Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 27-4-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm. 

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 27-4

 Sự kiện trong nước

Ngày  27-4-1966: Quân khu Trị Thiên được thành lập, ngay trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Quân khu Trị Thiên nhận nhiệm vụ: “Phải kéo quân Mỹ, ngụy ra chiến trường Trị - Thiên để chủ lực ta tiêu diệt”. Tại chiến trường Trị - Thiên, Quân khu đã lập nên nhiều chiến công vang dội, như Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân – 1968; Chiến thắng Đường 9 – Nam Lào; giải phóng Quảng Trị 1972… mãi là những trang vàng của lịch sử đấu tranh cách mạng, xây đắp lên truyền thống vẻ vang “Tấn công- Nổi dậy- Anh dũng- Kiên cường” của Quân khu Trị Thiên Anh hùng.

leftcenterrightdel
Quân Giải phóng Trị Thiên nổ súng tiêu diệt địch trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh: Tư liệu

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân-1975, chiến thắng nhanh chóng ở chiến trường Trị Thiên đã tạo đà cho giải phóng Đà Nẵng, các tỉnh duyên hải miền Trung và giải phóng miền Nam thống nhất đất nước vào ngày 30-4-1975.

leftcenterrightdel
Lực lượng Thanh niên xung phong tỉnh Khánh Hòa hát mừng lễ kỷ niệm 45 năm ngày truyền thống.  

Ngày 27-4-1976: Ngày truyền thống Thanh niên xung phong tỉnh Khánh Hòa.

Ngày 27-4-1904: Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thiết lập chương trình giáo dục hệ Pháp - Việt ở Bắc Kỳ. Chương trình này chủ yếu sử dụng tiếng Pháp. Mục đích nhằm loại bỏ nền "Hán học" ở Bắc Kỳ.

leftcenterrightdel
Bộ đội ta đánh chiếm cứ điểm Đầu Mầu trong Chiến dịch Quảng Trị 1972. Ảnh: Tư liệu 

Ngày 27-4-1972: Quân ta mở cuộc tiến công đợt 2 vào khu vực phòng ngự của địch ở Đông Hà, Ái Tử, La Vang. Sau 5 ngày chiến đấu, ta đã tiêu diệt cụm Đông Hà - Ái Tử, giải phóng toàn tỉnh Quảng Trị, trực tiếp uy hiếp địch ở Thừa Thiên Huế. Đây là lần đầu ta giải phóng Quảng Trị. Sau đó, địch tái chiếm và đến năm 1975 Quảng Trị lại được giải phóng.

Sự kiện quốc tế

Ngày 27-4-2007: Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) hoàn thành thủ tục ký kết tham gia dự án cáp quang biển AGG tại Malaysia. Tuyến cáp quang này sẽ kéo dài và nối liền đến Mỹ.

 Theo dấu chân Người

Ngày 27-4-1946: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp phái viên của Đài Vô tuyến điện Pari đến xin được thu thanh ý kiến và ba bài hát: “Tiến quân ca”, “Diệt phát xít” và “Hồ Chí Minh muôn năm” để gửi về Pháp. Lúc chia tay, Bác nói: “Tôi gửi lời chào thân ái dân tộc Pháp. Mặc dù có những trở lực hiện thời, tôi tin rằng sự hợp tác dân tộc Pháp và Việt sẽ đi đến kết quả vì hai dân tộc cùng theo đuổi lý tưởng chung: Tự do, bình đẳng, bác ái”.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành những tình cảm yêu thương nhất cho các cháu thiếu nhi (Việt Bắc, năm 1950). Ảnh: Tư liệu 

Ngày 27-4-1962: Đến thăm Trường Mẫu giáo Sao Sáng ở phố Nguyễn Thượng Hiền (Hà Nội) Bác động viên: “Công tác mẫu giáo còn mới mẻ và nhiều khó khăn... Sau này lớn lên, các cháu trở thành người như thế nào đều có công của các cô mẫu giáo dạy cháu đầu tiên”.

leftcenterrightdel
Tổng Bí thư Trần Phú (1904-1931). Ảnh: Tư liệu 

Ngày 27-4-1964: Trong thư gửi cho giáo viên và học sinh Trường phổ thông cấp III Đức Thọ, Hà Tĩnh nhân nhà trường được mang tên “Trần Phú”, Bác động viên: “Đó là một vinh dự lớn cho nhà trường. Đồng chí Trần Phú là một người con ưu tú của Đảng và của nhân dân, đã oanh liệt hy sinh cho cách mạng”. Trong sách “Vừa đi đường vừa kể chuyện” (ký T.Lan), Bác viết: Đồng chí Trần Phú là một trong những thanh niên đầu tiên sang học ở ban huấn luyện chính trị tại Quảng Châu rồi tham gia Hội Thanh niên cách mạng đồng chí và được giới thiệu đi học ở Matxcơva một thời gian.

Vào khoảng tháng 4 năm 1930, đồng chí Trần Phú trở lại Trung Quốc gặp Bác bàn bạc công việc Đảng rồi về nước hoạt động. Tháng 10-1930, Trung ương họp Hội nghị lần thứ nhất chính thức bầu đồng chí làm Tổng bí thư đầu tiên của Đảng.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2010).

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Đạo đức của quân nhân là: “Trí, nhân, tín, dũng, liêm”

Đó là lời dạy của Bác được trích trong thư gửi Trường Lục quân trung học Trần Quốc Tuấn (Trường Sĩ quan Lục quân 1) ngày 27-4-1949 nhân Lễ tốt nghiệp khoá 4 .

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, ng­ười thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta một di sản tư tưởng cao cả và tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng: “Trí, nhân, tín, dũng, liêm”. Tấm gương đạo đức cách mạng của Người là chuẩn mực tiêu biểu về đạo đức của con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh trao lá cờ thêu 6 chữ vàng “Trung với nước - Hiếu với dân” cho Khóa 1 của Trường Sĩ quan Lục quân 1. Ảnh: Tư liệu  

Theo Người, cán bộ, sĩ quan trong Quân đội phải có các phẩm chất: “Trí, nhân, tín, dũng, liêm”.

“Trí”: Là trí tuệ, người cán bộ không ngừng trau dồi tri thức, nâng cao trí tuệ mới hoàn thành nhiệm vụ. Người cán bộ phải có giác ngộ chính trị hơn quần chúng. Hồ Chí Minh giải thích người có tài năng trước hết phải có "Trí" là phải có óc sáng suốt để nhìn mọi việc, để suy xét địch cho đúng, biết người biết việc, làm việc có lợi, tránh việc có hại cho Đảng, vì Đảng mà cất nhắc người tốt, đề phòng người gian.

“Nhân”: Là thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào, phải thương yêu cấp dưới, đồng cam cộng khổ với họ. Đối với quân địch hàng, ta phải khoan dung. Người cách mạng phải hy sinh phấn đấu quên mình vì Đảng, vì nhân dân, đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân mình, không ham giàu sang, không sợ khổ cực, không sợ oai quyền, không sợ phê bình và phê bình người khác phải đúng đắn.

“Tín”: Là sự tin tưởng, tín nhiệm, trước hết là sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước, của Quân đội và nhân dân đối với người cán bộ, sĩ quan. Người cán bộ, sĩ quan có uy tín sẽ được nhân dân yêu mến, quý trọng và hết lòng giúp đỡ. Do đó, họ làm việc gì cũng thuận lợi, thành công. Uy tín của người cán bộ, sĩ quan còn là lòng tin của quần chúng đối với phẩm chất, năng lực và các giá trị xã hội của nhân cách người cán bộ, sĩ quan đó. Người cán bộ, sĩ quan có uy tín là người nói phải đi đôi với làm, biết giữ lời hứa, nói tốt phải làm tốt.

“Dũng”: Là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm, thấy khuyết điểm có gan sửa chữa, cực khổ khó khăn có gan chịu đựng, có gan chống lại vinh hoa phú quý không chính đáng. Khi cần thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc và nhân dân. Người cách mạng phải có lòng dũng cảm. Đây là yêu cầu cao của phẩm chất đạo đức cách mạng đối với người cán bộ, sĩ quan quân đội, đồng thời cũng là yêu cầu cao của tài năng quân sự, vượt qua khó khăn thử thách, sẵn sàng hy sinh bản thân mình vì cách mạng.

“Liêm”: Là luôn tôn trọng giữ gìn của công và của dân, sống trong sạch, không tham lam, không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham sung sướng. Người cán bộ, sĩ quan có phẩm chất “Liêm”, là người có lòng nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc, sống vì tập thể, gương mẫu trong lời nói và việc làm, đem hết tinh thần trách nhiệm vào công việc chung của đơn vị.

Như vậy “Trí, nhân, tín, dũng, liêm” là sự hội tụ đầy đủ các phẩm chất cần thiết của người cán bộ, sĩ quan quân đội, mỗi phẩm chất có nội dung cốt cách riêng, song có mối quan hệ chặt chẽ, tác động hỗ trợ lẫn nhau tạo nên phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, trí tuệ sáng tạo, trung dũng kiên cường của người cán bộ, sĩ quan quân đội. Nếu thiếu một trong các phẩm chất trên thì người cán bộ, sĩ quan chưa đủ phẩm chất, năng lực toàn diện.

Trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”... đòi hỏi sự cần thiết tiếp tục học tập, rèn luyện phẩm chất “Trí, nhân, tín, dũng, liêm” của người cán bộ, sĩ quan quân đội theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Từ thực trạng đạo đức, lối sống của một số cán bộ, sĩ quan còn chưa tự giác học tập rèn luyện; có đồng chí còn vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, điều đó đã ảnh hưởng đến hiệu quả công tác tuyên truyền học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Do đó, việc giáo dục, rèn luyện phẩm chất “Trí, nhân, tín, dũng, liêm”  theo tư tưởng Hồ Chí Minh cho người cán bộ, sĩ quan quân đội hiện nay là rất quan trọng và cấp thiết, góp phần nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, hoàn thiện những phẩm chất cần thiết của người cán bộ, sĩ quan quân đội trong giai đoạn cách mạng mới.

 Dấu ấn Bác Hồ trên báo Quân đội nhân dân

Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân, số 883, ngày 27-4-1961 có đăng hình ảnh Hồ Chủ tịch tiếp Hoàng thân Xu-Va-Na Phu-Ma, Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Lào và Hoàng thân Xu-Pha-Nu-Vông.

leftcenterrightdel
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân, số 883, ngày 27-4-1961. 

Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân, số 10389, ngày 27-4-1990 có đăng nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 100 năm ngày sinh Bác Hồ.

leftcenterrightdel
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân, số 10389, ngày 27-4-1990.  
leftcenterrightdel
 

TUẤN ĐIỆP (tổng hợp)