Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 1-7-2022 còn được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra ngày 1-7:
Sự kiện trong nước:
- Nguyễn Đình Chiểu sinh ngày 1-7-1822 tại quê mẹ là làng Tân Thới, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định, nay là phường Cầu Kho, quận 1, TP Hồ Chí Minh.
Cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu luôn gắn liền với vận mệnh của đất nước và nhân dân trong giai đoạn lịch sử bi tráng của dân tộc. Những năm đầu kháng chiến chống Pháp với các cuộc khởi nghĩa của người dân yêu nước, với quan niệm sáng tác: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”, Nguyễn Đình Chiểu là ngọn cờ đầu của dòng văn học yêu nước Việt Nam thời cận đại.
 |
Tiết mục biểu diễn tôn vinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong hội diễn “Tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông năm 2022”. Ảnh Hạnh Linh |
Từ khi ra đời, các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu đã góp phần làm nên diện mạo riêng của thơ ca miền Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ 19. Bên cạnh những bài văn tế đậm chất bi tráng như “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, những bài thơ Đường luật sâu lắng, truyện thơ của ông, tiêu biểu là “Lục Vân Tiên”, “Dương Từ - Hà Mậu” đã đi vào tâm thức của người dân Nam Bộ.
Hơn 20 năm cuối đời, ông lui về ẩn dật, dạy học, làm thuốc chữa bệnh cho dân và sáng tác văn thơ, truyền dạy nghề y tại làng An Đức thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Ông mất vào năm 1888 và được nhân dân làm lễ trang trọng, an táng tại đây. Tài năng, tiết tháo của Nguyễn Đình Chiểu đã làm nên sự nghiệp vẻ vang, lưu danh muôn thuở.
 |
Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và tác phẩm nổi tiếng nhất của ông-"Lục Vân Tiên". Ảnh anninhthudo.vn |
Vào tháng 11- 2021, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Nghị quyết vinh danh nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là Danh nhân Văn hóa và tham gia kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu vào năm 2022.
- Ngày 1-7-1973, Đại hội Đoàn thanh niên Nhân dân Cách mạng miền Nam Việt Nam lần thứ hai được tổ chức trong vùng giải phóng miền Nam. Có 200 đại biểu về dự, đại hội đã nêu bật sự đóng góp to lớn của hàng triệu bạn trẻ trên tiền tuyến lớn anh hùng và nêu lên nhiệm vụ của Đoàn và phong trào thanh niên miền Nam trong giai đoạn mới.
 |
Bác Hồ với thanh niên Việt Nam. Ảnh tư liệu |
Đại hội quyết định từ ngày 1-7-1973, Đoàn mang tên Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Hồ Chí Minh và Đội mang tên Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.
Sự kiện quốc tế
- Gottfried Wilhelm Leibniz sinh ngày 1-7-1646 tại Lepzich (Đức). Ông là một nhà toán học và triết học vĩ đại người Đức, xuất thân từ một gia đình tri thức nghèo. Từ nhỏ ông đã được bố mẹ quan tâm bồi dưỡng, đặc biệt mẹ ông là một người rất thông minh, hiểu biết nhiều ngôn ngữ và có ảnh hưởng rất lớn đến tài năng cũng như tính cách của ông sau này.
 |
Gottfried Wilhelm Leibniz (1646 – 1716). Ảnh tư liệu |
Sáng tạo toán học ông đã làm ra máy tính thực hiện được cả bốn phép tính số học và máy tích phân gần đúng. Công trình lớn nhất của ông là "Phép tính tích phân và vi phân". Bằng các phương pháp của phép tính này, ông đã giải quyết hàng loạt vấn đề mà các khoa học khác cùng thời không làm được. Ông không chỉ là một nhà toán học lớn. Ông còn là một nhà luật học, nhà thơ, nhà vǎn, nhà sử học. Ông mất ngày 14-11-1716.
Theo dấu chân Người
- Ngày 1-7-1922, trên tờ “Le Paria” (Người cùng khổ) đăng hai bài viết của Nguyễn Ái Quốc: “Những kẻ đi khai hóa” và “Thù ghét chủng tộc”. Cả hai bài báo đều lên án những hành vi man rợ của chủ nghĩa thực dân tại các thuộc địa của Pháp từ châu Phi cho tới Đông Dương và đối với cả những người Pháp đã lên án những hành vi man rợ ấy.
 |
Nguyễn Ái Quốc với Báo Le Paria. Ảnh tư liệu |
- Ngày 1-7-1924, tham dự Đại hội V của Quốc tế Cộng sản, tại phiên họp thứ 22, Nguyễn Ái Quốc lại đăng đàn, thẳng thắn phê bình các đảng của các nước có thuộc địa chưa thi hành một chính sách tích cực và kết luận: “Thưa các đồng chí, vì chúng ta tự coi mình là học trò của Lênin, cho nên chúng ta cần phải tập trung tất cả sức lực và nghị lực để thực hiện trên thực tế những lời di huấn quý báu của Lênin đối với chúng ta về vấn đề thuộc địa cũng như các vấn đề khác”.
 |
Đồng chí Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 5 ở Moskva và lần tiếp xúc với nhân dân Moskva (Nga) trên đồi Chim Sẻ, trong thời gian tham dự Đại hội lần thứ V Quốc tế cộng sản (17-6 đến 8-7-1924). Ảnh tư liệu |
- Ngày 1-7-1946, tại Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đón tiếp nhiều Việt kiều đến thăm. Họa sĩ Vũ Cao Đàm xin vẽ và nặn tượng Bác. Cùng ngày, nhiều nhà văn, trí thức tiến bộ Pháp đến chào Bác như Louis Aragon, Jean Richard Bloch, Pierre Emmanuel...
- Ngày 1-7-1947, Bác viết thư gửi một số vị nhân sĩ họ Đinh ở Hòa Bình đã vận động đồng bào Mường ở địa phương tham gia kháng chiến. Cùng ngày, Bác viết thư động viên nhà thơ Huyền Kiêu đã viết bản trường ca “Hồ Chí Minh-Tinh hoa dân tộc”: “… Tôi mong chú và anh chị em văn nghệ sĩ trong Hội Văn hóa cứu quốc đi sâu hơn nữa vào cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, sáng tác được nhiều tác phẩm phục vụ cuộc kháng chiến lâu dài gian khổ nhưng nhất định thắng lợi của nhân dân ta” .
- Ngày 1-7-1954, viết trên Báo Nhân Dân trong bài “Những việc vô lý”, Bác bình luận về những bài viết trên báo chí Pháp đề cập tội ác của quân viễn chinh Pháp để đi đến nhận định với nước Pháp và binh sĩ Pháp: “Cuộc chiến tranh này thật là vô nghĩa... nó đã đưa thực dân Pháp đến Điện Biên Phủ và sẽ đưa chúng đến nhiều Điện Biên Phủ khác nữa”.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu |
- Ngày 1-7-1958, Báo Nhân Dân đăng bài viết “Mấy kinh nghiệm Trung Quốc mà chúng ta nên học” nhưng trong lời kết, Bác lại lưu ý: “… Chúng ta phải học những kinh nghiệm quý báu của các nước anh em... Cố nhiên, phải áp dụng những kinh nghiệm ấy một cách sáng tạo, hợp với hoàn cảnh thực tế của nước ta, chứ không nên học một cách máy móc”.
- Ngày 1-7-1960, nói chuyện tại Đại hội đảng bộ và các cơ quan dân, chính, đảng Trung ương, Bác vạch rõ: “Tuy cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đã xong, nhưng chúng ta còn phải tiếp tục kháng chiến chống một giặc khác, đó là giặc nghèo nàn, lạc hậu... Cho nên đảng viên ta cũng phải có thêm tinh thần như thanh niên: “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” .
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2010)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
Đoàn kết là sức mạnh trong đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc
- Báo Việt Nam độc lập, số 130, ngày 1-7-1942, đăng khổ thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nhắc nhở về tình yêu thương giống nòi và sức mạnh của sự đoàn kết trong đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc.
“Ong kia yêu giống, yêu nòi,
Đồng tâm, hợp lực đuổi loài cáo đi.
Bây giờ ta thử so bì,
Ong còn đoàn kết, huống chi là người!”
(Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011)
Khổ thơ trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài thơ: “Con cáo và tổ ong”, đăng trên Báo Việt Nam độc lập, số 130, ngày 1-7-1942. Đây là thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn ác liệt, ở Đông Dương thực dân Pháp đầu hàng, dâng Đông Dương cho Nhật, cơ hội giải phóng dân tộc đã xuất hiện, cần phải nhanh chóng tổ chức đoàn kết tập hợp toàn dân đứng lên khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.
 |
Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh tư liệu
|
Thông qua những câu thơ trên, Hồ Chí Minh muốn nhắc nhở mọi người về tình yêu thương giống nòi và sức mạnh của sự đoàn kết trong đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Đây là tư tưởng bắt nguồn từ truyền thống “lấy nhỏ chống mạnh”, nhưng được nâng lên thành phương pháp hành động và tư tưởng chỉ đạo cách mạng. Thực hiện lời dạy của Người, toàn thể dân tộc Việt Nam đã đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh tiến hành cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám giành chính quyền về tay nhân dân. Tư tưởng của Người được Đảng ta vận dụng thành công trong suốt hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc để giành được những thắng lợi vẻ vang.
80 năm trôi qua, lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên giá trị, kêu gọi mọi người dân hợp sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ngày nay xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; sự cạnh tranh lợi ích giữa các quốc gia, dân tộc ngày càng gay gắt đang đặt ra cho dân tộc ta cả thời cơ và thách thức to lớn. Thực tế đó đòi hỏi hơn lúc nào hết phải phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để có thể phát huy nội lực, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Thấu triệt lời Bác dạy, hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn coi trọng xây dựng, củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, đoàn kết quốc tế để tạo nên sức mạnh hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động của quân đội đã trở thành lời thề danh dự của mỗi cán bộ, chiến sĩ, trực tiếp góp phần xây dựng nên truyền thống vẻ vang và phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ. Ngày nay, trước yêu cầu mới của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ phải biết quý trọng, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của quân đội, không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
- Ngày 1-7-1954, Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 129 có đăng bức điện văn của Hồ Chủ tịch gửi Chủ tịch Sơn Ngọc Minh, Chủ tịch Chính phủ kháng chiến Khmer nhân dịp kỷ niệm ngày độc lập của nước tự do Khmer.
 |
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 129 ngày 1-7-1954. |
- Ngày 1-7-1958, trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 460 đăng tin Hồ Chủ tịch đến thăm và nói chuyện với Hội nghị sản xuất toàn quân, hội nghị các chính ủy cao cấp toàn quân và một số các cán bộ cao cấp, trung cấp trong cơ quan Bộ Tổng tư lệnh.
 |
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 460 ngày 1-7-1958. |
HUY ĐÔNG (Tổng hợp)