Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 2-5-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 2-5
Sự kiện trong nước
Ngày 2-5-1917: Ngày sinh Đại tướng Văn Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, một vị tướng tài ba, mưu lược, nhà quân sự xuất sắc của dân tộc Việt Nam.
Đại tướng Văn Tiến Dũng, bí danh là Lê Hoài, sinh ngày 2-5-1917 tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm (nay là quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Tiếp thu truyền thống yêu nước của quê hương, năm 1936, đồng chí đã tham gia cách mạng và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 20 tuổi. Trải qua hơn 65 năm hoạt động cách mạng liên tục, Đại tướng Văn Tiến Dũng là một tấm gương sáng của người cộng sản kiên cường, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, luôn thể hiện tư tưởng cách mạng tiến công, không chịu khuất phục trước kẻ thù xâm lược. Đồng chí là người chỉ huy trực tiếp Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.
Đại tướng Văn Tiến Dũng là một trong những vị tướng chỉ huy xuất sắc của quân đội ta, là một nhà chiến lược, một người lãnh đạo đầy tinh thần cách mạng tiến công, đã đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
 |
Đại tướng Văn Tiến Dũng thăm Binh đoàn Quyết thắng (năm 1975). Ảnh: Tư liệu TTXVN
|
Ngày 2-5-1918: Tờ báo dành riêng cho phụ nữ đầu tiên tại Việt Nam ra đời mang tên Nữ giới chung. Tờ báo này do bà Sương Nguyệt Ánh, con gái của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu thành lập. Tuy nhiên, chỉ tồn tại được từ tháng 2 đến tháng 8-1918.
Ngày 2 đến 9-5-1933: Các đồng chí Ngô Gia Tự, Lê Văn Lương, Hà Huy Giáp... đã đứng dậy phản đối phiên tòa đại hình đặc biệt do thực dân Pháp mở tại Sài Gòn để xét xử 120 chiến sĩ cộng sản và nói xấu Đảng ta; biến phiên tòa thành diễn đàn lên án chủ nghĩa thực dân Pháp và tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản.
Ngày 2-5-1946: Chính phủ quyết định chia ngoại thành Hà Nội làm 5 khu: Lãng Bạc, Đại La, Đống Đa, Đề Thám, Mê Linh.
Từ ngày 2 đến ngày 12-5-1962: Quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với Lực lượng vũ trang Pathét Lào mở Chiến dịch Nậm Thà, đánh quân Phái hữu Lào tại khu vực Nậm Thà - Mường Sinh (Thượng Lào), nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng thị xã Nậm Thà và thị trấn Mường Sinh, phá vỡ thế uy hiếp Thượng Lào, cô lập địch ở Luông Phabăng, tạo thắng lợi quân sự quan trọng hỗ trợ cho Hội nghị hiệp thương ba phái ở Cánh Đồng Chum và Hội nghị Giơnevơ 1961-1962 về Lào, đưa cách mạng Lào tiến lên một bước mới. (Bách khoa Toàn thư Quân sự Việt Nam).
Từ ngày 2 đến 6-5-1965: Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam lần thứ nhất được tổ chức với sự tham dự của 150 chiến sĩ thi đua. Tại đại hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam đã quyết định tuyên dương 23 Anh hùng Quân giải phóng (nay là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân).
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn đại biểu anh hùng, chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc ngày 15-11-1965. Ảnh: Tư tiệu TTXVN |
Ngày 2-5-1982: Ngày mất của nhà văn Nguyên Hồng. Nguyên Hồng tên thật là Nguyễn Nguyên Hồng, sinh ngày 5-11-1918, quê ở Nam Định. Ông là tác giả của nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết mang đậm hơi thở cuộc sống lao động, đấu tranh ở những vùng, miền ông từng đặt chân đến. Ông được nhiều nhà văn lớp sau yêu mến và kính trọng bởi tài năng, nghị lực và tình yêu của ông đối với văn chương.
Ngày 2-5-1989: Ngày truyền thống Công ty Trực thăng miền Bắc (trực thuộc Binh đoàn 18 - Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, Bộ Quốc phòng).
Công ty Trực thăng miền Bắc (tiền thân là Công ty Bay dịch vụ miền Bắc) là doanh nghiệp quốc phòng-an ninh, được thành lập ngày 2-5-1989, thực hiện các nhiệm vụ bay đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế quốc dân và thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng được giao.
 |
Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày truyền thống Công ty Trực thăng miền Bắc (2-5-1989 / 2-5-2019) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Ảnh: Qdnd.vn |
Trong nhiều năm qua, cùng với hoàn thành tốt các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng như bay chuyên cơ, phòng chống thiên tai, tìm kiếm-cứu hộ cứu nạn, hiệp đồng diễn tập với các đơn vị quân đội… Công ty Trực thăng miền Bắc còn cung cấp dịch vụ trực thăng với các loại hình như bay du lịch, phục vụ thăm dò khai thác dầu khí, cấp cứu y tế, bay MIA (Chương trình tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh)…
Trải qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, Công ty Trực thăng miền Bắc đã khẳng định tốt vai trò của một doanh nghiệp quân đội, khi vừa thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự - quốc phòng, vừa sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Ngày 2-5-2007: Lễ đón dòng khí đầu tiên từ mỏ PM3 Việt Nam - Malaysia vào bờ tới Cụm công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau. Đây là một sự kiện đánh dấu một mốc quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế vùng cực Nam đất nước.
Sự kiện quốc tế
Ngày 2-5-1519: Danh họa toàn năng nổi tiếng thế giới người Ý, Leonardo da Vinci qua đời tại Pháp.
Ngày 2-5-1945: Hồng quân Liên Xô giải phóng Thủ đô Berlin, Đức.
 |
Xe tăng Hồng quân tiến vào trung tâm Berlin, năm 1945. Ảnh: RIA Novosti
|
Ngày 2-5-1981: Lần đầu tiên căn bệnh suy giảm miễn dịch gọi tắt là AIDS được báo động tại London, Anh.
Theo dấu chân Người
Báo cáo của mật thám Pháp cho biết, ngày 2-5-1920, Nguyễn Ái Quốc đến Bệnh viện Val de Grace ở Pari để thăm một người bạn bị phạt vì đã tham gia đình công nhân Ngày Quốc tế Lao động.
Ngày 2-5-1923, cũng báo cáo của mật thám cho biết, Nguyễn Ái Quốc nhận đơn của một người làm công ở Khách sạn Bretagne, quận 14, Paris xin được gia nhập Hội Liên hiệp thuộc địa. Hội này được thành lập từ tháng 7-1921, do Nguyễn Ái Quốc cùng một số nhân vật người các nước thuộc địa đang sống ở Pháp chủ trương, trong đó có hai tổ chức là “Hội những người Việt Nam yêu nước” và “Hội Đấu tranh cho quyền công dân” của người Madagascar. Chính hội này đã ra tờ Báo Le Paria (Người cùng khổ)...
Ngày 2-5-1925, từ Quảng Châu, với bí danh là “Howang T.S”, Nguyễn Ái Quốc viết báo cáo gửi Quốc tế Công hội Đỏ về ngày làm việc đầu tiên của Đại hội lần thứ I của nông dân tỉnh Quảng Đông và Đại hội lần thứ II của công nhân toàn Trung Quốc. Báo cáo tường thuật diễn biến của sự kiện và nêu bật một đặc thù là Chính phủ Quốc dân đảng ở Quảng Đông đang thực hiện chính sách “Liên Nga - dung Cộng - ủng hộ công nông” lại hậu thuẫn cho Công hội Đỏ và đã “thực hiện một mặt trận thống nhất giữa những người bị bóc lột ở các thành phố với những người bị bóc lột ở nông thôn, những người lãnh đạo đã triệu tập đồng thời vào một lúc hai đại hội họp ở cùng một địa điểm” .
Ngày 2-5-1967, tại thủ đô Stockholm, Thụy Điển, hai nhà trí thức lớn Jean Paul Sartre (nhà văn Pháp) và Bertrand Roussel (triết gia Anh) đã mở phiên đầu tiên của Toà án Quốc tế xử tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam. Nhân sự kiện này, Bác Hồ gửi điện bày tỏ: “Việc Toà án Quốc tế mở phiên chính thức đầu tiên, nhất là trong lúc Mỹ đang điên cuồng leo thang, đánh phá Cảng Hải Phòng và Thủ đô Hà Nội, có ý nghĩa rất lớn. Đó là một sự cổ vũ mạnh mẽ không những đối với nhân dân Việt Nam chúng tôi mà đối với tất cả các dân tộc đang đấu tranh cho độc lập dân tộc và hòa bình”.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2010)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt đối với đồng bào các dân tộc thiểu số. Tình cảm đó thể hiện qua việc Người luôn nhấn mạnh về công tác đoàn kết các dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào. Trong buổi nói chuyện với Đoàn đại biểu các dân tộc ít người về dự Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1-5 ở Thủ đô Hà Nội ngày 2-5-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:
“Đảng và Chính phủ lúc nào cũng chú ý đến đồng bào vùng cao và càng ngày càng hết sức chú ý giúp đỡ đồng bào nhiều hơn nữa”.
(Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011, tập 12, tr 199.)
Lời khẳng định của Bác thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Chính phủ trong thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, nhất là đoàn kết với đồng bào các dân tộc ít người và trách nhiệm của Đảng, Chính phủ đối với việc thực hiện chính sách đó, góp phần cải thiện và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào ở vùng cao.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Bắc. Ảnh tư liệu
|
 |
Bác Hồ thăm và chụp ảnh lưu niệm với một gia đình người Dao ở tỉnh Tuyên Quang trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Ảnh: Tư liệu TTXVN
|
Thực hiện lời dạy của Người, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân tộc với việc ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn đối với đồng bào vùng cao, vùng dân tộc ít người; trong đó: Chú trọng phát triển kinh tế phù hợp với đặc điểm, điều kiện cụ thể từng vùng, đảm bảo cho đồng bào các dân tộc phát huy thế mạnh của địa phương, làm giàu cho mình và cho xã hội; ưu tiên phát triển giáo dục, coi trọng việc đào tạo cán bộ và đội ngũ trí thức người dân tộc thiểu số; tôn trọng và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của từng dân tộc…
 |
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt Đoàn đại biểu già làng, trưởng bản, nghệ nhân người dân tộc thiểu số tiêu biểu, ngày 19-4-2022. Ảnh: Toquoc.vn |
Học tập và làm theo lời Bác dạy, quân đội thường xuyên quan tâm làm tốt công tác đào tạo, tuyển dụng con em các đồng bào dân tộc ít người với việc mở các lớp đào tạo thiếu sinh quân, tạo điều kiện thuận lợi cho con em đồng bào học tập và công tác trong quân đội. Các đơn vị có bộ đội với nhiều dân tộc khác nhau, luôn lãnh đạo tốt việc xây dựng mối đoàn kết, gắn bó giữa cán bộ, chiến sĩ người kinh với người dân tộc; làm tốt công tác phân loại đối tượng huấn luyện, giáo dục để nâng cao chất lượng huấn luyện đối với bộ đội là con em dân tộc ít người.
Đặc biệt, thực hiện chức năng đội quân công tác, các đơn vị quân đội luôn chủ động phối hợp tốt với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương vùng cao, vùng sâu, vùng xa làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia triển khai các chương trình, dự án xây dựng đơn vị kinh tế quốc phòng, gắn với phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; đẩy mạnh Phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, Cuộc vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, Chương trình “Nâng bước em tới trường”, “Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản”… góp phần xóa đói, giảm nghèo, chăm sóc sức khoẻ, nâng cao đời sống cho đồng bào, củng cố, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, thế trận quốc phòng toàn dân, góp phần quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, thực hiện điều mong muốn của Người “đưa miền núi tiến kịp miền xuôi”.
 |
Quân đội thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng trong tình hình mới. |
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 2-5-1959 đã đăng bài nói chuyện của Hồ Chủ tịch trong cuộc mít tinh kỷ niệm Ngày 1-5 tại Quảng trường Ba Đình. Trong đó, Người thay mặt Đảng và Chính phủ thân ái chào mừng nhân dân lao động cả nước và thế giới. Người kêu gọi toàn dân Việt Nam thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết nhất trí với các nước xã hội chủ nghĩa, phát triển hơn nữa tình hữu nghị với các nước Á - Phi và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới; tăng cường đoàn kết trong Mặt trận dân tộc thống nhất, ra sức thi đua yêu nước để hoàn thành Kế hoạch Nhà nước năm 1959.
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 2-5-1968 đăng trang trọng bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước dự Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động 1-5 tại Hà Nội.
 |
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 2-5-1959 và 2-5-1968. |
KIM GIANG (tổng hợp)