Ngày này năm 1947, Bác Hồ có “Thư gửi đồng bào xã Duyên Trang, huyện Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình”, Bác căn dặn “Học hành là vô cùng. Học càng nhiều biết càng nhiều càng tốt...”…

Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 13-11-2021 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast  tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra ngày 13-11 

Sự kiện trong nước

Ngày 13-11-1965, ngày truyền thống Trung đoàn Tên lửa 257 - Đoàn Cờ Đỏ anh hùng, thuộc Sư đoàn Phòng không 361.

Trung đoàn Tên lửa 257 - Đoàn Cờ Đỏ Anh hùng, thuộc Sư đoàn Phòng không 361, thành lập ngày 13-11-1965. Trải qua 56 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn luôn đoàn kết, thống nhất, vượt mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Trung đoàn đã chiến đấu 450 trận, bắn rơi 74 máy bay Mỹ các loại; trong đó, có 11 "pháo đài bay" B52.

leftcenterrightdel
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trung đoàn Tên lửa 257 đã chiến đấu 450 trận, bắn rơi 74 máy bay Mỹ các loại; trong đó, có 11 "pháo đài bay" B52. Ảnh: Tư liệu 

Đặc biệt, trong Chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12-1972, Trung đoàn là một trong những đơn vị nòng cốt bảo vệ Hà Nội, cùng với quân và dân miền Bắc đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược, chủ yếu bằng B52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng, làm nên Chiến thắng lịch sử "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không". Do lập được những thành tích xuất sắc, Trung đoàn, Tiểu đoàn 77, Tiểu đoàn 78 và 02 cá nhân vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” và nhiều phần thưởng cao quý, Trung đoàn được mệnh danh là “Rồng lửa 257”.

leftcenterrightdel
Một số hình ảnh huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Trung đoàn Tên lửa 257. Ảnh: TTXVN; baochinhphu.vn; baogiaothong.vn

Hiện nay, trong tiến trình hiện đại hóa Quân chủng Phòng không - Không quân, Trung đoàn được trang bị khí tài tên lửa phòng không hiện đại, làm nhiệm vụ bảo vệ vững chắc bầu trời Hà Nội. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn xác định: Tiếp tục phát huy truyền thống của đơn vị Anh hùng, triển khai đồng bộ các biện pháp; trong đó, tập trung xây dựng vững mạnh toàn diện.

leftcenterrightdel
 Nhiều trung đội nữ dân quân tự vệ đã dũng cảm bắn rơi máy bay Mỹ. Ảnh: Hochiminh.vn

Từ ngày 13 đến ngày 20-11-1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen và thưởng huy hiệu của Người cho 5 đơn vị dân quân gái có thành tích dũng cảm bắn rơi máy bay giặc Mỹ. Đó là đơn vị dân quân gái của các xã:

- Xã Hoằng Trường và xã Hoằng Hải (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa).

- Xã Hà Phú và xã Hà Toại (huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa).

-  Xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình).

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các Đạo diễn, Quay phim, Diễn viên... tại Xưởng phim Hà Nội - Hãng phim truyện Việt Nam năm 1963. Ảnh: Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Ngày 13, 14 -11-1969, tại Hà Nội, những người làm công tác nghệ thuật điện ảnh Việt Nam đã tiến hành Đại hội thành lập Hội Điện ảnh Việt Nam. Hội có trụ sở ở 51 phố Trần Hưng Đạo - Hà Nội.

Sự kiện quốc tế

Ngày 13-11-1947, Liên Xô hoàn thiện việc phát triển AK-47, một trong những loại súng trường thông dụng của thế kỷ 20.

leftcenterrightdel
Tổng công trình sư Mikhail Kalashnikov và nguyên mẫu súng trường AK đầu tiên. Ảnh: Qdnd.vn  

Súng trường tấn công AK-47 là vũ khí cá nhân thông dụng nhất trong thế kỷ 20. Cho đến thời điểm đầu thế kỷ 21, dù đã có 70 năm tuổi thọ song AK-47 và các phiên bản của nó là thứ vũ khí được ưa chuộng nhất, được lựa chọn là vũ khí tiêu chuẩn bởi trên 50 quân đội, ngoài ra nó còn phục vụ rất nhiều các lực lượng vũ trang, du kích khác tại hơn 100 quốc gia trên thế giới. Chi phí thấp, độ tin cậy và hiệu quả rất cao trong điều kiện chiến đấu khắc nghiệt của loại súng này làm cho nó trở thành loại vũ khí cá nhân thông dụng nhất thế giới. Tầm bắn hiệu quả nhất của nó trong khoảng 400m, chuyên dùng để tác chiến tầm ngắn và tầm trung.

Ngày 13-11-1982, Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam được khánh thành tại thủ đô Washington, D.C., Hoa Kỳ.

leftcenterrightdel
 Đài Tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam tại trung tâm thủ đô Washington DC, Mỹ. Ảnh: Vov.vn
 

Bức tường Chiến tranh Việt Nam (The Vietnam War Wall) hay còn gọi là Đài Tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam, nằm trong Khu tưởng niệm các Cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam (Vietnam Veterans Memorial) tại trung tâm thủ đô Washington DC, Mỹ.

Bức tường làm bằng đá đen hình chữ V nằm với chiều dài mỗi cạnh khoảng 75 mét. Mỗi bức tường được ghép lại từ 72 tấm đá hoa cương quý lấy từ thành phố Bangalore của Ấn độ và được đánh số theo thứ tự. Trên bức tường đen láng bóng có khắc tên của hơn 58.000 người lính Mỹ đã chết hoặc mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Những cái tên được khắc chi chít từng hàng, theo thứ tự ngày báo tử hoặc mất tích. Trong trường hợp những người mất tích còn sống trở về, tên họ sẽ được khoanh tròn như biểu tượng của sự sống.

Theo dấu chân người

Ngày 13-11-1926, từ Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc đăng bài đầu tiên trong loạt bài “Các sự biến ở Trung Quốc của đặc phái viên của chúng tôi” gửi về cho tờ “L’ Annam” ở trong nước. Đây là tờ báo ra bằng tiếng Pháp tại Sài Gòn do Luật sư Phan Văn Trường, một người cùng hoạt động với Nguyễn Ái Quốc khi ở Pháp, sáng lập. Tuy nội dung chỉ đề cập tình hình Trung Quốc nhưng nó tác động tích cực vào đời sống chính trị trong nước cũng đang biến chuyển mạnh mẽ.

Ngày 13-11-1942, trong nhà ngục Nam Ninh (Trung Quốc), Hồ Chí Minh làm bài thơ “Tảo tỉnh” (Nắng sớm), theo bản dịch của Huệ Chi:

“Nắng sớm xuyên qua nơi ngục thất,

Đốt tan khói đặc với sương dày;

Đất trời phút chốc tràn sinh khí,

Tù phạm cười tươi nở mặt mày”.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra toàn miền Bắc năm 1961. Ảnh: Tư liệu

Ngày 13-11-1945, tại cuộc họp của Hội đồng Chính phủ, Bác phát biểu về công tác thanh tra: “Các Bộ trưởng có thể chia nhau mỗi người đi thanh tra một khu gần Hà Nội, Bộ Nội vụ sẽ khảo cứu và lập một chương trình về việc này. Có nhiều việc thụt két ở một vài công sở. Mỗi Bộ có trách nhiệm điều tra và đề nghị với Chính phủ nghiêm trị những người làm bậy”.

Ngày 13-11-1948, trong lá thư gửi cụ Hoàng Hữu Kiệt và các cụ trong Tỉnh hội Cứu quốc Quảng Trị, Bác Hồ biểu dương: “Các cụ đã tuổi cao tóc bạc, mà vẫn hăng hái tham gia kháng chiến. Thật là xứng đáng với bô lão đời nhà Trần. Thật là lão đương ích tráng. Một dân tộc mà già trẻ một lòng, kiên quyết như dân ta thì kháng chiến nhất định thắng lợi, thống nhất và độc lập nhất định thành công...”.

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Ngày 13-11-1962, đến thăm bộ đội Hải quân tại căn cứ Vạn Hoa (Quảng Ninh), Bác căn dặn: “Là chiến sĩ Hải quân, các chú phải biết yêu quý đảo như nhà mình, chịu khó cải tạo xây dựng thành những mảnh đất vừa giàu, vừa đẹp, vừa có lợi cho mình, vừa có lợi cho đất nước”.

(Sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa”, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2010)

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tháng 3-1961, thăm vùng biên giới, hải đảo Đông bắc của Tổ quốc, cùng cán bộ địa phương, bộ đội Hải quân đến hang Đầu Gỗ (đảo nhỏ thuộc Vịnh Hạ Long, nơi quân dân nhà Trần đã vót hàng nghìn cọc gỗ cắm xuống sông Bạch Đằng đánh giặc Nguyên xâm lược), Bác chỉ rõ: Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó. Bác căn dặn bộ đội Hải quân: “Bờ biển nước ta có vị trí rất quan trọng. Vì vậy nhiệm vụ của hải quân trước mắt cũng như lâu dài rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Phải biết tìm cách đánh phù hợp với điều kiện con người, địa hình bờ biển nước ta và vũ khí trang bị mình có. Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được quên truyền thống đánh giặc xa xưa của tổ tiên”. Đây không chỉ là sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo mà Người còn khẳng định vị trí vai trò của Hải quân nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

leftcenterrightdel
 Bác Hồ thăm bà con và bộ đội Hải quân trên đảo Vạn Hoa. Ảnh: Tư liệu

Trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển mạnh mẽ, kẻ thù xâm lược có thể sử dụng các khí tài quân sự hiện đại, những vũ khí có độ chính xác cao, sát thương lớn, do vậy, Người căn dặn bộ đội hải quân phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại, sử dụng tốt trang bị hiện có. Người cũng đặc biệt lưu ý việc phát huy nghệ thuật quân sự của cha ông, lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều, lấy địa hình hiểm trở làm điểm tựa… để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù có tiềm lực quân sự hiện đại và âm mưu thâm độc. Người nói: Phải biết tìm ra cách đánh phù hợp với điều kiện con người, địa hình bờ biển nước ta và vũ khí trang bị mình có. Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được quên truyền thống đánh giặc xa xưa của tổ tiên. Phải xây dựng Hải quân của nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam, chứ không phải Hải quân của thế giới”. Người đồng thời chỉ rõ con đường xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam phải là con đường nâng cao ý thức độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường…

leftcenterrightdel
 Những hình ảnh tư liệu về Bác Hồ với bộ đội Hải quân. Ảnh: Tư liệu

Ngày 13-11-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm căn cứ Hải quân tại đảo Vạn Hoa, Quảng Ninh, Người căn dặn các chiến sĩ: “Là chiến sĩ Hải quân, các chú phải biết yêu quý đảo như nhà mình, chịu khó cải tạo xây dựng thành những mảnh đất vừa giàu, vừa đẹp, vừa có lợi cho mình, vừa có lợi cho đất nước”. Quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần, cổ vũ tinh thần yêu Tổ quốc, yêu biển, đảo quê hương, của quân và dân trên các đảo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch hướng xây dựng các đảo thành những mảnh đất vừa giàu, vừa đẹp của Tổ quốc.

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hải quân nhân dân Việt Nam đã vừa kế thừa truyền thống đánh giặc của ông cha, vừa tìm cách đánh phù hợp với vũ khí, trang bị và điều kiện cụ thể của nước ta. Hải quân nhân dân Việt Nam đã nỗ lực phát huy nội lực, huy động nhiều nguồn lực, tạo nên sức mạnh tổng hợp, khôn khéo, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo; góp phần giữ vững ổn định chính trị để xây dựng và phát triển đất nước. Lực lượng tàu và cán bộ, chiến sĩ Hải quân trên các đảo luôn là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân lao động, sẵn sàng làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn, chữa bệnh và sửa chữa tàu thuyền ngư dân khi gặp nạn trên biển.

leftcenterrightdel
  Hải quân nhân dân Việt Nam luôn sẵn sàng chiến đấu, không để Tổ quốc bất ngờ từ phía biển. Ảnh: Qdnd.vn

Khắc sâu lời dạy của Bác, cán bộ, chiến sĩ Hải quân không ngừng phát huy truyền thống, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo quốc gia. Những lời căn dặn, nhắc nhở, động viên của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị, trở thành lý tưởng, mục tiêu để Hải quân nhân dân Việt Nam “Chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, làm chủ vùng biển, quyết chiến quyết thắng” nhằm giữ vững môi trường  hòa bình, ổn định trên biển, xây dựng và phát triển đất nước.

leftcenterrightdel
  Huấn luyện hiệp đồng bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa. Ảnh: Qdnd.vn

Ngày nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, chủ quyền biển, đảo nói riêng ngày càng giữ vai trò quan trọng, làm tăng chiều sâu phòng thủ đất nước từ biển. Vươn ra biển, làm giàu từ biển theo tư tưởng của Người là định hướng đúng đắn phù hợp với Việt Nam - một quốc gia có biển và nhiều hải đảo. Với quyết tâm cao, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã và đang tập trung huy động mọi tiềm năng và lợi thế của biển, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trên biển, từng bước tạo ra môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và ngư dân các địa phương yên tâm làm ăn trên các vùng biển đảo, nhất là ở vùng biển xa. Từ đó xác định mục tiêu phấn đấu, không ngừng xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam và các lực lượng phòng không không quân… vững mạnh, theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ tiến thẳng lên hiện đại, ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ để quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) khẳng định “Đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển, giàu lên từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển đảo”.

Ngày này năm xưa trên Báo Quân đội nhân dân

Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 299 ra ngày 13-11-1956, trích đăng cuộc nói chuyện của Bác tại Hội nghị cán bộ trung, cao cấp quân đội nghiên cứu Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 10.

Cũng trong số báo ra ngày 13-11-1956, trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân có bài xã luận với tiêu đề: “Đoàn kết là sức mạnh”.

leftcenterrightdel
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 299 ra ngày 13-11-1956.

Trên trang hai, Báo Quân đội nhân dân số 4859 ra ngày 13-11-1974, đăng nội dung bức thư của Bác gửi Cụ Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mùa đông kháng chiến giúp binh sĩ.

Trong thư, Bác viết: "Thưa cụ, Ủy ban Trung ương Mùa đông kháng chiến giúp binh sĩ chỉ quyên vải vóc hoặc chăn áo. Nhưng tôi không biết may, không có vải, mà áo cũng chỉ có hai bộ đã cũ. Vậy tôi xin quyên một tháng lương là 1.000 đồng, nhờ Cụ mua giùm vật liệu và may giùm mấy chiếc chăn, áo cho chiến sĩ, gọi là tỏ chút lòng thành. Đồng bào ta đã giúp nhiều lần. Lần này, mặc dầu hoàn cảnh khó khăn, nhưng tôi rất mong đồng bào cũng ra sức giúp, để cho chiến sĩ khỏi lạnh lùng và đủ ấm áp để ra sức xung phong diệt địch”.

leftcenterrightdel
 Trang hai Báo Quân đội nhân dân số 4859 ra ngày 13-11-1974.    
leftcenterrightdel
 

HOÀNG TRƯỜNG (tổng hợp)