Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 28-6-2022 còn được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm. 

Một số sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra ngày 28-6

Sự kiện trong nước

- Ngày 28-6-1968: Sư đoàn 968 thành lập. Sư đoàn 968 trực thuộc Quân khu 4 được thành lập theo Quyết định số 98/TM-QĐ ngày 28-6-1968 của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam tại mặt trận Nam Lào. Trong quá trình làm nhiệm vụ chiến đấu trên chiến trường Lào, Sư đoàn 968 đã phối hợp với các đơn vị nước bạn Lào tác chiến, chiến đấu hàng trăm trận, tiêu diệt hàng chục nghìn tên địch, bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng, bảo vệ tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, xây dựng các cơ sở chính trị, trở thành chỗ dựa tin cậy của nhân dân nước bạn Lào. 

Quá trình tham gia chiến đấu từ bắc Tây Nguyên đến duyên hải Miền Trung, các đơn vị của Sư đoàn 968 đã anh dũng chiến đấu, tiêu diệt hiệu quả nhiều sinh lực địch, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; xây đắp nên truyền thống “Kiên trì, bền bỉ - Dũng cảm, ngoan cường - Bạn tin, dân mến - Đã đánh là thắng”.

leftcenterrightdel
Sư đoàn 968 đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba năm 2018. Ảnh: baoquankhu4.com.vn

Từ năm 1988 đến nay, Sư đoàn 968 thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trên địa bàn 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Với nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc, Sư đoàn 968 vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân (năm 1976) và Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (năm 2018). 

- Từ ngày 28-6 đến 1-7-1996, tại Hội trường Ba Đình (Hà Nội) đã tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Đảng Cộng sản Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Ðại hội lần thứ VIII của Ðảng diễn ra từ ngày 28-6 đến 1-7-1996, tại Hội trường Ba Ðình, Hà Nội. Ảnh: tuyengiao.vn

- Ngày 28-6-1996: Giáo sư Nguyễn Đình Tứ - người sáng lập và phát triển ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam, qua đời.

Giáo sư Nguyễn Đình Tứ sinh ngày 1-10-1932 trong một gia đình nhà giáo, tại làng Nguyên Xá, xã Song Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Dù ở cương vị nào - Trưởng đoàn cán bộ khoa học Việt Nam công tác tại Viện nghiên cứu hạt nhân Dubna, Liên Xô (cũ), Phó hiệu trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Viện trưởng Viện năng lượng nguyên tử quốc gia, Ủy viên Hội đồng Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Kỹ thuật Quốc hội, Trưởng ban Khoa giáo Trung ương… Giáo sư Nguyễn Đình Tứ luôn thể hiện rõ nhân cách một trí thức yêu nước.

Với những đóng góp to lớn của Giáo sư Nguyễn Đình Tứ trong quá trình nghiên cứu và phát minh ra phản hạt Hyperon sigma âm và tương tác của các hạt cơ bản và hạt nhân ở năng lượng cao (thời kỳ ở Viện Dubna), xây dựng và phát triển ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam cũng như vai trò ảnh hưởng của ông trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, Đảng và Nhà nước ta đã truy tặng Giáo sư Nguyễn Đình Tứ Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ (năm 2000). Năm 2007, Giáo sư Nguyễn Đình Tứ cũng được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.

leftcenterrightdel
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Giáo sư Nguyễn Đình Tứ (người thứ hai từ trái sang) lúc sinh thời. Ảnh: nhandan.vn

Sự kiện quốc tế

- Ngày 28-6-1838, tại nhà thờ Westminster Abbey đã diễn ra lễ đăng quang của Nữ hoàng Victoria. Bà trở thành vị nữ hoàng đầu tiên trong lịch sử sống tại cung điện Buckingham.

leftcenterrightdel
Lễ đăng quang nữ hoàng Victoria. Ảnh: Westminster Abbey Library

- Ngày 28-6-2006: Cộng hòa Montenegro trở thành thành viên thứ 192 của Liên hợp quốc.

Theo dấu chân Người

- Ngày 28-6-1946, tại Paris, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp một số chính khách Pháp và Đoàn đại biểu phụ nữ quốc tế. Đoàn đại biểu bày tỏ tình cảm với phụ nữ Việt Nam và thông báo Liên đoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế đã kết nạp Việt Nam là thành viên chính thức.

leftcenterrightdel
 Hồ Chủ tịch tiếp đoàn đại biểu phụ nữ hòa bình Pháp tại Phủ Chủ tịch, tháng 5-1955. Ảnh: Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

- Ngày 28-6-1951, trong bài viết “Phòng gian, trừ gian” đăng trên Báo Cứu Quốc, Bác nhắc nhở: “Phòng gian phải đi đôi với giữ bí mật. Đó là hai việc quan trọng cho công cuộc kháng chiến”.

- Ngày 28-6-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Thư gửi các chiến sĩ và cán bộ Liên khu V” khen ngợi thành tích đánh giặc trên chiến trường phối hợp với Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và “thưởng cho tiểu đoàn X, vừa thắng ở An Khê, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Bác khuyên dặn toàn thể chiến sĩ và cán bộ cần phải cố gắng nắm vững tình hình địch, thi đua giết giặc lập công, ra sức dân vận, ngụy vận. Chớ nên vì thắng mà kiêu, chủ quan khinh địch; ra sức tranh lấy thành tích to hơn nữa...”.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno. Ảnh: VOV

- Ngày 28-6-1959, trước cuộc mít tinh của đồng bào Thủ đô tại Quảng trường Ba Đình chào mừng Tổng thống Indonesia Sukarno sang thăm Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ tình cảm của nhân dân Việt Nam đối với nhân dân nước bạn:

“Nước xa mà lòng không xa

Thật là bầu bạn, thật là anh em!”. 

Với Tổng thống Sukarno, Bác chia sẻ quan điểm:

“Đoàn kết, đoàn kết, lại đoàn kết,

Khó khăn gì chúng ta cũng nhất định vượt được hết,

Kẻ thù nào chúng ta cũng đánh tan hết,

Thắng lợi to lớn gì chúng ta cũng tranh thủ được hết”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2010).

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Dự Hội nghị cán bộ Đảng ngành giáo dục tháng 6-1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Phải mật thiết liên hệ với gia đình học trò. Bởi vì giáo dục trong nhà trường, chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn. 

(Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011)

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học vỡ lòng ở phố Hàng Than, khu Trúc Bạch, Hà Nội (31-12-1958). Ảnh: hochiminh.vn

Theo Bác, trong giáo dục cần làm cho học sinh biết yêu Tổ quốc, thương đồng bào, yêu lao động, biết vệ sinh, giữ kỷ luật, học văn hóa. Đồng thời phải giữ cho học sinh luôn được vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, trẻ trung của tuổi thơ, được hưởng quyền dân chủ, được vui chơi và học hành tiến bộ, mang lại cho trẻ em niềm hạnh phúc khi được sống cùng cha mẹ. Để làm được điều đó, giáo dục gia đình giữ vai trò rất quan trọng.

Ghi nhớ lời Bác dạy về tầm quan trọng của gia đình, Đảng, Nhà nước, và Chính phủ luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của gia đình đối với sự phát triển bền vững của đất nước, luôn xác định gia đình là tế bào của xã hội. Vì vậy, ngày 28-6-2000, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 55-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Ngày 4-5-2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg, chọn ngày 28-6 hằng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Kể từ đó, ngày Gia đình Việt Nam đã trở thành một dấu mốc quan trọng để những người con đất Việt hướng về người thân yêu. Cho dù có đi đâu, làm gì, gia đình vẫn là nơi để nhớ, để yêu thương và để trở về.

Hoạt động quân sự là một lĩnh vực đặc thù của xã hội - một loại hình “lao động đặc biệt” yêu cầu các cán bộ, chiến sĩ phải sống xa gia đình, gắn bó với đơn vị; do vậy, với mỗi người lính, gia đình luôn có một vị trí vô cùng đặc biệt. Để xây dựng được tinh thần đoàn kết đồng chí, đồng đội, gắn bó giữa bộ đội với cơ quan, đơn vị, các mô hình: “Đơn vị là nhà, cán bộ, chiến sĩ đều là anh em”, “Đảo là nhà, tàu là nhà, biển cả là quê hương”, “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”… đã được cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân triển khai thực hiện đạt hiệu quả thiết thực đã góp phần quan trọng xây dựng tinh thần đoàn kết đồng chí, đồng đội, đoàn kết quân dân và sự gắn bó của bộ đội với cơ quan, đơn vị, hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

- Ngày 28-6-1982, trang 3 Báo Quân đội nhân dân số 7564 đã trích đăng lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1919: “Mình đánh giặc là vì nhân dân. Nhưng mình không phải là “cứu tinh” của dân, mà mình có trách nhiệm phụng sự nhân dân. Tất cả quân nhân phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu… Muốn vậy, bộ đội phải giúp đỡ dân, thương yêu dân. Mỗi quân nhân phải là một cán bộ tuyên truyền bằng việc làm của mình…”.

leftcenterrightdel
 Trang 3 Báo Quân đội nhân dân số 7564 ngày 28-6-1982.

- Ngày 28-6-1996, chào mừng Đại hội VIII Đảng Cộng sản Việt Nam khai mạc tại thủ đô Hà Nội, trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 12614 có đăng ảnh Hồ Chủ tịch – Người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta.

leftcenterrightdel
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 12614 ngày 28-6-1996.
leftcenterrightdel
 

QUỲNH OANH (Tổng hợp)