Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 11-5-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm. 

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 11-5

Sự kiện trong nước

- Ngày 11-5-1946, Bộ tr­ưởng Bộ Quốc phòng ban hành Nghị định số 27/NĐ-QP về tổ chức Chính trị Cục để chỉ đạo và tiến hành công tác chính trị trong Quân đội quốc gia và Dân quân Việt Nam. Về tổ chức của Chính trị Cục gồm có: Văn phòng, Phòng Tuyên huấn, Phòng Huấn luyện và Ban Thanh tra.

Về nhiệm vụ của Văn phòng, nghị định nêu rõ: "Văn phòng Chính trị Cục do Chủ sự Văn phòng điều khiển có nhiệm vụ thu phát, l­ưu trữ công văn và trông coi việc kế toán trong cục". Nghị định số 27/NĐ-QP đã đánh dấu sự ra đời và xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Chính trị Cục (nay là Văn phòng TCCT). Với ý nghĩa đó, ngày 11-5-1946 được thủ trưởng TCCT quyết định là Ngày thành lập, đồng thời là Ngày truyền thống của Văn phòng TCCT. 

Ngay sau khi thành lập, Văn phòng Chính trị Cục đã giúp thủ trưởng Chính trị Cục xây dựng kế hoạch, chương trình công tác; tổng hợp báo cáo tình hình và kết quả hoạt động công tác chính trị, công tác xây dựng Đảng; khảo sát thực tiễn và nghiên cứu, đề xuất những vấn đề củng cố, kiện toàn cơ quan chính trị, cán bộ chính trị và những nội dung cơ bản của công tác chính trị trong Quân đội quốc gia và Dân quân Việt Nam. Phối hợp với các cơ quan chức năng giúp Bí thư Trung ương Quân ủy, Cục trưởng Chính trị Cục chuẩn bị kế hoạch và nội dung tổ chức các Hội nghị chính trị viên toàn quốc; qua đó, nhiều vấn đề quan trọng về CTĐ, CTCT được xác định rõ hơn.

leftcenterrightdel
Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa gắn Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhì lên Quân kỳ Quyết thắng của Văn phòng TCCT tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Văn phòng TCCT. 

76 năm qua, Văn phòng TCCT đã thường xuyên quán triệt sâu sắc đường lối cách mạng của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của QUTƯ, BQP, tư tưởng chỉ đạo của thủ trưởng TCCT trong từng thời kỳ, từng lĩnh vực hoạt động CTĐ, CTCT của lực lượng vũ trang, nghị quyết của Đảng ủy Cơ quan TCCT; nắm vững chức trách, nhiệm vụ, bám sát thực tiễn hoạt động của bộ đội; hướng về cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc, góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, xây dựng Cơ quan TCCT vững mạnh toàn diện, xây đắp nên truyền thống vẻ vang: “Trung thành tận tụy, kiên định nhạy bén, đoàn kết quyết thắng". Ghi nhận những thành tích đó, Văn phòng TCCT được Đảng, Nhà nước, quân đội trao tặng nhiều phần thưởng cao quý.

Những năm tới, tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng, QUTƯ về xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng; đến năm 2025, cơ bản hoàn thành việc điều chỉnh tổ chức biên chế theo hướng “tinh, gọn, mạnh”; đến năm 2030 xây dựng một số quân binh chủng lực lượng hiện đại, phấn đấu từ năm 2030 xây dựng quân đội hiện đại, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ... đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với hoạt động CTĐ, CTCT trong quân đội.

- Ngày 11-5-1969, buổi chiều Bác đến thăm và nói chuyện thân mật với Hội nghị cán bộ cấp cao toàn quân tại Hà Nội.

leftcenterrightdel

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp tại Hội nghị cán bộ cao cấp toàn quân ngày 11-5-1969. Ảnh tư liệu

Sự kiện quốc tế

- Ngày 11-5-1686, Ốtthô Vôn Guêrích (Otto Von Guericke) qua đời. Ông sinh ngày 20-6-1602 tại nước Đức. Ông là nhà vật lý kỹ sư, sáng chế máy hút khí, nghiên cứu chân không và vai trò không khí trong sự cháy và hô hấp, chứng minh được là có áp suất trong không khí (năm 1654). Guêrích còn là người đầu tiên tạo ra tĩnh điện và thấy sự phát sáng bằng điện (năm 1672), và tiên đoán mỗi sao chổi vận hành theo chu kỳ nhất định.

Theo dấu chân Người

- Ngày 11-5-1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh tiếp tục hành trình từ biên giới Cao Bằng xuống vùng đồng bằng chờ đón thời cơ. Dừng lại tại xã Minh Khai, huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn), Bác ghé thăm lớp học bình dân và kể tiểu sử liệt sĩ Nguyễn Thị Minh Khai cho đồng bào của xã mang tên nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng của Đảng.

leftcenterrightdel

Bác Hồ thăm lớp học Bình dân học vụ. Ảnh tư liệu. 

- Ngày 11-5-1949, Bác gửi thư thân mật khen ngợi và động viên “các đơn vị bộ đội và dân quân vừa mới thắng địch trên mặt trận Lạng Sơn: tiêu diệt đồn Kỳ Cùng, Đèo Khách, Ba Sơn, phá cầu Bản Trại, tiêu hủy đoàn vận tải của địch trong trận Thất Khê. Trong công việc đẩy mạnh cuộc cầm cự, chuẩn bị tổng phản công, các chú bắt đầu như thế là rất tốt, các chú cố gắng cứ theo đà này mà tiến lên, để tranh lấy thắng lợi to hơn nữa”.

- Ngày 11-5-1952, Bác đến dự lớp chỉnh huấn đầu tiên của Trung ương. Trả lời vấn đề: “Vì sao ta phải chỉnh Đảng?”, Bác xác định: “Là một Đảng lãnh đạo, Đảng ta cần phải mạnh mẽ, trong sạch, kiểu mẫu. Toàn Đảng phải tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, đoàn kết nhất trí mới làm trọn nhiệm vụ của Đảng... Cán bộ quyết định mọi việc. Các đồng chí đều là cán bộ cao cấp, đều giữ những trách nhiệm quan trọng. Công việc thành hay là bại một phần lớn là do nơi tư tưởng đạo đức, thái độ và lề lối làm việc của các đồng chí” .

- Ngày 11-5-1968, Bác tiếp tục đem Di chúc ra sửa chữa và hoàn chỉnh đoạn viết về công tác chỉnh đốn Đảng: “Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình...”.

leftcenterrightdel

Bác Hồ viết bản Di chúc. Ảnh tư liệu của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước.

- Ngày 11-5-1969, sau khi ngồi sửa Di chúc, Bác gặp và trao đổi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp về nội dung sẽ nói với Hội nghị đại biểu cao cấp toàn quân. Trong bài nói của mình, Bác nhắc đến cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968 và nhận định: “Thế giặc Mỹ thua đã rõ ràng, nhất định chúng sẽ hoàn toàn thất bại… Phải xây dựng lực lượng thật tốt, chất lượng thật cao… Phải cố gắng học tập và luôn luôn gương mẫu về đạo đức cách mạng”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh- Ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Phải có quyết tâm cao để vượt mọi khó khăn làm tròn nhiệm vụ. Quyết tâm phải biến thành hành động dũng cảm, chiến đấu kiên quyết, không sợ hy sinh gian khổ”.

Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi lớp chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp của quân đội ngày 11-5-1969. Đây là thời kỳ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang huy động cao nhất mọi nguồn lực, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Theo Bác, có quyết tâm cao mới có hành động dũng cảm, có phương pháp tốt mới hoàn thành tốt được nhiệm vụ; quyết tâm một, biện pháp phải 10 mới đi đến thành công. Vì vậy, Người nhắc nhở cán bộ quân đội trước hết phải có quyết tâm cao để vượt mọi khó khăn, phải học tập để phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, nâng cao trình độ về mọi mặt, làm cho ta càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng. Đây là nguồn động viên, cổ vũ, khích lệ đội ngũ cán bộ quân đội phải luôn triệt để chấp hành nghiêm chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, lập nhiều thành tích hơn nữa trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

leftcenterrightdel

Bác Hồ thăm công trường khai thác mỏ than Đèo Nai, thành phố Cẩm Phả ngày 30-3-1959. Ảnh tư liệu

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, lời dạy của Người về lòng quyết tâm và ý thức trách nhiệm của cán bộ quân đội càng có ý nghĩa và giá trị nhân văn sâu sắc. Học tập và làm theo lời Bác dạy, đội ngũ cán bộ quân đội luôn phát huy tốt tính tiền phong, gương mẫu, chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật quân đội; gương mẫu đi đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Cán bộ luôn gần gũi bộ đội, quan tâm xây dựng động cơ, quyết tâm cao cho bộ đội; cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn rèn luyện ý chí chiến đấu, tinh thần chịu đựng gian khổ, dũng cảm, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

- Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1200 ra ngày 11-5-1963 đăng tin “Mối tình thắm thiết Việt-Hoa, vừa là đồng chí vừa là anh em” và lời chào mừng của Hồ Chủ tịch tại sân bay Gia Lâm đón mừng Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Phó chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc và các vị cùng đi sang thăm nước ta.

leftcenterrightdel
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân  ngày 11-5-1963.

- Trang 3 Báo Quân đội nhân dân số 1200 ra ngày 11-5-1963 lời phát biểu của Hồ Chủ tịch tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khoá II.

leftcenterrightdel
Trang 3 Báo Quân đội nhân dân ngày 11-5-1963.

- Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 3223 ra ngày 11-5-1970 đăng hình ảnh Bác Hồ đến thăm Viện quân y 108 và lời của Bác tháng 4 năm 1966: "Chúng ta phải ra sức bảo vệ và xây dựng miền Bắc vững mạnh, hết lòng hết sức ủng hộ sự nghiệp giải phóng miền Nam, làm tròn nghĩa vụ hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn".

leftcenterrightdel

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân ngày 11-5-1970

- Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 14011 ra ngày 11-5-2000 đăng hình ảnh Bác Hồ thăm các chiến sĩ phòng không bảo vệ Thủ đô Hà Nội (năm 1966) và lời dạy của Người về Chăm lo giáo dục, đào tạo nâng cao trình độ cán bộ. Bác nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công”.

leftcenterrightdel
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân ngày 11-5-2000.  

 

leftcenterrightdel

PHẠM LANH (tổng hợp)