Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 11-6-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 11-6

Sự kiện trong nước

- Ngày 11-6-1912 là ngày sinh đồng chí Phạm Hùng. Đồng chí Phạm Hùng tên khai sinh là Phạm Văn Thiện, sinh ra trong một gia đình nông dân ở xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Trong cuộc đời hoạt động của mình, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước giao trọng trách ở những nơi và những thời điểm đòi hỏi phải có năng lực tổ chức thực hiện sáng tạo và bản lĩnh kiên định của người lãnh đạo. Đặc biệt, sau Đại hội lần thứ VI, Đảng và Nhà nước đã giao cho đồng chí trọng trách là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng Chính phủ) để triển khai thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đầu tiên trong sự nghiệp đổi mới của đất nước ta, đồng chí Phạm Hùng đã để lại những dấu ấn sâu đậm về tài năng và trách nhiệm trong các quyết định và triển khai các quyết định của Hội đồng Bộ trưởng. Đồng chí mất ngày 10-3-1988.

- Ngày 11-6-1982 là ngày thành lập Binh đoàn 11. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về quân đội tham gia xây dựng kinh tế, kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 11-6-1982, Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Bộ Quốc phòng đã ra Quyết định số 903/QP thành lập Binh đoàn 11 trên cơ sở sáp nhập các lực lượng xây dựng cơ bản của Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Kỹ thuật. Đơn vị có nhiệm vụ xây dựng các công trình trọng điểm của Bộ Quốc phòng và Nhà nước.

leftcenterrightdel
 Binh đoàn 11 được giao nhiệm vụ xây dựng các công trình trọng điểm của Bộ Quốc phòng và Nhà nước. Ảnh: qdnd.vn

- Ngày 11-6-1992, Việt Nam và Moldova thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong 30 năm qua, hai bên đã thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực như ngoại giao, chính trị, kinh tế, quốc phòng, y tế và giáo dục. Hai bên cũng luôn ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 11-6-2009, Manchester United đồng ý chuyển nhượng Cristiano Ronaldo cho Real Madrid với mức giá 96 triệu euro, lập mức phí chuyển nhượng kỷ lục thế giới.  

leftcenterrightdel
Trong những năm khoác áo CLB Real Madrid, Ronaldo cùng đồng đội 3 lần liên tiếp lên ngôi vô địch Champions League vào các năm 2016, 2017 và 2018. Ảnh: Getty Images 

Sau ngày gia nhập Real Madrid, Ronaldo đã có những bước tiến cực kỳ mạnh mẽ trong sự nghiệp vốn đã rất thành công của mình tại MU trước đó. Trước khi rời Real Madrid vào năm 2018, Ronaldo có tổng cộng 9 mùa giải khoác áo đội tuyển này, ra sân tổng cộng 438 trận và ghi được 450 bàn thắng. CR7 giành được tổng cộng 15 danh hiệu tập thể cùng 4 danh hiệu Quả bóng vàng thế giới. Trong đó, anh cùng đồng đội 3 lần liên tiếp lên ngôi vô địch Champions League vào các năm 2016, 2017 và 2018.

Theo dấu chân Người

- Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư biểu dương nhiều tấm gương tiêu biểu như chiến sĩ Trần Văn Diên là “anh hùng đánh địa lôi”; cụ Nguyễn Văn Đản, “người đã có tuổi, mà vẫn chịu khó học, thi đỗ nhất trong giới phụ lão”; chị Phạm Thị Phượng, người đã tích cực trong việc học bình dân học vụ; chị Phạm Thị Tỵ, người đã đứng thứ nhì trong kỳ thi quốc ngữ.

- Ngày 11-6-1949, Bác trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Cứu quốc. Trả lời câu hỏi về việc nhân dân kỷ niệm sinh nhật Bác, Bác nói: “Món quà quý nhất đối với tôi là những báo cáo thành tích Thi đua ái quốc như: bộ đội, dân quân thi đua giết giặc; đồng bào thi đua tăng gia sản xuất và học tập; các nhân viên chính quyền và đoàn thể thi đua sửa đổi lối làm việc; đồng bào điền chủ thi đua giảm địa tô và quyên ruộng; chị em phụ nữ thi đua tình nguyện góp quỹ tham gia kháng chiến; các cháu nhi đồng cũng hăng hái thi đua; đồng bào trong vùng địch thì thi đua kháng chiến một cách âm thầm nhưng oanh liệt; đồng bào hải ngoại cũng thi đua kháng chiến bằng nhiều hình thức”. Người nói thêm: “Nhưng tôi chắc món quà ấy mới là một phần nhỏ, đồng bào và chiến sĩ ta còn tiếp tục cố gắng, tôi sẽ nhận được món quà to hơn nhiều nữa, món quà đó tên là: Tổng phản công thắng lợi hoàn toàn”.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt thân mật các đại biểu dự Đại hội liên hoan Anh hùng, Chiến sĩ thi đua ngành nông nghiệp và đổi công toàn quốc tại Hà Nội ngày 23-5-1957. Ảnh: TTXVN

- Ngày 11-6-1969, Bác điện mừng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn miền Nam Việt Nam, trong đó khẳng định: “Việc họp Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam Việt Nam và việc thành lập chính quyền cách mạng trên toàn miền Nam chứng tỏ đồng bào miền Nam quyết tâm tăng cường đoàn kết, kiên trì chiến đấu để làm chủ vận mệnh của mình và tạo thêm thuận lợi mới, tiến tới thắng lợi hoàn toàn...”.

(Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2010 và Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2006).

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hóa”. Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc, ngày 11-6-1948.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, việc xây dựng chính quyền bảo vệ thành quả cách mạng đang ở tình thế “nghìn cân treo sợi tóc” vì thù trong điên cuồng phá hoại, giặc ngoài lăm le xâm lược. Trong bối cảnh đó, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, phát động phong trào thi đua yêu nước trên toàn quốc và chỉ rõ: “Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều… Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng”. Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được truyền đi như lời hiệu triệu, thôi thúc đồng bào và chiến sĩ cả nước đoàn kết một lòng, phát huy ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, ra sức thi đua, đóng góp sức người, sức của vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

leftcenterrightdel
Hưởng ứng lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng loạt phong trào thi đua ra đời, góp phần vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Ảnh: TTXVN

Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định vị trí, vai trò, công sức của mỗi người yêu nước Việt Nam, của mỗi ngành, mỗi nghề đối với sự nghiệp đấu tranh cách mạng; kịp thời cổ vũ tinh thần, động viên sức lực của toàn thể dân tộc Việt Nam; đồng thời là tư tưởng chỉ đạo, tập hợp, đoàn kết lực lượng cách mạng. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, mọi người dân Việt Nam, không phân biệt già, trẻ, trai, gái đã ra sức thi đua, người này thi đua với người khác, nhà này thi đua với nhà khác, làng này thi đua với làng khác tạo ra phong trào thi đua rộng khắp trên cả nước, góp phần cung cấp sức người, sức của, đảm bảo cho thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Ngày nay, tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, lời kêu gọi của Bác vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục là tư tưởng, chỉ đạo, phương châm hành động cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, ra sức thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo nên sức mạnh tổng hợp để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Gần đây nhất, sự nỗ lực, tinh thần sáng tạo, chiến đấu hết mình để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân trước đại dịch Covid-19 của đội ngũ y, bác sĩ, các chiến sĩ công an, quân đội là một minh chứng rõ ràng cho tinh thần “Ai cũng thi đua”.

leftcenterrightdel
Ngày nay, tinh thần thi đua ái quốc vẫn được phát huy trên tất các các lĩnh vực. Ảnh: qdnd.vn và TTXVN

Là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, mỗi cán bộ, chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam dù làm công việc gì, giữ chức vụ cao hay thấp đều nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, tích cực học tập, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực toàn diện, phương pháp tác phong công tác khoa học, cụ thể, tỉ mỉ; kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện sai trái, tiêu cực, phấn đấu hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần bảo đảm cho quân đội thực hiện tốt chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 747 ra ngày 11-6-1960 đăng bài xã luận “Trái tim chúng tôi thuộc về khách quý. Việt Nam – Albania là anh em” trước chuyến thăm của Chủ tịch Albania Hát-gi La-si tới Việt Nam.

leftcenterrightdel
Hình ảnh Chủ tịch Albania trao tặng Hồ Chủ tịch Huân chương Tự do hạng Nhất và Huân chương Scăng-đéc-béc hạng Nhất nhân chuyến thăm của Người tới Albania năm 1957 đăng trên Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 11-6-1960. 

Bằng việc nhắc lại tình cảm của người dân Albania dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm của Người tới nước này vào mùa thu năm 1957, bài viết đã khẳng định mối quan hệ khăng khít giữa hai quốc gia. Bài viết có đoạn: “Không phải ngẫu nhiên mà khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Albania hồi mùa thu năm 1957, nhân dân thủ đô nước bạn đã căng lớn những khẩu hiệu đầy tình cảm trên đường phố của mình: “Trái tim chúng tôi thuộc về quý khách”, “Việt Nam – Albania là anh em”.

Bên trái bài viết là hình ảnh Chủ tịch Albania trao tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh Huân chương Tự do hạng Nhất và Huân chương Scăng-đéc-béc hạng Nhất nhân chuyến thăm của Người tới Albania năm 1957.

leftcenterrightdel
 

TRẦN HOÀI (tổng hợp)