Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 5-7-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 5-7

Sự kiện trong nước

- Ngày 5-7-1961, Đại đội 3 Thông tin-tiền thân của Lữ đoàn Thông tin 602 ra đời. Cùng với sự phát triển của các lực lượng Hải quân, Đại đội 3 từng bước nâng cấp thành Tiểu đoàn 2 Thông tin (1964), Trung đoàn Thông tin Hải quân 121 (tháng 2-1977), Trung đoàn Thông tin 602 Hải quân (tháng 6-1977) và Lữ đoàn Thông tin 602 (2004).

leftcenterrightdel
Các nữ chiến sĩ thông tin của đơn vị đang bảo đảm thông tin phục vụ chiến đấu. Ảnh tư liệu 

Trải qua hơn 60 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, Lữ đoàn 602 luôn nhận thức thức rõ vinh dự và trách nhiệm, bảo đảm thông tin liên lạc cho Bộ Tư lệnh Quân chủng hải quân chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lữ đoàn vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu cao quý “Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Cán bộ, chiến sĩ, QNCN đơn vị qua các thời kỳ đã xây đắp nên truyền thống vẻ vang: “Kiên trì, anh dũng; đoàn kết, sáng tạo; khắc phục khó khăn; chính xác, kịp thời; an toàn, vững chắc”.

leftcenterrightdel
Với những thành tích, chiến công xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, năm 2015, Lữ đoàn Thông tin 602 vinh dự đón nhận danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ảnh: Baohaiquanvietnam.vn 

Đặc biệt, những năm gần đây, Hải quân Nhân dân Việt Nam được xác định là một trong những lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, tổ chức biên chế của Quân chủng Hải quân có sự phát triển với nhiều lực lượng mới, hiện đại; tình hình trên biển, đảo diễn biến phức tạp đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc cao hơn. Đảng ủy, chỉ huy và toàn thể cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn đã đoàn kết một lòng, khắc phục khó khăn, triển khai các phương án bảo đảm thông tin liên lạc cho các lực lượng; tổ chức huấn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, khai thác làm chủ trang bị khí tài thông tin, nhất là thông tin công nghệ cao. Lữ đoàn luôn bảo đảm thông tin liên lạc kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, bảo vệ an toàn các hoạt động kinh tế biển và tìm kiếm cứu nạn trên biển.

- Ngày 5-7-1966: Hồ Chủ tịch tiếp ông Sainteny, nguyên Cao ủy Pháp tại Hà Nội nǎm 1946.

Sự kiện quốc tế

leftcenterrightdel
Nhà khoa học George de Hevesy. Ảnh tư liệu 

- Ngày 5-7-1966: Nhà khoa học George de Hevesy qua đời. Ông sinh ngày 1-8-1885 tại Budapest. Ông là người phát minh ra nguyên tố 72; hệ thống hoá các nguyên tố hiếm của đất… Ông được trao giải thưởng Nobel về các công trình dùng đồng vị làm chất chỉ thị để nghiên cứu các quá trình hoá học năm 1934.

- Ngày 5-7-1994, tại Singapore, Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (viết tắt tiếng Anh là PECC) đã kết nạp Việt Nam làm thành viên của tổ chức này.

(Theo baothainguyen.vn)

Theo dấu chân Người

- Ngày 5-7-1922, báo cáo của mật thám Pháp xác nhận, Nguyễn Ái Quốc đến làm việc tại trụ sở của Đảng Cộng sản Pháp đặt tại số nhà 120 đường “La Fayette”, Pari và sau đó đến toà soạn các báo “Journal du Peuple” (Nhật báo Dân chúng) và “L’ Humanité” (Nhân Đạo). 

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng tại Paris (1946). Ảnh tư liệu 

- Ngày 5-7-1946, tại Paris, Bác Hồ tiếp cơm cựu Thủ tướng Pháp Léon Blum và tiếp các nghị sĩ Algeria thảo luận về mô hình Liên hiệp Pháp. Đoàn đại biểu Tổng Công hội Pháp đến chào Chủ tịch Hồ Chí Minh và thông báo Tổ chức Công đoàn của Việt Nam đã được Công đoàn thế giới thừa nhận.

- Ngày 5-7-1947, trong thư góp ý cho hoạt động của Đảng Xã hội Việt Nam, Bác khẳng định: “Hiện nay, tất cả các Đảng chỉ có một đường chính trị chung: Kiên quyết trường kỳ kháng chiến, để tranh lấy thống nhất và độc lập cho Tổ quốc. Và đối với các đoàn thể khác cùng dân chúng, chỉ có một chính sách là đại đoàn kết”.

- Ngày 5-7-1966, tiếp phái viên của Tổng thống Pháp là ông Jean Saiteny đến trao thư của Tổng thống De Gaulle, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ quan điểm: Chúng tôi biết rõ sức mạnh của kẻ thù. Chúng tôi hiểu rằng Mỹ nếu muốn, họ có thể huỷ diệt thành phố này như chúng đã làm đối với các thành phố lớn ở miền Bắc như Hải Phòng, Nam Định, Bắc Ninh và nhiều thành phố khác. Chúng tôi đang đợi chúng đến và chúng tôi đã sẵn sàng. Nhưng cái đó không làm nhụt ý chí đấu tranh của chúng tôi. Ông hiểu cho rằng chúng tôi đã có kinh nghiệm và chiến tranh đã được kết thúc như thế nào rồi và đưa ra thông điệp: Chỉ có một cách đi tới giải pháp, đó là Mỹ rút đi. Chúng tôi không muốn làm cái gì xấu đối với họ, chúng tôi sẵn sàng đem nhạc và hoa tiễn họ và mọi thứ khác mà họ thích. Nhưng ông biết đấy, tôi thích tiếng lóng của nước ông “qu’ ils foutent le camp?” (nghĩa là “hãy biến đi!”).

leftcenterrightdel
Nội dung bức thư Bác Hồ khen ngợi Trung đội dân quân gái huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá. Ảnh tư liệu 

- Ngày 5-7-1967, Bác Hồ gửi thư và tặng huy hiệu khen ngợi Trung đội dân quân gái huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa đã bắn rơi một máy bay phản lực của Mỹ.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh – Ngày này năm xưa, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2010)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Thi đua ái quốc nhằm ba mục đích chính: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Tức là làm cho nhân dân no, ấm, biết chữ, làm cho Tổ quốc độc lập, tự do”.

Lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài: “Thi đua ái quốc, hiện tại và tương lai vẻ vang của nước ta”, đăng trên Báo Nhân dân, số 15, ngày 5 tháng 7 năm 1951. Đây là giai đoạn đầu thực hiện đường lối trường kỳ kháng chiến do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II xác định. Với phương châm: Đoàn kết, đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh biện pháp thi đua yêu nước, khơi dậy, huy động sức dân tham gia cuộc kháng chiến kiến quốc mau giành thắng lợi. 

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dự Đại hội Chiến sỹ thi đua và Cán bộ gương mẫu toàn quốc tại Việt Bắc, ngày 1- đến ngày 6-5-1952. Ảnh tư liệu 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ ba mục đích cụ thể của thi đua ái quốc là: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Tức thi đua ái quốc làm cho nhân dân no, ấm, biết chữ, làm cho Tổ quốc độc lập, tự do. Theo Người, thi đua ái quốc phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng của dân, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ chính trị cụ thể của từng thời kỳ cách mạng. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thúc đẩy các phong trào thi đua ái quốc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược phát triển rộng khắp, động viên, cổ vũ toàn quân và thu hút mọi tầng lớp nhân dân đoàn kết tham gia. Tiêu biểu như các phong trào “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, “Bình dân học vụ”, “Hũ gạo kháng chiến”… Qua đó đã cuốn hút, cổ vũ, động viên đồng bào và chiến sĩ cả nước hăng say lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm chống giặc đói; thi đua học tập xóa nạn mù chữ, chống giặc dốt và dũng cảm ngoan cường trong chiến đấu diệt giặc ngoại xâm làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

leftcenterrightdel
Hưởng ứng lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng loạt phong trào thi đua ra đời, góp phần vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Ảnh: TTXVN 

Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc vẫn còn nguyên giá trị, đã cổ vũ, khích lệ quân và dân ta thi đua lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, chung sức xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống của nhân dân, đảm bảo tốt an sinh xã hội; tăng cường, củng cố quốc phòng-an ninh; nâng cao cảnh giác cách mạng, kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

leftcenterrightdel
Ngày nay, tinh thần thi đua ái quốc vẫn được phát huy trên tất các các lĩnh vực. Ảnh: Qdnd.vn và TTXVN 

Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, phong trào thi đua yêu nước được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị cụ thể hóa thành phong trào thi đua Quyết thắng phù hợp với đặc điểm, tình hình, chức năng, nhiệm vụ của Quân đội đã được cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt, với các nội dung, chỉ tiêu thi đua thiết thực, được cán bộ, chiến sĩ tích cực hưởng ứng thực hiện với quyết tâm cao. Phong trào thi đua Quyết thắng được gắn kết chặt chẽ với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, các cuộc vận động của các cấp, các ngành đã góp phần quan trọng vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

leftcenterrightdel
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 358 ngày 5-7-1957. Ảnh: Qdnd.vn

Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 358 ngày 5-7-1957 đã đăng tin “Hồ Chủ tịch đến thăm và nói chuyện với cán bộ các lớp chỉnh huấn của Bộ và của các Tổng cục” và tin “Ngày 5-7-1957, Hồ Chủ tịch lên đường đi thăm 9 nước anh em”.

leftcenterrightdel
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2555 ngày 5-7-1968. Ảnh: Qdnd.vn

Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2555 ngày 5-7-1968 đã đăng tin “Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 6 Ngày độc lập của nhân dân An-giê-ri (5-7), Hồ Chủ tịch và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gửi điện tới ông Hu-a-ri Bu-mê-điên, Chủ tịch Hội đồng cách mạng, Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa An-giê-ri dân chủ và nhân dân.”.

leftcenterrightdel
 

NGUYỄN CÚC (Tổng hợp)