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố ra đời năm 1937 là điển hình hiện thực phê phán nói lên nỗi thống khổ và cuộc sống khốn khó của người dân dưới ách đô hộ thực dân Pháp mà một trong những chính sách bóc lột tàn tệ là thuế thân đánh vào suất đinh như anh Dậu và em trai.

Sự kiện quốc tế

Ngày 2-6-1875, Alexander Graham Bell và Thomas Watson bất ngờ phát hiện ra phương thức truyền tín hiệu âm thanh. Đây là khám phá mang tính đột phá, mở ra một chân trời mới cho thế giới điện thoại và truyền thanh sau này.

leftcenterrightdel
Alexander Graham Bell, cha đẻ của máy điện thoại. Ảnh: Britannica. 

Ngày 2-6-1946 là Ngày Quốc khánh nước Italy. Cách đây 76 năm, sau khi được giải phóng hoàn toàn khỏi sự chiếm đóng của phát xít Đức, người dân Italy đã tham gia cuộc trưng cầu dân ý và lựa chọn nền cộng hòa, cho phép Italy bước vào con đường dân chủ, tiến bộ xã hội và phát triển hiện nay.

Ngày 2-6-2003, từ Trung tâm vũ trụ Baikonur, Kazakhstan, Cơ quan vũ trụ châu Âu phóng tàu thăm dò đầu tiên lên Sao Hỏa.

Theo dấu chân Người

Trưa ngày 2-6-1911, con tàu Amiral Latouche Tréville (tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin) từ Hải Phòng cập cảng Sài Gòn. Người thanh niên Nguyễn Tất Thành xuống tàu và gặp viên thuyền trưởng Lui E-du-a Mai-sen xin việc làm với cái tên “Văn Ba”, khởi đầu cho hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.

Ngày 2-6-1949, Báo Cứu Quốc số 1258 đăng bài “Thế nào là Chính” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh là Lê Quyết Thắng. Đây là một trong loạt bài báo về “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” của Người và sau này được tổng hợp lại thành cuốn sách cùng tên, trong đó Người đưa ra định nghĩa về Chính như sau: “Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà. Cần, Kiệm, Liêm là gốc rễ của Chính”.

leftcenterrightdel
Cần, Kiệm, Liêm là gốc rễ của Chính. Ảnh: Dangcongsan.vn. 

Trong bài viết, Bác răn mọi người phải không tự kiêu, tự đại; luôn luôn cầu tiến bộ; luôn luôn tự kiểm điểm và phải hoan nghênh người khác kiểm điểm mình. Người nhấn mạnh: “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý”.

Cuối bài viết, Bác nhắc nhở mọi người “Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh. Việc gì dù lợi cho mình, phải xét nó có lợi cho nước không? Nếu không có lợi, mà có hại cho nước thì quyết không làm”.

Cũng trong số báo này, Bác viết thư gửi quân đội quốc gia, dân quân và công nhân quốc phòng.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật, 2010 và Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2010).

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Ngày 2-6-1949, Báo Cứu quốc số 1258 đăng thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Quân đội quốc gia, dân quân và công nhân quốc phòng. Bức thư được viết trong dịp mở đầu Cuộc thi đua rèn luyện cán bộ, chấn chỉnh quân đội, qua đó Bác gửi gửi lời chào thân ái chúc cuộc thi đua thành công, thúc đẩy tinh thần thi đua lập công, làm nền tảng cho chuẩn bị tổng phản công trong cuộc kháng chiến chống giặc Pháp xâm lược.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Hội đồng Chính phủ, Ban Thường trực Quốc hội năm 1948. Ảnh: Hochiminh.vn. 

Nói về vai trò quan trọng của cán bộ, Bác viết trong thư: “Sự thành công phần lớn là do các cán bộ, vậy các cán bộ phải cố gắng hơn mọi người để làm kiểu mẫu cho mọi người”. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ được người đúc rút ngắn gọn trong luận điểm: “Cán bộ là cái gốc của mọi việc”, khẳng định muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã ghi nhận nhiều gương điển hình cán bộ vì dân, vì nước và cũng nhiều tấm gương xấu về cán bộ không đủ năng lực, tham lam, nhũng nhiễu nhân dân. Theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ, những tấm gương sáng cần phải được nhân lên và những cán bộ xấu xí cần phải bị loại bỏ khỏi bộ máy nhà nước. Những ví dụ về tấm gương sáng như nhà khoa học Trần Đại Nghĩa từ bỏ công việc tốt ở nước ngoài, về Việt Nam để tham gia và có những đóng góp lớn cho cách mạng hay những ví dụ xấu xí như Trần Dụ Châu trong Kháng chiến chống Pháp và những đại án kinh tế thời gian gần đây là ví dụ sinh động cho thấy tư tưởng của Người về cán bộ và công tác cán bộ là luôn luôn có tính thời sự.

Cán bộ và công tác cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cách mạng, là khâu “then chốt” trong thực hiện nhiệm vụ. “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” và “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Chính vì vậy, người cán bộ phải luôn luôn phấn đấu, luôn luôn cố gắng hơn để có được hiệu quả tốt nhất trong thực hiện công việc.

Để có được điều đó thì điều trước nhất là mỗi cán bộ phải luôn tự học hỏi, luyện rèn, nâng cao ý thức cá nhân trong mọi công việc. Ngoài ra, công tác đào tạo, huấn luyện, nhằm nâng cao trình độ chính trị, lý luận cho cán bộ, đảng viên cũng phải được chú trọng, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng trong tình hình mới. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, người cán bộ cần phải tích cực học hỏi, bởi học là để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự Tổ quốc và nhân dân, học để được dân tin, dân phục, dân yêu. Có thấm nhuần được tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh như vậy thì mọi công tác đều sẽ được thực hiện thành công.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

leftcenterrightdel
Trang 3 Báo Quân đội nhân dân số 2884 ra ngày 2-6-1969.

Trên trang 3 Báo Quân đội nhân dân số 2884 ra ngày 2-6-1969 đăng mục “Hồ Chủ tịch thưởng huy hiệu”. Trong mục này, Báo Quân đội nhân dân đăng đầy đủ tên tuổi của 8 em thiếu niên học giỏi, lao động tốt, thật thà, dũng cảm được Bác Hồ tặng thưởng huy hiệu. Những tấm gương thiếu niên tiêu biểu đó bao gồm những em quên mình cứu bạn đang bị đuối nước như em Dân mới 7 tuổi học lớp 2 ở Kim Động, Hải Hưng (nay là Hải Dương và Hưng Yên), hay như em Phan Quang Kỵ, 9 tuổi, học sinh lớp 3 ở Thanh Miện, Hải Hưng nhặt được của rơi trả lại người mất.

Việc tặng thưởng huy hiệu cho những gương thiếu nhi làm việc tốt thêm một lần nữa thể hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm lo trẻ em. Đây là công tác đặc biệt quan trọng, bởi theo Người, “trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai”. Vì vậy, phải chú trọng công tác chăm sóc và phát triển trẻ em, đặt nền móng quan trọng cho công cuộc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, hướng tới xây dựng một xã hội tốt đẹp dựa trên nền tảng công dân tốt, công dân ưu tú trong tương lai.

leftcenterrightdel
 

HỮU DƯƠNG