leftcenterrightdel
Ông Đặng Văn Việt (thứ tư, từ phải sang) trong buổi gặp mặt truyền thống Trung đoàn 174. 

Trong chuỗi sự kiện thắng lợi Cách mạng Tháng Tám giành chính quyền về tay nhân dân tại Thừa Thiên-Huế, ít ai biết người kéo lá cờ Việt Minh trên đỉnh Ngọ Môn vào ngày 21-8 là chàng thanh niên Đặng Văn Việt, con Thượng thư triều Nguyễn, Bộ trưởng Không bộ phụ trách 3 tỉnh Thanh-Nghệ-Tĩnh Đặng Văn Hướng. Tại thời điểm treo cờ, ông Việt là thành viên của tổ chức Việt Minh Nguyễn Tri Phương, được ông Trần Hữu Dực, Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế lúc đó giao nhiệm vụ treo cờ Việt Minh trên đỉnh Ngọ Môn. Ông Việt kể: “Nhận cờ của Việt Minh, sáng 21-8-1945, tôi cùng với anh Nguyễn Thế Lương (tức Cao Pha, sau này là Thiếu tướng quân đội) dùng xe đạp chở lá cờ lớn đến kỳ đài Huế. Lá cờ đỏ sao vàng cuộn tròn theo chiều ngang, to như một con trăn lớn, buộc chặt và gác lên hai đầu xe đạp. Khi tôi và Cao Pha tìm cách trèo lên đỉnh treo cờ, Hoàng đế Bảo Đại đã cho 120 lính khố vàng nằm rạp dọc thành cửa Ngọ Môn, chĩa súng vào nhưng không bắn. Bây giờ nghĩ lại, hôm ấy quân lính mà bóp cò thì… Đến khoảng hơn 9 giờ, lá cờ đỏ sao vàng đã được đưa vào vị trí và kéo lên trang trọng, tung bay trước gió”.

Sau này, ông Việt trở thành Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn Bộ binh chủ lực 174 Cao-Bắc-Lạng thành lập năm 1949 (nay là Trung đoàn 174, Sư đoàn 316, Quân khu 2). Ông cùng với Chính ủy Chu Huy Mân (sau này là Đại tướng, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước) đã chỉ huy trung đoàn tham gia các Chiến dịch: Biên Giới, Đông Khê, Tây Bắc… Thực dân Pháp khiếp sợ uy danh vị trung đoàn trưởng trẻ tuổi nên đã gọi ông là "Hùm xám Đường số 4", "Đệ tứ quốc lộ đại vương"… Sau khi chỉ huy trung đoàn đánh trận giải phóng Mộc Châu năm 1953, ông chuyển sang làm nhiệm vụ huấn luyện quân sự rồi ra quân với quân hàm trung tá. Ông chuyển về công tác tại Cục Vật liệu xây dựng và Cục Xây dựng cơ bản đến khi nghỉ hưu…

Ở tuổi gần 100, ông vẫn hăng say viết sách, làm thơ, đi khiêu vũ hằng ngày. Ông nói rằng: “Cuộc đời tôi vui có, buồn có, nhưng vui nhiều hơn buồn. Được có, mất có nhưng được nhiều hơn mất. Tôi đã sống một cuộc đời độc lập, tự do, không lệ thuộc ai, không nô lệ cho những phù phiếm ham muốn của người đời. Tôi giữ được sức khỏe tốt, nhờ trời phật, bố mẹ, bản thân... Nay gần trăm tuổi, tôi vẫn ham làm, ham vui... Tôi đã đạt được ước vọng lớn nhất của đời người là thoát khỏi cảnh nhục nhã, lầm than nô lệ, được thấy đất nước độc lập, tự do, thống nhất, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc... Trên mọi lĩnh vực, công việc được giao, tôi đều làm theo lời Bác Hồ dặn: Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Bài và ảnh: DƯƠNG TỬ