Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 11-2-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 11-2
Sự kiện trong nước
- Ngày 11-2-1910: Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát chào đời. Ông bắt đầu sáng tác từ trước nǎm 1945 và đã viết nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Con cò đi ǎn đêm, Mầu thời gian (thơ Đoàn Phú Tứ), Tiếng chuông nhà thờ, Hát mừng bộ đội chiến thắng, Theo lời Bác gọi (thơ Lê Kỳ Vǎn), Ngành y ta đó...Nguyễn Xuân Khoát là một trong những người đặt nền móng cho việc nghiên cứu âm nhạc chèo, ca trù và âm nhạc dân tộc cổ truyền. Ông là Chủ tịch Hội Âm nhạc Việt Nam trong nhiều nǎm, đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
- Ngày 11-2-1976: Kho 858 (Quân chủng Hải quân) thành lập. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, thực hiện Quy hoạch kho quân khí chiến lược ở miền Nam, ngày 11-2-1976, Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật ra Quyết định số 30/QĐ-KT tách Kho đạn Đồng Bà Thìn thuộc Căn cứ liên hợp Cam Ranh, thành lập Kho 858 trực thuộc Cục Quân khí. Đầu năm 1980, Kho 858 trực thuộc Tổng kho 765, Cục Quân khí.
 |
Kho 858 đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất năm 2016 |
Ngày 23-11-1994, theo yêu cầu phát triển mới, Kho 858 được Bộ Quốc phòng điều về trực thuộc Cục Kỹ thuật Hải quân. Năm 2004, Kho 858 được nâng cấp thành Kho cấp 1 chiến lược của Quân chủng Hải quân, giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong bảo đảm đạn dược, vật tư kỹ thuật cho quân chủng và các đơn vị quân đội khu vực phía Nam Trung Bộ.
Kho 858 vinh dự được tặng 2 Huân chương Bảo vệ Tổ Quốc hạng Nhất, 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì, 1 Huân chương Chiến công Hạng Ba, 2 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đơn vị cũng 4 lần được Bộ Quốc phòng tặng Cờ thi đua và nhiều phần thưởng cao quý khác.
- Ngày 11-2-1984: Khuất Duy Tiến qua đời. Ông sinh năm 1910 tại ở xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây. Nǎm 1928, ông gia nhập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội hoạt động trong phong trào công nhân ở Nam Định, sau đó vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 3-1930, ông là Tỉnh uỷ viên Tỉnh uỷ Nam Định, tháng 11 nǎm đó là Uỷ viên thường vụ Xứ uỷ Bắc Kỳ. Từ nǎm 1931 đến 1936 và từ tháng 9-1939 đến tháng 3-1945 ông bị đế quốc Pháp cầm tù. Ông nguyên là Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội, đại biểu Quốc hội khoá I.
Sự kiện quốc tế
Ngày 11-2-1847: Nhà phát minh khoa học Thomas Alva Edison chào đời. Ông là người đã sáng chế ra máy điện báo tự động phát tín hiệu, máy đánh chữ, đĩa hát, máy chiếu hình và bộ phận tiếp sóng của radio. Khám phá của ông về "Hiệu ứng Edison" giúp chế tạo ống đèn điện tử hiện đại, làm nền tảng cho máy phát sóng radio, điện thoại đường dài, phim có tiếng động, máy truyền hình, mắt điện tử, tia X... Trong lịch sử khoa học ứng dụng, ông là người chiếm kỷ lục về phát minh (gồm khoảng 1200 bằng phát minh). Ông qua đời ngày 18-10-1931.
 |
Nhà phát minh khoa học Thomas Alva Edison |
Theo dấu chân Người
- Ngày 11-2-1920: Nguyễn Ái Quốc diễn thuyết về đề tài “Chủ nghĩa Bolshevik ở châu Á” tại Hội nghị những thanh niên cộng sản tại Paris.
- Ngày 11-2-1951: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II và đọc Báo cáo Chính trị đặt ra yêu cầu cấp bách “chúng ta phải có một Đảng công khai, tổ chức hợp với tình hình thế giới và tình hình trong nước, để lãnh đạo toàn dân đấu tranh cho đến thắng lợi, Đảng đó lấy tên Đảng Lao động Việt Nam”. Đảng Lao động Việt Nam sẽ kết nạp những công nhân, nông dân, lao động trí óc, thật hăng hái, thật giác ngộ cách mạng; stheo chủ nghĩa Mác-Lênin; tổ chức theo chế độ dân chủ tập trung; có kỷ luật sắt, đồng thời là kỷ luật tự giác; dùng lối phê bình và tự phê bình để giáo dục đảng viên, giáo dục quần chúng; đoàn kết và lãnh đạo toàn dân kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn.
Người khẳng định: “ Đảng Lao động Việt Nam phải là một Đảng to lớn, mạnh mẽ, chắc chắn, trong sạch, cách mạng triệt để...Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”.
 |
Hồ Chủ tịch đọc Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương họp ở Việt Bắc. (Ảnh: TTXVN) |
- Ngày 11-2-1960: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài nói chuyện tại Hội nghị đại biểu những người tích cực trong phong trào văn hóa quần chúng. Trong bài phát biểu, Người nhấn mạnh, muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải phát triển kinh tế và văn hoá và nhiệm vụ của người cán bộ văn hoá là phải dùng văn hoá để tuyên truyền cho việc cần kiệm xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. “Trong hoàn cảnh hiện nay, chúng ta còn gặp nhiều khó khăn, trình độ văn hoá của cán bộ và nhân dân còn thấp, do đó, còn hạn chế nhiều kết quả trong công tác, trong sản xuất. Nhiệm vụ các cô, các chú là phải cố gắng hơn nữa, góp phần nâng cao trình độ văn hoá của nhân dân” Người nhấn mạnh.
Cũng trong ngày này, báo Nhân Dân đăng bài “Không để một khe hở” biểu dương những người dân bình thường phát hiện cho báo Đảng những hiện tượng lãng phí và cho rằng “họ đáng làm gương cho một số người được Nhà nước giao cho trông nom hoặc sử dụng của cải chung mà chưa làm trọn trách nhiệm”.
- Ngày 11-2-1967: Bác họp Bộ chính trị để bàn việc trả lời Giáo hoàng Pôluýt VI và Tổng thống Mỹ L.B.Johnson. Trước đó, cùng trong ngày 8-2-1967, vị giáo chủ của Toà thánh Vatican đã gửi điện ( lần thứ ba) đến Chủ tịch Hồ Chí Minh “tỏ ý muốn sớm có giải pháp hoà bình ở Việt Nam” và Tổng thống Mỹ đã viết một bức thư gửi người đứng đầu Nhà nước Việt Nam nêu những điều kiện chấm dứt chiến tranh.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa - NXB: Chính trị quốc gia - Sự thật 2010; Hồ Chí Minh Toàn tập - NXB Chính trị quốc gia)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
Trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng diễn ra ngày 11-2-1951, khi bàn về việc phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân “để đánh thắng nữa, đánh thắng mãi, đế tiến tới tổng phản công” giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Phải làm cho lực lượng của dân quân du kích thành những tấm lưới sắt rộng rãi và chắc chắn, chăng khắp mọi nơi, địch mò đến đâu là mắc lưới đến đó”.
Lời dạy của Hồ Chí Minh thể hiện chủ trương, yêu cầu xây dựng và phát huy vai trò to lớn của lực lượng dân quân, du kích trong thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, nổi bật là tư tưởng về xây dựng, phát triển lực lượng dân quân du kích cả về số lượng và chất lượng chính trị, làm cho hoạt động tác chiến của dân quân, du kích tạo thành một thiên la địa võng đối với quân thù. Lời dạy trên không chỉ là cơ sở tư tưởng để Đảng ta lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân nói chung, lực lượng dân quân du kích nói riêng trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, mà còn là sự khích lệ, động viên để lực lượng dân quân du kích phát huy cao độ thế mạnh, sở trường của mình góp phần vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
 |
Lực lượng dân quân tự vệ Việt Nam |
Ngày nay, mặc dù chiến tranh hiện đại có nhiều loại vũ khí bảo đảm cho việc tác chiến từ xa, nhưng với đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng ta lấy tự vệ chính nghĩa với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân thì vai trò của lực lượng dân quân tự vệ không hề thay đổi. Do đó, Nhà nước ta đã ban hành luật về dân quân tự vệ làm cơ sở để cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng, phát triển lực lượng, bảo đảm tính rộng khắp và không ngừng nâng cao sức chiến đấu của lực lượng dân quân tự vệ.
Quân đội là bộ phận nòng cốt của lực lượng vũ trang ba thứ quân, việc phối hợp chặt chẽ với hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ trên từng địa bàn cụ thể vừa là nhiệm vụ vừa là nghệ thuật quân sự trong tác chiến của chiến tranh nhân dân. Trong lịch sử, quân đội đã luôn làm tốt nhiệm vụ giúp huấn luyện kỹ, chiến thuật, bồi dưỡng lập trường, tư tưởng chính trị và phối hợp chặt chẽ với lực lượng dân quân, du kích trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, Quân đội cần tiếp tục làm tốt việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về tổ chức biên chế, xây dựng lực lượng và huấn luyện dân quân, tự vệ. Không ngừng bổ sung, hoàn thiện phương án phối hợp tác chiến giữa bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương và dân quân, tự vệ, góp phần nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang ba thứ quân.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 11-2-1952 đã đăng thư Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi bộ đội, dân công nhân dịp Tết. Trong thư Bác đã khen ngợi và gửi lời chúc mừng năm mới vệ quốc quân, bộ đội địa phương, dân quân du kích đã thi đua giết giặc lập công, và toàn thể đồng bào đã tham gia dân công phục vụ chiến dịch. Bác cũng nêu tên một số tấm gương thanh niên kiểu mẫu trong bộ đội và trong các đội thanh niên xung phong.
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 4949 số ra ngày 11-2-1975 đăng hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cháu thiếu nhi được chụp năm 1968.
Trong bài viết “Vươn tới mùa hoa thắm chiến công” đăng trên trang nhất số báo ngày hôm đó cũng nhắc tới công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong bài có đoạn: “Đến nay, Đảng ta tròn 45 tuổi và nước Việt Nam dân chủ cộng hòa bước vào mùa xuân thứ 30. Cây cách mạng trải qua trăm bão tố, vẫn vươn lên mạnh mẽ, trở thành cây đại thụ mà hương thơm hoa trái vượt các đại dương, bay tới miền xa xôi trên trái đất”.
TRẦN HOÀI (Tổng hợp)