Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 8-11-2021 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Ngày 8-11 cũng ghi dấu ấn nhiều sự kiện quan trọng như ngày Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với công nhân, cán bộ Nhà máy Điện Bờ Hồ, ngày truyền thống Kho 703, Vùng 1 Hải quân, Việt Nam giành quyền đăng cai Đại hội Thể thao châu Á - ASIAD lần thứ 18, ngày sinh nhà bác học Nga Mikhain Vaxiliêvich Lômônôxốp…
Một số sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra ngày 8-11
Sự kiện trong nước
Ngày 8-11-1917, Đại hội lần thứ II Xô Viết đại biểu công nhân, binh lính và nông dân Nga thông qua sắc lệnh về ruộng đất và sắc lệnh về hòa bình, thành lập Chính phủ Xô Viết đầu tiên do Lênin đứng đầu.
Ngày 8-11-1980, Bộ tư lệnh Hải quân ra quyết định thành lập Kho 703 trực thuộc Cục Kỹ thuật Hải quân. Kho có nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, bảo đảm kỹ thuật và cấp phát vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) cho các đơn vị hải quân. Đến cuối năm 2018, Kho 703 được bàn giao nguyên trạng về trực thuộc Vùng 1 Hải quân.
 |
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Chuẩn đô đốc Nguyễn Viết Khánh, Tư lệnh Vùng 1 Hải quân trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba tặng Kho 703. Ảnh: Qdnd.vn |
41 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, nhân viên của kho đã nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, tích cực, chủ động thực hiện phương châm “kịp thời, chính xác, an toàn, chất lượng” xây đắp nên truyền thống “Đoàn kết chủ động, khắc phục khó khăn, làm chủ trang bị, bảo đảm an toàn, hoàn thành nhiệm vụ”, tiếp nhận, bảo quản, cấp phát hơn 50.000 tấn hàng hóa các loại cho các đơn vị. Từ năm 2011 đến nay, kho luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, có nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Với thành tích đạt được, Kho 703 đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, 3 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc (hạng Nhất, Nhì, Ba), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ, QNCN, CNVQP được khen thưởng.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Hội nghị công giáo toàn quốc (9-3-1955). Ảnh: Hochiminh.vn |
 |
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VII (nhiệm kỳ 2018 - 2023). Ảnh: TTXVN |
Từ ngày 8-11 đến ngày 10-11-1983, Đại hội những người công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình họp tại Hà Nội. Đại hội đã cử ra Ủy ban đoàn kết công giáo yêu nước Việt Nam và thông qua Điều lệ của Ủy ban.
Sự kiện quốc tế
 |
“Những sinh viên Việt Nam đầu tiên” - gần 50 người sang Nga học ở Đại học Tổng hợp Quốc gia Mátxcơva mang tên Mikhain Vaxiliêvich Lômônôxốp (MSU), từ mùa thu 1954. Ảnh tư liệu của Học viện Tiếng Nga và Văn học trực thuộc MSU. |
Mikhain Vaxiliêvich Lômônôxốp sinh ngày 8-11-1711, mất năm 1765, là nhà bác học Nga thế kỷ 18. Những sáng tạo cũng như cống hiến của ông rất đa dạng, đặc biệt trong hóa học và vật lý học, trong nghiên cứu địa chất và địa lý, trong xây dựng ngành mỏ, luyện kim và đồ sứ, cả trong ngôn ngữ văn học, lịch sử, triết học.
Tại thủ đô Mátxcơva của Liên bang Nga có một trường đại học tổng hợp quốc gia mang tên Lômônôxốp, ở đó đã đào tạo nhiều nhà khoa học Việt Nam.
 |
Đại diện Việt Nam ký kết hợp đồng tổ chức ASIAD với OCA. Ảnh: VGP |
Ngày 8-11-2012, Việt Nam giành quyền đăng cai Đại hội Thể thao châu Á - ASIAD lần thứ 18.
Theo đó, Việt Nam đã vượt qua hai ứng cử viên là Surabaya (Indonesia) và Dubai (UAE) để lần đầu tiên trở thành chủ nhà của một kỳ Asiad.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam được trao quyền đăng cai Asiad, vì vậy đây là một bước ngoặt lịch sử không chỉ thúc đẩy nền thể thao nước nhà phát triển, mà còn là cơ hội để quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam với bạn bè trong châu lục và trên thế giới.
Theo dấu chân người
Ngày 8-11-1946, Bác viết bài “Địa thế” dựa theo “Binh pháp Tôn Tử” đăng trên Báo “Cứu quốc”, Bác nhấn mạnh: “Ở vào mỗi địa thế, phương pháp dụng binh mỗi khác. Nếu không tùy từng địa thế để thay đổi phương pháp, đánh trận không thể thắng được... Có phân biệt được địa thế mới biết áp dụng phương pháp đánh trận một cách có hiệu quả”.
Cùng ngày, Bác tiếp đại biểu nhiều đoàn thể, với Liên đoàn Giáo giới, Bác chia sẻ: “Không riêng gì ở nước ta, mà ở các nước khác cũng vậy, hình như sự không đủ ăn là số phận chung của các giáo viên. Khi nào nền tài chính dồi dào, Chính phủ phải nghĩ ngay đến giáo viên là những người từ tầng dưới đến tầng trên, lãnh trách nhiệm đào tạo nhân tài cho Tổ quốc”.
 |
Bác Hồ thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân viên ngành Điện năm 1954. Ảnh tư liệu. |
Ngày 8-11-1958, Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với công nhân, cán bộ Nhà máy Điện Bờ Hồ (nay là Công ty Điện lực Hà Nội).
Trước đó, Bác Hồ đã đến nhà máy này 2 lần vào ngày 21-12-1954 và ngày 25-4-1958. Trong các lần đến thăm, Bác căn dặn: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm. Muốn tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm thì phải quản lý tốt. Muốn quản lý tốt thì cán bộ và công nhân phải thông suốt tư tưởng, phải có thái độ làm chủ nước nhà, làm chủ xí nghiệp”.
Ngày 8-11-1962, trong bài viết “Một thắng lợi mới” trên Báo “Nhân Dân”, Bác biểu dương thành tích giáo dục của tỉnh Lào Cai từ chỗ 99% đồng bào Mông mù chữ, nay đó có chữ viết riêng, nhiều người đến lớp và có đội ngũ khá đông giáo viên dạy tiếng dân tộc.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi chống nạn thất học”. Ảnh: hochiminh.vn |
 |
Khắc ghi lời dạy của Bác, các em học sinh người Mông xã Bản Phố thi đua học tập, rèn luyện xứng đáng là "con ngoan, trò giỏi", cháu ngoan Bác Hồ. Ảnh: Laocai.gov.vn |
Trong bài viết, Người ghi nhận, khen ngợi thành tích thực hiện xóa mù chữ cho đồng bào Mông bằng tiếng Mông của xã Bản Phố, huyện Bắc Hà và nhấn mạnh: “Mong rằng đồng bào các xã miền ngược thi đua với Bản Phố trong công việc xóa nạn mù chữ, đồng bào Bản Phố thì nên thi đua học bổ túc văn hóa để nâng cao hơn nữa trình độ hiểu biết của mình”. Tư tưởng về giáo dục của Người thể hiện sự công bằng, bình đẳng trong quan điểm giáo dục cho mọi người, tinh thần giáo dục ấy mang tính nhân văn cách mạng cao đẹp và tiến bộ. Người coi đó là một trong những điển hình của thắng lợi mới về chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta và là thắng lợi đầu tiên của đồng bào Mông về mặt văn hóa. (theo laocai.gov.vn)
Ngày 8-11-1968, trong điện mừng Quốc khánh gửi Quốc trưởng Campuchia N.Xihanúc, Bác khẳng định: “Chính sách trước sau như một của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là tôn trọng độc lập, chủ quyền, trung lập và toàn vẹn lãnh thổ Vương quốc Campuchia trong biên giới hiện tại”.
(Sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa”, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2010)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
Ngày 8-11-1945, trong lời “Hô hào nhân dân chống nạn đói” đăng trên Báo “Cứu quốc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Cuộc chống nạn đói cũng như cuộc chống ngoại xâm, ta nhất định thành công, vì đồng bào ta ai cũng sẵn lòng hăng hái... Các bạn phải có sáng kiến để tìm ra cách làm được việc mà không mất lòng dân. Nhất là đối với chữ CẦN, chữ KIỆM, chữ HY SINH, chữ CÔNG BẰNG thì các bạn phải thực hành trước, phải làm gương cho dân chúng theo”.
Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài viết “Hô hào nhân dân chống nạn đói”, đăng Báo “Cứu quốc”, số 86, ngày 8-11-1945. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.108).
Ngay sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa diễn ra ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra sáu vấn đề cấp bách, trong đó theo Người, quan trọng nhất là phát động phong trào tăng gia sản xuất để chống nạn đói, mở ngay một cuộc lạc quyên gạo để giúp đỡ người nghèo. “Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo”. Hạt gạo lúc này quý hơn ngọc ngà châu báu.
 |
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khắp nơi nhân dân góp gạo chống giặc đói. Ảnh: Tư liệu. |
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu đói đã vận động lạc quyên, tổ chức “ngày đồng tâm” nhịn ăn lập “hũ gạo cứu đói”… trở thành một phong trào quần chúng rộng lớn. Bên cạnh đó, Chính phủ còn ban hành các chính sách, biện pháp như: cấm dùng gạo nấu rượu, xóa bỏ mọi hạn chế trong việc lưu thông gạo giữa các vùng trong cả nước, cấm dân tích trữ gạo, thành lập tổ chức “Ủy ban tối cao tiếp tế và cứu tế” của Chính phủ. Việc chuyên chở gạo từ các tỉnh ở Nam Bộ và Trung Bộ ra Bắc Bộ được tiến hành nhanh chóng để kịp đưa gạo đến các địa phương cứu đói. Với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách cộng với những biện pháp tích cực của Chính phủ, từ những hạt gạo nghĩa tình và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, nạn đói năm 1945 được đẩy lùi.
Lời của Bác là bài học nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam phải luôn nêu cao ý thức tự lực, tự cường, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng và chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; đồng thời, chúng ta phải ra sức phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tích cực và chủ động hội nhập sâu rộng với các nước trong khu vực và trên thế giới, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
 |
Quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng và tham gia phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Qdnd.vn; mod.gov.vn |
Thấm nhuần lời dạy của Bác, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dù ở bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ thành quả cách mạng, Quân đội ta luôn chủ động, tích cực tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế bằng hình thức, biện pháp phù hợp, đúng định hướng của Đảng. Qua đó, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong những năm tới, nước ta tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng; nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc đứng trước những thuận lợi và cơ hội to lớn, song cũng có không ít khó khăn, thách thức.
Để góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược trong thời kỳ mới, đòi hỏi Quân đội cần tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế, đóng góp nhiều hơn nữa vào phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực, sức mạnh của đất nước, xứng đáng là “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất” trong thời kỳ mới.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1980 ra ngày 8-11-1966 đăng nội dung Bác Hồ gửi thư trả lời một công dân Mỹ.
Trong thư Bác viết: “Tôi rất cảm động khi đọc thư ông. Đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam đã gây nên những tội ác hết sức dã man đối với nhân dân nước chúng tôi. Chúng đã bôi nhọ danh dự nước Mỹ và làm cho nhân dân Mỹ phải chịu nhiều tổn thất nặng nề. Tôi rất hiểu nỗi đau buồn của ông cũng như của nhân dân lương thiện Mỹ... Nhân dân Mỹ có truyền thống yêu chuộng công lý, tự do và hòa bình. Nhân dân Việt Nam rất quý trọng nhân dân Mỹ, muốn đoàn kết với nhân dân Mỹ đang đấu tranh cho các quyền dân chủ và chống chiến tranh xâm lược Việt Nam”.
 |
Báo Quân đội nhân dân số 1980 ra ngày 8-11-1966 trích đăng nội dung Bác Hồ gửi thư trả lời một công dân Mỹ. |
Cũng trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2317 ra ngày 8-11-1967, trích đăng “Hồ Chủ tịch gửi thư khen quân và dân Hà Nội”.
Trong đó Bác khen: “Ngày 6-11-1967, Hà Nội đã bắn rơi 3 máy bay Mỹ trong đó có chiếc thứ 2.500 trên miền Bắc. Một lần nữa giặc Mỹ lại bị quân và dân Hà Nội trừng trị đích đáng.
Đó là thành tích thiết thực kỷ niệm lần thứ 50 Cách mạng tháng Mười.
Bác rất vui lòng khen ngợi đồng bào, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và cán bộ Hà Nội đã nêu cao cảnh giác, đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu dũng cảm và mưu trí, chiến thắng vẻ vang.
Quân và dân Hà Nội hãy nâng cao cảnh giác, luôn luôn sẵn sàng, ra sức thi đua chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi, giành nhiều thắng lợi to lớn hơn”.
 |
Báo Quân đội nhân dân số 2317 ra ngày 8-11-1967, trích đăng “Hồ Chủ tịch gửi thư khen quân và dân Hà Nội”. |
HOÀNG TRƯỜNG (tổng hợp)