Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 14-2-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 14-2

Sự kiện trong nước

- Ngày 14-2-1941: Đội du kích Bắc Sơn chính thức được thành lập trong một buổi lễ tổ chức tại khu rừng Khuổi Nọi (thuộc xã Vũ Lễ, châu Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn). Đồng chí Hoàng Vǎn Thụ thay mặt Trung ương Đảng công nhận, giao nhiệm vụ và trao lá cờ đỏ sao vàng cho đơn vị vũ trang đầu tiên của Đảng gồm 32 chiến sĩ do đồng chí Lương Vǎn Tri làm chỉ huy trưởng. Ngay sau khi thành lập đơn vị vừa tổ chức huấn luyện, vừa tham gia những hoạt động quân sự, nhằm bảo vệ cǎn cứ địa cách mạng và không ngừng phát triển lực lượng.

 Đội du kích Bắc Sơn. (Ảnh tư liệu)

Sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (5-1941), đơn vị đổi tên thành Trung đội Cứu quốc quân thứ nhất để phù hợp với nhiệm vụ cứu nước.

- Ngày 14-2-1947: Trận đánh chợ Đồng Xuân diễn ra. Trong điều kiện so sánh lực lượng địch - ta rất chênh lệch, nhưng với khí phách anh hùng và sự kết hợp giữa lòng quả cảm và trí thông minh sáng tạo của các chiến sĩ cảm tử của Thủ đô, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 200 tên địch. Tại đây các chiến sĩ tự vệ đã sử dụng cả những vũ khí thô sơ nhất để tiêu diệt địch. Nhiều khi để diệt một tên địch, chiến sĩ ta phải đổi cả tính mạng của mình.

- Ngày 14-2-1968 được chọn là ngày truyền thống Sư đoàn 375, Quân chủng Phòng không - Không quân. Sư đoàn 375 được thành lập ngày 7-2-1968 tại xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ngày 14-2-1968, Sư đoàn ra quân đánh thắng trận đầu, bắn rơi 1 máy bay A-6A của đế quốc Mỹ. Để ghi nhận chiến công đó, ngày 15-1-1992, Tư lệnh Quân chủng Phòng không ký Quyết định số 48/QĐ-PK lấy ngày 14-2 làm ngày truyền thống của Sư đoàn 375.

Huấn luyện kíp chiến đấu tên lửa tại Tiểu đoàn 179, Trung đoàn 282, Sư đoàn 375.  

- Ngày 14-2-1975: Nhà thơ Nguyễn Đình qua đời. Trong những nǎm kháng chiến chống Pháp, ông vừa làm công tác giáo dục, vừa sáng tác ca dao phục vụ sản xuất và chiến đấu. Sau khi tập kết ra miền Bắc, ông làm biên tập viên ở các Báo Độc lập, Vǎn học, Vǎn nghệ và chuyên làm thơ trào phúng, đả kích Mỹ - ngụy, phục vụ sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước. Tác phẩm chính của Nguyễn Đình có: Đánh mấy vần (in chung với Lê Kim, Phú Sơn), Những mũi tên nhọn, Ngọn lửa mới nhen.

- Ngày 14-2-1996: Ngành giao thông vận tải Việt Nam và Trung Quốc đã mở lại tuyến đường sắt Hà Nội - Bắc Kinh để đáp ứng nhu cầu về vận chuyển hành khách và hàng hóa giữa hai nước.

Tàu chạy trên tuyến đường sắt liên vận Việt Nam – Trung Quốc. (Ảnh: thanhnien.vn) 

Sự kiện quốc tế

- Ngày 14-2-1912: Arizona trở thành tiểu bang thứ 48 và là tiểu bang cuối tại Hoa Kỳ lục địa được nhận vào Liên bang.

- Ngày 14-2-2011: Cầu thủ bóng đá người Brazil Ronaldo tuyên bố từ giã sự nghiệp cầu thủ.

Cầu thủ bóng đá người Brazil Ronaldo. (Ảnh: Reuters)  

Theo dấu chân Người

- Ngày 14-2-1946: Sau cái Tết độc lập đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi “Lời cảm ơn đồng bào” trong đó nêu rõ: “Nhân dịp Tết, đồng bào từ Nam chí Bắc, cá nhân và đoàn thể, các cụ già và các trẻ em, các đồng bào dân tộc thiểu số, các kiều bào ở Lào, ở Xiêm và ở Trung Quốc đã gửi cho hơn hai nghìn bức điện và thư để chúc tôi năm mới. Lại có người gửi cho cam, mứt, bánh chưng, dưa cải, mùi soa... Tiếc vì bận việc không thể cảm ơn từng người, tôi xin tất cả đồng bào nhận lời cảm ơn chung với lòng thân ái của tôi”.

- Ngày 14-2-1947: Bác Hồ chỉ thị bí mật tổ chức rút quân ta khỏi Hà Nội lên chiến khu để bảo toàn lực lượng trường kỳ kháng chiến sau hai tháng quyết tử chiến đấu kìm chân giặc tại Thủ đô.

- Ngày này năm 1952, Bác Hồ gửi điện tới Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông nhân kỷ niệm hai năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

- Ngày 14-2-1957: Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Hội nghị cán bộ trung, cao cấp nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 11. Tại Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích những  thuận lợi, khó khăn của công tác kinh tế tài chính, mà cơ bản là nội dung “Tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm” được thể hiện như thế nào trong thực tiễn. Người cho rằng: cán bộ của ta lạc hậu về kinh tế học, nên nhiệm vụ chung cần là “Cán bộ tất cả đều phải học, không phải chỉ cán bộ kinh tế tài chính mới phải học. Những cán bộ không trực tiếp làm công tác kinh tế tài chính phải cố gắng tham gia vào công tác kinh tế tài chính, tham gia thiết thực nhất là tham gia tăng gia sản xuất và triệt để tiết kiệm”. Đồng thời, Người cũng phân tích những điểm yếu trong quản lý kinh tế của ta, biểu hiện ở lãng phí trong công nghiệp nhẹ, trong nông nghiệp và giao thông vận tải. Người đề cao việc học tập cách quản lý kinh tế tài chính của cán bộ, tạo điều kiện để thực hiện được mục tiêu nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

- Ngày 14-2-1958: Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu chuyến thăm Myanmar. Tổng thống Myanmar U Vin Môn (Mahn Win Maung) trong lời chào mừng tại sân bay nêu rõ: “Nhân dân Miến Điện tôn kính và hâm mộ Chủ tịch, chẳng những vì rằng Ngài đã suốt đời trung thành phấn đấu cho độc lập tự do của nhân dân các nước thuộc địa, mà còn vì sự cống hiến cao cả của Ngài như một vị lãnh tụ vĩ đại trong sự nghiệp cách mạng và giải phóng ở Đông - Nam Á châu. Do phẩm cách đáng kính, tấm lòng cương trực và thái độ khiêm tốn của Chủ tịch, Ngài sẽ chinh phục lòng yêu của mọi người nhân dân Miến Điện...”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Myanmar trong chuyến thăm nước này vào năm 1958. (Ảnh: Tài liệu lưu trữ Bộ Ngoại giao) 

- Ngày 14-2-1965: Bác Hồ gửi thư khen ngợi quân và dân Quảng Bình, Vĩnh Linh, Nghệ An đã chiến đấu dũng cảm bắn chìm một tàu biệt kích (ngày 1-2), bắn rơi 22 máy bay Mỹ và bắn bị thương nhiều chiếc khác và bắt sống 1 phi công (các ngày 7, 8 và 11-2). Bức thư nhấn mạnh: “Một lần nữa chúng ta đã tỏ rõ cho đế quốc Mỹ biết rằng nếu chúng cứ liều lĩnh tiếp tục khiêu khích miền Bắc, chúng sẽ bị thất bại nhục nhã”.

- Ngày 14-2-1969: Bác Hồ tiếp các đại biểu trong Liên minh Các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình miền Nam ra thăm miền Bắc tại Phủ Chủ tịch.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa - NXB: Chính trị quốc gia - Sự thật 2010; Hồ Chí Minh Toàn tập - NXB Chính trị quốc gia; hanoi.gov.vn)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Báo cáo trước Hội nghị Đại biểu nhân dân Thủ đô về thành công của Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa I, ngày 14-2-1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Chế độ ta là chế độ dân chủ nhân dân; chúng ta cần mở rộng dân chủ với nhân dân, đồng thời cần phải tăng cường chuyên chính với kẻ địch của nhân dân. Có tăng cường chuyên chính với kẻ địch thì mới bảo vệ được tự do và dân chủ của nhân dân ta”.

Lời dạy của Người thể hiện rõ nét bản chất tốt đẹp của chế độ dân chủ nhân dân là không ngừng mở rộng dân chủ với các tầng lớp nhân dân, không phân biệt giai cấp, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo. Tức là, bảo đảm cho nhân dân được làm chủ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mà trước hết là làm chủ về chính trị, có điều kiện và khả năng tham gia vào các quá trình chính trị của đất nước. Thực hiện quan điểm đó, trong Hiến pháp năm 1959 do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban soạn thảo đã ghi rõ: Điều 4 “Tất cả quyền lực trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân...” và Điều 7 “Nhà nước nghiêm cấm và trừng trị mọi hành động phản quốc, chống lại chế độ dân chủ nhân dân, chống lại sự nghiệp thống nhất Tổ quốc”.

Bản chất tốt đẹp của chế độ dân chủ nhân dân là không ngừng mở rộng dân chủ với các tầng lớp nhân dân, không phân biệt giai cấp, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo. Ảnh: Minh Trường  

Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng giúp đồng bào ta hiểu được bản chất của chế độ mới, qua đó mà tin tưởng, hăng hái phấn đấu, đóng góp sức mình vào xây dựng và bảo vệ nước nhà, ủng hộ đường lối của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước. Mặt khác, lời dạy của Người còn cho thấy mối quan hệ biện chứng giữa dân chủ và chuyên chính, định hướng cho sự nghiệp xây dựng nền chính trị của dân, do dân, vì dân ở nước ta.

Quán triệt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ khi ra đời đến nay, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn tỏ rõ là một quân đội của dân, do dân, vì dân, tuyệt đối trung thành với lợi ích của nhân dân, luôn sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Ngày nay, trong giai đoạn cách mạng mới, Quân đội cần phải phát huy cao độ dân chủ trong nội bộ, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Mặt khác, phải không ngừng xây dựng đơn vị vững mạnh, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, đập tan mọi âm mưu và hành động phá hoại nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trên trang nhất và trang 4 Báo Quân đội nhân dân số 2065 ra ngày 14-2-1967 đã đăng bài “Bác Hồ thăm Tết bộ đội phòng không và không quân”, kể lại chuyến thăm chiến sĩ phòng không – không quân vào ngày Mùng 1 Tết năm 1967. Bài viết có đoạn: “Bác Hồ nhanh nhẹn đi về phía hàng quân. Bác trìu mến nhìn các chiến sĩ. Bác duyệt một lượt đội ngũ của đơn vị. Bác dừng lại trước một chiến sĩ rất trẻ. Bác xem áo của chiến sĩ đó có đủ ấm không. Bác gật đầu vui lòng và dặn anh em phải giữ gìn sức khỏe cho tốt”. 

 

Trang nhất số báo 2065 cũng đăng Thư trả lời Giáo hoàng Pôluýt VI. Trước đó, ngày 8-2-1967, vị giáo chủ của Tòa thánh Vatican đã gửi điện (lần thứ ba) đến Chủ tịch Hồ Chí Minh “tỏ ý muốn sớm có giải pháp hòa bình ở Việt Nam”.

 

 

 

TRẦN HOÀI (Tổng hợp)