Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 9-6-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 9-6

Sự kiện trong nước

* Ngày 9-6-1965: Chiến thắng Đồng Xoài - một trong những trận đánh then chốt của Chiến dịch Phước Long - Đồng Xoài. Chiến thắng Đồng Xoài đánh dấu trang sử vẻ vang trong lịch sử dân tộc: “Trận Đồng Xoài chớp đỏ rực trời Nam. Ánh sáng tự do sáng bừng năm châu bốn bể”.

Trận đánh ở chi khu Đồng Xoài không chỉ đánh dấu bước phát triển mới về phương pháp tác chiến “đánh điểm, diệt viện” tiêu diệt nhiều sinh lực trên nhiều yếu địa, mà còn có ý nghĩa rất quan trọng là làm thay đổi cục diện chiến trường có lợi cho ta, bất lợi cho địch, góp phần làm phá sản hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam của Mỹ.

leftcenterrightdel
Cán bộ Bộ tư lệnh chiến dịch Đồng Xoài vượt sông vào vị trí tập kết chiến dịch. Ảnh: bqp.vn

* Ngày 9-6-1984: Thành lập Công ty 75 thuộc Binh đoàn 15. Công ty 75 có nhiệm vụ chiến lược là “Phát triển kinh tế, gắn với xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh”. Gần 40 năm qua, Công ty 75 đã từng bước góp phần đưa vùng biên giới phát triển mạnh cả về kinh tế, văn hóa-xã hội-quốc phòng, an ninh, trở thành một trong những đơn vị điển hình về phát triển sản xuất và phong trào, giúp đồng bào vùng biên giới phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

Ghi nhận những kết quả đạt được của đơn vị, ngày 22-2-2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 257/QĐ-TTg tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho Công ty 75 vì đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện các mặt công tác, dẫn đầu Phong trào Thi đua Quyết thắng của toàn quân năm 2021, góp phần vào sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc.

leftcenterrightdel
 Lễ trao Cờ thi đua Chính phủ cho Công ty 75 tổ chức ngày 8-3-2022.

Sự kiện quốc tế

* Ngày 9-6-1870: Ngày mất của tiểu thuyết gia người Anh Charles Dickens. Charles Dickens, sinh ngày 7-2-1812, được xem là một trong những nhà văn vĩ đại viết bằng ngôn ngữ tiếng Anh. Ông được ca ngợi về khả năng kể chuyện và trí nhớ. Ông đã để lại rất nhiều tác phẩm tiêu biểu như: Oliver Twist, David Copperfield, Chuyện ở hai thành phố... Nhiều tác phẩm của ông đã được chuyển thể thành phim, nhạc kịch... trong đó điển hình là vở nhạc kịch "Oliver!" đã giành tới 6 giải Oscar năm 1968.

* Ngày 9-6-1928: Charles Kingsford Smith hoàn thành chuyến bay xuyên Thái Bình Dương đầu tiên trên thế giới. Phi công người Australia này cùng 3 thành viên khác đã xuất phát từ Oakland, California, Mỹ trên chiếc máy bay 3 động cơ mang tên Southern Cross vào sáng 31-5-1928. 9 ngày sau, sau vài lần dừng lại, họ đã hạ cánh an toàn tại Brisbane, Australia.

leftcenterrightdel
Phi công người Australia Charles Kingsford Smith. Ảnh: Digital-classroom.nma.gov.au

* Ngày 9-6-1957: Bốn nhà leo núi người Áo Fritz Wintersteller, Marcus Schmuck, Kurt Diemberger, và Hermann Buhl đã trở thành những người đầu tiên chinh phục đỉnh Broad cao 8.051m - một trong những đỉnh núi cao nhất thế giới nằm ở biên giới Pakistan - Trung Quốc.

Theo dấu chân Người

* Ngày 9-6-1945: Từ chiến khu Việt Bắc, Hồ Chí Minh gửi thư cho Trung úy Charles Fenn thuộc đơn vị Tình báo Chiến lược Mỹ OSS đóng ở Côn Minh (Trung Quốc) báo tin các báo vụ viên của Mỹ được cử làm việc trong bộ đội Việt Minh vẫn mạnh khỏe và “chúng tôi đã trở nên bạn bè thân thiết như anh em một nhà”. Người lãnh đạo Mặt trận Việt Minh yêu cầu OSS gửi cho mình một “lá cờ của Đồng Minh”. Cũng trong đầu tháng 6-1945, Hồ Chí Minh điện báo cho người đứng đầu OSS ở Côn Minh biết rằng Việt Minh đã chuẩn bị sẵn sàng lực lượng một nghìn chiến sĩ du kích đang được huấn luyện tốt tại Chợ Chu, Định Hóa.

Cũng trong khoảng thời gian tháng 6-1945, triển khai nghị quyết của Hội nghị quân sự Bắc Kỳ, người đứng đầu Mặt trận Việt Minh, Hồ Chí Minh chỉ thị: “Nay vùng giải phóng ở miền ngược đã bao gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, địa thế nối liền với nhau, nên lập thành một khu căn cứ lấy tên là: “Khu giải phóng”. Thống nhất các lực lượng vũ trang lại là rất đúng, nên đặt tên là “Quân giải phóng”.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh ghé thăm Kim tự tháp Sekherat, Ai Cập trên đường thăm chính thức nước Pháp ngày 9-6-1946. Ảnh: hochiminh.vn

* Trên đường sang thăm nước Pháp, ngày 9-6 -1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục lưu tại Le Caire, đi thăm nhiều di tích lịch sử của Ai Cập, trong đó có Kim tự tháp nổi tiếng ở Sekherat.

Tháng 6-1947, Bác viết “thư gửi đồng bào trung du và hạ du chống lụt” động viên: “Mùa lụt đã đến gần. Nếu lụt thì đói. Lụt cũng là một thứ giặc ghê gớm. Người ta thường nói “thủy, hỏa, đạo, tặc”. Chúng ta phải ra sức ngăn giặc lụt cũng như chống giặc ngoại xâm... Tôi tha thiết kêu gọi đồng bào bất kỳ già trẻ, trai gái, mọi người đều phải coi việc canh đê, phòng lụt là việc thiết thân của mình: “Lụt thì lụt cả làng/ Muốn cho khỏi lụt, thiếp chàng cùng lo”. Chúng ta phải thực hành câu ca dao đó. Ai cũng phải tham gia công việc sửa đê, canh đê... Chúng ta phải kiên quyết tranh cho được thắng lợi trong việc chống giặc lụt. Thắng lợi sẽ giúp cho ta thắng lợi trong cuộc đánh giặc ngoại xâm. Mong toàn thể đồng bào gắng sức”.

* Ngày 9-6-1954: Trên Báo Cứu quốc, Bác viết bài “Hà Nội, một thành phố bị bao vây” (với bút danh Đ.X.) phân tích thông tin từ một tờ báo Pháp cho biết sau thất bại ở Điện Biên Phủ, tình thế của giặc tại Hà Nội đang bị chiếm đóng, bị bao vây không phải vì lực lượng của đối phương mà bởi chính lòng dân Hà Nội đang có “cảm tình với Chính phủ Việt Minh”. Bài báo kết luận: Điều đấy chứng tỏ tinh thần của địch rất hoang mang.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh – Ngày này năm xưa – Tập 1 – NXB Chính trị quốc gia – Sự thật - 2010 và Hồ Chí Minh toàn tập - NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Muốn tiến bộ mãi thì phải học tập. Học trong sách báo, học trong công tác, học với anh em, học hỏi quần chúng. Học để phát triển ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm”.

 Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài nói tại buổi bế mạc lớp chỉnh huấn cán bộ Đảng, dân, chính các cơ quan Trung ương, ngày 9-6-1953. Đây là thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bước vào giai đoạn có tính chất quyết định. Lời dạy trên của Bác đã nêu rõ vai trò, tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác chỉnh huấn đối với các cơ quan Trung ương; nhắc nhở đội ngũ cán bộ các cơ quan Đảng, dân, chính muốn tiến bộ hơn nữa thì cần phải tích cực học tập, không những học trong sách vở mà còn phải học trong công tác, học ở đồng chí, đồng đội và đặc biệt phải học hỏi quần chúng nhân dân để phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm của bản thân. Muốn đạt được mục đích như Bác hồ dạy, đội ngũ cán bộ phải nghiêm túc, thường xuyên thực hiện tự phê bình và phê bình trong cơ quan và trước quần chúng nhân dân.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại buổi khai mạc lớp chỉnh huấn cán bộ Đảng, dân, chính các cơ quan Trung ương, ngày 6-2-1953. Ảnh: bthcm.thuathienhue.gov.vn 

Hiện nay, đất nước ta đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lời dạy của Bác vẫn giữ nguyên giá trị, là tư tưởng chỉ đạo, phương châm hành động cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta xây dựng một xã hội học tập, thực hiện có hiệu quả việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển toàn diện con người Việt Nam, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Học tập và làm theo lời Bác dạy, cán bộ, chiến sĩ quân đội phải tích cực học tập, không những học trong nhà trường, học sách vở mà còn phải học ở quần chúng nhân dân để nâng cao trình độ mọi mặt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Cán bộ, chiến sĩ phải thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, nêu cao ý thức tự phê bình, phê bình; tích cực học tập nâng cao trình độ, năng lực công tác, chất lượng huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu; làm chủ vũ khí trang bị, tinh thông về kỹ, chiến thuật, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 9-6-1980 đăng tin “Học viện Chính trị: Hoàn thành nhiều chuyên đề nghiên cứu khoa học về Bác Hồ”. Tin đưa, Học viện Chính trị đã hoàn thành 4 đề tài, đó là “Tìm hiểu một số quan điểm tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng quân đội nhân dân trong chiến tranh nhân dân giải phóng dân tộc và chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện hiện đại”, “Cơ sở khoa học của quyết tâm và tinh thần lạc quan cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc bồi dưỡng xây dựng truyền thống của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh với giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho lực lượng vũ trang nhân dân”.

leftcenterrightdel
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 9-6-1980.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 9-6-1999 đưa tin “Chủ tịch Hồ Chí Minh được chọn là một trong 100 nhân vật vĩ đại nhất của thế kỷ 20”. Danh sách này được gọi là Danh sách “Thiên niên kỷ” gồm những nhà chính khách của thế giới và những nhà hoạt động lỗi lạc trong lĩnh vực kinh tế, khoa học, văn hóa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong ba người nổi bật nhất (cùng với Mao Trạch Đông và Mahatma Gandhi) trong số rất ít danh nhân phương Đông được nhất trí chọn đưa vào danh sách này.

leftcenterrightdel
 Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 9-6-1999.
leftcenterrightdel
 

MAI HƯƠNG (tổng hợp)