Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 24-1-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast  tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm. 

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 24-1:

Sự kiện trong nước

Ngày 24-1-1946: Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 13-SL quy định về cách tổ chức các tòa án và các ngạch thẩm phán. Nền Tư pháp Việt Nam bắt đầu được thành lập từ Sắc lệnh này.

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Bắc Bộ Phủ năm 1946. Ảnh: Hochiminh.vn 

Ngày 24-1 đến 31-3-1949: Chiến dịch Quảng Nam - Đà Nẵng. Đây là chiến dịch tiến công quân Pháp ở bắc Quảng Nam - Đà Nẵng do Bộ chỉ huy Liên khu 5 tổ chức, chỉ huy nhằm diệt một bộ phận sinh lực địch, đánh giao thông làm tê liệt Quốc lộ 1 đoạn Đà Nẵng - Huế, đẩy mạnh chiến tranh du kích trong vùng địch hậu.

Ngày 24-1-1959: Ngày truyền thống Bộ Tham mưu Hải quân, Cục Chính trị Hải quân, Cục Hậu cần Hải quân (Quân chủng Hải Quân).

Cách đây 63 năm, trước yêu cầu cấp thiết của nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng biển đảo miền Bắc, ngày 24-1-1959, Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 320-NĐ thành lập Cục Hải quân, trên cơ sở Cục Phòng thủ bờ bể. Cơ quan Cục Hải quân có 5 phòng, gồm: Phòng Tham mưu, Phòng Chính trị, Phòng Hậu cần, Phòng Công trình và Phòng đo đạc biển; đánh dấu mốc phát triển của các cơ quan từ thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu chuyển sang hoạt động chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng Hải quân. Năm 1964, Cục Hải quân được đổi tên thành Bộ tư lệnh Hải quân, cùng với đó là 3 cơ quan được nâng cấp thành Bộ Tham mưu, Cục Chính trị và Cục Hậu cần. Ngày 24-1 trở thành Ngày truyền thống của Bộ Tham mưu, Cục Chính trị và Cục Hậu cần Hải quân.

Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Bộ Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Hậu cần Hải (24-1-1959/24-1-2019). Ảnh: Baohaiquanvietnam.vn 

Trải qua 63 năm ra đời, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bộ Tham mưu, Cục Chính trị và Cục Hậu cần Hải quân đã không ngừng phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tự lực tự cường, chủ động sáng tạo, đoàn kết phấn đấu vươn lên, vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của cơ quan cấp chiến dịch-chiến lược, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Quân chủng qua các thời kỳ. Với những thành tích tiêu biểu xuất sắc, Bộ Tham mưu, Cục Chính trị và Cục Hậu cần Hải quân được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Hải quân tặng nhiều phần thưởng cao quý. Trong đó, Bộ Tham mưu và Cục Chính trị đã vinh dự được tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ngày 24-1-1966: Ngày truyền thống Nhà máy A31, Cục Kỹ thuật (Quân chủng Phòng không-Không quân).

Nhà máy A31 thuộc Cục Kỹ thuật, Quân chủng Phòng không-Không quân (tiền thân là xưởng A31), được thành lập ngày 24-1-1966, có nhiệm vụ sửa chữa vừa đồng bộ, sửa chữa lớn bộ phận, cải tiến, sửa chữa các loại tên lửa phòng không; sửa chữa lớn trạm nguồn điện, sửa chữa vừa xe ô tô, xe máy đặc chủng; sửa chữa một số loại vũ khí, khí tài đặc chủng của các quân chủng, binh chủng. Đồng thời, sản xuất, phục hồi một số vật tư linh kiện, phụ tùng thay thế phục vụ sửa chữa, cải tiến; nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ mới vào sản xuất, thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, sản xuất và làm kinh tế theo nhiệm vụ trên giao.

Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Truyền thống Nhà máy A31 (24-1-1966 / 24-1-2016) và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba. Ảnh: Mod.gov.vn 

Trải qua 56 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng Nhà máy A31 với tinh thần dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, lập nhiều thành tích xuất sắc trên mọi lĩnh vực công tác, được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Ngày 24-1-1968: Ngày mất của Anh hùng lực lượng vũ trang Bùi Ngọc Dương. Anh được gọi là La Văn Cầu trong kháng chiến chống Mỹ, được tôn là dũng sĩ mở đường, anh hùng xung kích của mặt trận Khe Sanh.

Ngày 24-1-1977: Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra nghị định thành lập 10 khu rừng cấm. Bao gồm: Đền Hùng (Lâm Thao - Phú Thọ), Pác Bó (Hà Quảng - Cao Bằng), Tân Trào (Sơn Dương-Tuyên Quang), Đảo Ba Mùn (Cẩm Phả - Quảng Ninh), Ba Bể (Chợ Rã - Bắc Cạn), núi Ba Vì (Ba Vì - Hà Tây), núi Tam Đảo (Lập Thạch - Vĩnh Phúc, huyện Sơn Dương - Tuyên Quang, huyện Đại Từ - Thái Nguyên), bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), khu rừng thông ba lá quanh thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng).

Ngày 24-1-2014: Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 186/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án xây dựng đảo Thanh niên toàn quốc giai đoạn 2013 - 2020. Quyết định nêu rõ: Xây dựng 5 đảo Thanh niên thành các cụm dân cư mới có quy hoạch đồng bộ, phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của biển đảo Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2020.

Sự kiện quốc tế

Ngày 24-1-1918: Hội đồng Ủy viên Nhân dân tại Nga ra sắc lệnh chuyển từ sử dụng lịch Julius sang lịch Gregorius, theo đó sau ngày 31 tháng 1 là ngày 14 tháng 2.

Ngày 24-1-2019: Ngày Quốc tế Giáo dục đầu tiên được tổ chức. Ngày 24-1 được tuyên bố là Ngày Quốc tế Giáo dục theo nghị quyết đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào ngày 3-12-2018, nhằm tôn vinh vai trò của giáo dục đối với hòa bình và phát triển.

Theo dấu chân Người

Ngày 24-1-1931, giữa lúc cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh đang dâng cao ở Việt Nam, thì ở nước Nga, Nguyễn Ái Quốc viết văn kiện “Phong trào cách mạng ở Đông Dương”. Bài viết biểu dương cao trào đấu tranh của công, nông, lên án tội ác thực dân, phong kiến và kêu gọi: “Nhiệm vụ cấp thiết của giai cấp vô sản thế giới - đặc biệt là giai cấp vô sản Pháp - là chìa bàn tay hữu nghị anh em và giúp đỡ tới Đông Dương, để chứng tỏ tình đoàn kết thực sự và tích cực của họ, Đông Dương bị áp bức và cách mạng cần điều ấy!”

Ngày 24-1-1947, tức 30 Tết Âm lịch, Bác viết “Thư chúc Tết đồng bào và chiến sĩ Nam bộ”. Để đả phá luận điệu tuyên truyền của thực dân rằng nếu thống nhất thì những người theo Pháp sẽ bị khủng bố; người Nam sẽ bị người Bắc cai trị; chính phủ chỉ toàn Việt Minh, bức thư nêu rõ: “...Một dân tộc đã tự cường, tự lập, dân chủ cộng hoà thì không làm những việc nhỏ nhen, báo thù báo oán... Trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, từ làng xã đến toàn quốc những người chức trách đều do dân cử ra. Dân tin cậy ai thì người ấy trúng cử và bổn phận những người trúng cử là làm đầy tớ công cộng cho dân chứ không phải làm quan phát tài... Trong Chính phủ có đủ những người các đảng phái, như Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội, Đảng Quốc dân, Đồng minh hội, lại có những người không thuộc đảng phái nào. 5 vị Bộ trưởng và Thứ trưởng là những người quê quán ở Nam bộ... Sự thật là rất giản đơn như thế, mong đồng bào hiểu rõ, chớ mắc lừa bọn thực dân”.

Ngày 24-1-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Nha Bình dân học vụ, thông báo việc Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến cho phong trào xoá nạn mù chữ. Trong thư, Bác biểu dương: “Từ ngày nhân dân ta nắm chính quyền đến nay, 13 triệu nam nữ đồng bào đã được học, đã biết chữ. Đó là một thắng lợi vẻ vang, to lớn. Nhưng chúng ta phải cố gắng nữa, phải làm thế nào cho trong một thời gian gần đây, tất cả đồng bào Việt Nam từ 8 tuổi trở lên đều biết đọc biết viết. Ngày ấy mới là hoàn toàn thắng lợi trên mặt trận diệt giặc dốt”.

Ngày 24-1-1963, là ngày 29 Tết Quý Mão, buổi sáng vị nguyên thủ quốc gia đã “vi hành” thăm chợ Đồng Xuân. Trong bộ quần áo gụ đã bạc màu, ngoài khoác áo mưa vải bạt, cổ quàng khăn len, mắt đeo kính trắng và chân đi dép cao su, Bác cùng 2 cảnh vệ đi thăm cảnh đồng bào sắm Tết. Tối hôm ấy, Bác lại đi thăm và chúc Tết một số nơi trong đó có gia đình Bác sĩ Hồ Đắc Di.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết gia đình ông Nguyễn Văn Thức, nhà tư sản dân tộc, ngày 24-1-1963 (Đêm Giao thừa Tết Nguyên đán Quý Mão). Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh 

Ngày 24-1-1966, Bộ Chính trị bàn về công tác đấu tranh ngoại giao và các phương án chọn nơi tiến hành đàm phán Việt-Mỹ. Tại cuộc họp này, Bác tiên liệu: “Mỹ có thể sẽ lại ném bom miền Bắc, thậm chí cả Hà Nội, Hải Phòng. Vì vậy không được chủ quan”.  Dự báo sớm ấy đã giúp quân dân ta chủ động phòng chống giặc thắng lợi.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2010)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Chiến sĩ thi giết giặc/ Đồng bào thi tăng gia/ Năm mới thi đua mới/ Thắng lợi ắt về ta”.

Đó là lời trong bài Thơ chúc tết Xuân Nhâm Thìn (1952) của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “…Xuân này, Xuân năm Thìn/ Kháng chiến vừa 6 năm/ Trường kỳ và gian khổ/ Chắc thắng trăm phần trăm. Chiến sĩ thi giết giặc/ Đồng bào thi tăng gia/ Năm mới thi đua mới/ Thắng lợi ắt về ta”, đăng trên Báo Nhân dân, số 42, ngày 24-1-1952; trong thời điểm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta tiếp tục giữ thế chủ động tiến công liên tục, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, đồng thời đẩy mạnh chiến tranh du kích rộng khắp.

(Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011)

Trong bài thơ chúc Tết, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi nhận những hy sinh, gian khổ mà quân và dân ta đã trải qua trong 6 năm kháng chiến, kiến quốc (1946-1952), dự báo cuộc kháng chiến sẽ diễn ra căng thẳng, ác liệt trong điều kiện thế và lực của quân và dân ta trên các chiến trường đang lớn mạnh. Người kêu gọi, khơi dậy tinh thần yêu nước của toàn dân, toàn quân, tích cực thi đua tăng gia sản xuất, thi đua giết giặc lập công, đưa cuộc kháng chiến mau chóng giành thắng lợi. Lời của Người nhanh chóng được tuyên truyền sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực; cổ vũ, động viên, khích lệ toàn dân, toàn quân nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiến hành nhiều chiến dịch trên những hướng chiến lược quan trọng, đẩy nhanh thực hiện cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 giành thắng lợi hoàn toàn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc (5-1952).  Ảnh tư liệu 

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, Đảng, Nhà nước ta tiếp tục khẳng định tinh thần thi đua yêu nước là một nhân tố quan trọng tạo thành động lực phát triển đất nước. Phong trào thi đua lan tỏa rộng khắp trên cả nước, ở tất cả các ngành, các cấp, các lĩnh vực hoạt động của xã hội; tạo ra động lực tinh thần to lớn, sức mạnh tổng hợp để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Thấm nhuần tinh thần thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác thi đua và phong trào thi đua quyết thắng trong toàn quân được duy trì thường xuyên, liên tục, trở thành truyền thống, kinh nghiệm quý báu, cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ lập nên những chiến công oanh liệt trong kháng chiến giải phóng dân tộc và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Phong trào thi đua đã trực tiếp góp phần rèn luyện, xây dựng bản lĩnh, nhân cách quân nhân, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ; nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ; phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ cán bộ, đảng viên; tạo cơ sở chính trị, tinh thần vững chắc để phát huy sức mạnh tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 24-1-1963 đã trích lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói trong lễ đón Chủ tịch Tiệp Khắc Antonín Novotný sang thăm Việt Nam tại sân bay Gia Lâm ngày 23-1-1963: “Xuân này, xuân lại thêm xuân/Nước non xa, anh em gần, vui thật vui!”. Cũng trên trang nhất số báo này đã trích đăng diễn văn của Hồ chủ tịch trong buổi chiêu đãi chủ tịch Antonín Novotný tại phủ Chủ tịch: “Nước Việt Nam tự hào có một nước anh em cường thịnh như nước Tiệp Khắc. Nhân dân Việt Nam tự hào có những người anh em như nhân dân Tiệp Khắc dũng cảm và tài nǎng.

Thành tích to lớn của nhân dân Tiệp Khắc đã cổ vũ chúng tôi rất nhiều trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và trong sự nghiệp đấu tranh thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà.

Nhân dân chúng tôi luôn luôn ghi nhớ sự ủng hộ và giúp đỡ nhiệt tình của nhân dân Tiệp Khắc anh em đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đối với phong trào yêu nước ở miền Nam, đối với cuộc đấu tranh để hoà bình thống nhất Tổ quốc chúng tôi.”

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 24-1-1963. 

Trang 3 Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 24-1-1970 đã đăng “Bức thư của lão đồng chí Nguyễn Ái Quốc gửi về kêu gọi quốc dân Việt Nam (8-1945)”. Trong đó có đoạn: “Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta... Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”.

Trang 3 Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 24-1-1970. 

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 24-1-1995 đã trích đăng lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng ta xứng đáng là đội tiên phong, là bộ tham mưu của giai cấp vô sản, của nhân dân lao động và của cả dân tộc. Đảng ta biết vận dụng chủ nghĩa Mác Lênin vào hoàn cảnh nước ta một cách sáng tạo để nêu ra đường lối, chính sách đúng đắn, bảo đảm cho cách mạng phát triển thắng lợi.”

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 24-1-1995. 

Trang 4 Báo Quân đội nhân dân Xuân Tân Tỵ ra ngày 24-1-2001 đã đăng một số bài viết về Bác Hồ như: “Bác Hồ và mùa xuân đất nước”, “Tấm lòng yêu thiên nhiên của Bác Hồ” cùng hình ảnh Bác Hồ trồng cây đa tại xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Nội, ngày 16-2-1969.

Báo Quân đội nhân dân Xuân Tân Tỵ ra ngày 24-1-2001.
 

KIM GIANG (tổng hợp)