Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 8-5-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 8-5:

Sự kiện trong nước

Ngày 8-5-1946: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64 về việc tổ chức các cơ quan lao động trong cả nước. Nhiệm vụ của các cơ quan này là bảo đảm và bênh vực quyền lợi cho công nhân; dung hoà quyền lợi giữa chủ và thợ, kiểm soát việc thi hành các luật lệ về lao động, giải quyết các vấn đề về lao động và phân phát nhân công cho các ngành.

Ngày 8-5-1950: Tổng thống Mỹ ký quyết định chính thức viện trợ quân sự cho thực dân Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương. Ngày này được coi như mốc đánh dấu sự dính líu của Mỹ vào Việt Nam.

Ngày 8-5-1954: Chỉ một ngày sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hội nghị Geneve về Đông Dương đã khai mạc. Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn tham dự Hội nghị. Tại hội nghị, đồng chí Phạm Văn Đồng đã trình bày lập trường Tám điểm với nội dung chủ yếu là: đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, vấn đề Lào và vấn đề Campuchia, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương. Trải qua 75 ngày đêm đàm phán với 31 phiên họp cùng nhiều cuộc tiếp xúc song phương và đa phương, cuối cùng, ngày 20-7-1954, Hiệp định Geneve về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương đã được ký kết.

Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến Thụy Sỹ dự Hội nghị Geneva về Đông Dương, tháng 5-1954. Ảnh tư liệu 

Toàn cảnh Hội nghị Geneva về Đông Dương tại Thụy Sĩ (1954). Ảnh tư liệu 

Ngày 8-5-1960: Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa II trên toàn miền Bắc.

Chủ tịch  Hồ Chí Minh đến bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa II tại Tiểu khu Trúc Bạch, khu phố Ba Đình, Hà Nội, ngày 8-5-1960. Ảnh tư liệu 

Ngày 8-5-1969: Trong phiên họp toàn thể lần thứ 16 của Hội nghị Paris về vấn đề Việt Nam, đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã đưa ra giải pháp toàn bộ mười điểm về lập trường, nguyên tắc giải quyết hòa bình vấn đề miền Nam Việt Nam. 

Từ ngày 8 đến 11-5-1978: Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ tư diễn ra tại Hà Nội. Đây là Đại hội đầu tiên của phong trào công đoàn Việt Nam sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, nước nhà thống nhất và tổ chức Công đoàn hai miền Nam Bắc đã được thống nhất.

Ngày 8-5-1978: Ngày truyền thống Viện Kỹ thuật Phòng không-Không quân (Quân chủng Phòng không-Không quân); Viện Kỹ thuật Hải quân và Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân (Quân chủng Hải Quân). 

Lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân (8-5-1978/8-5-2018) và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba. Ảnh: Baohaiquanvietnam.vn 

Sự kiện quốc tế

Ngày 8-5-1541: Nhà thám hiểm Tây Ban Nha là Hernando de Soto phát hiện ra lưu vực sông Mississippi, ông gọi sông là Río del Espíritu Santo.

Ngày 8-5-1919: Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.

Theo dấu chân Người 

Ngày 8-5-1959, trong chuyến đi thăm Khu tự trị Tây Bắc, Bác dừng lại ở Yên Châu (Sơn La). Trong bài nói với đồng bào các dân tộc, Bác đề cập nhiều việc phải làm để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; nói về tài nguyên rừng, Bác căn dặn: “…Bác đi qua nhiều nơi thấy rừng bị phá rất nhiều. Những cây gỗ to, cao, chặt để đốt hay để cho nó mục nát, không khác gì đồng bào tự mình đem tiền bạc của mình bỏ xuống sông... Đồng bào có nên giữ gìn rừng, giữ gìn gỗ không? Có nên đốt bừa đi không? Phải giữ gìn rừng cho tốt. 5 năm, 10 năm nữa, rừng là vàng là bạc, là máy móc cả”.

Với cán bộ, Bác dặn dò: “Cán bộ từ trên xuống dưới, từ Bác đến cán bộ xã đều là đày tớ của nhân dân, không phải là vua, là quan như ngày trước mà đè đầu cưỡi cổ nhân dân. Tức là cán bộ phải chăm lo cho đời sống của nhân dân...”  .

Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiếc khèn bè do đồng bào các dân tộc Yên Châu tặng ngày 8-5-1959. Ảnh tư liệu 

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi thăm Nông trường Mộc Châu. Người trao tặng Nông trường Huân chương Lao động hạng Ba và tự tay gắn Huân chương lên lá quân kỳ Quyết thắng của đơn vị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện với cán bộ, bộ đội, công nhân Nông trường Mộc Châu, 8-5-1959. Ảnh tư liệu 

Ngày 8-5-1963, tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khoá II, biết tin Quốc hội dự kiến tặng Bác tấm Huân chương Sao Vàng, Bác phát biểu: “Tôi vừa nhận được một tin tức làm cho tôi rất cảm động và sung sướng. Đó là tin Quốc hội có ý định tặng cho tôi Huân chương Sao Vàng, Huân chương cao quý nhất của nước ta. Tôi xin tỏ lòng biết ơn Quốc hội. Nhưng tôi xin Quốc hội cho phép tôi chưa nhận Huân chương ấy. Vì sao? Vì Huân chương là để tặng thưởng người có công huân; nhưng tôi tự xét chưa có công huân xứng đáng với sự tặng thưởng cao quý của Quốc hội... Vì những lẽ đó, tôi xin Quốc hội đồng ý thế này: Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hoà bình thống nhất, Bắc-Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng, vui mừng”.  (Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2010)

Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia Đoàn Chủ tịch kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa II, họp tại Hà Nội từ ngày 28-4 đến 8-5-1963. Ảnh: Tư liệu TTXVN 
Bút tích bài phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa II, cảm ơn Quốc hội đã có ý tặng Người tấm Huân chương sao vàng (8-5-1963). Ảnh: Hochiminh.vn

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch”

Đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc đã chiến thắng vẻ vang ở Điện Biên Phủ”, viết vào ngày 8 tháng 5 năm 1954.

(Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011)

Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954 đã kết thúc hơn 80 năm đô hộ của thực dân Pháp xâm lược đối với nước ta và cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới và trở thành chân lý của thời đại: “Một dân tộc dù nhỏ bé, nếu biết quyết tâm, đoàn kết chiến đấu và có một đường lối đúng thì có thể đánh bại được bất cứ tên đế quốc sừng sỏ nào”. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã ghi thêm một trang sử oanh liệt trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, nối tiếp những thắng lợi trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, được ví như những chiến thắng Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thế kỷ XX.

Cuối năm 1953, tại Việt Bắc, Hồ Chủ tịch và các đồng chí lãnh đạo Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu TTXVN 

Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu cho các chiến sĩ lập nhiều chiến công trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu TTXVN 

Ngay sau ngày vui lớn của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong, đồng bào Tây Bắc; đồng thời căn dặn quân và dân ta chớ kiêu ngạo, khinh địch…, thể hiện tầm nhìn và dự báo chiến lược của Bác đối với cách mạng nước ta. Khắc ghi lời Bác dạy, quân và dân ta luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không chủ quan, khinh địch, không tự kiêu, tự đại với những chiến công và thành tích, đã viết tiếp vào trang sử vàng dân tộc một chiến thắng vĩ đại trưa ngày 30-4-1975, thu giang sơn về một mối, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam.

Các đơn vị trong toàn quân luôn chú trọng nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Qdnd.vn 

Ngày nay, hòa bình, hữu nghị, hợp tác là xu thế chủ đạo, song tình hình thế giới, khu vực vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố có thể gây mất ổn định, đất nước ta đứng trước thời cơ và thách thức mới. Thấm nhuần lời căn dặn của Bác, cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn chủ động quán triệt nắm vững quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, nhất là đường lối quân sự, quốc phòng, đề cao cảnh giác, nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ và khả năng chiến đấu, làm chủ các loại vũ khí trang bị, chủ động phát hiện và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh, trật tự, tạo môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Ngày 8-5-1962, trang nhất Báo Quân đội nhân dân đã đăng trang trọng lời phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lễ bế mạc Đại hội liên hoan anh hùng,  chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ ba, ngày 6-5-1962.

Ngày 8-5-1966, trang nhất Báo Quân đội nhân dân đã đưa tin Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ tiếp Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Romania cùng hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thân mật Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Romania Emil Bodnaras ngày 5-5-1966.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 8-5-1962 và ngày 8-5-1966.

Ngày 8-5-1967, trang nhất Báo Quân đội nhân dân đã đăng Thư khen của Hồ Chủ tịch gửi đồng bào, bộ đội và cán bộ Thủ đô Hà Nội.

Ngày 8-5-1970, trang nhất Báo Quân đội nhân dân đã trích đăng Lời di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dù khó khăn, gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà.”

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 8-5-1967 và ngày 8-5-1970. 
 

KIM GIANG (tổng hợp)