Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 26-4-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm. 

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 26-4

Sự kiện trong nước

Ngày 26-4-1962, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra nghị quyết về cuộc vận động "nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu", gọi tắt là cuộc vận động "ba xây, ba chống".

Học viên khóa 1 của Trường Huấn luyện bờ bể thực tập. Ảnh: Tư liệu

Ngày 26-4-1955, Bộ Quốc phòng ra Quyết định thành lập Trường Huấn luyện bờ bể - đơn vị tiền thân của (HVHQ) ngày nay (mang phiên hiệu C45). Nhiệm vụ của Trường Huấn luyện bờ bể là huấn luyện, đào tạo cán bộ, thủy binh cho các thủy đội và đài quan sát đồng thời tham gia nghiên cứu kế hoạch huấn luyện và hoạt động của lực lượng thủy binh.

Sau gần 3 tháng vừa xây dựng cơ sở vật chất vừa giảng dạy, khóa học đầu tiên với 372 học viên đã tốt nghiệp ra trường. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần xây dựng lực lượng thủy binh đầu tiên của Hải quân Nhân dân Việt Nam, khẳng định vị trí, vai trò của Nhà trường trong công tác đào tạo, huấn luyện.

Trong quá trình xây dựng, phát triển, HVHQ đã 5 lần đổi tên và nhiều lần thay đổi cơ sở, địa điểm. Từ Trường Huấn luyện bờ bể thành Trường Hải quân Việt Nam (1961), Trường Sĩ quan Hải quân Việt Nam (1967), Trường Sĩ quan Chỉ huy-Kỹ thuật Hải quân (1980) và Học viện Hải quân (1993). Trình độ học vấn, năng lực chỉ huy của học viên ra trường ngày một nâng cao: Từ đào tạo thủy binh các ngành (1955-1965) đã phát triển lên đào tạo sĩ quan có trình độ trung cấp (1966-1982), trình độ cao đẳng (1983-1990), đào tạo bậc đại học (1995). Từ năm 1996 đến nay HVHQ đã đào tạo sau đại học ở bậc thạc sĩ, tiến sĩ. Cùng với việc đào tạo sĩ quan Hải quân, HVHQ còn đào bậc đại học chuyên ngành cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ đội Biên phòng và đào tạo học viên quốc tế.

Quang cảnh Lễ khai giảng năm học 2019-2020 ở HVHQ. Ảnh: Baohaiquanvietnam.vn 

Tận dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, HVHQ đã và đang tích cực triển khai xây dựng mô hình “Nhà trường thông minh”. Nhà trường xác định mục tiêu, nội dung, lộ trình triển khai thực hiện theo từng giai đoạn: Giai đoạn 1 (2018-2020) tập trung vào những dự án, xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin. Giai đoạn 2 (2021-2025) và những năm tiếp theo tập trung vào những nội dung lớn như: Phòng thí nghiệm chuyên ngành công nghệ cao; phòng học chuyên ngành… Cùng với đó, nhà trường đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy và học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học...

Học viện chủ động phối hợp, liên kết nghiên cứu khoa học với các học viện, nhà trường, viện, tổ chức khoa học-công nghệ trong và ngoài quân đội, trong nước và nước ngoài; tiếp tục đẩy mạnh việc chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục theo từng vị trí, chức vụ… Mục tiêu của nhà trường là phấn đấu xây dựng HVHQ chính quy mẫu mực và phát triển theo tiêu chuẩn Trường đại học định hướng ứng dụng đa lĩnh vực với nòng cốt là khoa học quân sự Hải quân, nằm trong tốp đầu hạng 2 quốc gia, tốp đầu của Quân đội.

Ngày 26-4-1976, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Viện nghiên cứu hạt nhân trực thuộc Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước. Năm 1979, Viện nghiên cứu hạt nhân được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ và năm 1984 đổi tên thành Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia. Từ năm 1993, Viện chuyển về Bộ Khoa học-Công nghệ và môi trường và lấy tên là Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam. Viện có nhiệm vụ nghiên cứu sử dụng năng lượng nguyên tử trong các ngành kinh tế quốc dân và trong đời sống.

Sự kiện quốc tế

Ngày 26-4-1994, chiếc Airbus A300-600 của hãng Hàng không Trung Quốc China Airlines đã nổ tung trong lúc hạ cánh xuống sân bay Nagoya, miền trung Nhật Bản. Ảnh: Tư liệu 

Ngày 26-4-1994, chiếc Airbus A300-600 của hãng Hàng không Trung Quốc China Airlines đã nổ tung trong lúc hạ cánh xuống sân bay Nagoya, miền trung Nhật Bản khiến hơn 260 người thiệt mạng. Đây là thảm họa hàng không tồi tệ thứ hai trong lịch sử nước Nhật.

Ngày 26-4-1994, đã diễn ra cuộc bầu cử dân chủ không phân biệt mầu da lần đầu tiên trong lịch sử nước Cộng hoà Nam Phi.

Theo dấu chân người

Ngày 26-4-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo với Hội đồng Chính phủ về cuộc tiếp xúc với tướng Giuanh (Juin), Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp vừa từ Trung Quốc đến Việt Nam nhằm tiếp tục gây sức ép buộc quân đội Trung Hoa Quốc dân đảng phải nhanh chóng rút quân và trao lại quyền kiểm soát cho Pháp ở Hà Nội. Ngoài ra, Bác còn thông báo tin tức về Đoàn Quốc hội ta mới đến Pháp và cuộc Hội nghị trù bị đã bắt đầu ở Đà Lạt.

Bác từng căn dặn, “Đảng viên lập trường phải vững. Lập trường giúp thành tâm, thành ý phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến. Tư tưởng trong sạch. Tất cả đều giải quyết được, đó là chìa khóa”.  Ảnh: Tư liệu

Tháng 4-1952, Bác đến thăm và giải đáp thắc mắc cho cán bộ lớp đảng ủy, liên chi về vấn đề quan hệ trong và ngoài Đảng. Kết luận, Bác nhắc nhở: “Đảng viên lập trường phải vững. Lập trường giúp thành tâm, thành ý phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến. Tư tưởng trong sạch. Tất cả đều giải quyết được, đó là chìa khóa”.

Ngày 26-4-1960, nhận được bức thư của một nữ công dân Liên Xô, chị Ácatờrina Iuxipđôpna chúc mừng ngày Quốc tế phụ nữ 8-3 gửi tới “vợ đồng chí Hồ Chí Minh”, Bác đã thân mật viết thư cảm ơn, trong đó có đoạn: “Tôi chưa có gia đình riêng, gia đình của tôi là đại gia đình các dân tộc Việt Nam”.

Ngày 26-4-1962, nhân dự phiên bế mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa II, Bác gặp đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang nhờ chuyển lụa tặng tới cụ Thào Mỡ Chìa, người Mông thọ tới 150 tuổi.

Ngày 26-4-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Bộ Chính trị bàn về Đại hội tuyên dương anh hùng chiến sĩ thi đua và bàn về cách đánh Mỹ, đã đưa ra quan điểm: “Trong cuộc chiến tranh này Mỹ sẽ bị thua thiệt nhiều và phải rút hết quân, ta sẵn sàng cho nó rút có thể diện”.

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

"Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói"

Bác từng nhắc nhở cán bộ "Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt". Ảnh: Tư liệu 

Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị kiểm thảo Chiến dịch Đường số 18, năm 1951: “Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên, phải xem đội viên ăn uống như thế nào, phải hiểu nguyện vọng và thắc mắc của đội viên. Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt. Thế mới dân chủ, mới đoàn kết, mới tất thắng”.

Mối quan hệ giữa cán bộ với chiến sĩ được hình thành, phát triển trong quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, chiến thắng của Quân đội ta; là "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt, vừa là thuộc tính bản chất của một quân đội cách mạng, vừa là một trong những cơ sở tạo nên sức mạnh, vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ cho đội ngũ cán bộ quân đội yêu cầu phải luôn chăm lo đến đơn vị, đồng cam cộng khổ với bộ đội thì bộ đội nhất định tin và nghe theo: “Đối với binh sĩ, thì lời ăn tiếng nói, niềm vui, nỗi buồn, quần áo, nhất nhất phải biết rõ và hết sức chăm nom. Có đồng cam cộng khổ với binh sĩ thì khi dẫn họ đi đâu, dù nguy hiểm mấy họ cũng vui lòng đi, khi bảo họ đánh, họ sẽ hăng hái đánh”. Và Người khẳng định: “Cán bộ có coi đội viên như chân tay, đội viên mới coi cán bộ như đầu như óc”.

Trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội ta, mối quan hệ cán - binh được xây dựng trên cơ sở tình thương yêu đồng chí, đồng đội, được tôi luyện, thiết lập vững chắc qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trở thành bản chất, truyền thống tốt đẹp Bộ đội Cụ Hồ. Trên thực tế, đội ngũ cán bộ các cấp trong quân đội luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội, gương mẫu để bộ đội học tập, noi theo; xây dựng tinh thần tự giác trong bộ đội, trở thành lời thề danh dự của người quân nhân cách mạng: “Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên; khi nhận bất cứ nhiệm vụ gì đều tận tâm, tận lực thi hành nhanh chóng và chính xác”.

Trong giai đoạn hiện nay, quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội hằng ngày một cách chu đáo, không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm, sự nêu gương của cán bộ đối với bộ đội. Đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo, chỉ huy phải hết lòng chăm lo xây dựng đơn vị, tôn trọng và thương yêu cấp dưới như “chân với tay” thì cấp dưới sẽ kính trọng, coi lãnh đạo, chỉ huy của mình “như đầu, như óc”, như người thân trong gia đình; từ đó, bộ đội sẽ mang hết khả năng để thực hiện chỉ thị, mệnh lệnh một cách tự giác và có hiệu quả cao nhất. Lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải luôn là hạt nhân đoàn kết; kiên quyết chống biểu hiện xa rời cấp dưới, quan liêu, hách dịch, vô cảm…; phải thật sự làm cho cấp dưới kính trọng, tin tưởng, học tập và noi theo, góp phần giữ gìn và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong điều kiện mới.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1812 ra ngày 26-4-1966.

Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1812 ra ngày 26-4-1966 đã đăng Lời phát biểu của Hồ Chủ tịch tại kỳ họp thứ ba của Quốc hội khóa III.

 

ĐOÀN TRUNG (tổng hợp)