Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 8-6-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 8-6

Sự kiện trong nước

* Ngày 8-6-1945: Nhân dân Đông Bắc, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương, đã nổi dậy đánh chiếm các đồn Đông Triều, Chí Linh, Mạo Khê, Tràng Bạch của binh lính Nhật, lập ra "Đệ tứ chiến khu", tức Chiến khu Trần Hưng Đạo. Sự ra đời của Chiến khu Trần Hưng Đạo - Chiến khu Đông Triều là mốc son rực rỡ trong trang sử vẻ vang, hào hùng của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh.

* Ngày 8-6-1969: Do những thất bại trên chiến trường và chịu sức ép của phong trào phản chiến ở Mỹ, Tổng thống Mỹ Richard Nixon tuyên bố đợt rút quân đầu tiên 25.000 lính Mỹ khỏi Việt Nam. Đợt thứ hai là 35.000 lính vào tháng 8-1969.

* Ngày 8-6-1972, nhiếp ảnh gia Nick Út, phóng viên ảnh của hãng tin AP, chụp bức ảnh "Em bé Napalm", ghi lại cảnh bé gái 9 tuổi Kim Phúc trần truồng vừa chạy vừa kêu cứu từ một ngôi làng bị phi cơ Mỹ ném bom ở Tây Ninh. Sau khi chụp ảnh, ông đã lao vào cứu Phúc. Em Phúc đã bị bỏng độ 3 khoảng 30% cơ thể do nhiệt từ bom napalm lên đến 1.200 độ C. Bức ảnh có sức mạnh hơn vạn lời nói này đại diện cho sự tàn khốc của chiến tranh Việt Nam đã mang lại cho nhiếp ảnh gia Nick Út giải Pulitzer năm 1973.

leftcenterrightdel
Bức ảnh "Em bé Napalm". Ảnh: Tác giả cung cấp

* Ngày 8-6-2001: Ngày truyền thống của Trung tâm Khảo sát thiết kế công trình quốc phòng, Binh chủng Công binh. Trung tâm được thành lập nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết về xây dựng công trình chiến đấu, công trình quốc phòng tại các địa bàn chiến lược trên phạm vi cả nước, để sẵn sàng ứng phó, tự vệ trước các cuộc chiến tranh xâm lược bằng vũ khí công nghệ cao của các thế lực thù địch (nếu xảy ra), đáp ứng yêu cầu về chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Sự kiện quốc tế

* Ngày 8-6-1810: Ngày sinh nhà soạn nhạc thiên tài và phê bình âm nhạc nổi tiếng người Đức Robert Schumann.

* Ngày 8-6-1992, các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh Trái đất tại Rio de Janero, Brazil thông qua việc thành lập một cơ chế mới của Liên hợp quốc nhằm giám sát việc tuân thủ các hiệp ước về môi trường.

Theo dấu chân Người

* Ngày 8-6-1911, tàu Amiral Latouche-Trêville, trên đó có thủy thủ Văn Ba (tức Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh), ghé cảng Singapore trên hải trình qua Pháp.

Tháng 6-1923, Nguyễn Ái Quốc viết thư từ biệt các bạn cùng hoạt động trước khi bí mật rời Paris để đến Liên Xô: "Bao lâu nay chúng ta làm việc với nhau. Mặc dầu chúng ta là những người khác giống, khác nước, khác tôn giáo, chúng ta đã thân yêu nhau như anh em. Chúng ta cũng chịu chung một nỗi đau khổ: Sự bạo ngược của chế độ thực dân. Chúng ta đấu tranh vì một lý tưởng chung: Giải phóng đồng bào chúng ta và giành độc lập cho Tổ quốc chúng ta... Chúng ta phải làm gì?... Đối với tôi, câu trả lời đó rõ ràng: Trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập... Tôi từ giã các bạn. Tôi xa các bạn, nhưng lòng tôi luôn luôn gần các bạn".

leftcenterrightdel
Nguyễn Ái Quốc (ngồi hàng thứ nhất, ngoài cùng bên trái) cùng một số đại biểu tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V tại Liên Xô từ ngày 17-6 đến 8-7-1924. Ảnh: Hochiminh.vn 

* Ngày 8-6-1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, Toàn quyền Đông Dương Robin gửi điện khẩn cho Bộ Thuộc địa yêu cầu can thiệp sớm để: “Những người cộng sản bị bắt sẽ được chuyển về Đông Dương trên một tàu thủy của Pháp để xét xử” và nếu không thì “vận động Bộ Ngoại giao Pháp thỏa thuận với Bộ Ngoại giao Anh giam giữ Nguyễn Ái Quốc, đại biểu chính thức của Quốc tế Cộng sản ở Viễn Đông và cộng sự của ông ta tại một nhượng địa xa nào đó”, đổi lại phía Pháp cũng làm như vậy với các đảng viên Đảng Cộng sản Ấn Độ hoặc Miến Điện thuộc Anh.

* Tiếp tục hành trình sang thăm nước Pháp, ngày 8-6-1946, trong thời gian lưu lại ở Le Caire, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến chào vua Ai Cập và được đại diện nhà vua tiếp trọng thể vì vị quân vương đi vắng. Sau đó, Bác thăm Bảo tàng Ai Cập, các kim tự tháp và tượng nhân sư.

Cùng ngày, nhận được tin ở Sài Gòn, thực dân lập Chính phủ “Nam kỳ tự trị”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chất vấn tướng Salan: “Tại sao không báo cho tôi biết tin này trước khi tôi lên đường? Thật là một âm mưu phi pháp. Tướng quân này, các ông đừng biến Nam bộ thành một thứ Alsace-Lorraine (vùng đất của Pháp bị cắt cho Đức trong Đại chiến I) mới, nếu không chúng ta sẽ đi đến cuộc chiến tranh trăm năm đấy...”.

* Ngày 8-6-1959, nói chuyện tại Hội nghị toàn Đảng bộ Khu Việt Bắc, Bác khẳng định: “Việt Bắc là nơi “rừng vàng, núi bạc”. Rừng vàng vì rừng Việt Bắc có rất nhiều gỗ và lâm sản có thể đổi lấy nhiều máy móc, hàng hóa. Các địa phương phải chú ý bảo vệ rừng và trồng cây, gây thêm rừng. Núi bạc, vì núi non Việt Bắc có nhiều quặng có thể xây dựng công nghiệp để phát triển kinh tế...”

Cùng ngày, Bác đến thăm công trường xây dựng Khu gang thép Thái Nguyên.

leftcenterrightdel
 Bác Hồ về thăm Gang Thép Thái Nguyên năm 1964. Ảnh: Tuyengiao.vn

* Ngày 8-6-1967, nhân chiếc máy bay thứ 2.000 của Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc nước ta, Bác viết thư biểu dương các lực lượng vũ trang đã “kiên quyết chiến đấu vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc mình, đồng thời góp phần tích cực vào sự nghiệp độc lập dân tộc và bảo vệ hòa bình thế giới”.

* Ngày 8-6-1968, Bác thăm hỏi chị Trần Thị Lý, một chiến sĩ Nam Bộ bị giặc tra tấn dã man ra miền Bắc chữa bệnh.

(Theo Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa, t.1, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2010 và Hồ Chí Minh toàn tập - NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Mọi người phải ra sức trau dồi đạo đức xã hội chủ nghĩa. Cải tạo xã hội cũ xấu xa trở thành xã hội xã hội chủ nghĩa tốt đẹp là một sự nghiệp rất nặng nề, nhưng rất vẻ vang”.

Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài nói tại Hội nghị toàn Đảng bộ khu Việt Bắc ngày 8-6-1959. Thời kỳ này, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng, song cũng đặt ra những khó khăn, thử thách mới trong cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới.

Lời nói trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, chỉ rõ tính chất khó khăn, phức tạp, lâu dài của nhiệm vụ cải tạo xã hội cũ thành xã hội chủ nghĩa tốt đẹp là một sự nghiệp lâu dài, vất vả, nhưng rất vẻ vang. Do đó, đòi hỏi cán bộ, đảng viên, đoàn viên cần phải có ý thức giác ngộ cách mạng cao, một lòng một dạ phấn đấu cho mục tiêu lý tưởng cách mạng; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, thực hành tự phê bình một cách nghiêm túc, từ trong cấp ủy ra ngoài đảng bộ, từ trên xuống dưới để loại bỏ tư tưởng cũng như chủ nghĩa cá nhân ra khỏi mỗi con người.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo trong một phiên họp tại Chiến khu Việt Bắc, chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Hochiminh.vn

Thực hiện lời Bác dạy, các thế hệ cán bộ, đảng viên, đoàn viên đã ra sức học tập, trau dồi phẩm chất đạo đức, mục tiêu lý tưởng cách mạng; tích cực lao động sản xuất, xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc, cung cấp sức người, sức của cho chiến trường miền Nam đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất Tổ quốc, mở ra một kỷ nguyên mới: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Hiện nay, trước sự tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhân dân sa vào chủ nghĩa cá nhân, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, ích kỷ, thờ ơ, vô cảm, sùng bái quyền lực và đồng tiền; phai nhạt mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, tha hóa về phẩm chất, đạo đức, lối sống… làm cản trở sự phát triển bền vững của đất nước, cần phải đấu tranh, lên án.

Do vậy, học tập và làm theo lời Bác dạy về đạo đức cách mạng càng có giá trị thực tiễn sâu sắc, là cơ sở để cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, một lòng, một dạ thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trang 3 Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 8-6-1975 đăng bài “Những tác phẩm nghệ thuật về Bác Hồ” và bức ảnh nhà điêu khắc Nguyễn Văn Ly, giảng viên Trường Mỹ thuật công nghiệp sáng tác tượng Bác Hồ.

Tiêu đề bài viết cũng chính là tên bộ phim màu tư liệu nghệ thuật của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hoàn thành nhân dịp kỷ niệm lần thứ 85 ngày sinh Bác Hồ vĩ đại. Phim gồm 2 phần. Phần đầu giới thiệu tranh Bác vẽ. Phần hai gồm những tác phẩm của những người làm nghệ thuật chuyên và không chuyên với tuổi đời và tuổi nghề khác nhau vẽ tranh và nặn tượng về Bác.

leftcenterrightdel
 Trang 3 Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 8-6-1975.

Trang 4 Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 8-6-1976 đăng ảnh “Các em thiếu nhi Hung-ga-ri trong bộ đồng phục chỉnh tề thay nhau túc trực bên tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi lễ đặt vòng hoa” nhân kỷ niệm lần thứ 86 ngày sinh Bác Hồ tổ chức tại vườn hoa mang tên Hà Nội tại Thủ đô Budapest.

leftcenterrightdel
Bức ảnh “Các em thiếu nhi Hung-ga-ri trong bộ đồng phục chỉnh tề thay nhau túc trực bên tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi lễ đặt vòng hoa” đăng trên trang 4 Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 8-6-1976.
leftcenterrightdel
 

MAI HƯƠNG (tổng hợp)