Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 6-7-2022 còn được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra ngày 6-7

Sự kiện trong nước

- Ngày 6-7-1956, trong thư gửi đồng bào cả nước, Hồ Chủ tịch viết: “Hễ là con Hồng cháu Lạc, người có lương tâm, thì chắc ai cũng tán thành và ủng hộ mục đích cao cả ấy. Cho nên chúng ta đoàn kết rộng rãi tất cả những người Việt Nam yêu Tổ quốc, yêu hòa bình, yêu thống nhất trong cả nước và ở nước ngoài. Với lực lượng đoàn kết ấy, chúng ta hoạt động không ngừng cho Nam - Bắc gần gũi nhau, chúng ta kiên quyết đấu tranh củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước”.

Hồ Chủ tịch cũng nêu rõ: "Đế quốc Mỹ và chính quyền thân Mỹ ở miền Nam âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, phá hoại Tổng tuyển cử tự do trong toàn quốc". Vì vậy, Người gửi thư kêu gọi đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài hãy quyết tâm đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ trên Cương lĩnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hãy ra sức thi đua yêu nước, củng cố miền Bắc, đấu tranh kiên quyết và bền bỉ cho một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người tại căn cứ địa Việt Bắc. Ảnh tư liệu 

- Ngày 6-7-1967, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh qua đời. Ông sinh ngày 1-1-1914 ở thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ nǎm 17 tuổi ông đã cùng một số thanh niên đấu tranh chống Pháp, rồi tham gia phong trào bình dân, tích cực hoạt động cách mạng. Trong kháng chiến chống Pháp ông làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, được bầu vào Bộ Chính trị, là Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và được phong hàm Đại tướng.

leftcenterrightdel
 Bác Hồ với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: tư liệu

- Ngày 6-7-1973, Xí nghiệp Liên hiệp xây dựng cầu Thǎng Long (nay là Tổng Công ty xây dựng Thǎng Long) được thành lập để đảm nhận nhiệm vụ xây dựng cây cầu bắc qua sông Hồng, cây cầu lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ.

Sự kiện Quốc tế

- Ngày 6-7-1893 là ngày mất của nhà văn hiện thực Pháp Guy de Maupassant. Maupassant sinh ngày 5-8-1850. Năm 1880, ông cho ra đời tác phẩm đầu tiên “Viên mỡ bò” viết về cuộc chiến tranh Pháp - Phổ. Sau đó, Maupassant đã sáng tác hơn 300 truyện ngắn, 2 tập ký, 6 tiểu thuyết, một số vở kịch và nhiều bài báo khác. Trong đó có những tác phẩm xuất sắc như: “Một cuộc đời”, “Anh bạn đẹp”, “Núi Orion”... Các tác phẩm này đã ca ngợi cuộc đấu tranh chống xâm lược và vạch trần sự thật xấu xa của giai cấp tư sản, quý tộc đương thời. 

leftcenterrightdel
Nhà văn Pháp Guy de Maupassant. Ảnh: vi.wikipedia.org

- Ngày 6-7-2006, sau 44 năm đóng cửa, Trung Quốc và Ấn Độ chính thức nối lại hoạt động biên mậu qua cửa khẩu Nathu La (Trung Quốc).

- Ngày 6-7-2009, Nga và Mỹ ký “Nhận thức chung về vấn đề tiếp tục cắt giảm và hạn chế vũ khí tiến công chiến lược - START”.

Theo dấu chân Người

- Ngày 6-7-1924, Nguyễn Ái Quốc tham dự cuộc mít tinh vì hòa bình tổ chức tại Moskva.

- Ngày 6-7-1946 là ngày Hội nghị Fontainebleau khai mạc bàn về tương lai quan hệ Việt - Pháp, là thượng khách của Chính phủ Pháp, Bác không tham dự mà dành thời gian tiếp một số chức phẩm Thiên Chúa giáo người Việt ở Pháp và gửi lời chào tới một lễ hội kỷ niệm cố đạo Griguri - một nhà hoạt động thời Cách mạng Pháp đấu tranh cho sự bình đẳng giữa các dân tộc, màu da.

leftcenterrightdel

 Đồng chí Phạm Văn Đồng, Trưởng đoàn Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc diễn văn khai mạc tại Hội nghị Fontainebleau, ngày 6-7-1946. Ảnh: tư liệu

- Ngày 6-7-1948, Bác chủ trì phiên họp của Hội đồng Chính phủ bàn về việc thành lập Hội đồng Quốc phòng Tối cao và được cử giữ chức Chủ tịch Hội đồng này, đồng thời hợp nhất Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng chỉ huy do đồng chí Võ Nguyên Giáp đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

- Ngày 6-7-1954, trả lời Thông tấn xã Việt Nam về những vấn đề liên quan đến Hội nghị Geneve đang diễn ra, Bác khẳng định “lập trường của ta từ trước đến nay, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ tiếp tục cố gắng đấu tranh cho hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ của Tổ quốc”.

(Theo Sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa” và “Hồ Chí Minh toàn tập”, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Được lòng dân, thì việc gì cũng làm được, trái ý dân, thì chạy ngược chạy xuôi”.

Lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài: “Sẽ được mấy lâu?”, đăng trên Báo Nhân Dân, số 122, từ ngày 6 đến ngày 10 tháng 7 năm 1953; là giai đoạn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta bước vào tổng phản công, quyết giành thắng lợi cuối cùng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải hành động vì dân, thấu hiểu, chia sẻ, quan tâm đến lợi ích chính đáng của nhân dân. Có như vậy, nhân dân mới tin tưởng và ủng hộ Chính phủ thực hiện thắng lợi mục tiêu của cách mạng.

Thực hiện lời dạy của Bác, Đảng, Nhà nước ta luôn xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng của nhân dân để xác định chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật, không ngừng chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; nhân dân tin tưởng, đi theo Đảng, theo cách mạng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ và đại thắng mùa Xuân năm 1975, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngày nay, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; trong nước các thế lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động chống phá đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ nhân dân với Đảng... Đòi hỏi Đảng, Nhà nước ta phải sâu sát quần chúng, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, có chủ trương, đường lối hợp lòng dân, tạo được sự đồng thuận giữa ý Đảng với lòng dân. Có như thế, mới tranh thủ được thời cơ, vượt qua thách thức, tiến hành thành công sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa-hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

leftcenterrightdel
Cán bộ Đồn Biên phòng Làng Ho, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình cắt tóc cho học sinh trên địa bàn trong mô hình “Tay kéo Biên phòng”. Ảnh: bienphong.com.vn 

Quán triệt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội ta luôn thực hiện tốt chức năng đội quân công tác trong tình hình mới, quan tâm chăm lo củng cố mối quan hệ đoàn kết nội bộ và làm tốt công tác dân vận; xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, toàn quân đẩy mạnh phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” với nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả; tiêu biểu như: “Nâng bước em tới trường”, “Tết Biên phòng ấm lòng dân bản”, “Tết quân dân”, “Xuân biên cương, Tết hải đảo”, “Tặng bò giống cho đồng bào nghèo”, “Bệnh xá quân dân y kết hợp”, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh… góp phần củng cố, giữ vững thế trận lòng dân, được cấp ủy, chính quyền, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi phải tập trung xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; không ngừng tăng cường, củng cố mối quan hệ đoàn kết quân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

- Trang hai Báo Quân đội nhân dân số 89 ngày 6-7-1953 có đăng Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi toàn thể bộ đội. Trong thư, Bác khen ngợi: "Trong Chiến dịch mùa Xuân, các chú đã nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, vượt qua khó khăn; hành quân thì nhanh chóng bí mật; chiến đấu thì hăng hái dũng cảm; biết làm dân vận, tranh thủ nhân dân".

leftcenterrightdel

Trang hai Báo Quân đội nhân dân số 89 đăng ngày 6-7-1953.

 

- Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2193 ngày 6-7-1967 có đăng Thư khen Trung đội dân quân gái huyện Hậu Lộc của Hồ Chủ tịch.

leftcenterrightdel
 Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2193 đăng ngày 6-7-1967.
leftcenterrightdel
 

THU TRANG (tổng hợp)