Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 7-7-2022 còn được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm. 

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 7-7

Sự kiện trong nước

- Ngày 7-7-1910, ngày sinh nhà văn Thạch Lam. Ông tên thật là Nguyễn Tường Vinh (sau đổi tên là Nguyễn Tường Lân) sinh ra tại Hà Nội. Ông qua đời nǎm 1942. Là cây bút xuất sắc trong nhóm Tự lực văn đoàn. Tác phẩm chính của ông: Gió đầu mùa, Nắng trong vườn, Sợi tóc, tập tùy bút Hà Nội 36 phố phường.

- Ngày 7-7-1946, là Ngày truyền thống của Học viện Lục quân. Cách đây 76 năm, ngày 7-7-1946, Quân ủy Trung ương quyết định mở lớp huấn luyện bổ túc quân sự trung cấp đầu tiên với 60 học viên tại thôn Tông (thuộc thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội ngày nay). Sự kiện này là dấu son lịch sử đánh dấu sự ra đời của Học viện Lục quân.

leftcenterrightdel
Trung tướng Ngô Minh Tiến, Phó tổng Tham mưu trưởng trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất tặng Học viện Lục quân. Ảnh: Vũ Đình Đông

Trải qua 76 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Học viện Lục quân không ngừng lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Quân đội giao. Học viện đã đào tạo hơn 450 khóa học với hơn 50.000 cán bộ, chỉ huy tham mưu binh chủng hợp thành và các chuyên ngành binh chủng cấp trung, sư đoàn và tương đương cùng hàng ngàn thạc sĩ, tiến sĩ quân sự cho quân đội ta và quân đội các nước anh em.

Từ lớp bổ túc quân sự trung cấp đầu tiên, đến nay, học viện đã phát triển thành trung tâm giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học lớn, có uy tín trong hệ thống giáo dục quốc dân, đạt danh hiệu “Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, xây đắp lên truyền thống tự hào: “Kiên định vững vàng, đoàn kết nhất trí, chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”.

- Ngày 7-7-1950, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội ta quyết định mở Chiến dịch Biên Giới, mang mật danh Chiến dịch “Lê Hồng Phong-2”.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 7-7-1807, Pháp, Phổ và Nga ký kết Hòa ước Tilsit, kết thúc Chiến tranh Liên minh thứ tư.

- Ngày 7-7-1937, bắt đầu Sự kiện Lư Câu Kiều, được xem là mở đầu cho Chiến tranh Trung - Nhật.

leftcenterrightdel
Quần đảo Solomon. Ảnh: vnexpress.net 

- Ngày 7-7-1978, quần đảo Solomon giành độc lập từ Anh Quốc.

Theo dấu chân Người

- Ngày 7-7-1946, tại Paris, Bác tiếp tục gặp gỡ nhiều bà con Việt kiều, tiếp và mời cơm gia đình tướng Raoul Salan; dự những hình thức lễ nghi và Hội pháo hoa tại cung điện Versailles để chào mừng khách quý từ Việt Nam tới.

- Ngày 7-7-1954, Báo Nhân Dân đăng bài “Công giáo Pháp chống chiến tranh xâm lược Việt Nam” trong đó Bác bình luận về việc nhiều giáo dân, giáo chức và tờ báo lớn của Thiên Chúa giáo ở Pháp lên tiếng chống chiến tranh kêu gọi đình chiến, để từ đó đưa ra lời kêu gọi: “Trước thái độ đúng đắn của những người Công giáo Pháp, thì những người Công giáo Việt Nam ai đã lầm đường theo giặc, phản nước phản Chúa, cần phải mau mau hối cải, mau mau quay về với chính nghĩa, với Tổ quốc yêu mến của chúng ta”. Cùng ngày, trên Báo Cứu Quốc, Bác cũng đề cập vấn đề này và nhấn mạnh rằng: "Những người trung thành với Chúa là những người có nhiều cống hiến cho sự nghiệp hòa bình thế giới".

- Ngày 7-7-1958, Bác tham dự Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua công, nông, binh toàn quốc lần thứ II và biểu dương: “Anh hùng, chiến sĩ thi đua đó là những người tiên phong trong sản xuất, mà cũng là gương mẫu về đạo đức cách mạng... Họ toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân chứ không phải nửa tâm nửa ý... không suy bì hơn thiệt của cá nhân, không ganh tị về địa vị và hưởng thụ. Họ không giấu nghề, không dìm những anh em xung quanh mình… Họ không tự kiêu, tự mãn, tự tư tự lợi”. Cùng ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho 26 tấm gương xuất sắc nhất trong phong trào thi đua yêu nước.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục được Quốc hội khóa 3 tín nhiệm bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại kỳ họp thứ nhất, ngày 3-7-1964. Ảnh tư liệu

- Ngày 7-7-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự phiên họp khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa II, tại kỳ họp này Bác được tái tín nhiệm đảm nhận cương vị Chủ tịch nước.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh – Ngày này năm xưa, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2010)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Anh hùng, chiến sĩ thi đua đã là những người tiên phong trong sản xuất, mà cũng là gương mẫu về đạo đức cách mạng. Họ đặt lợi ích chung của dân tộc trên lợi ích riêng của cá nhân”.

Kết luận nêu trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài: “Lời chào mừng Đại hội anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ II”, đọc ngày 7-7-1958. Đây là thời kỳ miền Bắc bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện kế hoạch 3 năm cải tạo và phát triển kinh tế - văn hóa (1958-1960). Nhiệm vụ trọng tâm lúc này là phát triển sản xuất, khôi phục kinh tế và xây dựng chế độ mới trên tất cả các lĩnh vực.

leftcenterrightdel
Bác Hồ phát biểu tại Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ I tại Việt Bắc, tháng 5-1952. Ảnh tư liệu 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi nhận, biểu dương, khích lệ thành tích của các anh hùng, chiến sĩ thi đua đã đạt được trong những năm đầu đất nước hòa bình, khôi phục kinh tế ở miền Bắc. Lời dạy của Người đã cổ vũ, động viên, kêu gọi mọi người hăng hái phấn đấu học tập và làm theo tấm gương của các anh hùng, chiến sĩ thi đua trong Đại hội. Mặt khác, đã chỉ ra cách thức rèn luyện, phấn đấu cho mỗi cán bộ, đảng viên, phải luôn đặt lợi ích chung của dân tộc, của đất nước lên trên lợi ích riêng của cá nhân, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, không sợ gian nguy, ra sức vượt mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, mẫu mực về đạo đức, lối sống, không tự kiêu, tự mãn, tự tư, tự lợi về lợi ích và hưởng thụ, luôn giúp đỡ mọi người cùng tiến bộ.

Đồng thời, Bác chỉ rõ tầm quan trọng của đạo đức cách mạng và vai trò của thi đua yêu nước đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội - một chế độ xã hội mà con người được đặt ở vị trí trung tâm, được bảo đảm về mọi quyền lợi chính đáng, được phát triển toàn diện bản thân.

Thực hiện lời Bác dạy, cán bộ, chiến sĩ toàn quân đẩy mạnh Phong trào Thi đua Quyết thắng và các cuộc vận động của các cấp, các ngành, tập trung đột phá, khắc phục khâu yếu, mặt yếu, khơi dậy ý thức tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy truyền thống “Quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng và phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển, đảo của Tổ quốc.

Toàn quân xuất hiện ngày càng nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt” trên các lĩnh vực công tác, trực tiếp góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tổ chức đảng trong sạch vững mạnh; cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, các tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc; không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trên trang Nhất Báo Quân đội nhân dân số 15152 ra ngày 7-7-2003 đăng bài viết “Những nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.

leftcenterrightdel
Trang Nhất Báo Quân đội nhân dân số 15152 ra ngày 7-7-2003.
 
leftcenterrightdel
 

TRẦN HUYỀN (tổng hợp)