Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 26-1-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 26-1

Sự kiện trong nước

26-1-1941: Kết thúc lớp huấn luyện cán bộ Việt Minh do đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp phụ trách trước khi về nước lãnh đạo cách mạng. Đây được coi là lớp huấn luyện Việt Minh đầu tiên. Lớp gồm có 40 học viên học tại bản Nậm Quang, sát biên giới Việt – Trung. Điểm độc đáo của phương pháp huấn luyện của Người tại lớp học là sự kết hợp rất chặt giữa lý luận và thực tiễn, học và hành.

leftcenterrightdel

Bản Nậm Quang, thôn Linh Quang, xã Thiện Bàn, huyện Tĩnh Tây, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, nơi Nguyễn Ái Quốc mở lớp huấn luyện cán bộ cách mạng, cuối năm 1940, đầu năm 1941. Ảnh tư liệu 

Tại đây, Nguyễn Ái Quốc trực tiếp huấn luyện chính trị cho nhóm thanh niên Cao Bằng để đào tạo họ thành những hạt giống đỏ gây dựng phong trào trong đấu tranh giải phóng dân tộc. Cộng sự tổ chức lớp huấn luyện của Nguyễn Ái Quốc có Phùng Chí Kiên, Vũ Anh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp...

Trước tiên, Bác hướng dẫn làm chương trình huấn luyện, phân công mỗi người làm từng mục. Khi mỗi người phác xong, tất cả họp lại thông qua đề cương rồi mới viết. Viết xong lại họp lại, đọc chung và sửa. Cách làm việc của Bác kiên nhẫn và chu đáo. Nội dung chính trị phải đúng đắn, lời lẽ phải rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu, hợp với ý nghĩ quần chúng. Bác rất chú trọng đến việc thực hiện sau này. Mục nào, cuối cùng cũng có những câu hỏi: Học xong về địa phương thì làm gì, làm như thế nào?

leftcenterrightdel

Đại biểu dự Đại hội thống nhất Việt Minh – Liên Việt phấn khởi chúc mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh được suy tôn là Chủ tịch danh dự của Mặt trận Liên Việt (3-1951). Ảnh tư liệu 

Lễ tốt nghiệp lớp huấn luyện được tổ chức giữa khu rừng vắng vẻ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: “Sau những ngày học tập, mọi người phấn khởi, náo nức hẳn lên. Anh em chúng tôi đứng vây quanh Bác, biết rõ ông cụ mảnh khảnh mặc bộ quần áo Nùng giản dị này là người gắn liền với vận mệnh của dân tộc Việt Nam. Lá cờ đỏ sao năm cánh phấp phới bay trong gió lạnh như một ngọn lửa thiêng sưởi ấm tâm hồn chúng tôi, khi còn là những người dân mất nước, phải sống xa quê hương. Chúng tôi ngoảnh mặt cả về phía Nam, hoan hô tinh thần khởi nghĩa Nam Kỳ, thề sẽ thẳng tiến không lùi trên con đường cách mạng chông gai, một ngày kia sẽ đem lá cờ thiêng liêng này về nêu cao tinh thần giữa Thủ đô.” (Trích Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập hồi ký, Nxb. Quân đội nhân dân, tr.26).

Sau lớp huấn luyện ngắn ngày, các học viên về ngay trong nước, nắm lại các cơ sở quần chúng, tìm cách phục hồi phong trào. Từ những hạt giống đỏ trung kiên, nòng cốt ban đầu của lớp huấn luyện chính trị tại bản Nậm Quang đã nhân thành nhiều đốm lửa khắp chiến khu Việt Bắc, đem ánh sáng cách mạng, ánh sáng Bác Hồ ngày càng lan tỏa thấm sâu vào lòng dân, gây dựng phong trào phát triển rất nhanh trong sự chở che, ủng hộ của đồng bào.

leftcenterrightdel

Bác Hồ về nước (28-1-1941). Ảnh tư liệu 

Có lẽ hơn ai hết, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thấu hiểu sâu sắc khi vận động quần chúng làm cách mạng, nếu nói lên được những nguyện vọng nóng bỏng của quần chúng, những điều liên hệ mật thiết đến đời sống thì quần chúng rất dễ tiếp thu, công tác vận động sẽ có sức hấp dẫn đặc biệt, thúc đẩy mạnh mẽ quần chúng tiến lên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc.

(Theo ditichhochiminhphuchutich.gov.vn)

26-1-1988: Quyết định (số 06/ĐUQSTƯ) đổi tên Tạp chí “Quân đội nhân dân” thành Tạp chí “Quốc phòng toàn dân”.

Sự kiện quốc tế

26-1-1500: Nhà thám hiểm Tây Ban Nha Vincente Yanez Pinzon tìm thấy sông Amazon, Brasil.

26-1-1841: Anh chính thức chiếm Hồng Kông do Trung Quốc chuyển nhượng.

26-1-1950: Ấn Độ tuyên bố là một nước Cộng hoà. Rajendra Prasad lên nắm chức vụ Tổng thống.

Theo dấu chân Người

Ngày 26-1-1924, Nguyễn Ái Quốc tham dự phiên họp đặc biệt của Đại hội Xô viết toàn Nga lần thứ XI làm Lễ truy điệu V.I.Lenin tại Nhà Hát lớn Moscow. Tại đây, Nguyễn Ái Quốc được nghe những nhà lãnh đạo cao nhất của Liên Xô như Kalinin và Stalin đọc lời điếu và lời tuyên thệ vĩnh biệt V.I.Lenin.

Ngày 26-1-1931, Hội đồng Cơ mật của Hoàng gia Anh đã nhận được đơn kháng án của “nhà yêu nước người An Nam”, mở đầu cho hơn một năm đấu tranh pháp lý để cuối cùng Nguyễn Ái Quốc thoát hiểm với sự giúp đỡ của những luật sư tiến bộ của nước Anh.

Ngày 26-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký một văn kiện quan trọng. Đó là Quốc lệnh quy định những trường hợp thưởng và phạt.

Ngày 26-1-1949: Kết thúc kỳ họp của Chính phủ, Bác tham dự đêm lửa trại trước khi chia tay. Nhật ký của Bộ trưởng Lê Văn Hiến thuật lại: “Đêm nay, một bữa tiệc nhỏ long trọng để đưa các đại biểu Nam bộ, đồng thời là bữa “ăn Tết” của Chánh phủ. Bữa tiệc vừa vui vừa cảm động. Sau bữa tiệc có buổi lửa trại. Nhiều trò vui đã được diễn và Hồ Chủ tịch đã có lúc phải cười nhiều nhưng vừa cười vừa chảy nước mắt…”

Ngày 26-1-1956, trên Báo Nhân dân, Bác viết bài báo có nhan đề “Các cụ già nhiều tuổi nhất của nước ta”. Bài báo nêu lên một vài tấm gương tuổi già nhưng vẫn sống khoẻ, sống có ích.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt tay thăm hỏi các cụ phụ lão Pác Bó (20-2-1961). Ảnh tư liệu 

Ngày 26-1-1965, Bác Hồ đến phát biểu tại Hội nghị bồi dưỡng chỉnh huấn do Trung ương triệu tập, Bác nhấn mạnh: “Muốn giữ gìn sự trong sáng chủ nghĩa Mác-Lênin thì trước hết tự mình phải trong sáng. Muốn đánh thắng kẻ thù là chủ nghĩa đế quốc, muốn xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, thì trước hết phải chiến thắng kẻ thù bên trong của mỗi chúng ta là chủ nghĩa cá nhân”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

 "Cán bộ và công nhân ngành công nghiệp phải có quyết tâm hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch..."

Đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài nói chuyện tại Hội nghị Công nghiệp toàn miền Bắc ngày 26-1-1961, đăng trên Báo Nhân dân, số 2505, ngày 27-1-1961. Bài phát biểu diễn ra trong thời điểm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân miền Bắc đang năm đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ nhất, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ III.  

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm xưởng cơ khí Khu gang thép Thái Nguyên (năm 1964); Người đi thăm bà con nông dân tỉnh Bắc Cạn đang thu hoạch lúa mùa năm 1950; thăm Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên gặt mùa (1954); thăm Nhà máy xe lửa Gia Lâm (19-5-1955). Ảnh tư liệu

Trong buổi nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ, công nhân công nghiệp có phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng trong sáng, có năng lực sáng tạo, ý chí quyết tâm vượt mọi khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt chỉ tiêu, kế hoạch công nghiệp hóa đã đề ra. Người còn chỉ ra cho cán bộ dự hội nghị những biện pháp cách mạng cụ thể, nhất là tăng cường giáo dục nâng cao trình độ chuyên môn, ý thức trách nhiệm, giữ gìn kỷ luật trong công việc, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của công nhân.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học bổ túc văn hóa và kỹ thuật buổi tối của công nhân Nhà máy ô tô “1-5”, lá cờ đầu của phong trào bổ túc văn hóa ngành Công nghiệp Hà Nội (19-12-1963); Người lên tận miền núi giáp biên giới Việt - Trung thăm mỏ thiếc Tĩnh Túc, Cao Bằng (1958). Ảnh tư liệu
leftcenterrightdel
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khắp miền Bắc bừng bừng khí thế sản xuất. Ảnh tư liệu 

Lời của Người năm ấy được các đại biểu dự hội nghị tiếp thu nghiêm túc và nhanh chóng phổ biến, tuyên truyền rộng rãi đến mọi ngành, mọi lĩnh lao động sản xuất; đặc biệt ngành công nghiệp đã chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua, tập trung đào tạo, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức, quản lý, tạo nguồn lực xây dựng, phát triển ngành công nghiệp, đóng góp quan trọng vào thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.

Hiện nay, lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm ấy vẫn đang được cán bộ, công nhân Việt Nam nghiên cứu học tập, vận dụng, phù hợp với yêu cầu phát triển ngành công nghiệp trong điều kiện mới; tập trung cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực công nghiệp có kỹ năng, có kỷ luật và năng lực sáng tạo, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tình hình mới.     

leftcenterrightdel
Thượng tướng Vũ Hải Sản và Thượng tướng Đỗ Căn tham quan gian hàng tại địa điểm khai mạc Triển lãm-hội chợ VIDEX 2021. Ảnh: PHẠM HƯNG 
leftcenterrightdel
Một góc ở Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn. Ảnh: CHIẾN THẮNG 

Quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng ngành công nghiệp, công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, các doanh nghiệp quân đội đã và đang tập trung củng cố nâng cao chất lượng, hiệu quả lao động sản xuất; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân vững vàng về chính trị, tư tưởng, giỏi về khoa học kỹ thuật; tâm huyết, chủ động, sáng tạo, tích cực nghiên cứu, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; làm cơ sở bảo đảm nguồn lực mạnh phục vụ ngành công nghiệp quốc phòng giữ vững vị thế xứng đáng trong nền kinh tế quốc dân và sự phát triển chung của đất nước. 

(Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội 2011, t.13, tr.20)

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân ra ngày 26-1-1965 đăng "Lời chúc Tết của Bác Hồ".

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân ra ngày 26-1-1971 đăng ảnh Hồ Chủ tịch trồng cây và các tin bài nhân dịp kỷ niệm 10 năm Tết trồng cây và phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác".

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân ra ngày 26-1-1976 đăng bài “Bác Hồ với Tết trồng cây” và ảnh cây đa Bác trồng tại Công viên Thống nhất, Hà Nội năm 1960.

leftcenterrightdel
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 26-1 các năm 1965, 1971 và 1976.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân ra ngày 26-1-1995 đăng lời dạy của Bác: “Để thực hiện tốt nhiệm vụ cách mạng, Nhà nước ta phải phát triển quyền dân chủ và sinh hoạt chính trị của toàn dân, để phát huy tính tích cực và sức sáng tạo của nhân dân, làm cho mọi người công dân Việt Nam thực sự tham gia quản lý công việc Nhà nước”.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân ra ngày 26-1-2009 đăng bài viết của tác giả Anh Ngọc: “Không gì vui bằng mắt Bác Hồ cười” và ảnh bà con kiều bào Việt Nam ở Thái Lan về nước đến thăm và chúc Tết Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch ngày 29-1-1960.

leftcenterrightdel
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 26-1 các năm 1995 và 2009.
leftcenterrightdel
 

TƯỜNG VY (tổng hợp)