Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 18-6-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm. 

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 18-6

Sự kiện trong nước

- Ngày 18-6-1949, Cục Vận tải, Tổng cục Hậu Cần được thành lập theo Sắc lệnh số 50/SL được ký bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong suốt hơn 70 năm phát triển, Cục Vận tải luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân giao phó, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Ngày 18-6-1960, tại Hội thi Pháo binh toàn quân lần thứ hai, Đại đội 2 sơn pháo 75mm thuộc Tiểu đoàn 10, Trung đoàn Pháo binh 68 giành huy chương vàng tập thể và cá nhân. Tại lễ trao thưởng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh biểu dương thành tích của Đại đội 2 là đơn vị “Ba nhất”: Bắn giỏi nhất; có nhiều người, nhiều đơn vị tham gia nhất; đoàn có thành tích đều nhất. Kể từ đó, Đại đội 2 trở thành đơn vị “Ba nhất” đầu tiên và phong trào thi đua "Ba nhất" được phát động rộng khắp trong toàn quân.

Những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỉ XX, nhiều phong trào thi đua nở rộ nhằm khắc phục khó khăn thiếu thốn để xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa vững mạnh, làm hậu phương lớn cung cấp sức người sức của cho chiến trường miền Nam. Phong trào thi đua "Ba nhất" đã thu hút sự tham gia của các đơn vị trong toàn quân, mở rộng ra cả các địa phương, cơ quan, đoàn thể, góp phần củng cố vững chắc khối đoàn kết công - nông - binh. Tại Đại hội Thi đua yêu nước năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Công nhân phất cao ngọn cờ “Duyên Hải”. Nông dân phất cao ngọn cờ “Đại Phong”. Quân đội anh hùng phất cao ngọn cờ “Ba nhất”. Công - nông - binh đại thi đua, đại đoàn kết, chủ nghĩa xã hội nhất định thành công, Bắc - Nam nhất định sẽ thống nhất, non sông một nhà

 Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh chung với các đại biểu dự Đại hội Anh hùng, Chiến sỹ thi đua chống Mỹ cứu nước lần thứ III ngày 6-5-1962. Ảnh: hochiminh.vn

Sự kiện quốc tế

- Ngày 18-6-1815, trận đánh nổi tiếng Waterloo đã diễn ra gần thành phố Brussels (Bỉ). Lực lượng tham chiến có quân Pháp với gần 72.000 người, dưới sự chỉ huy trực tiếp của tướng Napoleon Bonaparte và liên quân Anh - Phổ có 68.000 người, do tướng Wellington chỉ huy. Quân đội của Napoleon đã bị liên quân Anh - Phổ đánh bại hoàn toàn. Thất bại ở trận Waterloo buộc Napoleon phải thoái vị lần thứ hai vào ngày 22-6-1815, sau 100 ngày trở lại làm vua nước Pháp. Ông bị đầy ra đảo St. Helena (Đại Tây Dương) và qua đời ở đó nǎm 1821.

Bức tranh mô phỏng trận đánh nổi tiếng Waterloo. Nguồn: UK National Army Museum 

- Ngày 18-6-1979, trong cuộc họp thượng đỉnh tại Vienna (Áo), Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev đã ký Hiệp ước SALT-II. Đây là thỏa thuận được ký kết để tiếp nối Hiệp ước SALT-I năm 1972 nhằm đưa ra các hạn chế sử dụng vũ khí chiến lược giữa hai cường quốc trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev tại hội nghị ký kết Hiệp ước SALT-II. Ảnh: history.com

- Ngày 18-6-1983, nữ phi hành gia Sally Ride trở thành người phụ nữ Mỹ đầu tiên bay vào không gian khi thực hiện nhiệm vụ trên tàu con thoi Challenger. Bà cũng là người phụ nữ thứ ba trên thế giới làm được điều này, sau hai nữ phi hành gia của Liên Xô là Valentina Tereshkova (năm 1963) và Svetlana Savitskaya (năm 1982).

Theo dấu chân Người

- Ngày 18-6-1919, văn kiện “Yêu sách của nhân dân An Nam” ký tên Nguyễn Ái Quốc thay mặt Nhóm những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, đã được gửi tới Hội nghị Versailles (Véc-xây), nơi các nước thắng trận họp để phân chia trật tự thế giới sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Văn kiện này cũng được gửi tới một số đoàn đại biểu tham dự và được đăng tải trên nhiều tờ báo ở Pháp.

Bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” do Nguyễn Ái Quốc và nhóm người Việt Nam yêu nước gửi Nghị viện Pháp và các đoàn đại biểu dự Hội nghị hòa bình Versailles (6-1919). Nguồn: qdnd.vn  

- Ngày 18-6-1922, vở kịch “Con Rồng tre” (Le Dragon de Bambou) của Nguyễn Ái Quốc được “Câu lạc bộ Ngoại ô” (Club de Faubourg) công diễn tại Paris. Vở kịch dựng hình tượng con rồng tre để vạch trần bản chất bù nhìn của Nam triều và được trình diễn 6 ngày trước khi “Hoàng đế nước Nam” Khải Định đặt chân tới Paris. 

- Ngày 18-6-1946, trong bài trả lời phỏng vấn của phái viên Hãng thông tấn AFP (Pháp) đăng trên Báo Cứu quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ: “Tôi rất tin cậy ở kết quả của cuộc Hội nghị Pháp-Việt này. Hai nước Pháp-Việt xa nhau không phải vì văn hóa, lý tưởng mà chỉ vì quyền lợi của một vài cá nhân. Mục đích của Pháp là tự do, bình đẳng, bác ái, nếu Pháp thi hành đúng thì chắc chắn sẽ mua được tình thân thiện của nước Việt Nam”.

- Ngày 18-6-1965, trả lời phỏng vấn của báo “Pravda” (Sự Thật) của Liên Xô, Bác nêu rõ “Cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước hiện nay động viên đến mức cao nhất truyền thống đoàn kết chiến đấu của nhân dân Việt Nam… Nhân dân Việt Nam nhất định sẽ thắng lợi vẻ vang”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2010 và Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia - Sự Thật, 2010).

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Đây là những lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tại buổi làm việc với một số cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương vào ngày 18-6-1968, để bàn về cách thực hiện điều mà Bác đã đề nghị với Ban Bí thư Trung ương Đảng là làm và xuất bản loại sách “Người tốt, việc tốt”. Đây là thời điểm mà công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta ở miền Nam thu được nhiều thắng lợi quan trọng, nhưng cũng đặt ra những khó khăn thách thức mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các học viên dự lớp bồi dưỡng đảng viên mới của Đảng bộ Hà Nội ngày 14-5-1966. Ảnh: hochiminh.vn 

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở các cấp ủy, tổ chức Đảng và mỗi Đảng viên trong các cơ quan của Nhà nước, Chính phủ phải triệt để đấu tranh khắc phục tư tưởng sống thỏa mãn trong hào quang, chiến thắng của ngày hôm qua; phải luôn tiến về phía trước, đấu tranh loại trừ ra khỏi hàng ngũ những người “sa vào chủ nghĩa cá nhân” không còn đủ tư cách, những cán bộ tha hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu nhân dân, nhằm đẩy lùi nguy cơ lớn đang đe dọa sự sống còn của Đảng, của chế độ.

Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là thành tựu sau hơn 30 năm đổi mới. Lời dạy của Bác năm xưa vẫn còn nguyên giá trị, là tư tưởng chỉ đạo, bài học thực tiễn sâu sắc để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, Quân đội nhân dân Việt Nam đã trưởng thành về mọi mặt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, thực sự là lực lượng chính trị, lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Tư tưởng của Người đã, đang, và sẽ tiếp tục là ánh sáng soi đường, bảo đảm cho quân đội luôn tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng; không mơ hồ, mất cảnh giác trong mọi tình huống. Đồng thời, nhận thức sâu sắc lời dạy của Người, mỗi cán bộ, chiến sĩ sẽ kiên quyết đấu tranh chống lại chủ nghĩa cá nhân; khơi dậy tinh thần thi đua sáng tạo, phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 18-6-1959. 

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 18-6-1959 đăng hai bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổng thống Indonesia Sukarno trong chuyến thăm của Người đến Indonesia vào tháng 3-1959. Cũng trong trang báo này, Báo Quân đội nhân dân trích đăng lời của Tổng thống Sukarno trong cuộc mít tinh chào mừng Hồ Chủ tịch sang thăm Indonesia ngày 5-3-1959, nhấn mạnh hai nhà lãnh đạo là biểu trưng cho mối quan hệ chặt chẽ, tình hữu nghị thắm thiết giữa hai nước Việt Nam và Indonesia.

 
TRUNG THÀNH (Tổng hợp)