Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 13-2-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 13-2

Sự kiện trong nước

- Ngày 13-2-1964: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thǎm và nói chuyện với Đại đội 130 pháo cao xạ bảo vệ Hà Nội. Bác căn dặn, các chú phải luôn luôn cảnh giác và lúc nào cũng sẵn sàng chiến đấu, phải kiên quyết bắn rơi máy bay địch nếu chúng liều lĩnh xâm phạm vùng trời miền Bắc nước ta.

leftcenterrightdel
Bác Hồ đến thăm Đại đội 130 bảo vệ Hà Nội ngày Mùng 1 Tết Giáp Thìn (13-2-1964). (Ảnh tư liệu)

- Ngày 13-2-1964 (tức là mồng Một Tết Nguyên đán Giáp Thìn): Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thǎm và chúc tết đồng bào xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội.  

Nói chuyện với bà con tại đình làng Lỗ Khê, Bác Hồ khen ngợi xã nhà đã cần kiệm xây dựng hợp tác xã và cǎn dặn phải chú ý phát triển hoa màu, chăn nuôi, trồng nhiều cây và chăm sóc cây tốt; phải đẩy mạnh vệ sinh phòng bệnh. 

Sự kiện quốc tế

- Ngày 13-2-1883: Nhà soạn nhạc nổi tiếng người Đức Wilhemlm Richard Wagner qua đời. Ông sinh năm 1813. Nǎm 20 tuổi ông đã trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp. Các nhạc phẩm tiêu biểu của ông bao gồm: Rienzi và chiếc tàu ma, Tannhauser, Chiếc vòng của giống người Nibelungen, Trista và Isode, Những ca sĩ thành Nuremberg.

leftcenterrightdel
Nhà soạn nhạc nổi tiếng người Đức Wilhelm Richard Wagner 

- Ngày 13-2-1914: Nhà bác học người Pháp Alphonse Bertillon qua đời. Ông là người đã lập ra "Phép đo người nhận dạng". Hệ thống nhận dạng tội phạm hình sự được tòa án Paris áp dụng từ nǎm 1882. Bằng nhiều phát minh và sáng kiến xuất sắc, ông đã đóng góp lớn lao vào sự tiến bộ của kỹ thuật cảnh sát hình sự như lấy dấu tay, đo sọ.v.v...

- Ngày 13-2-1988: Thế vận hội Mùa đông 1988 được khai mạc tại Calgary, Alberta, Canada.

Theo dấu chân Người

- Ngày 13-2-1930: Nguyễn Ái Quốc rời Hồng Kông sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử là tổ chức thành công cuộc hợp nhất giữa các tổ chức cộng sản ở Việt Nam và hải ngoại thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

- Ngày 13-2-1958: Bác Hồ kết thúc chuyến thăm lịch sử Ấn Độ. Trước khi rời thành phố Calcuta để lên đường thăm Miến Điện, Bác đến thăm Hội Mahabodhi, một tổ chức Phật giáo có tiếng ở Ấn Độ. Sau khi lễ Phật, Bác dự buổi mít tinh do các Phật tử tổ chức. 

leftcenterrightdel
Bác Hồ trong chuyến thăm Ấn Độ năm 1958. (Ảnh tư liệu) 

Lời chào mừng của người đứng đầu tổ chức này đã đánh giá: “Như một vị ẩn sĩ chân chính, Chủ tịch đã hy sinh suốt đời cho nhân dân và Tổ quốc Ngài; Chủ tịch đã từ bỏ những hào nhoáng lộng lẫy của địa vị Chủ tịch một nước. Cũng như Hoàng đế Asoka, một vị Phật tử đầy lòng hy sinh, Chủ tịch đã nêu cao trước thế giới một lý tưởng mà chỉ có thể thực hiện bởi một người có đầy lòng tin tưởng…”.

Còn trong diễn văn của ông Thị trưởng thành phố Calcuta nơi đón tiếp và tiễn Bác sau 10 ngày thăm Ấn Độ, đã ca ngợi: “Cũng như người Cha vĩ đại của dân tộc chúng tôi là Thánh Gandhi, Ngài là biểu hiện của một đời sống giản đơn, thanh cao và khắc khổ. Chúng tôi hết lòng cầu với Thượng đế rằng cuộc viếng thăm lịch sử của Ngài đến đất nước này sẽ đúc nên những sợi dây chuyền vàng bằng hữu nghị để thắt chặt hai dân tộc chúng ta trong tình nghĩa anh em sáng chói”.

- Ngày 13-2-1960: Báo Nhân Dân đăng bài “Cái vòng trôn ốc” (ký C.K) nhấn mạnh đến quan điểm của Lênin: “phân tích cho đến cùng thì năng suất lao động là cái quan trọng nhất cho sự thắng lợi của trật tự xã hội mới”. Chúng ta cần suy nghĩ nhiều về lời dạy đó trong công việc hàng ngày của mình”.

- Ngày 13-2-1961: Bác Hồ đến thăm Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và đặc biệt quan tâm tìm hiểu mặt trống đồng Đông Sơn.

- Ngày 13-2-1962: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào và cán bộ xã Nam Liên (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An ngày nay). Trong thư, Người lưu ý các xã viên trong một hợp tác xã và xã này với xã khác, phải đoàn kết thương yêu như người trong một nhà, khi có khó khăn thì giúp nhau giải quyết. Các cán bộ, đảng viên, và đoàn viên phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ dám làm và phải xung phong đi trước để đồng bào tiến sau.

- Ngày 13-2-1964, Bác có lời thơ chúc mừng năm mới:

Bắc Nam như cội với cành

Anh em ruột thịt, đấu tranh một lòng

Rồi đây thống nhất thành công

Bắc Nam ta lại vui chung một nhà

Mấy lời thân ái nôm na

Vừa là kêu gọi vừa là mừng Xuân.

- Sáng 13-2-1969: Bác đón các cháu trong đoàn thiếu niên dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc và tiếp bà Menba Hernadez, Chủ tịch Ủy ban Cuba đoàn kết với Việt Nam và các bạn Cuba trong Viện Hữu nghị các dân tộc đang thăm nước ta.

leftcenterrightdel
 

Sau này bà Menba Hernandez đã viết về ấn tượng của mình về Chủ tịch Hồ Chí Minh: “là hình ảnh tổng hợp của một nhà cách mạng đấu tranh không biết mệt mỏi vì tự do và hạnh phúc của nhân dân, một người khiêm tốn và giản dị, một nhà thơ nhạy cảm và sâu sắc, có khả năng nói lên những tình cảm trong sáng nhất của con người…”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa - NXB: Chính trị quốc gia - Sự thật 2010; Hồ Chí Minh Toàn tập - NXB Chính trị quốc gia, tennguoidepnhat.net)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Ngày 13-2-1962 sau khi nhận được thư chúc tết của đồng bào xã Nam Liên (nay là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi tới đồng bào và cán bộ xã. Trong thư Người viết: “Tư tưởng bảo thủ là như những sợi dây cột chân cột tay người ta, phải vất nó đi. Muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ dám làm”.

Giai đoạn 1961 – 1965 là thời kỳ đẩy mạnh thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam. Miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu. Do vậy, phát triển nông nghiệp trong bước đi ban đầu của thời kỳ quá độ là vấn đề được Hồ Chí Minh rất quan tâm.

leftcenterrightdel
Bác Hồ cùng đồng bào, cán bộ xã Kim Liên trong những lần Bác về thăm quê. (Ảnh tư liệu) 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ tác hại của tư tưởng bảo thủ. Người ví nó như một sự trói buộc, ngăn cản sự tiến bộ của con người. Mặt khác, Người đã cổ vũ tinh thần đổi mới, mạnh dạn, dám nghĩa dám làm trong phát triển sản xuất và xây dựng hợp tác xã. Hơn nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu, mọi người, nhất là cán bộ, đảng viên phải nêu gương cho quần chúng trong việc chủ động, kiên quyết khắc phục tư tưởng bảo thủ, trì trệ, đường mòn lối cũ, chậm đổi mới.

Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh mặc dù được viết trong thư gửi một địa phương cụ thể, nhưng đã toát lên được tư tưởng đổi mới, sáng tạo của Người. Nó có sức cố vũ cán bộ và nhân dân xã Nam Liên nói riêng, và đồng bào cả nước nói chung tích cực phấn đấu, nêu cao sáng kiến trong lao động, sản xuất, học tập, công tác cũng như chiến đấu. Lời dạy của Người đã tạo nên phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực, nhất là trong nông nghiệp và công nghiệp, góp phần quan trọng vào quá trình hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.

Thấm nhuần lời dạy của Người, trong quân đội đã dấy lên phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến vũ khí, trang bị kỹ thuật, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ngày nay, sự nghiệp xây dựng quân đội đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đặt ra yêu cầu ngày càng cao về tinh thần mạnh dạn đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để có được nhiều sáng kiến mới, cách làm hay trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và phát huy nhân tố con người trong quân đội. Do vậy, mỗi quân nhân cần chủ động đổi mới cách nghĩ, cách làm, đề cao tự phê bình và phê bình để khắc phục những tư tưởng bảo thủ, đường mòn lối cũ, nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, góp phần bảo đảm cho đơn vị và toàn quân hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trên Báo Quân đội nhân dân số 421 (từ ngày 11-2 đến 13-2-1958) đã đăng toàn văn Sắc lệnh số 054-SL về việc đặt Huân chương "Quân giải phóng Việt nam", Huân chương "Chiến thắng" và Huy chương "Quân giải phóng Việt nam", Huy chương "Chiến thắng" được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 2-2-1958.

leftcenterrightdel
 

Số báo 2064 của Báo Quân đội nhân dân ra ngày 13-2-1967 đã đăng bài viết “Ngày Tết của Bác Hồ” kể lại lần Bác đi thăm và chúc Tết người dân 2 tỉnh Hà Bắc và Hà Tây.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 


TRẦN HOÀI
(Tổng hợp)