Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 10-6-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 10-6

Sự kiện trong nước

* Ngày 10-6-1957: Ngày truyền thống của Cục 78, Tổng cục II (tiền thân là Viện 78). Đây là một trong những đơn vị đầu tiên của Tổng cục II vinh dự được đón Bác Hồ đến thăm. Cán bộ, nhân viên, chiến sĩ của Cục 78 luôn nỗ lực phấn đấu để xứng đáng là đơn vị nòng cốt về khoa học - công nghệ của Tổng cục II.

leftcenterrightdel
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trao Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ đổi mới cho Viện 78 tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống (10-6-1957/10-6-2017). Ảnh: Dangcongsan.vn

* Ngày 10-6-1961: Chính phủ ra quyết định thành lập "Ủy ban Trung ương tiêu diệt bệnh sốt rét". Đến nay, thanh toán bệnh sốt rét vẫn còn là nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế và nhân dân ở miền núi nước ta.

* Ngày 10-6-1969: Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam họp phiên đầu tiên và ra quyết định cử bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam làm trưởng đoàn và các ông Nguyễn Vǎn Tiến, Đinh Bá Thi làm phó trưởng đoàn Đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris về Việt Nam.

Sự kiện quốc tế

* Ngày 10-6-1836: Ngày mất của André-Marie Ampère, nhà vật lý người Pháp đã sáng lập ra môn "điện từ học". Ông đã đưa ra một định luật mang tên ông. Định luật xác định lực giữa hai dòng điện. Ampère còn chế tạo ra dụng cụ đo dòng điện, về sau được hoàn chỉnh, gọi là "Điện kế".

* Ngày 10-6-1940: Italy, dưới sự cầm quyền của Benito Mussolini. quyết định tham chiến và đứng về phe của Đức, tuyên chiến với Anh và Pháp. Mặc dù tuyên chiến, nhưng Italy vẫn chưa điều động binh lính tấn công. Đêm 12-6, Italy ra lệnh cho một vài máy bay tiến hành ném bom 2 thị trấn nhỏ ở miền nam nước Pháp. Ngày 20-6, quân đội Italy bắt đầu đổ bộ vào Pháp. Ngày 24-6, Pháp buộc phải ký hiệp định đình chiến với Italy.

Theo dấu chân Người

* Ngày 10-6-1931, Bộ Thuộc địa Pháp gửi công văn tới Bộ Ngoại giao yêu cầu can thiệp để nước Anh trao cho Pháp hoặc giam giữ chặt chẽ Nguyễn Ái Quốc là “lãnh tụ cách mạng lớn của Đông Dương... đã bị kết án tử hình vắng mặt vì những hoạt động chính trị... Hoạt động của ông ta không chỉ dừng lại ở thuộc địa chúng ta... Việc trả tự do cho Nguyễn Ái Quốc chỉ có thể làm trầm trọng thêm những hoạt động có hại... mà các sở an ninh Đông Dương đều biết là ông ta tập trung tất cả trí thông minh, quyền lực và uy tín rất nổi tiếng của mình”.

leftcenterrightdel
Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tours, tháng 12-1920. Ảnh: hochiminh.vn 

* Ngày 10-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi trong dịp 1.000 ngày kháng chiến”: “Hỡi đồng bào toàn quốc! Hỡi toàn thể tướng sĩ!... Tôi thay mặt Chính phủ kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các tử sĩ và đồng bào đã hy sinh vì nước, và gửi lời thân ái hỏi thăm anh em thương binh và gia đình các liệt sĩ... Trong dịp này, lòng tôi và lòng Chính phủ đặc biệt đi đến chiến sĩ và đồng bào Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ, vì chiến sĩ và đồng bào ở đó đã tranh đấu trước nhất và hy sinh nhiều nhất”.

Sau khi điểm lại những thành quả của 1.000 ngày kháng chiến, Bác động viên: “Cuộc kháng chiến của ta đã tập trung tất cả cái tinh thần quật cường yêu nước của giống nòi Hồng Lạc lưu truyền từ mấy ngàn năm. Nó tập trung những kinh nghiệm chiến đấu của các vị dân tộc anh hùng... Chúng ta đủ điều kiện thắng lợi. Chúng ta chắc thắng lợi. Song chúng ta phải biết rằng, càng gần đến thắng lợi thì càng gay go.... Mỗi một người dân phải hiểu: có tự lập mới độc lập, có tự cường mới tự do”.

* Ngày 10-6-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư cho một số người trong chính giới Pháp. Với tướng Salan, thư viết: “Vì chúng tôi đã buộc phải chiến đấu, thì các ngài hãy tỏ ra là những chiến binh hào hiệp, những đối thủ quân tử, trong khi chờ đợi chúng ta lại trở thành bạn hữu của nhau. Chúng ta đã từng là bạn... Vì tình yêu thương con người, lòng nhân đạo và nhân danh tình bạn của chúng ta, tôi yêu cầu ngài nghiêm cấm binh lính Pháp sát hại dân lành, hãm hiếp phụ nữ, đốt phá làng mạc và phá hủy nhà thờ, đền miếu như họ vẫn làm từ trước đến nay. Tôi đảm bảo với ngài rằng binh lính và thường dân Pháp ở chỗ chúng tôi được đối xử rất tử tế...”.

leftcenterrightdel
Tại tòa thị chính Paris, Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố quyết tâm của dân tộc Việt Nam nhất định không bao giờ chịu làm nô lệ, tháng 9-1946. Ảnh: Bộ Ngoại giao 

Trong thư gửi Chủ tịch Leon Blum, một người quen cũ trong Đảng Xã hội Pháp, Bác đặt câu hỏi: “Vậy làm thế nào để chấm dứt cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn này, làm thế nào để lập lại hòa bình? Tôi cho rằng, chỉ có một chính sách phù hợp là... chính sách hữu nghị và tin tưởng lẫn nhau, dựa trên sự thống nhất và độc lập của Việt Nam trong Liên hiệp Pháp”.

* Ngày 10-6-1961, dự họp Bộ Chính trị thảo luận một số vấn đề tồn tại sau đợt chỉnh huấn, Bác góp ý: “Trung ương phải sửa cái bệnh lề mề. Khai hội rồi, hai, ba tuần sau chưa có nghị quyết. Lần này, sau khi đại bộ phận chỉnh huấn xong, các đồng chí Trung ương nên đi một lượt để kiểm tra, động viên”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa - Tập 1 - NXB Chính trị quốc gia - Sự thật - 2010 và sách Hồ Chí Minh Toàn tập - Tập 5 - NXB Chính trị quốc gia - Sự thật - 2011)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Đã đoàn kết, ta phải đoàn kết chặt chẽ rộng rãi thêm. Đã cố gắng, ta phải hăng hái mà cố gắng mãi. Mỗi một người phải lấy việc xung phong trong phong trào Thi đua ái quốc là nhiệm vụ thiêng liêng của mình, phải cố làm cho được”. Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi mọi người đẩy mạnh phong trào thi đua ái quốc, ngày 10-6-1948, nhân dịp kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Lời kêu gọi của Bác có ý nghĩa to lớn, kịp thời động viên, cổ vũ mọi tầng lớp nhân dân lao động hăng say thi đua ái quốc; đồng thời là tư tưởng chỉ đạo tiếp tục xây dựng và nhân rộng các phong trào thi đua ái quốc sôi nổi và mạnh mẽ đang diễn ra trên đất nước ta. Các phong trào "Gió Đại Phong", "Sóng Duyên Hải", "Cờ Ba Nhất", phong trào "Ba Sẵn Sàng", "Ba Đảm Đang", "Cánh đồng Năm tấn" trên đồng ruộng; phong trào "Trống Bắc Lý", "Dạy tốt, học tốt" trong nhà trường; phong trào "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người" chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam… đã nhân lên gấp bội sức mạnh của quân và dân ta, trở thành lực lượng vật chất, góp phần đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giành những thành tựu mới có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

leftcenterrightdel
Thanh niên miền Bắc với phong trào thi đua “Ba Sẵn Sàng”, sản xuất giỏi, chiến đấu cừ vì độc lập tự do của Tổ quốc, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Ảnh: hochiminh.vn 

Hiện nay, cả nước tiếp tục công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bên cạnh những thuận lợi, đất nước đang đứng trước nhiều thử thách, khó khăn, đòi hỏi phải phát huy cao độ lòng yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc trong mỗi người Việt Nam đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, lời kêu gọi của Bác càng có giá trị tư tưởng và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc đối với cách mạng nước ta, là tư tưởng chỉ đạo, phương châm hành động để quân dân cả nước tiếp tục phát huy tinh thần cách mạng, đoàn kết, thi đua ái quốc trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trở thành động lực mạnh mẽ, thúc đẩy cách mạng Việt Nam giành được những thành quả to lớn hơn nữa.

Trong điều kiện mới, Quân đội nhân dân Việt Nam cần phải tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua Quyết thắng, nhân rộng các mô hình mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả; coi trọng phát triển các phong trào thi đua của các tổ chức quần chúng, các ngành, tạo ra động lực mạnh mẽ xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó, xứng đáng với lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

leftcenterrightdel
Đại diện các đơn vị điển hình tiên tiến nhận cờ thưởng của Bộ Quốc phòng tại Đại hội thi đua Quyết thắng toàn quân lần thứ X.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 10-6-1954 đăng Thư của Hội đồng Chính phủ khen ngợi “toàn thể cán bộ và chiến sĩ các đơn vị chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích, thanh niên xung phong, đồng bào dân công và nhân dân địa phương” đã “nêu cao tinh thần chiến đấu tích cực, bền bỉ và anh dũng, tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ”  tại các trận đánh ở sân bay Gia Lâm, Cát Bi... diệt vị trí địch và chống càn quét.

Cùng với khen ngợi, Chủ tịch Hồ Chính minh và Chính phủ nhắc các cán bộ, chiến sĩ và đồng bào “chớ vì thắng mà kiêu, chớ chủ quan khinh địch, mà phải cố gắng thi đua để giành lấy nhiều thắng lợi hơn nữa”.

leftcenterrightdel
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 10-6-1954.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 10-6-1978 đăng “Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch về thi đua ái quốc 30 năm trước đó (11-6-1948) và bức ảnh “Tại căn cứ địa Việt Bắc, Hồ Chủ tịch chụp ảnh chung với một số anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc được tuyên dương lần thứ nhất (năm 1952)”.

leftcenterrightdel
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 10-6-1978.
leftcenterrightdel
 

MAI HƯƠNG (tổng hợp)