Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 3-6-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm. 

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 3-6

Sự kiện trong nước

- Ngày 3-6-1957, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ký Sắc lệnh 017-SL thành lập các quân khu:

+ Quân khu Đông Bắc trên cơ sở khu Đông Bắc thuộc Liên khu Việt Bắc, gồm các tỉnh Lạng Sơn, Hải Ninh.

+  Quân khu Hữu Ngạn ở hữu ngạn Sông Hồng, gồm các tỉnh thuộc Liên khu 3 là Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Hà Tây, Hòa Bình và Thanh Hóa (thuộc Liên khu 4 trước 1957).

+ Quân khu Tả Ngạn ở tả ngạn Sông Hồng, gồm các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Yên và Hà Bắc (Bắc Ninh và Bắc Giang).

+ Quân khu Tây Bắc gồm 2 tỉnh Lai Châu và Sơn La.

Cuộc diễu hành rước Phật gần chùa Từ Đàm (Huế) năm 1963 biến thành biểu tình phản đối đàn áp Phật giáo. Ảnh: Dân Trí. 

- Ngày 3-6-1963, hàng trăm sinh viên Huế biểu tình phản đối đàn áp tôn giáo. Cảnh sát giải tán đám đông biểu tình bằng hơi cay. Chính quyền Ngô Đình Diệm ra lệnh phong tỏa chùa Từ Đàm (Huế) và chùa Xá Lợi (Sài Gòn). Đây là một trong những dấu mốc đánh dấu căng thẳng đỉnh điểm trong “Biến cố Phật giáo 1963”.

- Ngày 3-6-1975, Quốc hội khóa V nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa họp kỳ họp thứ nhất. Đây là kỳ họp đầu tiên của Quốc hội thống nhất Bắc-Nam đầu tiên của nước ta sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã bầu Chủ tịch quốc hội Trường Chinh, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Phó chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng và Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép. Ảnh: Báo Giao thông. 

- Ngày 3-6-2009 là ngày Công ty cổ phần Tân Cảng - Cái Mép đón chuyến tàu đầu tiên. Tân Cảng - Cái Mép là cảng nước sâu đầu tiên của Việt Nam đón tàu mẹ và có tuyến dịch vụ vận tải trực tiếp sang bờ Tây nước Mỹ. Việc cảng nước sâu Tân Cảng - Cái Mép đi vào hoạt động và các hãng tàu triển khai tuyến dịch vụ trực tiếp sang Mỹ đã thu hút sự chú ý rất lớn của các nhà xuất nhập khẩu Việt Nam và thế giới.

Việc triển khai tuyến chạy thẳng từ Việt Nam tới các Cảng khu vực Châu Mỹ góp phần tích cực vào việc giảm chi phí và thời gian vận chuyển hàng và giảm thiểu rủi ro cho các doanh nghiệp, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 3-6-1923, phụ nữ Italy bắt đầu có quyền bầu cử.

- Ngày 3-6-1940, nhằm phá hủy nền kinh tế và quân sự Pháp, tiêu diệt dân số và làm suy giảm nhuệ khí người Pháp cũng như khả năng hỗ trợ các nước đã bị Đức chiếm đóng, Không quân Đức đã ném bom thành phố Paris, khiến 254 người thiệt mạng, phần lớn trong số đó là dân thường.

- Ngày 3-6-1942, Nhật Bản bắt đầu chiến dịch quần đảo Aleutian trong Chiến tranh thế giới thứ II bằng việc ném bom đảo Unalaska. Đây là lãnh thổ duy nhất của Mỹ bị chiếm đóng trong Chiến tranh thế giới thứ II. Mỹ đã triển khai chiến dịch đổ bộ tái chiếm quần đảo vào đầu năm 1943.

Cảnh sát vũ trang trên đường phố London sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố trên Cầu London. Ảnh: PA. 

- Ngày 3-6-1970, gene nhân tạo đầu tiên được tái tổ hợp trong phòng thí nghiệm. Tác giả của công trình này là Tiến sĩ H. Gobind Kharana thuộc Trường Đại học Wisconsin. Thành công này đánh dấu một bước tiến mới trên con đường tổng hợp vật chất di truyền trong thực vật, động vật và con người. 

- Ngày 3-6-2017, vụ tấn công khủng bố trên Cầu London (London Bridge) khiến 8 người thiệt mạng. Nhóm khủng bố gồm 3 tên là Khuram Shazad Butt (27 tuổi), Rachid Redouane (30 tuổi) và Youssef Zaghba (22 tuổi).

Khoảng gần 10 giờ tối, nhóm khủng bố lái xe lên vỉa hè trên Cầu London và tông thẳng vào người đi bộ ở đây. Sau đó, chúng nhanh chóng ra khỏi xe, rút dao tiến thẳng đến tấn công đám đông ở khu chợ gần đó. Đến 10 giờ 15 phút, cả 3 tên khủng bố đã bị nhà chức trách tiêu diệt.

Theo dấu chân Người

- Ngày 3-6-1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành chính thức được nhận việc làm phụ bếp trên tàu Admiral Latouche Tréville (Đô đốc Latouche Tréville). Nguyễn Tất Thành nhận thẻ nhân viên của tàu với tên mới là Văn Ba, được trả mức lương 45 Franc/tháng.

Nguyễn Tất Thành nhận thẻ nhân viên của tàu với tên mới là Văn Ba, được trả mức lương 45 Franc/tháng. Ảnh: Pháp luật Việt Nam. 

Admiral Latouche Tréville là một trong 6 chiếc tàu cỡ lớn chuyên chạy tuyến Pháp - Đông Dương, vừa chở hàng vừa chở khách, thuộc quyền sở hữu của hãng Năm Sao. Vào thời điểm đó, tàu Admiral Latouche Tréville đang chuẩn bị rời cảng Sài Gòn đi Marseille, Pháp.

- Ngày 3-6-1926, từ Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc gửi báo cáo cho Quốc tế Cộng sản về những công việc đã làm kể từ khi tới Thái Lan, bao gồm tổ chức Hội Liên hiệp nông dân của những đồng bào Việt Nam sống tại Thái Lan, một tổ thiếu nhi, một tổ phụ nữ cách mạng, một trường huấn luyện chính trị và xuất bản tờ Báo Thanh Niên. Báo cáo cũng đề cập đến Hội Liên hiệp các thuộc địa ở Paris, 2 tờ báo Le Paria (Người cùng khổ) và Việt Nam Hồn và yêu cầu được cung cấp báo chí và tài liệu tuyên truyền.

- Ngày 3-6-1946, trong hành trình thăm Pháp, trả lời một tờ báo lớn ở Cancutta về vấn đề “Liên bang Đông Dương” và “Liên hiệp Pháp”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ quan điểm: “Thực là một sự mỉa mai nếu lại đặt cho Đông Dương một viên toàn quyền, song tôi hy vọng rằng cuộc đàm phán chính thức ở Paris sẽ có kết quả tốt... Việt Nam không có tham vọng gì về đất đai của hai nước láng giềng…”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2010 và Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2011).

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Phòng lụt, chống lụt là như một chiến dịch lớn,

trên một mặt trận dài, trong một thời gian khá lâu”.

Ngày 3-6-1955, Báo Nhân Dân số 457 đăng thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi nhân dân và cán bộ các tỉnh có đê. Trong thư, Bác căn dặn cán bộ và đồng bào các tỉnh có đê về công tác đê điều.

Quân đội luôn là lực lượng nòng cốt trong phòng chống lũ lụt và thảm họa thiên tai. 

Thư có đoạn: “Thân ái gửi đồng bào và cán bộ những tỉnh có đê. Mùa mưa sắp đến. Lâu ngày hạn hán, năm nay có thể lụt to. Chúng ta phải tỉnh táo đề phòng mọi bất trắc, quyết không được chủ quan. Chúng ta phải ra sức đắp đê và giữ đê, phòng lụt và chống lụt, để bảo vệ mùa màng và tài sản của nhân dân”.

Nội dung thư cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, sát sao tới mọi khía cạnh đời sống của nhân dân. Trong cả cuộc đời cống hiến cho cách mạng của mình, Người chưa khi nào thôi nghĩ tới nhân dân, luôn mong cho dân có cơm ăn, áo mặc và cuộc sống bình yên, xã hội mạnh giàu, thể hiện ở sự quan tâm của Người từ những điều nhỏ nhất cho đến những điều quan yếu như chống hạn, chống lũ, phòng tránh “thủy hỏa đạo tặc”.

Thư Bác kêu gọi đồng bào và cán bộ vùng có đê ra sức đắp đê cho thật vững chắc. Những tỉnh đắp đê đã gần xong cũng như những tỉnh đắp đê chậm đều phải cố gắng đắp đê vững chắc để chống chống lụt trong suốt mùa mưa sắp tới.

Trên thực tế, phòng lụt, chống lũ lụt là một chiến dịch lớn, trên một mặt trận dài, trong một thời gian khá lâu, đòi hỏi toàn thể người dân và cán bộ, chiến sĩ phải có quyết tâm, vượt mọi khó khăn, làm tròn mọi nhiệm vụ cần kíp được giao. Thực hiện lời dạy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: “Phải lấy dân làm gốc”, trong công tác đặc biệt quan trọng này, quân đội luôn là lực lượng đi đầu, sẵn sàng hy sinh thân mình để đảm bảo an toàn cho người dân. Điều này đã được thể hiện trên thực tế hàng chục năm qua với những ví dụ điển hình như công tác giải cứu và giúp đỡ người dân sau lũ lụt do siêu bão Damrey gây ra năm 2017 hay sự kiện Rào Trăng năm 2020.

Không quản gian nguy, nhanh chóng có mặt kịp thời ở các điểm nóng lũ lụt di tản người dân đến nơi an toàn là hình ảnh nổi bật của các lực lượng quân đội trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống lụt bão, được nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trang 3 Báo Quân đội nhân dân số 3246 ra ngày 3-6-1970. 

Trang 3 Báo Quân đội nhân dân số 3246 ra ngày 3-6-1970 đăng loạt bài “Thực hiện Di chúc của Hồ Chủ tịch”. Đây là loạt bài nhân dịp kỷ niệm lần thứ 80 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có bài “Huyện Quỳnh Lưu đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất và sẵn sàng chiến đấu, phục vụ tiền tuyến”. Bài nhấn mạnh tầm quan trọng của lao động sản xuất, tạo ra vật lực phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh quân sự và chính trị ở miền Nam.

Có thể nói thành công ở chiến trường miền Nam có được là kết quả của tổng hòa các biện pháp đấu tranh, trong đó đặc biệt phải nhắc đến vai trò hậu phương vững chắc của miền Bắc với hoạt động lao động sản xuất phục vụ tiền tuyến. Bài báo khẳng định lao động sản xuất là để xây dựng tiềm lực kinh tế và sức mạnh quốc phòng chi viện cho chiến trường miền Nam.

Lao động sản xuất cũng là một mặt trận mà ở đó mỗi công nhân, mỗi lao động là một chiến sĩ và phục vụ chiến đấu, phục vụ tiền tuyến là nhiệm vụ thiêng liêng. Năm 1970, dẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng dấu ấn của Người vẫn luôn hiện hữu và những lời dạy cũng như Di chúc của Người luôn là nguồn động viên to lớn cho chiến trường miền Nam. 

 

HỮU DƯƠNG (tổng hợp)