Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 23-1-2022 còn được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế

Sự kiện trong nước

23-1-1916: Ngày sinh đồng chí Trần Quốc Hoàn - Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Công an. Ông tên thật là Nguyễn Trọng Cảnh, sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại thôn Đình, làng Dương Liêu, tông Nam Kim (nay là xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đến dự Đại hội Liên hoan chiến sĩ thi đua lần thứ nhất Công an nhân dân vũ trang tại Hà Nội, ngày 2-3-1962. Ảnh tư liệu. 

Ngày 23-1-1952: Võ Thị Sáu - người con gái anh hùng của quê hương Đất Đỏ, người tử tù nhỏ tuổi nhất ở Côn Đảo bị kẻ thù xử bắn khi chưa đầy hai mươi tuổi. Trước khi bị xử bắn, chị đã yêu cầu không bịt mắt để đến nhìn đất nước thân yêu của mình. Chị cất cao tiếng hát bài Tiến quân ca. Khi giặc nổ súng, Võ Thị Sáu thét lên: Đả đảo thực dân Pháp! Việt Nam độc lập muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!

Ngày 23-1-1961: Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam. Trung ương Cục miền Nam do đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Bí thư, có nhiệm vụ chỉ đạo toàn bộ công tác Đảng ở miền Nam, trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ.

leftcenterrightdel
Ngày 10-10-1961, đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Trung ương Cục chủ trì Hội nghị Trung ương Cục Miền Nam lần thứ nhất. Ảnh tư liệu 

Ngày 23-1-1973: Đồng chí Lê Đức Thọ, Cố vấn đặc biệt của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Tiến sĩ Henry Kissinger, Cố vấn an ninh của Tổng thống Mỹ ký tắt bản “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” tại Paris (Hiệp định Paris).

Sự kiện quốc tế

Ngày 23-1-1556: Một trận động đất lớn xảy ra tại tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc làm thiệt mạng khoảng 830.000 người. Đây được xem là một trong những trận động đất gây tử vong nhiều nhất trong lịch sử loài người.

23-1-1997: Bà Madeleine Korbel Albright chính thức tuyên thệ nhậm chức Ngoại trưởng Hoa Kỳ. Bà là nữ Ngoại trưởng đầu tiên của nước Mỹ.

Theo dấu chân Người

Ngày 23-1-1924 vẫn là những ngày lễ tang V.I.Lênin, Nguyễn Ái Quốc cùng các bạn học của Trường Đại học Phương Đông có mặt trong đám đông đứng đón linh cữu của Lênin từ Gorơki theo đường sắt đến ga Pavilexki ở Thủ đô Moscow để chuyển tới đặt tại Hội trường Nhà Công đoàn ngay tại Hồng trường để dân chúng đến viếng. Xếp trong hàng người dài dằng dặc dưới giá lạnh âm 30 độ của mùa đông nước Nga, cuối cùng nhà cách mạng trẻ tuổi đến từ đất nước Việt Nam xa xôi với lòng mong muốn đến quê hương của cuộc Cách mạng tháng Mười để được gặp V.I.Lênin đó chỉ có cơ hội được đứng trước linh cữu của người Thầy vĩ đại ấy.

Trở về nơi cư trú là khách sạn Lux chân tay đã tê cứng, trời đã khuya, tại căn buồng số 176, Nguyễn Ái Quốc ngồi viết bài báo: “Lênin và các dân tộc thuộc địa” với câu kết thúc: “Lênin sẽ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Hochiminh.vn 

Ngày 23-1-1947, Bác Hồ đã gửi thư và giao cho người mang vào Phát Diệm trao tận tay Giám mục Lê Hữu Từ chân thành đề nghị tiếp tục ủng hộ Chính phủ kháng chiến cũng như đã từng giúp trong các thương thảo ngoại giao và: “Nhờ cụ cầu Đức Chúa ban phúc cho Tổ quốc...”  Sau đó, Bác còn viết nhiều lá thư để kiên trì giải thích: “Trong Hiến pháp ta đã định rõ: Tín ngưỡng tự do. Nếu ai làm sai Hiến pháp, khiêu khích Công giáo thì sẽ bị phạt... Việt Nam độc lập đồng minh là cốt đoàn kết tất cả đồng bào để làm cho Tổ quốc độc lập, chứ không phải để chia rẽ, phản đối tôn giáo... hơn ai hết, đồng bào công giáo càng mong cho Tổ quốc độc lập, cho tôn giáo được hoàn toàn tự do; và tôi chắc ai cũng tuân theo khẩu hiệu: Phụng sự Thượng đế và Tổ quốc...”

Đây cũng là lúc thực dân Pháp đang tìm mọi thủ đoạn chia rẽ lương-giáo và lôi kéo nhân vật này để rồi sau đó không lâu, Giám mục Lê Hữu Từ đó từ bỏ hàng ngũ kháng chiến theo giặc Pháp chống phá quyết liệt cách mạng. Tuy vậy, trước sau Bác vẫn giữ vào lòng tin đối với các chức sắc và bà con giáo dân. Cũng trong những ngày cuối tháng Giêng năm đó, Bác nhận được tin con trai duy nhất của Bác sĩ Vũ Đình Tụng, một trí thức theo đạo Thiên Chúa, lúc đó đang đảm trách là Hội trưởng Hội Hồng Thập tự Việt Nam, vừa hy sinh ngoài mặt trận. Bác đã viết lá thư chia buồn với những lời lẽ thống thiết và sâu sắc:

“Thưa ngài,

Tôi được báo cáo rằng: con giai ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc.

Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột...

Ngài đã đem món của quý báu nhất là con của mình, sẵn sàng hiến cho Tổ quốc. Từ đây chắc ngài sẽ thêm ra sức giúp việc kháng chiến để bảo vệ nước nhà thì linh hồn cháu ở trên trời cũng bằng lòng và sung sướng...”

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Tháng 1-1956, trong phát biểu tại Hội nghị công an toàn quốc lần thứ 10, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ vai trò của lực lượng quân đội và công an trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Người nói: “Nhân dân ta có hai lực lượng. Một là quân đội, để đánh giặc ngoại xâm, để bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn hòa bình. Một lực lượng nữa là công an, để chống kẻ địch trong nước, chống bọn phá hoại.” Người chỉ rõ nhiệm vụ của công an là “phải ra sức góp phần vào việc củng cố miền Bắc; mà cái gốc của việc củng cố miền Bắc là khôi phục kinh tế và phát triển văn hóa... Nhiệm vụ của công an là phải chặn tay bọn phá hoại... bảo vệ và phục vụ nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền nhân dân”. (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 10, trang 258).

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và huấn thị cho cán bộ Công an nhân dân vũ trang bảo vệ Thủ đô (14-2-1961). Ảnh tư liệu 

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn căn dặn: Đối với địch chớ nên hoang mang; đánh địch phải đánh cho dập đầu; phải kiên quyết bỏ nhục hình; phải luôn luôn đoàn kết nội bộ, nâng cao cảnh giác, chớ chủ quan khinh địch, tự mãn; phải nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ; phải gần gũi nhân dân.

Những lời dạy của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị, là bài học quý báu cho lực lượng Công an nhân dân. Vì vậy, việc nghiên cứu, vận dụng những lời dạy của Người vào quá trình công tác, chiến đấu, rèn luyện, tu dưỡng của mỗi cán bộ, chiến sĩ công an là nhân tố quyết định hàng đầu để lực lượng Công an hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

leftcenterrightdel

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một số đơn vị bộ đội. Ảnh tư liệu. 

Là người sáng lập, giáo dục và rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam nên tình cảm, sự tin tưởng, kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với quân đội ta rất lớn. Trong Bài nói trong buổi chiêu đãi mừng Quân đội ta 20 tuổi, ngày 22-12-1964, Người khẳng định: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Cán bộ và chiến sĩ thương yêu nhau như ruột thịt, chia ngọt sẻ bùi. Quân và dân như cá với nước, đoàn kết một lòng, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau”. (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 14, trang 435).

Những lời huấn thị, giáo dục của Người đối với các lực lượng, các quân chủng, binh chủng vẫn luôn là hành trang quý giá trên chặng đường phát triển của quân đội Việt Nam.

Lực lượng Quân đội và Công an đều từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu và có mối quan hệ máu thịt với nhân dân. Thực hiện lời dạy của Người, hai lực lượng luôn gắn bó khăng khít với nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

leftcenterrightdel
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1732, ra ngày 23-1-1966. 

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1732, ra ngày 23-1-1966 đăng trang trọng thông tin “Hồ Chủ tịch vui Tết với bộ đội công binh và phòng không” với bức ảnh kèm dòng chú thích Chủ tịch vui với bộ đội công binh. Khi tới thăm và chúc Tết các chiến sĩ công binh, Bác khen ngợi những thành tích mà các cán bộ và chiến sĩ công binh đạt được, đồng thời Người cũng căn dặn “các chú chớ tự mãn với những thành tích đó; mà phải cố gắng hơn nữa, để đạt thành tích lớn hơn.” Tới thăm một đơn vị bộ đội phòng không, Bác căn dặn các chiến sĩ: “Giặc Mỹ rất thâm độc và hung bạo. Sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta gian khổ, nhưng nhất định thắng lợi, vì toàn quân, toàn dân ta kiên quyết chiến đấu, không sợ hy sinh, gian khổ.”

leftcenterrightdel
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 4568, ra ngày 23-1-1974. 

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 4568, ra ngày 23-1-1974 đăng trang trọng bức ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh với dòng chú thích “Hồ Chủ tịch vĩ đại và kính yêu sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta.”

leftcenterrightdel
Trang 2 Báo Quân đội nhân dân số 4930, ra ngày 23-1-1975. 

Trang 2 Báo Quân đội nhân dân số 4930, ra ngày 23-1-1975 đăng lời dạy của Người: “Lý tưởng vĩ đại của Đảng ta, vận mạng của Tổ quốc ta, đời sống của giai cấp ta và nhân dân ta đòi hỏi toàn Đảng và mỗi người đảng viên phải phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa để xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà và góp phần tích cực vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới vì hòa bình độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.”

leftcenterrightdel
 

ĐẶNG LOAN (tổng hợp)