Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 15-6-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm. 

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 15-6

Sự kiện trong nước

- Ngày 15-6-1896 là ngày sinh nhà yêu nước, nhà hoạt động cách mạng Hồ Tùng Mậu. Hồ Tùng Mậu sinh ra tại làng Quỳnh Đôi (nay là xã Quỳnh Đôi), huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông hy sinh trên đường đi công tác ở Thanh Hóa ngày 23-7-1951.

leftcenterrightdel
Bác Hồ và đồng chí Hồ Tùng Mậu. Ảnh: hochiminh.vn 

Hồ Tùng Mậu là một nhà yêu nước và cách mạng trí thức bản lĩnh, người học trò trung thành và xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Gần như cả cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí đều gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; suốt đời đi theo tư tưởng của Người là độc lập và tự do cho Tổ quốc; dân tộc gắn với giai cấp và thời đại; độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội.

31 năm hoạt động cách mạng, trong đó 14 năm trong lao tù đế quốc, đồng chí Hồ Tùng Mậu đã thể hiện rõ là người cộng sản tiền bối, kiên trung, thực sự hòa mình vào quần chúng, cống hiến trọn đời cho Tổ quốc, cho nhân dân. Tên tuổi và những cống hiến của đồng chí Hồ Tùng Mậu đã đi vào lịch sử của cách mạng Việt Nam.

- Ngày 15-6-1951 là Ngày truyền thống của Học viện Hậu cần. Cách đây 71 năm, vào tháng 5-1951, trước yêu cầu phát triển của quân đội, Lớp Huấn luyện Cán bộ Cung cấp đầu tiên (tiền thân của Học viện Hậu cần ngày nay) đã ra đời tại xóm Hạ, bản Khuôn Lồng, xã Yên Đổ, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Sau một tháng huấn luyện, ngày 15-6-1951, Lớp Huấn luyện cán bộ Cung cấp đầu tiên vui mừng được đón nhận thư thăm hỏi, động viên và căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để ghi nhớ những lời dạy của Bác, ngày 15-6 được chọn là Ngày Truyền thống của Học viện Hậu cần.

Trải qua hơn 7 thập kỷ xây dựng và trưởng thành, với những thay đổi cả về tên gọi, tổ chức, biên chế, địa bàn đóng quân nhưng nhà trường đã không ngừng phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng; đồng thời luôn giữ vững chất lượng huấn luyện, đào tạo. Ngoài đào tạo cán bộ, nhân viên hậu cần quân sự, sinh viên đại học, trung học dân sự, nhà trường đã phối hợp đào tạo hàng nghìn cán bộ hậu cần cho quân đội hai nước Lào và Campuchia. Hầu hết những cán bộ do nhà trường đào tạo đều đảm nhiệm và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; nhiều đồng chí phát triển trở thành tướng lĩnh, cán bộ lãnh đạo, các nhà khoa học có uy tín trong và ngoài quân đội.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo và cán bộ, giảng viên Học viện Hậu cần tham quan khu trưng bày về truyền thống 70 năm của học viện. 

- Nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, ngày 15-6-1971, Trung đoàn Pháo Phòng không 71 (tiền thân của Lữ đoàn 71, Quân đoàn 4 ngày nay) được thành lập. Đây là đơn vị phòng không chủ lực đầu tiên trên chiến trường miền Nam.

Qua hơn 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dấu chân của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn in khắp chiến trường miền Đông Nam Bộ và nước bạn Campuchia, xây đắp nên truyền thống: “Kiên cường, dũng cảm; đoàn kết hiệp đồng; tự lực, tự cường; đã đánh là thắng”, góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của dân tộc. Với những thành tích đó, Lữ đoàn đã được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý.

- Ngày 15-6-1993 là Ngày truyền thống ngành Thi hành án Quân đội. Ngày 15-6-1993, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký Quyết định số 247/QĐ-BQP thành lập Phòng Quản lý thi hành án Bộ Quốc phòng (nay là Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng) trực tiếp chỉ đạo nhận bàn giao công tác thi hành án dân sự từ Tòa án quân sự các cấp sang cơ quan thi hành án và thực hiện quản lý nhà nước về thi hành án dân sự trong Quân đội từ tháng 6-1993. Ngày 29-8-2017, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định số 3596/QĐ-BQP công nhận ngày 15-6-1993 là ngày truyền thống ngành Thi hành án Quân đội.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 15-6-1219 là ngày ra đời của quốc kỳ Đan Mạch, quốc kỳ lâu đời nhất trên thế giới. Quốc kỳ Đan Mạch được biết đến với tên gọi Dannebrog có nghĩa là “Tấm vải của Đan Mạch”.

leftcenterrightdel
Quốc kỳ Đan Mạch. Ảnh: denmark.dk 

Sự ra đời của quốc kỳ Đan Mạch gắn liền với một truyền thuyết vẫn được lưu truyền cho đến ngày nay. Truyền thuyết kể rằng, khi quân đội do vua Đan Mạch Valdemar Sejr (Valdemar the Victorious) đứng đầu đang gặp khó khăn trong một cuộc thập tự chinh ở Estonia diễn ra vào ngày 15-6-1219, một vị tổng giám mục đã cầu nguyện và một lá cờ màu đỏ với chữ thập màu trắng từ trên trời rơi xuống. Sau khi nhận được lá cờ, quân Đan Mạch đã giành chiến thắng.

Truyền thuyết này lần đầu tiên được các nhà sử học đề cập đến vào đầu thế kỷ 16. Kể từ năm 1913, ngày 15-6 công nhận là một trong những ngày quốc kỳ tại Đan Mạch và được biết đến với tên gọi Ngày Valdemar và Ngày đoàn tụ. Vào ngày này, người dân trên khắp cả nước treo cờ để nhớ về nguồn gốc của quốc kỳ Đan Mạch.

- Ngày 15-6-1843 là ngày sinh nhà soạn nhạc người Na Uy Edvard Hagerup Grieg. Ông được biết đến là người khai sáng nền âm nhạc cổ điển của Na Uy với nhiều tác phẩm nổi tiếng được yêu thích trên toàn thế giới.

leftcenterrightdel
 Nhà soạn nhạc người Na Uy Edvard Grieg. Ảnh: britannica.com

- Ngày 15-6-1954, Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA), cơ quan điều hành và kiểm soát bóng đá châu Âu, được thành lập tại Basel, Thụy Sĩ. Đây là một trong sáu liên đoàn châu lục của cơ quan quản lý bóng đá thế giới FIFA.

Theo dấu chân người

- Ngày 15-6-1931, nhiều tài liệu do Nguyễn Ái Quốc viết bị cảnh sát tìm thấy ở văn phòng của Hile Nulen (Hilaire Noulens) - Thư ký Chi nhánh Ban Phương Đông, Quốc tế Cộng sản khi ông này bị bắt ở Thượng Hải.

- Ngày 15-6-1950, Báo “Sự Thật” số 135 đăng “Thư gửi đồng bào các tỉnh có đê” trong đó Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Mấy năm nay, ta đã thắng luôn giặc lụt. Năm nay, ta cũng phải thắng, vì toàn thể đồng bào, từ các cụ phụ lão cho đến các cháu nhi đồng đều kiên quyết chống giặc lụt, cũng như kiên quyết chống giặc ngoại xâm. Đồng bào hãy cố gắng lên”.

- Ngày 15-6-1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Quân khu 4 và nói chuyện với đại biểu các đơn vị quân đội trong quân khu. Sau khi biểu dương thành tích về sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, cố gắng học tập và công tác, giúp nhân dân trong công tác sửa sai và phòng, chống thiên tai, Người nhắc nhở cán bộ và chiến sĩ phải sửa chữa các khuyết điểm: Tinh thần cảnh giác chưa đầy đủ; một số cán bộ, chiến sĩ còn có biểu hiện công thần, suy bì ghen tị; ý thức lao động chưa đầy đủ; ý thức kỷ luật quân đội có lúc biểu hiện chưa nghiêm.

leftcenterrightdel
Bác Hồ nói chuyện với Hội nghị cán bộ tỉnh Hà Tĩnh nhân dịp Bác về thăm tỉnh Hà Tĩnh ngày 15-6-1957. Ảnh tư liệu

Người nêu rõ những nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ trong quân khu là phải nâng cao cảnh giác cách mạng; làm tốt công tác học tập và chỉnh huấn chính trị; cố gắng học tập nâng cao trình độ kỹ thuật quân sự và nghiệp vụ; chống tham ô, lãng phí; nâng cao kỷ luật lao động và ý thức tiết kiệm; thực hành đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, đoàn kết Bắc - Nam.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm tỉnh Hà Tĩnh. Nói chuyện với đại biểu cán bộ, đảng viên các cơ quan và đoàn thể trong tỉnh, Người nhấn mạnh nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên tỉnh Hà Tĩnh là phải cố gắng sửa sai cho tốt, gọn; chú ý tăng gia sản xuất; cán bộ phải gương mẫu, liên hệ mật thiết với quần chúng; phải đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết nội bộ, đoàn kết nhân dân.

(Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2010 và Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2009)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Phải chống tham ô lãng phí. Phải làm sao cho trong quân đội ta không có tham ô lãng phí. Phải nâng cao ý thức và kỷ luật lao động. Phải nâng cao ý thức tiết kiệm”. Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi nói chuyện với các đơn vị quân đội tại Quân khu 4, ngày 15-6-1957.

Sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội; miền Nam tiếp tục cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Để động viên khích lệ tinh thần học tập, lao động, chiến đấu của cả dân tộc, trong đó có lực lượng vũ trang, khi đến thăm các đơn vị quân đội tại Quân khu 4, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 3 điều khen ngợi, 4 điều phê bình, 5 điều dặn dò. Trong 5 điều dặn dò thì điều thứ 4 là “Phải chống tham ô lãng phí. Phải làm sao cho trong quân đội ta không có tham ô lãng phí. Phải nâng cao ý thức và kỷ luật lao động. Phải nâng cao ý thức tiết kiệm”.

leftcenterrightdel
Bác Hồ với cán bộ, chiến sĩ Quân khu 4, năm 1957. Ảnh tư liệu

Lời nói trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, không chỉ thể hiện sự quan tâm của Đảng, Bác Hồ đối với lực lượng vũ trang, mà còn thể hiện quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong việc đấu tranh chống tham ô lãng phí, một “loại giặc” rất nguy hiểm tồn tại ngay trong chính bản thân mỗi con người, làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, cản trở sự phát triển bền vững của đất nước, cần phải kiên quyết đấu tranh.

Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam ra sức học tập, rèn luyện, trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, năng lực chuyên môn nghiệm vụ; chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm; kiên quyết đấu tranh phòng chống, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh; cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2897 ra ngày 15-6-1969 đăng hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự Lễ mít tinh chào mừng sự ra đời của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hà Nội.

leftcenterrightdel
Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự Lễ mít tinh chào mừng sự ra đời của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hà Nội đăng trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2897 ra ngày 15-6-1969. 

Trước đó, Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam đã họp và nhất trí bầu ra Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn bên cạnh chính phủ. Sự kiện lịch sử này đánh dấu một bước tiến mới trên con đường kháng chiến thắng lợi của quân và dân miền Nam anh hùng, nói lên ý chí của đồng bào và chiến sĩ miền Nam quyết tăng cường đoàn kết, kiên trì chiến đấu chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

leftcenterrightdel
 

TRẦN HOÀI (tổng hợp)