Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 15-2-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 15-2
Sự kiện trong nước
Ngày 15-2-1943: Anh hùng nhỏ tuổi Kim Đồng đã anh dũng hy sinh khi mới 14 tuổi tại Cao Bằng. Liệt sĩ Kim Đồng, tên thật là Nông Vǎn Dền, sinh nǎm 1929, người dân tộc Nùng, quê ở xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Tham gia cách mạng từ nǎm 11 tuổi, làm giao thông liên lạc cho các cán bộ hoạt động bí mật. Tuy còn nhỏ tuổi, Kim Đồng đã rất dũng cảm, thông minh - không sợ nguy hiểm, gian khổ. Tháng 7-1997, Kim Đồng được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
 |
Khu di tích mộ anh hùng liệt sĩ Kim Đồng. (Ảnh: caobangtourism.vn) |
Ngày 15-2-1961: Một hội nghị quân sự quan trọng được tổ chức tại chiến khu Đ ở Nam Bộ. Hội nghị quyết định thống nhất tất cả các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam thành Quân giải phóng miền Nam và đặt dưới sự chỉ huy chung là Bộ tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam. Đại biểu của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam đã trao cho quân đội và các binh chủng thuộc quân giải phóng quân kỳ có dòng chữ: "Giải phóng quân anh dũng chiến thắng".
Ngày 15-2-1966: Nhà máy A34 thuộc Cục Kỹ thuật của Quân chủng Phòng không - Không quân được thành lập. Năm 1965, cách mạng miền Nam chuyển sang thế tiến công, Bộ Quốc phòng xác định cần phải bổ sung thêm lực lượng phòng không cho các đơn vị. Theo đó, nhiều trung đoàn pháo cao xạ được thành lập. Để đáp ứng yêu cầu sửa chữa pháo phòng không, ngày 15-2-1966, Bộ Quốc phòng đã ký quyết định thành lập Xưởng sửa chữa Pháo Cao xạ mang tên A34. Với nhiệm vụ sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật phòng không tầm thấp, xe-máy đặc chủng, sản xuất oxy, vật tư, phụ tùng, bảo đảm kỹ thuật cho các đơn vị trong quân chủng và lực lượng phòng không toàn quân làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu.
 |
Đoàn viên công đoàn Nhà máy A34 sửa chữa, hiệu chỉnh tổ hợp Pháo PK Zcy-23-4 tại Phân xưởng Zcy-23. (Ảnh: phongkhongkhongquan.vn/ |
Đầu năm 1967, đế quốc Mỹ mở rộng đánh phá miền Bắc làm cho vũ khí, trang bị kỹ thuật phòng không hư hỏng nhiều. Chấp hành mệnh lệnh của trên, tháng 4-1968, Xưởng A34 trực tiếp tổ chức một xưởng tiền phương mang phiên hiệu A50 gồm 100 cán bộ, chiến sĩ ngày đêm bám sát đơn vị từ thành phố Vinh, đến ngã ba Đồng Lộc, ngã ba Giang Sơn, trực tiếp sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật cho các đơn vị. Với những đề tài được áp dụng và đạt hiệu quả cao trong chiến đấu hiệp đồng binh chủng tại chiến trường Bắc Quảng Trị, ngày 22-6-1972, xưởng đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai, và phân xưởng sửa chữa pháo được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Giai đoạn 1975-1999, sau nhiều lần tách, nhập quân chủng, dẫu có nằm trong biên chế của Cục Hậu cần hay Cục Kỹ thuật, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ của Xưởng A34 vẫn luôn nỗ lực cố gắng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Thực hiện chủ trương sắp xếp, điều chỉnh lại lực lượng trong quân đội, ngày 10-8-2001 Nhà máy A36 và Xưởng A34 được sáp nhập thành Nhà máy A34, đồng thời lấy ngày 15-2-1966 là ngày truyền thống của Nhà máy.
Ngày 15-2-1992: Công ty Hải Thành (Quân chủng Hải Quân) được thành lập. Cách đây tròn 30 năm, trước yêu cầu nhiệm vụ đón tiếp, phục vụ khách quốc phòng và đối ngoại quân sự của Quân chủng Hải quân, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Công ty kinh doanh dịch vụ Nhà khách và du lịch Hải Thành thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân.
Sự kiện quốc tế
Ngày 15-2-1564: Nhà vật lí, nhà toán học và nhà thiên văn học người Italia Galileo Galilei chào đời tại Pisa. Galileo Galilei theo học ngành y tại Đại học Pisa nhưng sau đó đã đổi sang học triết học và toán học. Năm 1589, Galileo trở thành giáo sư toán học tại Pisa, nhưng tới năm 1592, ông đã chuyển sang làm giáo sư toán tại Đại học Padua và giữ vị trí này cho đến năm 1610. Galilei đã có những đóng góp cơ bản cho nền khoa học vật lý chuyển động, thiên văn học và sức bền của vật liệu. Những công thức của ông về quán tính, định luật rơi của vật thể và quỹ đạo Parabol đã đánh dấu sự khởi đầu cho thay đổi cơ bản trong lĩnh vực nghiên cứu chuyển động. Ông cũng được xem là người cách mạng hóa nền thiên văn học với những khám phá về kính viễn vọng. Ông mất ngày 8-1-1642 tại Arcetri.
 |
Nhà vật lí, nhà toán học và nhà thiên văn học người Italia Galileo Galilei |
Ngày 15-2-1976: Hiến pháp đầu tiên sau cách mạng của Cuba được thông qua trong một cuộc trưng cầu dân ý, đề ra hệ thống chính quyền và pháp luật dựa trên mô hình của Liên Xô và Đông Âu.
Theo dấu chân Người
Ngày 15-2-1946: Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp với đại diện các đoàn thể chính trị để bàn tổ chức Chính phủ Liên hiệp sẽ chính thức ra mắt vào dịp Quốc hội được triệu tập.
Ngày 15-2-1961: Người gửi lời chúc mừng năm mới tới đồng bào trong nước và ở nước ngoài. Trong thư Bác viết: “Năm nay là năm Sửu, các cụ ta quen gọi là “Tết con Trâu”. Trâu thì cày giỏi mà chọi cũng hăng. Toàn dân ta đoàn kết đấu tranh thì chúng ta nhất định xây dựng thành công một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Người kết thúc bức thư bằng những vần thơ:
Mừng năm mới, mừng xuân mới,
Mừng Việt Nam, mừng thế giới,
Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh,
Kế hoạch năm năm thêm phấn khởi.
Chúc miền Bắc hăng hái thi đua!
Chúc miền Nam đoàn kết tiến tới!
Chúc hoà bình thống nhất thành công!
Chúc Chủ nghĩa xã hội thắng lợi!
Ngày 15-2-1965: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã Hồng Thái, huyện Ninh Giang và xã Nam Chính, huyện Nam Sách, Hải Dương. Tại Hợp tác xã Hồng Thái, lá cờ đầu trong phong trào thủy lợi toàn miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với hơn 3.000 cán bộ, nhân dân và bộ đội tỉnh Hải Dương. Người khen ngợi thành tích của cán bộ, nhân dân tỉnh Hải Dương nói chung và Hợp tác xã Hồng Thái nói riêng; nêu rõ những thành tựu đã đạt được từ sau cải cách ruộng đất, phân tích ưu điểm, khuyết điểm và chỉ ra phương hướng phấn đấu của cán bộ, nhân dân trong tỉnh.
 |
Thăm xã Nam Chính (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương), Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa mới, đào giếng để có nước sạch. (Ảnh tư liệu) |
Tại xã Nam Chính, một trong những xã có phong trào vệ sinh phòng bệnh khá nhất tỉnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm một số gia đình, xem giếng nước, nhà tắm và công trình vệ sinh, hỏi thăm sức khỏe và đời sống của bà con xã viên.
Chiều cùng ngày, Bác Hồ thăm đền thờ Nguyễn Trãi tại Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương). Tại khu vực chùa Côn Sơn, Người đã đọc kỹ bia đá dựng ở sân chùa ghi công đức các nhà hảo tâm đóng góp xây dựng và tu bổ chùa.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc văn bia tại chùa Côn Sơn, tỉnh Hải Dương ngày 15-2-1965. (Ảnh tư liệu)
|
Ngày 15-2-1969: Bác Hồ gửi tặng lẵng hoa cho một số cơ quan, đơn vị ở Hà Nội như khối 30 khu phố Đống Đa, phân đội 5 Đoàn Công an vũ trang bảo vệ Thủ đô nhân dịp Tết Nguyên đán.
Tối tất niên, Người tham dự chương trình liên hoan văn nghệ mừng xuân do Đội nữ Mai Hoa quyền của Cục Cảnh vệ, Câu lạc bộ thiếu nhi quận Ba Đình, Đoàn văn công giải phóng, Đoàn ca múa nhạc Trung ương, Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, Đoàn nghệ thuật công an vũ trang cùng một số ca sĩ, nghệ sĩ tham gia biểu diễn.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa - NXB: Chính trị quốc gia - Sự thật 2010; Hồ Chí Minh Toàn tập - NXB Chính trị quốc gia; hanoi.gov.vn, Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
Trong thư trả lời Tổng thống Mỹ ngày 15-2-1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi rất thiết tha với độc lập, tự do và hòa bình... Nhân dân Việt Nam quyết không khuất phục trước vũ lực và quyết không nói chuyện trước sự đe dọa của bom đạn”.
Lời đáp trả đanh thép đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tỏ rõ khát vọng được sống trong hòa bình, độc lập, tự do của người dân Việt Nam. Và vì những điều đó, nhân dân Việt Nam không bao giờ chịu khuất phục trước bom đạn, cường quyền, sẽ quyết tâm đem hết tinh thần và lực lượng, tính mệnh, và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.
 |
Nhân dân Việt Nam mong muốn được sông trong độc lập, tự do và hòa bình. (Ảnh minh họa: tuoitre.vn) |
Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh mặt khác đã động viên toàn thể dân tộc đứng lên kháng chiến chống Mỹ đến thắng lợi cuối cùng với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, các lực lượng quân giải phóng miền Nam nói riêng đã kết hợp chặt chẽ với nhân dân miền Nam đẩy mạnh đấu tranh quân sự trên cả ba vùng chiến lược làm xuất hiện nguy cơ sụp đổ hoàn toàn không thể cứu vãn nổi của giặc Mỹ và tay sai, góp phần quan trọng vào thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Ngày nay, quân đội luôn quán triệt sâu sắc lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, biến nhận thức thành hành động cụ thể trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 121 ra ngày 15-2-1954 có đăng “Thư Hồ Chủ tịch gửi cán bộ, chiến sĩ và thanh niên nam nữ ở vùng tạm bị chiếm nhân dịp năm mới".
 |
"Thư Hồ Chủ tịch gửi cán bộ, chiến sĩ và thanh niên nam nữ ở vùng tạm bị chiếm" đăng trên Báo Quân đội nhân dân. |
Trên trang nhất số báo Xuân Giáp Thìn năm 1964 đã đăng thư Chúc mừng năm mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào cả nước. Để hoàn thành kế hoạc 5 năm lần thứ nhất, Người căn dặn đồng bào miền Bắc hăng hái thi đua yêu nước. Đồng bào miền Bắc phải hết lòng ủng hộ đồng bào miền Nam trong công cuộc đấu tranh dành tự do, độc lập.
 |
Thư chúc mừng năm mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
Trên trang nhất số báo ra ngày 15-2-1966 đã đăng ảnh Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí trong đoàn đại biểu anh hùng và chiến sĩ thi đua các lựng lượng vũ trang giải phóng miền Nam.
 |
Số báo ra ngày 15-2-1966 đăng ảnh Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí trong đoàn đại biểu anh hùng và chiến sĩ thi đua các lựng lượng vũ trang giải phóng miền Nam. |
Số báo ra 6 năm sau đó đăng ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cháu thiếu nhi miền Nam.
 |
Ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cháu thiếu nhi miền Nam được đăng trên số báo ra ngày 15-2-1972. |
TRẦN HOÀI (Tổng hợp)