Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 14-6-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 14-6

Sự kiện trong nước

- Ngày 14-6-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã số 1 thôn Kiều Mai, xã Trần Phú (nay thuộc xã Phú Minh, huyện Từ Liêm, Hà Nội) giữa lúc bà con đang thu hoạch vụ chiêm, chuẩn bị vụ mùa.

Ra thẳng cánh đồng Song, nơi các xã viên đang gặt lúa, Người thân mật hỏi chuyện mọi người và căn dặn bà con: "Muốn phát triển sản xuất tốt, trước hết các xã viên phải đoàn kết như anh em một nhà. Đoàn kết là sức mạnh. Đoàn kết thì khó khăn mấy cũng làm được, cũng vượt qua được. Cán bộ phải gương mẫu, ban quản trị làm việc phải chí công vô tư, sổ sách tài chính phải minh bạch và phải cố gắng thi đua với Đại Phong".

- Ngày 14-6-1987, nhà nhà văn Vũ Ngọc Phan qua đời tại Hà Nội. Ông sinh ngày 8-9-1902 tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống Nho giáo lâu đời. Trong gần 60 năm theo đuổi nghiệp văn, nhà văn Vũ Ngọc Phan đã để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ về sáng tác, dịch thuật, đặc biệt về nghiên cứu, phê bình văn học.

leftcenterrightdel
Nhà văn Vũ Ngọc Phan và vợ - nhà thơ Lê Hằng Phương. Ảnh: hanoimoi.com.vn 

Các tác phẩm của nhà nghiên cứu vǎn học Vũ Ngọc Phan gồm có: "Nhà vǎn hiện đại", “Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam”, "Trên đường nghệ thuật", "Hồi ký" và một số truyện ký.

Năm 1996, nhà văn Vũ Ngọc Phan được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho những công trình biên soạn về văn học dân gian tiêu biểu của ông.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 14-6-1736 là ngày sinh của nhà vật lý người Pháp Charles-Augustin de Coulomb, người đã đưa ra định luật cơ bản về lực tác dụng giữa các điện tích (định luật Coulomb). Ông còn được biết đến với những nghiên cứu về sự ma sát trong các máy, về cối xay gió, về tính đàn hồi của kim loại và sợi.

- Ngày 14-6-1868 là ngày sinh của giáo sư người Mỹ gốc Áo Karl Landsteiner, người đã đoạt giải Nobel năm 1930 vì những khám phá của ông về nhóm máu. Những công trình nghiên cứu về nhóm máu của ông đã mang lại bước tiến quan trọng cho lịch sử truyền máu thế giới.

Ngoài ra, Karl Landsteiner và nhà vi khuẩn học người Romania Constantin Levaditi đã phát hiện một vi sinh vật gây ra bệnh bại liệt và đặt cơ sở cho sự phát triển của vắc-xin phòng bệnh bại liệt.

leftcenterrightdel
Giáo sư người Mỹ gốc Áo Karl Landsteiner, người đã mang lại bước tiến quan trọng cho lịch sử truyền máu thế giới. Ảnh: Getty Images

- Ngày 14-6-1985, Hiệp ước Schengen được một số thành viên Liên minh châu Âu (EU) gồm Bỉ, Pháp, Tây Đức (sau này là Đức), Luxembourg và Hà Lan thông qua. Hiệp ước này bắt đầu có hiệu lực từ năm 1995, cho phép miễn thị thực xuất nhập cảnh đối với công dân của 26 nước châu Âu, bao gồm 22 nước thành viên EU cùng với Na Uy, Thụy Sĩ, Iceland và Liechtenstein. Công dân thuộc danh sách nói trên hoặc người có thị thực Schengen được cấp tại bất kỳ nước nào trong số 26 quốc gia nêu trên đều được đi lại tự do trong khu vực này.

Kể từ khi ra đời, Hiệp ước Schengen không chỉ có ý nghĩa về mặt chính trị, mà nó còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với kinh tế châu Âu. Hiệp ước đã giúp các nước thành viên hình thành nên những mối quan hệ đối tác thương mại gần gũi hơn, thúc đẩy mạnh mẽ xuất nhập khẩu và thu hút khách du lịch.

- Nhằm tri ân, tôn vinh và khuyến khích những người hiến máu, năm 2004, Tổ chức Y tế thế giới, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Hội Truyền máu quốc tế và Liên đoàn quốc tế các tổ chức người hiến máu đã thống nhất lấy ngày 14-6 là Ngày quốc tế Người hiến máu (World Blood Donor Day).

leftcenterrightdel
Ngày quốc tế Người hiến máu nhằn tri ân và tôn vinh những người hiến máu tình nguyện.  

Mục đích của Ngày quốc tế Người hiến máu không phải chỉ để vận động được nhiều người hiến máu vào dịp này mà là để kêu gọi các quốc gia, kêu gọi cộng đồng ghi nhận và tổ chức các sự kiện nhằm tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của những người đã hiến máu. Chính nhờ những nghĩa cử này mà hằng năm trên thế giới có hàng trăm triệu lượt người được cứu sống nhờ có máu để truyền.

Theo dấu chân người

- Ngày 14-6-1922, Nguyễn Ái Quốc được chấp nhận vào Hội Tam điểm (Franc-Maconnerie) và đã dự nghi lễ chấp nhận được tổ chức tại Trụ sở của Liên hội quốc tế, số 94 đại lộ Đơ Xuypphơren (De Suffren), Paris. Nguyễn Ái Quốc vào hội với ý thức muốn tìm hiểu mặt tiến bộ của tổ chức này. Tuy nhiên, đến tháng 12 năm đó, Nguyễn Ái Quốc đã rút khỏi hội.

- Ngày 14-6-1946, báo Cứu quốc số 266 đăng bài viết Noi gương anh em Tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh Q.T.

Trong bài viết, Người biểu dương những việc làm tốt của Tự vệ chiến đấu thành Hoàng Diệu về các mặt sinh hoạt, học tập, công tác và khen ngợi: "Anh em Tự vệ chiến đấu thành Hoàng Diệu thật đáng làm gương cho không những tự vệ các địa phương mà cho cả các hạng thanh niên nữa".

- Ngày 14-6-1966, Bác gửi thư khen đồng bào, bộ đội và cán bộ tỉnh Quảng Bình với lời biểu dương: “Trước đây, Quảng Bình là tỉnh đầu tiên bắn rơi 100 máy bay Mỹ. Nay Quảng Bình lại là tỉnh đầu tiên bắn rơi 200 máy bay Mỹ”. Người nhắc nhở: “Địch càng thất bại thì càng điên cuồng hung dữ. Vì vậy, quân và dân tỉnh ta chớ vì thắng lợi mà chủ quan khinh địch; cần phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, ra sức thi đua với quân và dân miền Nam anh hùng, cố gắng chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi hơn nữa, cùng đồng bào cả nước kiên quyết chống Mỹ, cứu nước cho đến thắng lợi hoàn toàn”.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các anh hùng, dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc ngày 28-2-1969. Ảnh: hochiminh.vn 

- Ngày 14-6-1969, tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia Đoàn Chủ tịch cuộc mít tinh chào mừng sự ra đời của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Người cùng các đồng chí trong Đoàn Chủ tịch đã hỏi thăm tình hình chăm sóc các cháu miền Nam đang học tập ở miền Bắc. Người căn dặn: Vì kháng chiến chống Mỹ mà các cháu phải xa gia đình, xa quê hương, nên ngoài việc nuôi dưỡng, dạy dỗ các cháu, cần có tình cảm, phải thật sự thương yêu các cháu.

(Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2010 và Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2009)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất, nó giúp cho Đảng ta mạnh và ngày càng thêm mạnh. Nhờ nó mà chúng ta sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, tiến bộ không ngừng”. Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài viết nói về phê bình trong Đảng đăng trên Báo Nhân dân số 468 ra ngày 14-6-1955 với bút danh C.B.

Đây là thời điểm đất nước vừa có hòa bình, vừa có chiến tranh. Trong khi miền Bắc mới bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, kiến thiết đất nước, còn nhiều khó khăn, thử thách, miền Nam tiếp tục cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

leftcenterrightdel
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất, nó giúp cho Đảng ta mạnh và ngày càng thêm mạnh. Ảnh: hochiminh.vn 

Lời dạy của Bác có ý nghĩa to lớn, khẳng định tự phê bình và phê bình là nguyên tắc quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, là thứ vũ khí sắc bén, giúp cho Đảng ta ngày càng mạnh thêm. Thông qua tự phê bình Đảng mới gột rửa được những hạn chế, yếu kém, những thói hư tật xấu, làm cho dân tin, dân theo Đảng; đồng thời nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao bản lĩnh chính trị, ngăn ngừa biểu hiện tự cao, tự đại, mạnh dạn công khai tự phê bình, chân thành tiếp thu sự phê bình của người khác. Chống biểu hiện khi phê bình, giáo dục nhưng vẫn bảo thủ, trì trệ... Thực hiện tốt việc tự phê bình và phê bình chính là góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, Đảng bộ Quân đội luôn nêu cao ý thức chính trị; gương mẫu đi đầu trong triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về công tác xây dựng Đảng, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường công tác quản lý, giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ đảng viên; đề cao tinh thần đấu tranh, thực hành tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng; coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, xây dựng sự đoàn kết, thống nhất nội bộ; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, thờ ơ, vô cảm… xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2171 ra ngày 14-6-1967 đăng lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giặc Mỹ dùng bao nhiêu bom đạn đánh phá cũng không ngăn nổi bước tiến mạnh mẽ của nhân dân ta, không chia cắt được tình đoàn kết Bắc Nam ruột thịt. Lòng yêu nước nồng nàn và khí phách anh hùng của dân tộc ta, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của nhân dân ta càng lên cao hơn bao giờ hết”.

leftcenterrightdel
Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2171 ra ngày 14-6-1967. 

Lời của Người đã khẳng định tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước nồng nàn và khí phách anh hùng của người dân Việt Nam. Bom đạn, khó khăn, gian khổ chỉ làm cho sợi dây đoàn kết càng bền chặt và làm cho dân ta thêm quyết tâm để đi đến thắng lợi cuối cùng.  

Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2896 ra ngày 14-6-1969 đã đưa tin về buổi tiếp của Hồ Chủ tịch dành cho đoàn đại diện đặc biệt của Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Trong buổi tiếp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ân cần hỏi thăm sức khỏe các bị trong đoàn. Người đã nhờ đoàn chuyển lời khen ngợi đồng bào, bộ đội, các phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng miền Nam đã luôn luôn đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu anh dũng, thắng lợi vẻ vang.

leftcenterrightdel
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2896 ra ngày 14-6-1969. 
leftcenterrightdel
 

TRẦN HOÀI  (tổng hợp)