Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 31-1-2022 còn được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế
Sự kiện trong nước
Ngày 31-1-1946: Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 18B cho phép ban hành đồng bạc giấy Việt Nam từ vĩ tuyến 16 trở vào. Việc phát hành do Ủy ban hành chính Trung Bộ tổ chức và điều khiển. Nơi đồng bạc giấy Việt Nam phát hành thí điểm đầu tiên là thị xã Quảng Ngãi vào ngày 3-2-1946 (tức ngày 2 Tết Bính Tuất). Sau đó tiền Việt Nam nhanh chóng lan ra thị trường cả nước. Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã biểu quyết cho lưu hành giấy bạc Việt Nam trong cả nước và tới tháng 8-1946, đồng bạc giấy Việt Nam được chính thức phát hành. Tại Kỳ họp thứ hai, họp vào tháng 11-1946, Quốc hội khóa I đã quyết định cho phát hành rộng rãi đồng bạc giấy trong toàn quốc.
 |
Tiền giấy loại 5 đồng, Bộ Tài chính nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát hành năm 1946. Ảnh: Baotanglichsu.vn |
Việc ban hành đồng bạc giấy - Đồng tiền đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, đánh dấu một bước phát triển cực kỳ quan trọng đối với nền tài chính của nước ta. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng bạc giấy Việt Nam đã có mặt ở khắp mọi miền tổ quốc, trở thành một lợi khí sắc bén để đấu tranh có hiệu lực trên mặt trận kinh tế, tài chính, góp phần quyết định vào việc bảo đảm cung cấp cho nhu cầu to lớn về mọi mặt của cuộc kháng chiến.
Ngày 31-1-1950: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.
Ngày 31-1-1968: trong sự kiện Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, quân giải phóng miền Nam chiếm được kỳ đài ở kinh thành Huế (hay còn gọi là cột cờ Cố đô Huế) và lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được kéo lên trong 26 ngày đêm.
Từ ngày 31-1-1977 đến 4-2-1977: Đại hội Mặt trận thống nhất Việt Nam được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, hợp nhất 3 tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đại hội đã hiệp thương, giới thiệu 191 vị tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Chủ tịch danh dự là đồng chí Tôn Đức Thắng; Chủ tịch là đồng chí Hoàng Quốc Việt.
Sự kiện quốc tế
Ngày 31-1-1984: Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF) được thành lập với sáu thành viên là Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan.
 |
Lễ hạ quốc kỳ Anh tại trụ sở Nghị viện châu Âu ở Brussels, Bỉ tối 31-1-2020, thời điểm Anh chính thức rời Liên minh châu Âu. Ảnh: TTXVN |
Ngày 31-1-2020 (giờ GMT, tức 6h ngày 1-2-2020, theo giờ Hà Nội): Vương quốc liên hiệp Anh và Bắc Ireland chính thức rời Liên minh châu Âu (EU), chấm dứt 47 năm là thành viên của liên minh kinh tế lớn nhất thế giới này.
Theo dấu chân Người
Ngày 31-1-1927, dưới bút danh là “X.” Nguyễn Ái Quốc viết bài cuối cùng trong loạt 6 bài đăng trên tờ “L’Annam” (An Nam) với chung một đầu đề là “Các sự biến ở Trung Quốc”. Bài báo đầu tiên viết ngày 13-11-1926 đăng trên số báo ra ngày 2-12-1926; còn bài báo này viết ngày 31-1-1927 và đăng trên số báo ra ngày 14-2-1927.
Đây là thời điểm mà chính trường Trung Quốc đang diễn ra những biến cố sôi động do ảnh hưởng đường lối cách mạng của vị lãnh tụ của nền dân chủ Trung Hoa là Tôn Trung Sơn mới tạ thế (1925), đặc biệt là ở vùng phía Nam Trung Hoa. Chủ nghĩa dân tộc, chống những hiệp ước bất bình đẳng ký với các nước thực dân phương Tây đang dâng cao, đồng thời nguy cơ của một cuộc nội chiến cũng đang đe dọa... Tình hình ấy sẽ có những tác động mạnh mẽ vào Đông Dương.
Đáng lưu ý là người chủ trương tờ “L’Annam” lại là một người đồng chí cũ của Bác đã từng gắn bó trong những hoạt động của “Nhóm người Việt Nam yêu nước ở Pháp”. Đó là luật sư Phan Văn Trường. Chính trên tờ báo này và trước đó là tờ “La Cloche Felée” (Tiếng chuông rè) một số bài viết về Cách mạng Nga và toàn văn “Tuyên ngôn Cộng sản” đã đăng tải giữa Sài Gòn.
7 năm sau, ngày 31-1-1933, kết thúc “Vụ án Hồng Kông”, Thống đốc Hồng Kông Uyliam Pin đã gửi văn bản tới Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Anh báo cáo lại toàn bộ những giải pháp mà chính quyền “buộc phải giúp đỡ để đưa Nguyễn Ái Quốc trở về với nước Nga” vào một tuần trước đó (22-1), sau khi Tòa án Hoàng gia đã phán quyết phải trả tự do cho nhân vật mà bộ máy mật thám của Pháp đang truy nã.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Bắc Bộ Phủ năm 1946. Ảnh: Hochiminh.vn |
Ngày 31-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp của Hội đồng Chính phủ để ứng phó với sức ép của Việt Nam Quốc dân Đảng đòi nhanh chóng thành lập ngay một Chính phủ chính thức thay thế Chính phủ lâm thời theo thỏa thuận đã ký kết với Việt Minh hồi cuối năm trước. Quan điểm nhất quán của vị Chủ tịch Chính phủ lâm thời là một Chính phủ chính thức chỉ có thể bầu ra khi Quốc hội đã được triệu tập.
Tại cuộc họp của Bộ Chính trị ngày 31-1-1964, bàn về cuộc vận động “Ba xây, Ba chống”, Bác phát biểu: “Tại sao dưới động, trên không động, nhỏ động, to không động?” Về những việc đã làm được chỉ nên nói là kết quả bước đầu... Bác phê bình những cán bộ làm việc không hết lòng hết sức, sợ quần chúng, không dám phát động phong trào và đề nghị phát hành loại sách nhỏ, bài ngắn để tuyên truyền giải thích cho quần chúng...
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng cây với bà con nông dân Hợp tác xã Phú Diễn, xã Trần Phú, huyện Từ Liêm, Hà Nội, ngày 31-1-1965 (tức ngày 28 Tết Nguyên Đán Ất Tỵ). Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh |
Đã thành tập quán, vào dịp áp Tết, Chủ tịch nước tham gia Tết trồng cây. Ngày 31-1-1965, Bác đến Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) cùng 1.500 cán bộ và đồng bào địa phương trồng cây tại vùng cố đô xưa. Sau đó, Bác tham gia trồng cây tại hợp tác xã Phú Diễn (Từ Liêm, Hà Nội), thăm nơi ở của dân, khuyên và hướng dẫn dân cách đào giếng, xây các công trình vệ sinh cho bà con nông dân.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
"Thương binh, bệnh binh là những chiến sĩ đã hy sinh một phần xương máu, một phần sức khỏe vì kháng chiến, vì Tổ quốc. Chúng ta cần phải săn sóc chu đáo các anh em ấy". (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 8, trang 396).
Đây là lời trích trong thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cán bộ ngành thương binh, cựu binh, nhân Hội nghị cán bộ ngành thương binh, cựu binh vào tháng 1-1954. Trong thư, Bác đã khen những tiến bộ của các đồng chí cán bộ ngành thương binh, cựu binh; đồng thời Người thẳng thắn nhắc nhở các đại biểu và tất cả cán bộ, nhân viên trong ngành thương binh, cựu binh phải hiểu thật rõ ràng khuyết điểm; phải thật thà tự phê bình và phê bình, để cố gắng thi đua làm tròn nhiệm vụ “chăm sóc chu đáo” cho đối tượng thương, bệnh binh.
 |
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm các đồng chí thương binh, liệt sĩ. Ảnh tư liệu.
|
Sinh thời, Bác Hồ luôn luôn quan tâm đến thương, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Bác luôn luôn giáo dục cho các thế hệ phải ghi nhớ công ơn của họ. Quán triệt sâu sắc lời dạy của Bác, Đảng, Nhà nước và Chính phủ ta luôn quan tâm, chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách đối với thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình chính sách, người có công với cách mạng; huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia chăm sóc, chăm lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của họ.
 |
Toàn quân tích cực tham gia các hoạt động tri ân bằng những việc làm cụ thể, ý nghĩa, thiết thực, hiệu quả. Ảnh: Qdnd.vn
|
Với lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng và trách nhiệm của mình trong thực hiện công tác chính sách đối với thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Toàn quân tích cực tham gia các hoạt động tri ân “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” bằng những việc làm cụ thể, ý nghĩa, thiết thực, hiệu quả, như: phụng dưỡng Bà Mẹ Việt Nam anh hùng; hỗ trợ xây dựng “Nhà tình nghĩa”; thăm, tặng quà đối tượng chính sách và người có công với cách mạng nhân dịp lễ, Tết; tặng sổ tiết kiệm; thăm viếng, tu sửa, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ; khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí; tuyên truyền, vận động cán bộ, chiến sĩ tích cực đóng góp vào Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của Bộ Quốc phòng…, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
 |
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1157, ra ngày 31-1-1963. |
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1157, ra ngày 31-1-1963 đăng trang trọng toàn văn Tuyên bố chung giữa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc, được ký bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Antonín Novotný. Cùng với đó là hình ảnh hai vị Chủ tịch ký Tuyên bố chung.
 |
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1473, ra ngày 31-1-1965. |
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1473, ra ngày 31-1-1965 đăng trang trọng thông tin Mít tinh trọng thể kỷ niệm lần thứ 35 Ngày thành lập Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc buổi mít tinh. Người nói: “Đảng ta như biển rộng, non cao, ba mươi nhăm năm ấy biết bao nhiêu tình”. Bên cạnh đó là bức ảnh chân dung của Người với chú thích "Hồ Chủ tịch - Lãnh tụ kính mến của Đảng, dân tộc và quân đội ta."
 |
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 5300, ra ngày 31-1-1976.
|
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 5300, ra ngày 31-1-1976 (tức ngày Mồng 1 Tết Bính Thìn) đăng trang trọng bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với lời trích trong Di chúc của Người: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.”
ĐẶNG LOAN (tổng hợp)