Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 2-12-2021 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast  tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 2-12

Sự kiện trong nước

Từ ngày 2-12-1964 đến 3-01-1965: Chiến dịch Bình Giã diễn ra. Chiến dịch đầu tiên của bộ đội chủ lực trên chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ, góp phần vào việc chuyển hóa tương quan so sánh lực lượng trên chiến trường, tạo ra thế và lực mới để đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Thắng lợi của chiến dịch Bình Giã không chỉ đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của quân chủ lực miền Nam mà còn góp phần phát triển nghệ thuật chiến dịch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Máy bay Mỹ bị bắn rơi ở Bình Giã. Ảnh tư liệu.

Ngày 2-12-1953: Tại chiến khu Việt Bắc đã thành lập Ban nghiên cứu lịch sử, địa lý, văn học (gọi tắt là Ban sử - địa - văn) trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam.

Ngày 2-12-1956: Nhà báo Dương Tử Giang hy sinh trong trận tù chính trị nổi dậy phá lao Tân Hiệp, Biên Hoà. Nhà báo tên thật Nguyễn Tấn Sĩ sinh nǎm 1918, quê ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

Sự kiện quốc tế

Ngày 2-12-1975, nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào được thành lập, xoá bỏ chế độ quân chủ lạc hậu, tay sai đế quốc, cử Hoàng thân Xuphanuvông làm Chủ tịch nước, kết thúc thắng lợi 30 năm kháng chiến chống đế quốc (1945-1975). Kể từ đây đất nước Triệu Voi bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, dân chủ và xây dựng xã hội công bằng, văn minh. Cùng với Việt Nam và Campuchia, nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào đã góp phần bảo vệ hoà bình và hữu nghị trên bán đảo Đông Dương.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam dự Kỷ niệm 45 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào. Ảnh: mod.gov.vn 

Trải qua hơn 45 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng, nhân dân Lào đã giành nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từng bước tiến lên trên con đường hội nhập và phát triển, giữ vững ổn định chính trị và an ninh an toàn, trật tự xã hội, vững bước trên con đường phát triển, liên tục thực hiện thắng lợi các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Thành công đó không chỉ đưa đất nước Lào ngày càng có vị trí cao trong khu vực và trên thế giới, mà còn góp phần không nhỏ vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Ngày 2-12-1982, tại thành phố Salt Lake (Hoa Kỳ) tim nhân tạo có tên là Jarvik 7 đã được bác sĩ De Vries ghép lần đầu tiên cho một người bệnh tên là Clắccơ (Clarke). Phương pháp ghép tim nhân tạo đã cho phép y học đạt tiến bộ trong việc chữa trị người bệnh.

Theo dấu chân Người

Ngày 2-12-1920, Báo cáo theo dõi của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc vừa nhận được tờ “La Revue Communiste” (Tạp chí Cộng sản).

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu.

Ngày 2-12-1942, từ nhà ngục Thiên Giang (Quảng Tây - Trung Quốc), Hồ Chí Minh bị giải đi Liễu Châu rồi tới Lai Tân trên một toa xe lửa chở than. Tình cảnh gian khó này được tả lại trong bài thơ “Tháp hoả xa võng lai tân” (Đáp xe lửa đi Lai Tân) được Đỗ Văn Hỷ và Huệ Chi dịch:

Cuốc bộ mấy mươi ngày vất vả,

Hôm nay được bước lên xe hoả;

Dù rằng chỉ ngồi trên đống than,

Sang gấp mấy lần khi cuốc bộ” 

Hồ Chủ tịch và các đại biểu dự Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ XXII tại điện Kremlin, tháng 10-1961. Ảnh: Nguồn tài liệu lưu trữ Bộ Ngoại giao. 

Ngày 2-12-1961, Bác dự Hội nghị Trung ương lần thứ 6 thảo luận một số vấn đề của Đại hội XXII Đảng Cộng sản Liên Xô và bàn việc đưa Đảng bộ miền Nam ra công khai.

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội những người xuất sắc trong phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ Thủ đô (ngày 2-12-1965). Ảnh tư liệu 

Ngày 2-12-1965, phát biểu tại Đại hội những phụ nữ xuất sắc trong phong trào “Ba đảm đang” của Thủ đô, Bác nhấn mạnh: “Dân tộc Việt Nam là dân tộc anh hùng, thanh niên Việt Nam là thanh niên anh hùng, phụ nữ Việt Nam là phụ nữ anh hùng”. Hai nghìn năm trước đây, ta có các nữ anh hùng Hai Bà Trưng, Bà Triệu. Trong cách mạng giải phóng dân tộc, trong kháng chiến chống giặc Pháp trước kia và trong kháng chiến chống giặc Mỹ ngày nay, ta cũng có nhiều anh hùng là phụ nữ. Trên thế giới chưa có nơi nào phụ nữ làm Phó Tổng tư lệnh như ở miền Nam nước ta... Khó khăn đến mấy chúng ta cũng vượt qua được và nhất định chúng ta đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược”

 (Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Bộ đội phải kính trọng dân, giúp đỡ dân. Dân phải thương yêu bộ đội, ủng hộ bộ đội. Quân và dân phải luôn luôn đoàn kết nhất trí”.

Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong thư “Gửi toàn thể cán bộ và chiến sĩ Đường số 4 cùng dân quân du kích và đồng bào trong miền Đường số 4”, đăng trên Báo Cứu quốc, số 1411, ra ngày 02 tháng 12 năm 1949.

Với bề dày lịch sử xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam khẳng định: Mối quan hệ đoàn kết gắn bó quân dân là nguồn sức mạnh vô địch của quân đội; đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một Quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”.

Lời căn dặn của Bác có ý nghĩa sâu sắc, là sự nhắc nhở ân cần về trách nhiệm, nghĩa vụ và tình cảm của quân đội đối với nhân dân. Thấm nhuần lời căn dặn của Hồ Chủ tịch, hơn 70 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn chăm lo xây dựng, giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp, đoàn kết quân dân; gắn bó máu thịt với nhân dân, hết lòng thương yêu dân, quý trọng dân, giúp đỡ dân, bảo vệ dân; ngược lại, nhân dân cũng hết lòng yêu thương, đùm bọc, chăm sóc, giúp đỡ quân đội. Cụ thể trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trên cơ sở đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính”.

Quân đội nhân dân được sự ủng hộ, giúp đỡ, sát cánh chiến đấu, phục vụ chiến đấu của nhân dân, nên càng đánh càng mạnh, giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, hàng chục vạn dân công đã xẻ núi, san đồi, bảo đảm giao thông; đồng thời, tiến hành vận chuyển khối lượng lớn lương thực, thực phẩm, vũ khí cho chiến dịch bằng xe đạp thồ, mảng nứa, xe thô sơ, ngựa thồ.

Lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ảnh: TTXVN. 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tư tưởng “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được vận dụng một cách sáng tạo, với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với điều kiện đất nước tạm thời bị chia làm hai miền. Ở miền Bắc, đông đảo các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, chi viện cho chiến trường miền Nam với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”.... Hàng nghìn, hàng vạn những người mẹ, người chị không quản ngại gian khổ, hiểm nguy, thậm chí có thể hy sinh tính mạng để nuôi giấu bộ đội, làm giao liên, y tá… Đó là những hình ảnh sáng đẹp về tình cảm quân dân.

 

Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Quân đội nhân dân vẫn luôn là lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, được nhân dân thương yêu, mến phục. Thực hiện tốt lời dạy của Bác, mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đội phải luôn có ý thức sâu sắc về nghĩa vụ, trách nhiệm và tình cảm đối với nhân dân; cán bộ, chiến sĩ quân đội đã có mặt ở những nơi nguy hiểm nhất, dầm mình trong mưa bão để cứu giúp nhân dân, ứng phó với thiên tai, bão lũ, dịch bệnh Covid-19, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.....làm ngời sáng thêm bản chất, truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ-bộ đội của dân, được nhân dân tin yêu, quý mến.

 

Các đơn vị quân đội tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền, vận động nhân dân đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ quan hệ đoàn kết gắn bó quân dân của các thế lực thù địch. Lời căn dặn của Bác vẫn giữ nguyên giá trị, góp phần quan trọng định hướng nhận thức, tư tưởng và hành động của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết với nhân dân.

Dấu ấn Bác Hồ trên báo Quân đội nhân dân

Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 510 ra ngày 2-12-1958 đăng hình ảnh Bác Hồ hội đàm thân mật với các đồng chí trong Ban chấp hành Trung ương đảng lao động Triều Tiên, đứng đầu là Chủ tịch Kim Nhật Thành. 

 

Trên trang 3 Báo Quân đội nhân dân số 8443 ra ngày 2-12-1984 có đăng hình ảnh Bác Hồ tiếp đoàn đại biểu SKDA và các đoàn bóng đá quân đội các nước xã hội chủ nghĩa anh em sang thăm và thi đấu hữu nghị vào sáng 3-12-1963 nhân dịp kỷ niệm Quân đội nhân dân Việt Nam bước sang tuổi 20.

 
 

TUẤN ĐIỆP (tổng hợp )