Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 16-6-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm. 

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 16-6

Sự kiện trong nước

- Ngày 16-6-1868, Nguyễn Trung Trực đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa của nông dân Kiên Giang chống lại thực dân Pháp xâm lược. Ông chỉ huy nghĩa quân đánh úp đồn Rạch Giá, tiêu diệt 5 sĩ quan và 67 lính địch, thu được nhiều vũ khí, đạn dược. 

Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Ảnh: Báo Long An.

- Ngày 16-6-1965, Nhà máy Z115 trực thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng được thành lập. Nhà máy có nhiệm vụ sản xuất các sản phẩm vũ khí, trang bị cho quân đội, đồng thời thiết kế, chế tạo các thiết bị, dây chuyền sản xuất theo chương trình động viên công nghiệp. Bên cạnh nhiệm vụ quốc phòng, nhà máy còn được Bộ Quốc phòng cho phép tận dụng năng lực hiện có để tham gia sản xuất các sản phẩm kinh tế phục vụ dân sinh.

- Ngày 16-6-1967, Trung đội nữ dân quân xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa đã bắn rơi 1 máy bay A-4 Skyhawk của Mỹ bằng súng máy phòng không 12,7mm. Đây là đơn vị nữ dân quân đầu tiên ở miền Bắc bắn rơi máy bay Mỹ bằng vũ khí bộ binh. Hơn 4 tháng sau đó, đơn vị tiếp tục bắn rơi 1 chiếc F-4 Phantom II của Mỹ. Trong cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc, các đơn vị nữ dân quân Thanh Hoá đã bắn rơi tổng cộng 7 máy bay địch.

14 cô gái của Trung đội nữ dân quân xã Hoa Lộc năm xưa. Ảnh: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.

- Ngày 16-6-1967, Bộ Công an ban hành Quyết định số 426/QĐ về việc thành lập “Phòng theo dõi Phong trào bảo vệ trị an và Xây dựng lực lượng Công an xã” gọi tắt là “Phòng theo dõi xã”. Đây là tổ chức chuyên trách đầu tiên tham mưu giúp Bộ trưởng chỉ đạo lực lượng công an các cấp thực hiện phương hướng, nội dung, biện pháp vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh chống mọi âm mưu hoạt động của lực lượng phản cách mạng, các loại tội phạm khác và chỉ đạo việc xây dựng lực lượng công an xã, nhằm đẩy mạnh công cuộc xây dựng xã vững mạnh về an ninh trật tự. 

 Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện tại Hội nghị Bảo vệ trị an miền núi năm 1963. Ảnh: hochiminh.vn.

Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4-1975), Bộ Công an đã tham mưu cho Đảng và Nhà nước thống nhất các phong trào, cuộc vận động nhân dân tham gia bảo vệ an ninh trật tự trong toàn quốc thành phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đồng thời lực lượng công an các cấp đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội tham mưu cho cấp uỷ Đảng, chính quyền tổ chức, vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Kể từ năm 2007, ngày 16-6-1967 đã được Bộ Công an quyết định chọn là Ngày truyền thống của lực lượng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Trải qua 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã có bước phát triển vững chắc và đạt được nhiều thành tích xuất sắc, khẳng định vị trí quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Lực lượng đã tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, biện pháp quan trọng, cơ bản, chiến lược, tạo sự chuyển biến tích cực về công tác vận động toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 16-6-1903, Hãng xe hơi Ford Motor được thành lập bởi Henry Ford. Ford Motor hiện là nhà sản xuất xe ô tô lớn thứ 5 trên thế giới theo số lượng xe bán ra trên toàn cầu. Trụ sở của hãng đặt tại thành phố Dearborn, Tiểu bang Michigan, Mỹ.

- Ngày 16-6-1911, International Business Machines Corporation (IBM), tập đoàn sản xuất máy tính hàng đầu của Mỹ, ra đời tại thành phố New York với tên gọi ban đầu là Computing - Tabulating - Recording Company (C-T-R). IBM là tập đoàn chuyên sản xuất và kinh doanh phần cứng, phần mềm của máy tính, cơ sở hạ tầng, dịch vụ máy chủ và tư vấn trong nhiều lĩnh vực từ máy tính lớn đến công nghệ nano.

Trụ sở đầu tiên của tập đoàn kể từ khi được đổi tên từ C-T-R thành IBM vào năm 1924. Ảnh: IBM.

- Ngày 16-6-1963, nữ phi hành gia người Liên Xô Valentina V. Tereshkova trở thành người phụ nữ đầu tiên du hành vào không gian sau khi hoàn thành 48 vòng bay quanh quỹ đạo trái đất trên tàu Phương Đông 6.

Theo dấu chân Người

- Ngày 16-6-1923, Cơ quan đặc mệnh toàn quyền của Liên bang Xô viết tại Berlin (Đức) cấp giấy thông hành để đến nước Nga cho Nguyễn Ái Quốc. Trên tấm giấy số 1829 ghi danh tính là “Chen Vang”, nghề nghiệp là thợ ảnh. Với tấm giấy này, Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị thực hiện ước mơ của mình là đến được đất nước của V.I. Lenin.

- Ngày 16-6-1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, Vụ châu Á và châu Đại Dương của Bộ Ngoại giao Pháp gửi văn bản đến Bộ trưởng Thuộc địa với tiêu đề “Về nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc”, trong đó cho biết, cơ quan lãnh sự của Pháp đang tích cực can thiệp với nhà cầm quyền Hồng Kông nhằm “giành lại Nguyễn Ái Quốc bằng cách dẫn độ hoặc nếu phương án này không thể thực hiện được thì quản thúc ông ta trong một thời gian nhất định tại một thuộc địa của Anh...” 

Còn trong một bức điện khẩn của Bộ Thuộc địa gửi cho chính quyền thực dân ở Hà Nội đã hí hửng về “Thành công mỹ mãn” của các cơ quan an ninh Pháp và Anh chứng tỏ mối quan tâm chung hàng đầu của các cường quốc thuộc địa ở Viễn Đông là phải phối hợp hành động. 

 Nhà tù Victoria, nơi giam giữ Nguyễn Ái Quốc thời gian Người bị bắt ở Hồng Kông (1931-1933). Ảnh: Hochiminh.vn.

- Ngày 16-6-1949, kết thúc phiên họp Hội đồng Chính phủ diễn ra trong hai ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết: “a) Mọi việc muốn thành công cần phải trông vào dân. Các kế hoạch chương trình cần phổ biến cho dân hiểu và vận động dân tham gia. b) Cán bộ cần chú ý giúp cho nhân viên quán xuyến công việc, trông xa và trông rộng, nhìn từ công việc chung. c) Trong kế hoạch thi đua của các Bộ, cần phải chú ý việc tuyên truyền trong dân... d) Các Bộ và các cơ quan phải luôn luôn giữ bí mật, quân sự hoá, chuẩn bị tinh thần và vật chất để sẵn sàng đối phó với mọi chuyển biến của thời cuộc”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2010 và Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia - Sự Thật, 2010).

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Đối với đồng sự, phải đoàn kết chặt chẽ, khuyên nhau, giúp nhau. Đối với dân chúng, phải thân cận, phải giúp đỡ họ mọi việc, phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu”.

Đây là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trích trong "Thư gửi các nhân viên cơ quan Chính phủ" viết vào ngày 16-6-1947. Sau khi đất nước giành được độc lập chưa được bao lâu, thực dân Pháp đã quay trở lại xâm lược. Việc xây dựng Chính phủ gặp không ít khó khăn, rất nhiều thách thức đặt ra cần phải được giải quyết kịp thời.

Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ảnh: hochiminh.vn.

Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thời điểm đó có ý nghĩa rất quan trọng, là tư tưởng chỉ đạo trong xây dựng Chính phủ thực sự là của dân, vì dân, phục vụ dân để dân tin, dân yêu và dân làm theo, đảm bảo cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, đấu tranh giải phóng dân tộc giành thắng lợi. Đồng thời, đây là cơ sở tập hợp lực lượng, huy động sức người, sức của, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng tâm, hợp lực đánh đuổi đế quốc thực dân, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, vững bước đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. 

Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, lời dạy của Bác tiếp tục là tư tưởng chỉ đạo, phương châm hành động để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta chung sức, đồng lòng xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Đoàn kết làm nên sức mạnh để vượt qua những khó khăn và hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ. Mỗi người cán bộ muốn phát huy sức mạnh đó không chỉ cần phối hợp chặt chẽ với đồng chí đồng đội, mà còn cần phải làm cho dân phục, dân yêu. 

Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy đối với cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam vừa là tình cảm đối với Bác Hồ kính yêu vừa là biện pháp thiết thực góp phần hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Do vậy, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần phải tăng cường xây dựng mối đoàn kết nội bộ, đoàn kết trên dưới đồng lòng giúp nhau cùng tiến bộ, xây dựng mối đoàn kết quân dân. Mỗi cán bộ, chiến sĩ phải thực sự trở thành hạt nhân đoàn kết, xứng đáng là quân đội của dân, do dân và vì dân, để dân tin, dân phục, dân yêu như lời Bác Hồ dạy.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trang 2 Báo Quân đội nhân số ra ngày 16-6-1979.

Trang 2 Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 16-6-1979 đăng ảnh chân dung “Đồng chí Hồ Chí Minh năm 1919” kèm bài viết “Quả bom chính trị bùng nổ ở Hội nghị Véc-xây” nhân kỷ niệm tròn 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” đến Hội nghị hòa bình Versailles (Véc-xây).

Bài viết khẳng định ý nghĩa quan trọng của Bản Yêu sách cũng như trí tuệ, tâm huyết, và tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự ra đời của Bản Yêu sách đánh dấu sự chuyển biến quan trọng trong nhận thức, tư tưởng của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc, một bước ngoặt trên hành trình tìm đường cứu nước của Người. Đây cũng là sự kiện mở đầu cho cuộc đấu tranh đòi quyền dân tộc cơ bản, quyền tự quyết thiêng liêng của các dân tộc thuộc địa trong những năm đầu thế kỷ 20.

 

TRUNG THÀNH (tổng hợp)