QĐND - LTS: Cách mạng Tháng Tám là một trong những trang sử vẻ vang nhất, chói lọi nhất của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Bằng thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta đã đập tan ách phát-xít Nhật, lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp gần 100 năm, xóa bỏ chế độ phong kiến hàng nghìn năm, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Ðảng ta từ khi ra đời bị khủng bố dã man, đã trở thành đảng lãnh đạo chính quyền, lãnh đạo xã hội.

Nhân dịp kỷ niệm 66 năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, Quân đội nhân dân Cuối tuần trích đăng hồi ký của cố Thượng tướng Chu Văn Tấn và cố Thượng tướng Song Hào. Đó là những câu chuyện cảm động về Bác, về những ngày Tân Trào đón Bác trở về.

Hồi ấy là tháng 5-1945, những ngày đang rạo rực đón chờ một sự chuyển mình vĩ đại của Tổ quốc.

Chúng tôi đang ở mặt trận, bỗng có thư hỏa tốc đến báo tin là Bác sắp về và chúng tôi có nhiệm vụ đi bảo vệ đón Bác.

Bữa cơm của Bác Hồ và các chiến sĩ ở Tân Trào trong những ngày kháng chiến.Ảnh tư liệu
Tuy chưa từng thấy Bác, nhưng một không khí khác hẳn ngày thường đã diễn ra sôi nổi chẳng khác nào vừa nhận được một tin đại thắng.

Riêng một số chúng tôi đã được gặp Bác lần đầu tiên từ năm 1941. Cuối năm 1942, đầu năm 1943, chúng tôi lại có dịp lên Pác Bó (Cao Bằng) để tìm gặp Bác, nhưng nghe tin Bác đi công tác xa nên lại không gặp. Thế là hơn bốn năm xa Bác, không lúc nào lòng chúng tôi không nhớ mong Bác.

Nay nghe tin Bác về chẳng khác nào như hạn hán gặp mưa rào. Tất cả chúng tôi ai nấy tràn ngập một niềm sung sướng không sao tả xiết.

Chúng tôi bắt tay ngay vào công việc chuẩn bị đón Bác.

Nhiệm vụ của chúng tôi là phải bảo vệ con đường từ cây số 31 rẽ vào chợ Chu lên đào Xó, chợ Đồn. Chúng tôi xem kỹ bức thư, trao đổi với một số đồng chí trong đó có đồng chí Quang Trung và một vài đồng chí phụ nữ, sau đó chủ trương phục kích ở đèo Xó, nếu giặc Nhật thọc vào là kiên quyết đánh, không cho chúng tiến vào khu vực Bác đi Tân Trào.

Chúng tôi tổ chức trinh sát khu vực đường ra chợ Chu, chia làm mấy chặng gác ở đèo Xó, chọn sẵn địa điểm thuận lợi cho cả hai mặt công và thủ, bố trí cách phát hiện địch từ xa để kịp thời đối phó.

Bỗng được tin Bác không đi qua đèo Xó mà đi đường bên trong và đã đi xuống Thành Cóc. Chúng tôi liền cấp tốc rút quân về Tân Trào để kịp hôm sau đón Bác ở vùng Sơn Dương.

Chúng tôi cùng đồng chí Văn, đồng chí Song Hào và một số cán bộ nữa đến đón Bác ở đình Hồng Thái. Trong lúc chờ đợi, câu chuyện bàn tán về Bác cũng sôi nổi. Mọi người hỏi nhau Bác người như thế nào. Một số người chúng tôi trước đã được gặp Bác thì cứ luôn luôn phải diễn tả lại hình dáng, cũng như đạo đức, tác phong của Bác cho anh em nghe.

Câu chuyện đang say sưa thì được tin báo là Bác sắp về tới nơi. Tất cả đều im lặng nhìn nhau hồi hộp và hướng cả về phía Bác sẽ tới.

Một lát sau thấy một toán người từ xa lại. Chúng tôi như nín thở, các cặp mắt cố hết sức tập trung để nhìn rõ Bác.

Thoạt tiên thấy mấy người đi trước, rồi đến một ông cụ dáng người cao cao, chân bước rất nhanh nhẹn, tay cầm cái ba-toong vừa đi vừa chỉ trỏ, từ xa xa đã thấy nét mặt tươi cười vui vẻ.

Trong hàng ngũ cán bộ tập trung đón Bác, có câu thốt ra: “Đâu, Bác đâu? Bác đấy phải không? Có lẽ đúng ông cụ kia là Bác rồi…”.

Bác vừa bước tới thì những tiếng chào mừng chúc Bác khỏe vang lên hòa cùng nhịp ngay với những lời Bác ân cần hỏi thăm chúng tôi.

Bác cùng chúng tôi tay bắt mặt mừng vô cùng cảm động. Bác nhìn suốt mọi người hỏi thăm sức khỏe và nói chuyện thân mật với chúng tôi khác nào một người cha lâu ngày xa vắng nay mới lại gặp đàn con thân yêu của mình. Tôi chú ý nhìn kỹ Bác thấy so với năm 1941 thì Bác có già hơn nhưng đặc biệt Bác vẫn vui vẻ hoạt bát như xưa, tuy đi xa về vất vả nhưng không tỏ ra có gì là mệt mỏi.

Những ngày ở Tân Trào, khi tiếp xúc với nhân dân và cán bộ, tác phong của Bác thật là ân cần, cởi mở. Dù là Nùng, Tày, Mán… ai cũng được gặp Bác, khi ra về đều kính phục và tin tưởng.

Các cụ người Tày Kim Lộng như ông Ngọc và hai ông nữa, sau khi gặp Bác về nói: “Cụ đã nhiều tuổi sao mà nhanh nhẹn, khỏe mạnh và tài giỏi đến thế…”. Những cụ người Mán, tuổi đã khá cao như cụ Hương, cụ Vượng… cũng nói: “Dân Việt Nam ta quả là phúc đức bằng trời bể mới có được ông cụ đã nhiều tuổi mà còn đi hoạt động như thế này, vừa sáng suốt tài giỏi, nhiều kinh nghiệm lại vừa tốt vô cùng. Dân mình tài thật, Việt Minh nhất định thắng…”.

Một lần, vì làm việc quá nhiều, Bác mệt khá nặng, tôi và anh Văn khuyên Bác hãy xếp công việc lại và nghỉ cho khỏe đã. Nhưng Bác nói Bác vẫn còn làm việc được.

Hôm sau chúng tôi về chỗ Bác ăn cơm. Đến nơi thấy Bác vẫn làm việc như hôm qua với chiếc máy chữ bên cạnh luôn luôn hoạt động, mặc dầu bệnh chưa chuyển mấy.

Bữa cơm hôm ấy giữa Bác với chúng tôi thân mật, cởi mở, chứa chan tình thương yêu giữa lãnh tụ với cán bộ.

Ăn cơm xong, chúng tôi mời Bác đi nghỉ và xin phép Bác ra về…

Ra được một quãng, hai anh em chúng tôi lại bí mật lẻn vào và bê cái máy chữ của Bác giấu hẳn đi một chỗ.

Chiếc máy chữ lịch sử này gắn liền với đời hoạt động của Bác, là phương tiện duy nhất không bao giờ rời Bác.

Hôm sau, chúng tôi vào thăm Bác, Bác trách chúng tôi: “Máy của tôi lúc nào cũng phải ở bên cạnh để làm việc. Các chú cất máy làm tôi phải bó tay, có hại cho công việc chung”.

Tuy vậy, chúng tôi vẫn nhất định chưa đưa máy ra.

Mấy hôm sau, Bác khỏe dần. Lúc ấy chúng tôi đưa máy cho Bác. Chúng tôi rất vui mừng. Bác lại tiếp tục làm việc như mọi ngày…

Trích Hồi ký của cố Thượng tướng Chu Văn Tấn  (bài “Bác về Tân Trào” trong tập “Bác Hồ”, NXB Văn học, năm 1960)