Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 11-11-2021 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra ngày 11-11
Sự kiện trong nước
Ngày 11-11-1988: Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Tiểu đoàn Tên lửa bờ 680 Hải quân, lực lượng nòng cốt là Tiểu đoàn 678 trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân.
Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới, ngày 3-4-1993, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 142/QĐ-QP nâng cấp Tiểu đoàn Tên lửa bờ 680 Hải quân thành Đoàn Tên lửa bờ 680 Hải quân trực thuộc Quân chủng Hải quân. Ngày 4-5-2012, Đoàn được điều chuyển về trực thuộc Vùng 3 Hải quân. Tiếp đó, ngày 22-5-2013, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 1687/QĐ-BQP về việc tổ chức lại Đoàn Tên lửa bờ 680 thành Lữ đoàn Tên lửa bờ 680 và trực thuộc Vùng 3 Hải quân.
 |
Lữ đoàn 680 thực hành đưa tên lửa vào bệ phóng. Ảnh: Phúc Vinh.
|
Kể từ ngày thành lập 11-11-1988 đến ngày 11-11-2021, hơn ba mươi năm xây dựng và trưởng thành, Lữ đoàn đã tiếp nhận, sử dụng, quản lý và khai thác có hiệu quả vũ khí, trang bị khí tài, phục vụ tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc; đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng lực lượng, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, hậu cần, xây dựng đơn vị... hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò là đơn vị chủ công của lực lượng phòng thủ bờ biển.
 |
Tên lửa Lữ đoàn 680 công kích mục tiêu. Ảnh: baohaiquanvietnam.vn. |
Trong giai đoạn hiện nay, thực hiện phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, đơn vị luôn tăng cường công tác bồi dưỡng, huấn luyện bộ đội làm chủ vũ khí trang bị đặc chủng, luyện tập thuần thục các phương án tác chiến, sát thực tế chiến đấu. Bên cạnh đó, lãnh đạo, chỉ huy lữ đoàn còn chú trọng công tác giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị, phát huy tinh thần cố gắng, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ trong toàn đơn vị; thường xuyên duy trì lực lượng, phương tiện trong trạng thái sẵn sàng cơ động, thực hiện nhiệm vụ khi có mệnh lệnh.
Với những đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong suốt hơn 30 năm qua, Lữ đoàn 680 đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng Ba (1999), Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (2008); Bộ Quốc phòng tặng Cờ “Đơn vị dẫn đầu Phong trào thi đua Quyết thắng”, 5 Cờ “Đơn vị huấn luyện giỏi” cùng nhiều thành tích nổi bật khác.
Ngày 11-11-1945: Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp và ra Nghị quyết về việc tuyên bố tự giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương. Thông báo của Hội nghị này chỉ rõ: Việc tuyên bố Đảng "tự giải tán" là "để phá tan tất cả những điều hiểu lầm ở ngoài nước và ở trong nước có thể trở ngại cho tiền đồ giải phóng nước nhà". Những người muốn nghiên cứu về chủ nghĩa Mác-Lênin "sẽ gia nhập Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương". Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố "tự giải tán" nhưng thực chất là rút vào hoạt động bí mật.
Ngày 11-11-1921: Ngày sinh Nhà vǎn Trần Đǎng, ông tên thật là Đặng Trần Thi, quê ở xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Sau Cách mạng Tháng Tám, Trần Đǎng làm việc trong Ban Liên kiểm Pháp - Việt và bắt đầu viết vǎn. Kháng chiến toàn quốc, ông tham gia quân đội, làm phóng viên Báo Vệ Quốc quân (nay là Báo Quân đội nhân dân).
 |
Nhà vǎn Trần Đǎng. Ảnh tư liệu. |
Là một trong những người cầm bút đến với bộ đội sớm nhất, Trần Đǎng đã đưa vào vǎn học những hình ảnh giản dị, chân thực, tươi trẻ của người chiến sĩ và cuộc sống gian khổ của họ. Sáng tác của ông tuy ít nhưng đã góp phần khẳng định con đường đi đúng đắn của vǎn học những nǎm kháng chiến chống Pháp. Các tác phẩm chính: Truyện ngắn "Một lần tới thủ đô" (1946), ký sự "Trận Phố Ràng" (1949) và "Một cuộc chuẩn bị" (1949). Nhà vǎn Trần Đǎng hy sinh ở chiến trường biên giới phía Bắc cuối nǎm 1949.
Sự kiện quốc tế
Ngày 11-11-1918: Đức ký kết thỏa thuận đình chiến với các nước Đồng minh. Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc giao tranh. Chiến tranh thế giới thứ nhất là một trong những cuộc chiến đau thương và đẫm máu nhất trong lịch sử, thay đổi hoàn toàn cục diện chính trị và xã hội châu Âu. Kéo dài trong 4 năm, từ năm 1914 đến 1918, cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của khoảng hơn 16 triệu người và khiến hàng triệu người khác bị thương.
 |
Các nhà lãnh đạo thế giới dự Lễ kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất tại Paris, Pháp, ngày 11-11-2018. Ảnh: TTXVN
|
Số tiền mà các nước tham chiến bỏ ra cho cuộc chiến lên tới con số 85 tỷ USD. Đây cũng là lần đầu tiên vũ khí hóa học được sử dụng quy mô lớn khi lực lượng Đức dùng khí chlorine tấn công Bỉ năm 1915.
Ngày 11-11-1942: Kết thúc Trận El Alamein thứ 2 tại Ai Cập trong Chiến tranh thế giới thứ hai, thắng lợi thuộc về phe Đồng minh.
Ngày 11-11-1524: Ngày sinh Pierre de Ronsand - nhà thơ Pháp thời phục hưng. Ông là nhà cách tân thơ ca lớn, là nhà thơ ca Pháp thoát khỏi nghệ thuật thi ca Trung cổ, bước vào thời cận đại, đưa vào thơ những tư tưởng nhân vǎn hướng tới con người. Ông cũng là người mở đường cho thơ ca lãng mạn Pháp sau này. Ông mất ngày 27-12-1585.
 |
Nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat tạm biệt những người ủng hộ ở thành phố Ramallah, Khu Bờ Tây, ngày 29-10-2004, trước khi lên máy bay tới Paris, Pháp để điều trị bệnh. Ảnh: TTXVN
|
Ngày 11-11-2004: Tổng thống Chính quyền Quốc gia Palestine Yasser Arafat qua đời tại bệnh viện Quân y Percy ở Paris (Pháp), hưởng thọ 75 tuổi.
Theo dấu chân Người
Ngày 11-11-1924: Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu với nhiệm vụ của Quốc tế Cộng sản là theo dõi phong trào nông dân Trung Quốc và tham gia phái đoàn của Cố vấn Liên Xô bên cạnh Chính phủ Trung Hoa Quốc dân đảng, đồng thời, cũng là cơ hội để Nguyễn Ái Quốc (với bí danh Lý Thụy) tập hợp các lực lượng thanh niên Việt Nam yêu nước đang có mặt tại đây.
 |
Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tại Nhà lưu niệm về Người ở huyện Long Châu, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Ảnh tư liệu
|
Ngày 11-11-1942: Trong nhà tù ở Quảng Tây, Lãnh tụ Hồ Chí Minh sáng tác bài thơ có đầu đề “Song thập nhất (ngày 11 tháng 11) cảm nhận về tình hình thế giới trong đó có đoạn:
“... Kháng Nhật, cờ bay khắp Á châu,
Cờ to, cờ nhỏ chẳng đều nhau,
Cờ to đã hẳn là nên có,
Cờ nhỏ dù sao, thiếu được đâu” .
(bản dịch của Nam Trân)
Ngày 11-11-1949: Từ Chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ điện cho Đại diện Thông tấn xã Việt Nam ở Băng Cốc: “Hồ Chủ tịch gửi lời chúc mừng Bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã trở về Tổ quốc”. Là một nhà trí thức được đào tạo tại Nhật Bản, bác sĩ Ngữ đã tìm đường trở về nước, có nhiều cống hiến trong cả hai cuộc kháng chiến và đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người tại căn cứ địa Việt Bắc (1951). Ảnh tư liệu.
|
Ngày 11-11-1950: Báo “Cứu Quốc” đăng “Thư gửi các bạn nam nữ Pháp đấu tranh cho hoà bình”, trong đó Bác nêu rõ: “...Không phân biệt nam nữ, trẻ già, thợ thuyền, nông dân hay trí thức, các bạn đã đoàn kết để cùng góp phần cố gắng và quyết tâm của mình, chúng tôi kính phục theo dõi các bạn... Tất cả chúng ta đều gắng sức theo đuổi một mục đích, nhất định những cố gắng của chúng ta chẳng bao lâu sẽ đưa bọn đế quốc đến chỗ thất bại hoàn toàn”.
Ngày 11-11-1953: Báo “Cứu Quốc” đăng bài “Bà mẹ anh hùng” biểu dương các gia đình có từ 3 đến 5 con đi bộ đội được Chính phủ tôn vinh, với trường hợp một bà mẹ ở Việt Bắc có 9 con đi bộ đội, Bác tặng câu thơ:
“Cả nhà kháng chiến,
Muôn thuở rạng danh,
Nêu gương dân tộc,
Việt Nam quang vinh”
 |
Báo Cứu quốc, cơ quan của Tổng bộ Việt Minh ra đời tháng 2-1942. Ảnh: baotanglichsu.vn
|
Ngày 11-11-1954: Trả lời phỏng vấn của Hãng thông tấn Pháp (AFP) về quan hệ Việt - Pháp sau chiến tranh, Bác vạch rõ: “Cơ sở và phương pháp tốt nhất cho việc phát triển mối quan hệ Việt - Pháp là sự hiểu biết, lòng trung thực, tin cậy lẫn nhau; bình đẳng, hai bên đều có lợi theo nguyên tắc có đi có lại” và cũng khẳng định: “Nhân dân Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ hoạt động không ngừng để thực hiện thống nhất đất nước theo phương pháp hoàn toàn phù hợp với Hiệp định Giơnevơ”.
 |
Tại Khu Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn Đoàn Vô tuyến - Truyền hình Pháp (5-1964). Ảnh tư liệu.
|
Ngày 11-11-1965: Tiếp hai nhà khoa học là phái viên của Bộ trưởng Ngoại giao Italia đến nước ta để tìm giải pháp chấm dứt cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, Bác nói: “Chúng tôi sẵn sàng trải thảm đỏ và rắc hoa cho Mỹ rút. Nhưng nếu Mỹ không rút thì phải đánh đuổi Mỹ đi... Nhờ ông nói với Tổng thống Giônxơn hoặc Mắc Namara hoặc thông qua ông Phanphani (Bộ trưởng Ngoại giao Italia) mà nói với họ rằng: Hồ Chí Minh chỉ muốn hoà bình... Mỹ phải rút khỏi Việt Nam rồi Tổng thống Giônxơn đến đây nói chuyện cũng được, hoặc ông ta có mời tôi đến Oasinhtơn tôi cũng sẵn sàng! Nhưng trước hết Mỹ phải để chúng tôi yên. Mỹ phải chấm dứt chiến tranh!”.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2010)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến thanh niên. Người cho rằng thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai. Ngày 11-11-1953, Bác cho đăng bài “Đội Thanh niên xung phong” trên báo “Nhân Dân” xác định: “Đó là một trường đào tạo thanh niên bằng những công việc thiết thực... Chúng ta cần củng cố và phát triển Đội Thanh niên Xung phong để đảm bảo thêm công việc kháng chiến và đào tạo cán bộ sau này”.
Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, trang 332, tập 8-2011)
Ra đời trong kháng chiến chống Pháp, theo tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, lực lượng Thanh niên xung phong đã không ngừng rèn luyện, phấn đấu, xung kích đi đầu vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, lao động quên mình, anh dũng hy sinh trong phục vụ chiến đấu, tham gia chiến đấu trong các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần làm nên những kỳ tích lịch sử của dân tộc.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu thanh niên xung phong dự Đại hội Thanh niên Xung phong chống Mỹ cứu nước toàn miền Bắc tháng 1-1967. Ảnh tư liệu.
|
Lịch sử dựng nước và giữ nước, đặc biệt là hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cho thấy thanh niên luôn giữ vai trò quan trọng, luôn thể hiện tinh thần xả thân vì Tổ quốc. Khi nhắc tới thanh niên Việt Nam là nhắc tới những tấm gương anh hùng tuổi trẻ tiêu biểu như: Lý Tự Trọng, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Nguyễn Viết Xuân, Nguyễn Văn Trỗi, Đặng Thùy Trâm...
Ngày nay, trước bối cảnh phức tạp, khó lường của tình hình, lời căn dặn của Bác vẫn giữ nguyên giá trị, là bài học sâu sắc định hướng nhận thức, tư tưởng, phương châm hành động của lực lượng đoàn viên thanh niên. Trong những năm qua, nhiều đội thanh niên, sinh viên tình nguyện đã không ngại khó khăn, gian khổ để đến với đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng để có các hoạt động thiết thực giúp đỡ bà con như dạy học, làm lại nhà cửa, khám chữa bệnh cho bà con... Nhiều trí thức trẻ trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội đã về tận những nơi khó khăn, gian khổ, cầm tay, chỉ việc, giúp bà con nông dân, người dân phát triển kinh tế, thoát nghèo, làm giàu cho quê hương, đất nước.
 |
Tại Hội nghị Thanh niên xã hội chủ nghĩa khu Việt Bắc, Người thăm hỏi chiến sĩ thi đua Phạm Trung Pồn bị mù cả hai mắt nhưng có nhiều sáng kiến cải tiến nông cụ (13-3-1960). Ảnh tư liệu. |
Thấm nhuần những lời dạy của Bác, trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc trước đây, các thế hệ thanh niên quân đội đã anh dũng chiến đấu, cùng toàn dân lập nên nhiều chiến công oanh liệt, góp phần làm rạng rỡ truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ". Nhiều đồng chí đã trở thành những cán bộ ưu tú của Đảng, của quân đội, nêu gương sáng cho các thế hệ trẻ noi theo... Ngày nay, tiếp bước các thế hệ cha anh, thanh niên quân đội luôn là lực lượng xung kích trong mọi hoạt động của quân đội: Sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, nghiên cứu khoa học, hoạt động văn hóa - nghệ thuật, làm công tác dân vận, lao động sản xuất, giúp dân phòng chống thiên tai, xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, Việt Nam đối mặt với đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, bằng những việc làm thiết thực, tuổi trẻ quân đội tiếp tục khẳng định vai trò xung kích, tình nguyện trên tuyến đầu chống dịch, góp phần lan tỏa và tô thắm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới.
Trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những yếu tố khó lường. Nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại đang diễn ra trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Thanh niên quân đội đang đứng trước những cơ hội, thuận lợi lớn, nhưng cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Các thế lực thù địch tăng cường chống phá cách mạng Việt Nam, tập trung thực hiện âm mưu thâm độc là lôi kéo, kích động thanh niên chạy theo lối sống thực dụng, làm băng hoại về đạo đức, suy thoái về chính trị, tư tưởng, xa rời mục tiêu, lý tưởng của Đảng và mất phương hướng chiến đấu. Nhiệm vụ của quân đội tiếp tục có những bổ sung, phát triển mới, với những yêu cầu ngày càng cao hơn.
 |
Thanh niên quân đội phát huy hiệu quả vai trò xung kích của tuổi trẻ. Ảnh: TTXVN và qdnd.vn
|
Vì vậy, cùng với việc tập trung huấn luyện, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, phòng chống âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, các đơn vị phải làm tốt công tác vận động quần chúng, tham gia xây dựng cơ sở chính trị, xã hội, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai; đồng thời, tiếp tục chấn chỉnh tổ chức lực lượng đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới... Những nhiệm vụ đó đặt ra cho quân đội nói chung và thanh niên quân đội nói riêng những yêu cầu rất cao về nhận thức trách nhiệm, bản lĩnh chính trị, năng lực hành động trong thực hiện nhiệm vụ và phát huy những tiềm năng sáng tạo của thanh niên nhằm góp phần xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Ngày này năm 1968, trang nhất Báo Quân đội nhân dân (QĐND) số 2683 đã đăng loạt bài điểm lại các chiến công vang dội của quân và dân ta trên hai miền Nam Bắc. Đáp lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
 |
Dấu ấn của Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân ngày 11-11-1968. |
Cũng trên trang nhất số báo này có đăng bức Điện của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam kính gửi Hồ Chủ tịch, bức Điện có đoạn:
“Thưa Hồ Chủ tịch kính mến,
Chúng tôi rất phấn khởi và tự hào lắng nghe từng ý, từng câu lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch gửi đồng bào và chiến sĩ cả nước ngày 3-11-1968.
Chúng tôi hết sức xúc động trước sự quan tâm theo dõi của Chủ tịch đối với từng bước đi của phong trào cách mạng miền Nam. Chủ tịch đã đánh giá, nhận định tình hình và vạch ra phương hướng tiến lên giành thắng lợi, rất phù hợp với ý nguyện của nhân dân miền Nam. Lời kêu gọi của Chủ tịch đã truyền đến cho chúng tôi, cho toàn thể quân dân miền Nam nguồn cổ vũ lớn lao và niềm tin tưởng sắt đá vào thắng lợi cuối cùng…”.
 |
Dấu ấn của Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân ngày 11-11-1969. |
Ngày này năm 1969, trang nhất Báo QĐND số 3045 đăng khẩu hiệu “Học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, quân và dân hai miền Nam Bắc tích cực học tập, ứng dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật tiên tiến, cải tiến công cụ, hăng hái thi đua lập nên các chiến công vang dội.
HUY ĐÔNG (tổng hợp)