Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 12-11-2021 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Ngày 12-11 còn có rất nhiều sự kiện trong nước và quốc tế đáng nhớ như Ngày truyền thống công nhân vùng mỏ - truyền thống ngành than Việt Nam, xác của nhà thám hiểm người Anh Robert Falcon Scott và những đồng đội của ông được tìm thấy tại Nam Cực,…
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 12-11
Sự kiện trong nước
Ngày 12-11-1975, theo Quyết định số 834/TM-QP của Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ), Trung đoàn 920, Trường Sĩ quan Không quân được thành lập với nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo phi công lái máy bay quân sự, bổ sung lực lượng cho các trung đoàn không quân.
Ngay sau khi được thành lập, cán bộ, chiến sĩ trung đoàn đã khẩn trương thu dọn chiến trường, khôi phục các công trình sân bay, phục hồi máy bay và các phương tiện bảo đảm để đưa sân bay trở lại hoạt động làm nhiệm vụ huấn luyện, phục vụ chiến đấu và vận tải quân sự.
 |
Thầy và trò Trung đoàn 920 trước chuyến bay. Ảnh: Mai Văn Đông. |
Đến nay, sau hơn 45 năm thành lập, trung đoàn đã vượt qua mọi khó khăn, đào tạo được nhiều khóa học viên phi công; đào tạo, chuyển loại, bay nâng cấp kỹ thuật lái cho đội ngũ giáo viên bay và chỉ huy bay; góp phần xứng đáng vào sự lớn mạnh chung của Trường sĩ quan Không quân. Cùng với nhiệm vụ huấn luyện đào tạo học viên phi công, trung đoàn còn tổ chức đào tạo, chuyển loại, bay nâng cấp kỹ thuật lái cho đội ngũ giảng viên bay và chỉ huy bay. Nhiều cán bộ, giảng viên, học viên của trung đoàn trưởng thành trong công tác, trở thành những cán bộ cao cấp, đảm nhận các cương vị chủ chốt ở các cơ quan, đơn vị trong Quân chủng PK-KQ.
Phát huy truyền thống đoàn kết, chủ động, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, cán bộ, giảng viên, học viên, chiến sĩ, công nhân viên của Trung đoàn 920 luôn xác định rõ trách nhiệm của mình, không ngừng phấn đấu học tập vươn lên, nâng cao trình độ về mọi mặt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tiếp tục huấn luyện đào tạo phi công quân sự cho Tổ quốc, góp phần xây dựng Quân chủng PK-KQ "Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại", đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Ngày 12-11-1936: Hơn 10 nghìn công nhân mỏ than Cẩm Phả đã giành được thắng lợi sau một tuần bãi công, đấu tranh buộc chủ mỏ phải tǎng lương, giảm giờ làm. Trong tháng 11-1936 còn có cuộc tổng bãi công của hơn 30 nghìn công nhân ở Hồng Gai, Cẩm Phả, Hà Tu, Hà Lầm, Cọc 5.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm công trường khai thác của mỏ than Đèo Nai (Cẩm Phả), chiều ngày 30-3-1959. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Thắng lợi này đã để lại cho tổ chức Đảng và phong trào đội ngũ công nhân vùng mỏ bài học to lớn, có ý nghĩa lịch sử về tập hợp lực lượng, tính kỷ luật trong đấu tranh; về sự đùm bọc, tương thân tương ái của những người thợ mỏ và nhân dân vùng mỏ được kết tinh trong khẩu hiệu "Kỷ luật - Đồng tâm - Chúng ta nhất định thắng!".
Sau này, khi giải phóng vùng mỏ (ngày 25-4-1955), Đặc khu ủy Hồng Quảng quyết định chọn ngày 12-11-1936 là Ngày miền mỏ bất khuất (nay gọi là Ngày truyền thống công nhân vùng mỏ). Năm 1982, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định lấy đây là Ngày truyền thống ngành than. Từ đây, ngày 12-11 hàng năm chính thức trở thành Ngày truyền thống công nhân vùng mỏ - truyền thống ngành than Việt Nam.
Sự kiện quốc tế
Ngày 12-11-1912: Xác của nhà thám hiểm người Anh Robert Falcon Scott và những đồng đội của ông được tìm thấy tại Nam Cực, 8 tháng sau thất bại của cuộc thám hiểm Terra Nova dẫn đến cái chết của họ trên đường về.
 |
Ông Robert F. Scott đang viết nhật ký trong căn lều gỗ tại mũi đất Evans, Nam Cực vào năm 1911. Ảnh: AMNH Library. |
Ngày 12-11-1936: Cầu qua vịnh Oakland-San Francisco bắc qua Vịnh San Francisco nối hai thành phố San Francisco và Oakland của Hoa Kỳ bắt đầu được đưa vào sử dụng.
Theo dấu chân Người
Ngày 12-11-1924, từ Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc gửi ba bức thư về Moscow tới địa chỉ của Quốc tế Cộng sản, Ban biên tập báo "Rabốtnhitxa" và Tổng thư ký Quốc tế Nông dân, trong đó báo tin đã tới làm việc tại Văn phòng của Bôrôđin - Cố vấn của Chính phủ Xô-viết bên cạnh Chính phủ Tôn Trung Sơn. Thư cũng báo cáo về tình hình chính trị và xã hội Trung Quốc và đề nghị được thường xuyên cộng tác với tờ báo "Rabốtnhitxa" bằng loạt bài viết "Thư từ Trung Quốc". Nguyễn Ái Quốc đặc biệt quan tâm đến vấn đề tuyên truyền đối với phụ nữ, một lực lượng đông đảo và nhiều cảm tình với Cách mạng Nga: "Cách mạng Nga đó làm cho những người phụ nữ Trung Quốc hiểu rằng phụ nữ cũng phải có quyền sống và làm việc để giành được quyền đó. Chúng tôi cũng phải đấu tranh như những đàn ông và cùng với đàn ông chống lại những kẻ bóc lột chúng tôi... Người ta chưa bao giờ thấy phấn khởi nhiều như thế trong phụ nữ chúng tôi. Đó thật sự đã là cuộc cách mạng nhỏ!".
 |
Khách sạn Trung tâm Moscow, nơi Nguyễn Ái Quốc ở trong thời gian dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V (7-1924). Ảnh: Hochiminh.vn. |
Ngày 12-11-1942, tại Nhà ngục Nam Ninh (Trung Quốc), Hồ Chí Minh làm những bài thơ nói về tình cảnh gian khổ và ý chí của một người tù nuôi chí lớn, ví như, bài "Chiết tự" theo bản dịch của Nam Trân:
"Người thoát khỏi tù ra dựng nước,
Qua cơn hoạn nạn, rõ lòng ngay;
Người biết lo âu, ưu điểm lớn,
Nhà lao mở cửa, ắt rồng bay!".
Ngày 12-11-1945, nhân kỷ niệm ngày sinh của Tôn Trung Sơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài "Hoa - Việt thân thiện" đăng trên báo "Cứu Quốc" để xác định: "Nhân dịp ngày kỷ niệm cách mệnh đạo sư Tôn Trung Sơn, tôi muốn nhắc lại chính sách của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đối với anh em Hoa kiều. Trung Quốc với Việt Nam là hai nước anh em. Mối quan hệ rất là mật thiết. Văn hóa, lịch sử, chính trị, kinh tế, hai dân tộc quan hệ với nhau đó mấy nghìn năm... phải mật thiết đoàn kết để làm cho thực hiện chữ Hoa - Việt thân thiện. Thế mới xứng đáng là tín đồ của Tôn Trung Sơn tiên sinh".
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm xã viên Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đang gặt lúa mùa (1954). Ảnh: Tư liệu TTXVN. |
Ngày 12-11-1959, tham dự Hội nghị mở rộng của Trung ương Đảng bàn về đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Bác nêu ý kiến: trong tính toán phải nhìn xa và thấy gần, nếu chỉ nhìn xa thì sẽ vấp. Bác cũng xác định: "Nông nghiệp là chính, chẳng những ở ta mà các nước khác cũng thế. Ta tiến lên phải từ gốc mà tiến lên. Nông nghiệp cơ giới hóa nhưng phải chú ý cải tiến kỹ thuật, không được quên. Công nghiệp nhẹ, nặng phải phục vụ nông nghiệp, không nên tách rời ba cái đó ra... Nói cho rõ việc tăng năng suất lao động và cải thiện dân sinh".
Ngày 12-11-1964, Báo Nhân Dân đăng bài "Uy danh lừng lẫy khắp năm châu" của Bác biểu dương chiến công của các lực lượng vũ trang cách mạng đã tấn công Sân bay Biên Hòa vào ngày 31-10-1964. Bài báo cảnh tỉnh: "Nếu muốn tránh thất bại nhục nhã như ở Điện Biên Phủ thì Mỹ chỉ có một cách là chấm dứt ngay cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam, rút ngay quân đội của chúng về nước mẹ, để nhân dân miền Nam giải quyết công việc nội bộ của họ... Vậy có thơ rằng:
"Uy danh lừng lẫy khắp năm châu
Đạn cối tuôn cho Mỹ bể đầu,
Thành đồng trống thắng lay Lầu trắng
Điện Biên, Mỹ chẳng phải chờ lâu".
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010 )
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
"Cán bộ và chiến sĩ đoàn kết chặt chẽ, thì chúng ta nhất định vượt được khó khăn, sửa được sai lầm, giành được thắng lợi". Đó là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài nói chuyện tại "Hội nghị cán bộ trung, cao cấp quân đội", tháng 11-1956.
(Hồ Chí Minh Toàn tập - Tập 10, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011, tr447)
Lời dạy của Bác là sự nhắc nhở sâu sắc đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đội trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, lúc thường cũng như khi ra trận, phải đoàn kết chặt chẽ, nêu cao tình thương yêu đồng chí, đồng đội, giúp đỡ nhau như ruột thịt; chỉ có đoàn kết mới có được sức mạnh để hoàn thành mọi nhiệm vụ, vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng kẻ thù...
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đơn vị bộ đội công binh đang diễn tập bắc cầu phao vượt sông Hồng ban đêm (5-2-1966). Ảnh: Hochiminh.vn. |
Thực tiễn hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội ta cho thấy, cán bộ và chiến sĩ thực sự đoàn kết trên cơ sở tình cảm cách mạng, tình thương yêu giai cấp, tình đồng chí, đồng đội thân thiết, cởi mở, chân thành; thực sự thương yêu, gắn bó, coi cơ quan, đơn vị như gia đình, đồng chí, đồng đội là anh em. Đặc biệt, cán bộ luôn đồng cam cộng khổ, sẵn sàng nhận khó khăn, gian khổ, hy sinh về mình, nhường cơm sẻ áo cho chiến sĩ; sống nghĩa tình, tin tưởng, tôn trọng, quan tâm, giúp đỡ nhau để cùng tiến bộ và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Xây dựng tinh thần đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, cùng chung mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân; toàn tâm toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa,...
Phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp, cán bộ, chiến sĩ luôn khắc ghi lời dạy của Bác về xây dựng mối quan hệ đoàn kết chặt chẽ giữa cán bộ và chiến sĩ. Biểu hiện nổi bật của sự đoàn kết đó thể hiện ở tinh thần phát huy dân chủ, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của quân đội, đơn vị.
 |
Gần 1.100 cán bộ, nhân viên, học viên Học viện Quân y lên đường giúp TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch Covid-19 (Tháng 8-2021). Ảnh: Qdnd.vn. |
Cán bộ chăm lo mọi mặt cho chiến sĩ; ngược lại, cấp dưới phải tôn trọng, phục tùng mệnh lệnh cấp trên. Trên dưới đồng lòng, toàn quân thành một khối vững chắc, thống nhất ý chí và hành động. Cần thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; bảo đảm mọi cán bộ, chiến sĩ, cấp trên, cấp dưới đều bình đẳng về chính trị, thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau; phát huy đầy đủ dân chủ về chính trị, quân sự, kinh tế, đi đôi với giữ vững và tăng cường kỷ luật tự giác, nghiêm minh. Đoàn kết chặt chẽ giữa cán bộ và chiến sĩ phải gắn với đấu tranh, thực hiện tự phê bình và phê bình chân thành, thẳng thắn, nhằm giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện quan liêu, quân phiệt, vi phạm dân chủ, vi phạm nhân cách quân nhân.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Trên Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 12-11-1969 đăng tải bài viết về nói về sự tiếc thương của Đảng Cộng sản Úc trước sự ra đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay sau khi nhận tin Người từ trần, Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Úc đã ra tuyên bố nêu rõ: "Đồng chí Hồ Chí Minh là một trong những người vĩ đại nhất của thời đại chúng ta".
 |
Dấu ấn của Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân ngày 12-11-1969. |
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 12-11-1976 giới thiệu tác phẩm "Kết hợp chặt chẽ lòng yêu nước với tinh thần quốc tế vô sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh" gồm một số bài viết, bài nói của Người từ năm 1920 đến năm 1969.
 |
Dấu ấn của Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân ngày 12-11-1976. |
QUỲNH TRANG (Tổng hợp)