Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 13-6-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm. 

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 13-6

Sự kiện trong nước

- Ngày 13-6-1927 là ngày mất của Lương Vǎn Can. Lương Vǎn Can sinh nǎm 1854 trong một gia đình nghèo ở xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội). Ông được xem là nhà giáo dục, nhà yêu nước lớn của nước ta đầu thế kỷ XX.

leftcenterrightdel
Chân dung Lương Văn Can. Ảnh: baotanglichsu.vn

Nǎm 20 tuổi ông đỗ cử nhân và dạy học ở Hà Nội. Nǎm 1907, Lương Văn Can cùng với một số sĩ phu yêu nước tiến bộ thành lập Trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Trường tổ chức nhiều hoạt động truyền bá tư tưởng yêu nước, nâng cao dân trí, phát triển và cổ xúy văn hóa dân tộc theo xu hướng mới. Trước ảnh hưởng to lớn của Đông Kinh Nghĩa Thục, thực dân Pháp hoảng sợ đã ra lệnh đóng cửa trường vào cuối năm 1907, bắt giam Lương Văn Can và một số giáo viên. Ông bị giặc xử phạt 10 năm tù và đầy đi biệt xứ sang Phnôm Pênh (Cam-pu-chia).

Năm 1921, sau khi được thả, Lương Văn Can tiếp tục sự nghiệp dạy học, viết nhiều sách tuyên truyền yêu nước như "Gia huấn", "Hán tự quốc âm"... Đặc biệt “Kim cổ cách ngôn” và “Thương học châm ngôn” được coi là hai cuốn sách bàn cách làm giàu đầu tiên của Việt Nam. Vì thế Lương Văn Can còn được gọi là “người thầy của doanh nhân Việt Nam”...

- Ngày 13-6-1950 là Ngày thành lập lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Vĩnh Phúc. Cách đây hơn 70 năm, ngày 13-6-1950, trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, Tiểu đoàn 64 (tiền thân của LLVT tỉnh Vĩnh Phúc) được thành lập tại thôn Song Vân, xã Nguyễn Huệ (nay là xã Vân Trục, huyện Lập Thạch). Sau ngày thành lập, LLVT tỉnh đã lập nhiều chiến công xuất sắc, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Trong thời bình, LLVT tỉnh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai, thực hiện đồng bộ và có hiệu quả công tác quân sự – quốc phòng, xây dựng LLVT vững mạnh toàn diện, phối hợp bảo đảm tốt an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

- Ngày 13-6-1972, Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệnh nghĩa vụ lao động trong thời chiến nhằm động viên mọi công dân trong tuổi lao động và có sức lao động để đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược và tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.  

- Ngày 13-6-1979 là Ngày thành lập Cục Kỹ thuật, Binh chủng Pháo binh. Để đáp ứng yêu cầu công tác kỹ thuật pháo binh trong tình hình mới, ngày 13-6-1979, Bộ Tổng Tham mưu đã ra Quyết định số 493 thành lập Phòng Kỹ thuật pháo binh. Phòng có nhiệm vụ giúp thủ trưởng bộ tư lệnh chỉ đạo toàn diện công tác kỹ thuật các đơn vị pháo binh dự bị và pháo binh toàn quân.  

leftcenterrightdel
Cục Kỹ thuật, Binh chủng Pháo binh đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì năm 2019. 

- Ngày 13-6-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 42/2011/NĐ-CP quy định những trường hợp công dân thuộc diện thực hiện nghĩa vụ quân sự đang làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 13-6-1831 là ngày sinh nhà vật lý người Scotland James Clerk Maxwell. Ông nổi tiếng các công trình liên quan lý thuyết điện từ. Ông được hầu hết các nhà vật lý hiện đại đánh giá là nhà khoa học của thế kỷ 19 có ảnh hưởng lớn nhất đến vật lý ở thế kỷ 20.

leftcenterrightdel
Thành viên ban nhạc huyền thoại The Beatles (từ trái sang: George Harrison, Ringo Starr, Paul McCartney, and John Lennon) năm 1963. Ảnh: britannica.com

- Ngày 13-6-1970, “The Long and Winding Road” trở thành đĩa đơn quán quân thứ 20 và cuối cùng của ban nhạc huyền thoại The Beatles tại Mỹ. The Beatles được thành lập năm 1960 tại Liverpool với 4 thành viên John Lennon, Paul McCartney, George Harrison and Ringo Starr. Với 20 đĩa đơn và 19 album đứng đầu bảng xếp hạng Billboard, 15 bản thu được lưu danh trong Grammy Hall of Fame, The Beatles được đánh giá là nhóm nhạc thành công nhất mọi thời đại. Âm nhạc của The Beatles đã vượt khỏi khuôn khổ giải trí đơn thuần mà đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật đầy tính nhân văn và sáng tạo.

- Ngày 13-6-2000, Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần thứ nhất đã được tổ chức, đánh dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực hòa giải hai miền và kiến tạo nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Kết thúc hội nghị, hai bên đã ký Tuyên bố chung.

leftcenterrightdel
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il (trái) đón Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung tại sân bay quốc tế Sunan ở thủ đô Bình Nhưỡng (Triều Tiên) vào ngày 13-6-2000. Ảnh: Korea Times

Theo dấu chân Người

- Tối ngày 13-6-1921, Nguyễn Ái Quốc và Phan Chu Trinh đến dự buổi họp của Ủy ban Nghiên cứu thuộc địa tại nhà số 2, đường Racine (Paris, Pháp).

- Tối ngày 13-6-1923, Nguyễn Ái Quốc bí mật rời Paris đi Liên Xô, đất nước mà Người mơ ước được đặt chân tới. Để đi thành công trong hoàn cảnh bị mật thám Pháp thường xuyên theo dõi, Nguyễn Ái Quốc đã mất một thời gian khá dài để chuẩn bị cho chuyến đi này.

leftcenterrightdel
Nguyễn Ái Quốc ở Liên Xô năm 1923. Ảnh: hochiminh.vn

- Ngày 13-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 198-SL, ấn định thủ tục thiết lập hoặc sửa đổi địa giới các đơn vị kháng chiến hành chính xã, huyện, tỉnh, thành phố, liên khu, trong thời kỳ kháng chiến.

- Ngày 13-6-1952, bài viết “Thanh niên hoạt động” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ký bút danh Đ.X.) đăng Báo Cứu quốc số 2098, giới thiệu những thành tích thi đua của thanh niên tỉnh Y vùng tạm bị chiếm trong công tác tuyên truyền vận động quần chúng, địch vận và tham gia bộ đội địa phương, dân quân du kích.

Tác giả kết luận: “Trăm năm trong cõi người ta

                     Thi đua kháng chiến, mới là thanh niên”.

- Ngày 13-6-1969, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại diện đặc biệt của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tại Hà Nội, do ông Nguyễn Văn Tiến làm trưởng đoàn, đến chào Người.

Người ân cần thăm hỏi từng thành viên trong đoàn và nhờ chuyển lời khen ngợi đồng bào, chiến sĩ, các cụ phụ lão, các cháu thanh thiếu nhi miền Nam đã đoàn kết, anh dũng chiến đấu giành thắng lợi vẻ vang.

(Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2010 và Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2006).

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Bất kỳ khó khăn gì, bất kỳ công việc to mấy ta đoàn kết đều làm được cả”. Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong Bài nói chuyện với đại biểu nhân dân tỉnh Thanh Hóa, ngày 13-6-1957.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đất nước vừa có hòa bình, vừa có chiến tranh. Miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.
leftcenterrightdel
Bác Hồ nói chuyện với các tầng lớp nhân dân Thanh Hóa ngày 13-6-1957. Ảnh: Bộ tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lời dạy của Bác đã chỉ rõ ý nghĩa, vai trò quan trọng của sự đoàn kết. Đoàn kết là sức mạnh, là khâu then chốt của mọi thành công. Đồng thời, Bác căn dặn đồng bào và nhân dân ta phải luôn nêu cao tinh thần vượt khó, đồng tâm hợp lực thì việc to mấy cũng làm được, cũng thành công. Đoàn kết còn chính là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Nhờ có tinh thần đoàn kết, đồng tâm, hợp lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân mà dân tộc ta đã đánh thắng kẻ thù hung bạo, giành độc lập, thống nhất đất nước, trở thành dân tộc tiêu biểu cho lương tri của nhân loại trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới ở thế kỷ XX và đạt được những thành tự to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, song lời dạy “Bất kỳ khó khăn gì, bất kỳ công việc to mấy ta đoàn kết đều làm được cả” vẫn còn nguyên giá trị, không những là tư tưởng, phương châm chỉ đạo mà còn là nguồn sức mạnh, động viên, thôi thúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy truyền thống đoàn kết, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Quán triệt sâu sắc lời dạy của Bác, mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, gắn bó; giữ vững và không ngừng củng cố tình đoàn kết quân dân, thực hiện quân với dân một ý; xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, là lực lượng nòng cốt cùng với toàn Đảng, toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2170 ra ngày 13-6-1967 đăng trang trọng lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã thu được thắng lợi vẻ vang.

Đồng bào và chiến sĩ ta quyết không sợ hy sinh gian khổ, kiên quyết chiến đấu vì độc lập tự do và thống nhất của Tổ quốc mình, đồng thời góp phần tích cực vào sự nghiệp độc lập dân tộc và bảo vệ hòa bình thế giới”.

leftcenterrightdel
Lời Chỉ tịch Hồ Chí Minh trích đăng trên Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 13-6-1967. 
leftcenterrightdel
 

TRẦN HOÀI (tổng hợp)